Nếu được cấp phép khẩn cấp, vaccine Nanocovax có thể dùng để tiêm mũi bổ sung, mũi nhắc lại hoặc sử dụng cho trẻ em vì tính an toàn và hiệu quả cao.
Xem xét hỗ trợ cấp giấy đăng ký lưu hành vaccine Nanocovax
Theo đó, trong văn bản 1685/VPCP-KGVX ký ngày 18/3/2022, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ Y tế khẩn trương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ theo văn bản số 1027/VPCP-KGVX ngày 17/2/2022 của Văn phòng Chính phủ và các văn bản khác có liên quan; đồng thời tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp trong mọi trường hợp theo quy định của pháp luật.
Vaccine Nanocovax của Nanogen được tổ chức triển khai nghiên cứu vào tháng 5/2020, thời điểm ngay khi đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát mạnh tại nhiều nơi trên thế giới.
Đây là vaccine hoàn toàn mới, được sản xuất theo công nghệ protein tái tổ hợp. Các chuyên gia của Nanogen đã dành nhiều thời gian để lựa chọn đoạn gene, đoạn protein nhằm thiết kế ra đoạn gene phù hợp với những biến chủng Covid-19 đang lưu hành ở Việt Nam, từ đó sản xuất ra vaccine ngừa Covid-19.
Trước khi thử nghiệm giai đoạn 3, Nanocovax đã trải qua 2 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Trong đó, giai đoạn 1 bắt đầu từ ngày 18/12/2020, giai đoạn 2 từ ngày 26/2/2021 và giai đoạn 3 từ ngày 11/6/2021.
Ở giai đoạn thử nghiệm 3, việc tiêm vaccine Nanocovax nhằm mục tiêu đánh giá hiệu lực bảo vệ của vaccine đối với cộng đồng. Giai đoạn này được thực hiện tại nhiều trung tâm trên cả nước với sự tham gia của 13.000 tình nguyện viên; chỉ tiêm liều duy nhất 25 mcg cùng với nhóm tiêm giả dược đối chứng.
Nanogen – công ty công nghệ cao trong lĩnh vực dược – công nghệ sinh học
Công ty Nanogen do vợ chồng TS. Hồ Nhân thành lập năm 2005. Đến năm 2014, đơn vị được Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận là doanh nghiệp công nghệ cao.
Các nhà khoa học của nhóm nghiên cứu vaccine Nanocovax là những người còn trẻ, được đào tạo ở nước ngoài hoặc các trường đại học trong nước, sau đó nghiên cứu dược - công nghệ sinh học ở các nước Anh, Mỹ, Đức, Canada...
Các chuyên gia của Nanogen đã đăng ký thành công nhiều bằng phát minh, sáng chế trong lĩnh vực công nghệ sinh học ở Mỹ.
Khi dịch Covid-19 bùng phát, Nanogen đã bắt đầu nghiên cứu sản xuất kháng thể đơn dòng dùng trong điều trị bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2.
Nhóm nghiên cứu của Nanogen đã nghiên cứu và sản xuất thành công chế phẩm kháng thể kháng SARS-CoV-2 này. Từ tháng 2/2020, nhóm tiếp tục nghiên cứu sản xuất vaccine, thuốc điều trị Covid-19.
Ngày 15/5/2020, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã ký Quyết định số 1256/QĐ-BKHCN chính thức đặt hàng Nanogen sản xuất vaccine phòng Covid-19.
Thế mạnh về công nghệ protein tái tổ hợp
Để tạo ra protein kháng nguyên bên trong cơ thể, người ta sử dụng 2 công nghệ chính là công nghệ virus vector và công nghệ mRNA. Trên thế giới, công nghệ virus vector được dùng để sản xuất vaccine của AstraZeneca và công nghệ mRNA được dùng để cho ra vaccine của Pfizer, Moderna.
Trường hợp để tạo ra protein kháng nguyên ở bên ngoài cơ thể, các nhà khoa học sử dụng công nghệ virus bất hoạt. Đây là công nghệ được áp dụng cho vaccine của hãng Sinopharm, Trung Quốc.
Ngoài ra, có một công nghệ khác mới mẻ hơn là công nghệ protein tái tổ hợp. Công nghệ này sử dụng tế bào chủ được chuyển gene mã hóa protein kháng nguyên. Khi nuôi cấy tế bào được chuyển gene, tế bào sẽ sản sinh ra protein kháng nguyên.
Công nghệ này được áp dụng cho vaccine Nanocovax bằng cách sử dụng tế bào CHO (tế bào buồng trứng chuột hamster), nhằm bảo đảm sự ổn định các lô sản xuất và tối ưu quá trình đường hóa của protein tái tổ hợp. TS. Đỗ Minh Sĩ, chuyên gia của Nanogen, cho biết quá trình này là rất quan trọng trong đáp ứng miễn dịch của vaccine.
Đây cũng là công nghệ được ứng dụng để sản xuất vaccine Novavax của Mỹ, chỉ khác là nuôi cấy protein S của SARS-CoV-2 trên tế bào côn trùng Sf9. Vaccine này đã được cấp phép khẩn cấp ở Indonesia.
Công nghệ protein tái tổ hợp cho sản phẩm an toàn, với giá thành rẻ hơn, có thể bảo quản ở nhiệt độ từ 2-8 độ C nên thuận lợi cho việc vận chuyển, bảo quản, tổ chức tiêm chủng.
Nanogen chia sẻ, bí quyết nằm ở chỗ cần tạo ra một phiên bản protein, sao cho giống protein thật của virus, đồng thời cũng phải tương đối ổn định và bền vững trong quá trình sản xuất, bảo quản, vận chuyển và tiêm vào cơ thể. Điều này phụ thuộc nhiều vào kinh nghiệm nuôi cấy trên các loại tế bào nhất định và việc lựa chọn chất bổ trợ.
“Mới làm vaccine từ ban đầu, bọn tôi hoàn toàn không dám mạo hiểm, chỉ dám chọn loại nào an toàn nhất. Công nghệ này đã dùng trong sản xuất thuốc sinh học và thực tế cho thấy rất hiệu quả, an toàn trong suốt gần 20 năm qua”, TS. Đỗ Minh Sĩ cho biết.
Bảo vệ khỏi tử vong lên đến 100%
Trong báo cáo mới nhất gửi Hội đồng đạo đức, Hội đồng tư vấn, Bộ Y tế, vaccine Nanocovax đảm bảo đáp ứng các yêu cầu theo quyết định 5259/QĐ-BYT về cấp phép khẩn cấp vaccine.
Tại thời điểm cắt dữ liệu phân tích ngày 13/12/2021, hiệu lực bảo vệ nhiễm bệnh có triệu chứng của vaccine Nanocovax (tính chung cả giai đoạn 2 và giai đoạn 3) đạt 57,04% với khoảng tin cậy 95%.
Hiệu lực bảo vệ diễn tiến nặng của Nanocovax (cộng gộp giai đoạn 2 và giai đoạn 3) đạt 91,7%. Hiệu lực bảo vệ khỏi tử vong (cộng gộp giai đoạn 2 và giai đoạn 3) đạt 100%.
Như vậy, hiệu quả bảo vệ của vaccine Nanocovax không thua kém các vaccine khác đã được cấp phép. Trên thực tế, việc tiêm chủng các loại vaccine phòng, chống dịch Covid-19 hiện đều nhằm bảo vệ khỏi nhập viện, bệnh nặng và tử vong.
Hội đồng Đạo đức đã đồng ý gửi Hội đồng Tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc xem xét đề nghị Bộ Y tế cấp phép khẩn cấp cho vaccine Nanocovax.
Nếu được cấp phép khẩn cấp, vaccine Nanocovax có thể dùng để tiêm mũi vaccine bổ sung, mũi nhắc lại hoặc dùng cho trẻ em vì tính an toàn, hiệu quả cao.
Bên cạnh vaccine Nanocovax, Nanogen còn thử nghiệm loại vaccine phòng Covid-19 dạng xịt mũi và kháng thể đơn dòng chống Covid-19 dành cho người nghi ngờ tiếp xúc với F0 hoặc bị nhiễm Covid-19, vaccine thế hệ mới không cần tiêm, thấm qua da.
Theo TS. Đỗ Minh Sĩ, 2 loại chế phẩm này có thể dùng cho mọi lứa tuổi, với độ an toàn tuyệt đối, hiệu quả với các biến chủng virus.