Cuộc đàm phán giữa Bắc Kinh và Riyadh về việc sử dụng đồng nhân dân tệ trong các giao dịch dầu mỏ đang diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa vương quốc này và Hoa Kỳ có phần nguội lạnh.
Theo tờ Wall Street trích dẫn các nguồn tin riêng, lần đầu tiên Thái tử Mohammed bin Salman al-Saud đã nói về sự cần thiết phải chuyển sang đồng nhân dân tệ trong các giao dịch xuất khẩu dầu sang Trung Quốc ngay trước chuyến thăm đầu tiên của ông tới Trung Quốc vào năm 2016. Kể từ đó, Bắc Kinh và Riyadh đã tích cực phát triển hợp tác thương mại, kinh tế và đầu tư. Trung Quốc mua hơn 1/4 lượng dầu Saudi Arabia xuất khẩu, khoảng 1,76 triệu thùng mỗi ngày. Do đó, ngay cả khi các hợp đồng cung cấp dầu cho các nước khác được tính bằng đô la, nếu Riyadh chuyển sang thanh toán bằng đồng nhân dân tệ với Bắc Kinh thì điều này sẽ tạo ra một thị trường khổng lồ cho đồng tiền Trung Quốc và sẽ góp phần quốc tế hóa NDT.
Trật tự kinh tế quốc tế hiện tại, trong đó mô hình petrodollar, tức là bán dầu bằng USD ảnh hưởng đến vị thế của đồng USD là đồng tiền dự trữ quốc tế, đã được thiết lập chủ yếu nhờ vào thỏa thuận của Mỹ với Saudi Arabia. Năm 1971, Tổng thống Mỹ Richard Nixon đã hứa sẽ cung cấp cho Saudi Arabia bất kỳ vũ khí nào mà nước này cần để phòng thủ chống lại Israel hoặc bất kỳ quốc gia nào khác ở Trung Đông, và đảm bảo duy trì quyền lực của gia tộc Saudi Arabia vô thời hạn. Đáp lại, Saudi Arabia đồng ý bán toàn bộ sản lượng dầu của mình chỉ lấy đô la Mỹ và đầu tư số tiền thu được từ việc bán dầu vào trái phiếu kho bạc Mỹ. Theo sau Saudi Arabia, các thành viên OPEC khác cũng đồng ý bán dầu của họ lấy đô la Mỹ. Vì tất cả các nước đều có nhu cầu tiêu thụ dầu, nên mọi người đều có nhu cầu USD để thanh toán các giao dịch dầu mỏ. Mô hình petrodollar đã tạo ra một nhu cầu không giới hạn về đồng tiền Mỹ và đã giúp đồng USD giữ vị trí thống trị trong nền kinh tế thế giới.
Saudi Arabia vẫn thực hiện đầy đủ các cam kết của mình
Tuy nhiên, nếu nói về phía Mỹ, Riyadh nhận thấy những sai lệch nghiêm trọng so với các quy tắc trong trò chơi đã được thống nhất hơn 50 năm trước. Hoa Kỳ không ủng hộ Saudi Arabia trong chiến dịch quân sự của Liên quân Arab do Saudi Arabia đứng đầu ở Yemen. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken chỉ đưa ra lời kêu gọi tất cả các bên tham gia xung đột ngồi vào bàn đàm phán càng sớm càng tốt. Riyadh cũng lo ngại về một thỏa thuận tiềm năng giữa Mỹ và Iran về chương trình hạt nhân của Iran. Đừng quên rằng, vào năm 2018, Saudi Arabia đã hết sức hoan nghênh việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, vì Riyadh quan tâm đến việc gây áp lực tối đa lên đối thủ địa chính trị của họ trong khu vực. Ngoài ra, Saudi Arabia vẫn cảm thấy bị xúc phạm vì Mỹ đã từ chối hỗ trợ nước này sau các vụ tấn công bằng máy bay không người lái của Iran vào cơ sở dầu hỏa chính của nước này. Cuối cùng, lời lẽ hung hăng của Tổng thống Mỹ Joe Biden chống lại Saudi Arabia liên quan đến vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi không giúp củng cố mối quan hệ song phương giữa Washington và Riyadh.
Đồng thời, các động lực kinh tế để duy trì sự phụ thuộc vào Hoa Kỳ và đồng USD ngày càng ít đi. Mỹ hiện mua ít hơn 500.000 thùng/ngày từ Riyadh. Trong khi đó, Hoa Kỳ đang tăng cường xuất khẩu dầu trên toàn thế giới, do đó trở thành đối thủ cạnh tranh với Saudi Arabia. Chuyên gia Huang Weiping, Giáo sư tại Viện Kinh tế của Đại học Nhân dân Trung Quốc, nói với Sputnik rằng, quyết định đa dạng hóa đồng tiền thanh toán cho dầu là do cân nhắc về an ninh kinh tế.
Nếu cán cân thương mại giữa Saudi Arabia và Trung Quốc bằng số 0, việc chuyển đổi sang nhân dân tệ sẽ gặp ít rào cản hơn nhiều. Nhưng, trong 5 năm qua, Saudi Arabia đã xuất khẩu sang Trung Quốc các sản phẩm trị giá 44 tỷ USD, và nhập khẩu từ Trung Quốc các sản phẩm trị giá 22 tỷ USD. Do đó, nếu Saudi Arabia chuyển sang thanh toán bằng đồng nhân dân tệ trong giao dịch ngoại thương với Trung Quốc, câu hỏi đặt ra là phải làm gì với khoản tiền lớn - đồng nhân dân tệ với giá 20 tỷ đô la mỗi năm. Trước hết, Saudi Arabia có thể thanh toán cho các nhà đầu tư Trung Quốc. Bắc Kinh đầu tư vào Saudi Arabia khoảng 400 triệu USD/năm. Trong những điều kiện thuận lợi, các khoản đầu tư có thể sớm tăng đến 1 tỷ USD/năm. Như vậy, cả nhà đầu tư Trung Quốc và Saudi Arabia sẽ tránh được rủi ro tiền tệ trong hợp tác đầu tư. Ngoài ra, Riyadh ngày càng nhận thức rõ rằng, việc giữ toàn bộ số tiền thu được từ dầu mỏ trong trái phiếu kho bạc Mỹ giống như việc giao cho Mỹ 1 chìa khóa duy nhất của tủ sắt đựng tiền. Kinh nghiệm của Nga cho thấy rằng, Hoa Kỳ có thể sử dụng đòn bẩy kinh tế để gây sức ép vì bất kỳ lý do chính trị nào, dựa vào quyền bá chủ của đồng đô la để theo đuổi lợi ích của mình. Nhiều quốc gia, bao gồm cả Nga, đang chuyển đổi ít nhất một số dự trữ của họ thành các loại tiền tệ thay thế. Trong giỏ ngoại tệ của Nga, đồng nhân dân tệ chiếm 14%. Saudi Arabia cũng có thể làm theo cách này.
Việc quy đổi các giao dịch dầu mỏ bằng đồng nhân dân tệ có lợi cho Trung Quốc
Tất nhiên, thị trường năng lượng thế giới phải được điều tiết. Các điều khoản tham chiếu trong hợp đồng dầu thô được phát minh ra nhằm mục đích tạo ra các điểm chuẩn dễ hiểu cho tất cả các quốc gia và nền kinh tế, đồng thời thể hiện xu hướng thị trường. Tuy nhiên, việc thanh toán chỉ bằng USD tạo ra những rủi ro biến động nhất định. Chuyên gia giải thích, nếu các hợp đồng dầu thô được định giá bằng đồng nhân dân tệ tham gia nhiều hơn vào việc hình thành giá thế giới thì Trung Quốc sẽ có khả năng đảm bảo sự ổn định lớn hơn trong nguồn cung năng lượng.
Tuy nhiên, một số nhà kinh tế học cảnh báo rằng, việc chuyển đổi sang thanh toán dầu bằng đồng nhân dân tệ có thể làm rung chuyển nền kinh tế Saudi Arabia và làm giảm giá trị của đồng riyal Saudi hiện nay cố định ở tỷ giá 1 USD = 3,75 riyal. Mặt khác, với giá dầu cao và dự kiến sẽ ở mức cao trong ngắn hạn, Saudi Arabia vẫn sẽ được hưởng lợi từ việc đa dạng hóa thu nhập ngoại hối. Việc Hoa Kỳ rút khỏi Afghanistan và sau đó chuyển sự chú ý sang Nga và khu vực châu Á khiến vị thế của Mỹ ở Trung Đông bị suy yếu. Riyadh có thể phản ứng như thế nào nếu Tổng thống Mỹ Biden trong chiến dịch tranh cử của mình đã hứa biến Saudi Arabia trở thành một quốc gia bị coi là bị ruồng bỏ trong cộng đồng quốc tế? Đương nhiên, trong những điều kiện như vậy, Saudi Arabia sẽ hướng về phía đối tác thương mại quan trọng nhất của họ - Trung Quốc. Nhân đây, Saudi Arabia đã mời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm nước này ngay sau khi kết thúc tháng ăn chay Ramadan của người Hồi giáo. Nếu nhà lãnh đạo Trung Quốc chấp nhận lời mời, đây sẽ là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của ông kể từ khi bắt đầu đại dịch COVID-19.