Trung Quốc ‘hắt hơi’, nhiều ngành kinh tế của Việt Nam cũng ‘sổ mũi’?

Việt Nam bị ảnh hưởng như thế nào khi Trung Quốc liên tục phong tỏa nhiều thành phố do dịch Covid-19 bùng phát mạnh nhất kể từ khi xuất hiện dịch viêm phổi Vũ Hán?
Sputnik
Trung Quốc hiện là thị trường nhập khẩu lớn nhất, đồng thời là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Việc Trung Quốc áp dụng biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt tại các thành phố lớn sẽ tác động xấu đến xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Theo các chuyên gia, khi các quốc gia trên thế giới phải vật lộn với dịch bệnh, chiến lược “Zero Covid” đã phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, nếu đại dịch vẫn tiếp tục bùng lên mạnh mẽ hơn, thì việc các nhà máy phải đóng cửa sẽ khiến cho không chỉ nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại mà còn tác động không nhỏ đến toàn bộ nền kinh tế thế giới.

Phong tỏa nhiều thành phố

Trước tình hình xung đột chính trị giữa Nga và Ukraina, vấn đề dịch bệnh tại Trung Quốc càng thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế.
Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với làn sóng dịch Covid-19 được đánh giá là dữ dội nhất kể từ lần bùng phát đầu tiên tại Vũ Hán cuối năm 2019-đầu năm 2020.
Kể từ khi chính quyền Trung Quốc của Chủ tịch Tập Cận Bình áp dụng chiến lược “Zero Covid” (hay sau này là “Zero Covid năng động”) cho đến nay, nước này đang chứng kiến đợt bùng phát dịch nghiêm trọng nhất tại nhiều thành phố trên cả nước. Điều này đã buộc chính quyền các địa phương phải đặt ra nhiều biện pháp phong tỏa, cách ly nghiêm ngặt hơn bao giờ hết.
Trung Quốc vẫn kiên quyết ‘Zero COVID’: Hàng hóa Việt Nam tại cửa khẩu đành ‘nằm im’
Trong số những thành phố chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, có nhiều nơi giữ vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế của Trung Quốc. Những biện pháp phòng dịch khắt khe đã đe dọa làm gián đoạn sản xuất và thương mại của nước này cũng như trên toàn cầu.
Theo AFP, 2 địa phương chịu ảnh hưởng nặng nhất là tỉnh Quảng Đông và tỉnh Cát Lâm. Đây là 2 địa phương có 2 thành phố lớn là Thâm Quyến (thành phố cảng lớn) và Trường Xuân (thủ phủ Cát Lâm – trung tâm công nghiệp nằm ở phía Đông Bắc). Đáng nói, cả hai đều là những trung tâm sản xuất của nhiều doanh nghiệp đa quốc gia hàng đầu thế giới. Trong khi đó, thành phố cảng Thanh Đảo (tỉnh Sơn Đông) cũng đã áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại không cần thiết.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu tại Thâm Quyến là máy móc và tiêu dùng điện tử (chiếm 85% tổng giá trị xuất khẩu 2021). Đây cũng là nơi đặt nhà máy sản xuất của nhiều công ty lớn như Foxconn (đơn vị sản xuất cho Apple), Tencent, Huawei, BYD (hãng sản xuất xe điện hàng đầu của Trung Quốc)…
Các biện pháp hạn chế đã ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là với những sản phẩm công nghệ.
Khi các quốc gia trên thế giới phải vật lộn với dịch bệnh, chiến lược “Zero Covid” đã giúp nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng. Tuy nhiên nếu các biện pháp kiểm soát không đạt hiệu quả cần thiết, khiến dịch bùng lên mạnh mẽ hơn, thì việc các nhà máy phải đóng cửa sẽ khiến cho không chỉ nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại mà còn tác động không nhỏ đến toàn bộ nền kinh tế thế giới. Điều này càng trầm trọng hơn trong giai đoạn nhạy cảm khi căng thẳng giữa Nga và Ukraina vẫn chưa kết thúc.

Sự phụ thuộc của xuất nhập khẩu Việt Nam vào Trung Quốc

Với Việt Nam, Trung Quốc hiện là thị trường nhập khẩu lớn nhất, đồng thời là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Trong năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 166 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 24,81% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Các mặt hàng nhập khẩu chính từ Trung Quốc là máy móc, thiệt bị, dụng cụ, phụ tùng khác; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện. Ngoài ra một số ngành khác chiếm tỷ trọng nhỏ hơn gồm những sản phẩm liên quan đến ngành dệt may, sắt thép, hóa chất, phân bón,…
Trung Quốc có đang ép Việt Nam quá đáng bằng chính sách Zero Covid của mình?
Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Trung Quốc bao gồm điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính và linh kiện. Một số ngành khác chiếm tỷ trọng thấp hơn có thể kể đến như: nguyên liệu đầu vào và các sản phẩm dệt may, sắt thép các loại, thủy hải sản, các sản phẩm hóa chất…
Theo Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 109,62 tỷ USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó xuất khẩu tăng 11,7%; nhập khẩu tăng 16,7%.
Trong 2 tháng đầu năm 2022, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 18,3 tỷ USD. Trung Quốc cũng là thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam với 10,5 tỷ USD, tăng 39,4% so với cùng kỳ năm 2021.
Qua đó, có thể thấy, việc Trung Quốc áp dụng biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt tại các thành phố lớn sẽ tác động xấu đến xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Ngành nào thiệt hại và ngành nào được lợi?

Thời báo Kinh tế Việt Nam dẫn phân tích của Chứng khoán BSC cho thấy, chiến lược “Zero Covid” tại Trung Quốc sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến ngành thủy sản tại Việt Nam do nhu cầu tiêu thụ thủy sản giảm đột ngột.
Cụ thể, lượng thủy sản tiêu thụ qua kênh nhà hàng, trường học, khách sạn chiếm khoảng 50 - 60% tổng sản lượng tiêu thụ. Vì thế, khi các kênh này đóng cửa sẽ dẫn đến việc giảm nhu cầu nhập khẩu cá tra và tôm từ Việt Nam.
Nguyên nhân nào khiến nông sản lại ‘án binh bất động’ ở cửa khẩu Lạng Sơn?
Các biện pháp phong tỏa của Trung Quốc cũng được cho là sẽ làm hạn chế hoạt động giao thương với Việt Nam, từ đó làm sụt giảm sản lượng hàng hóa lưu thông qua cảng Việt Nam, đặc biệt là với nhóm doanh nghiệp cảng miền Bắc do lượng hàng qua các cảng này chủ yếu đi Trung Quốc thay vì đi Mỹ, Châu Âu như ở miền Nam. Do đó, các doanh nghiệp như GMD, VSC, PHP sẽ chịu thiệt hại không nhỏ.
Theo BSC, việc Trung Quốc phong tỏa sẽ ảnh hưởng đan xen đến ngành dệt may Việt Nam. Nếu nước này mở rộng phong tỏa toàn bộ tỉnh Quảng Đông, quy trình sản xuất dệt may tại Việt Nam sẽ bị tác động khi nguồn cung nguyên liệu đầu vào bị đứt gãy. Dù vậy, BSC cũng kỳ vọng một số đơn hàng dệt may sẽ dịch chuyển sang các nước lân cận (trong đó có Việt Nam).
Ngoài ra, chiến lược "Zero Covid" cũng có thể tác động đến ngành thép trong ngắn hạn nhưng không lớn, theo BSC.
Trong năm 2021, Việt Nam xuất khẩu 1,66 tỷ USD thép vào Trung Quốc, chủ yếu là phôi thép và thép xây dựng. Trong ngắn hạn, các nhà máy tại Trung Quốc vẫn sản xuất, nhưng tồn kho sẽ gia tăng, khiến nhu cầu nhập khẩu thép giảm. Các doanh nghiệp bị ảnh hưởng phần lớn là các doanh nghiệp xuất khẩu phôi thép và thép xây dựng, nhưng nhờ đa dạng thị trường xuất khẩu nên tác động với từng doanh nghiệp không quá mạnh.
Khu vực cửa khẩu Móng Cái chỉ còn 25 xe hàng hoa quả và khoảng 500 xe hàng hải sản đông lạnh
Về lâu dài, do nhu cầu tiêu thụ tại Trung Quốc chậm lại, giá thép có thể giảm. Dư địa thị phần là có nhưng còn tương đối hạn chế. Kể từ khi Bắc Kinh quyết định cắt giảm công suất tại các nhà máy công nghệ lạc hậu cũng như do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhu cầu nhập khẩu thép đã tăng mạnh để bù đắp lượng thiếu hụt.
Nước này cũng xuất khẩu các sản phẩm thép có giá trị gia tăng cao, dùng trong công nghiệp sản xuất ô tô, thiết bị gia dụng. Lượng xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam ở phân khúc này không nhiều.
Như vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu thép thậm chí có thể hưởng lợi nhờ việc cắt giảm công suất của Trung Quốc nhiều hơn ảnh hưởng của việc phong tỏa.
Do đợt phong tỏa này có thể không kéo dài, cũng như vì nhu cầu tiêu thụ thép của Trung Quốc sẽ cao trong năm nay do Chính phủ Trung Quốc khuyến khích đầu tư cơ sở hạ tầng, BSC vẫn tiếp tục lạc quan về triển vọng xuất khẩu thép sang Trung Quốc trong năm nay.
Cán bộ ‘bán lốt’ tại Lạng Sơn có thể bị tử hình, Quảng Ninh dừng tiếp nhận một số mặt hàng từ 17/1
Về phân bón, Trung Quốc vẫn duy trì chính sách hạn chế xuất khẩu phân bón, khiến tình trạng thiếu hụt nguồn cung các loại phân bón đặc biệt là Kali và DAP nghiêm trọng thêm, cũng như làm giá các loại phân bón tiếp tục neo ở mức cao.
Ở Việt Nam, một số loại phân bón sản xuất trong nước cũng đang tăng giá mạnh. Có thể Chính phủ sẽ ban hành những biện pháp tạm dừng xuất khẩu, nhằm ưu tiên cho hoạt động sản xuất trong nước và giúp bình ổn giá.
Theo nhận định của BSC, giá phân bón cao sẽ là yếu tố tích cực với ngành phân bón, nhưng dư địa tăng trưởng đối với các cổ phiếu ngành này là không nhiều, do mức nền cao của năm ngoái, cũng như các chính sách về hạn chế xuất khẩu có thể được đưa ra trong thời gian tới.
Đối với ngành vận tải biển, Trung Quốc hiện có vai trò quan trọng trong giao thương quốc tế, là nước xuất khẩu lớn nhất và nhập khẩu lớn thứ 2 toàn thế giới.
Do đó, các hoạt động sản xuất bị hạn chế và công suất hoạt động hệ thống cảng của Trung Quốc giảm sẽ dẫn tới việc kéo dài sự đứt gãy của chuỗi logistics toàn cầu. Việc hệ thống cảng tắc nghẽn và thời gian chờ cập bến kéo dài sẽ làm gia tăng cước phí vận tải toàn cầu, qua đó ảnh hưởng tích cực đến ngành vận tải biển Việt Nam.
Thảo luận