Đoàn kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có buổi làm việc với tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận và Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Bình Thuận.
Kỷ luật 14 quan lớn Bình Thuận?
Ngày 24/3, đại diện Đoàn kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có buổi làm việc tại Bình Thuận.
Mục đích buổi làm việc nhằm tiến hành công bố các kết luận của Ủy ban Kiểm tra T.Ư (đoàn kiểm tra số 189) về kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu sai phạm đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận và một số cán bộ lãnh đạo chủ chốt thuộc Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Thuận trong hai nhiệm kỳ 2010 - 2015 và 2015 - 2020.
Tuy nhiên, việc công bố kết luận các sai phạm đối với từng cán bộ thuộc Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Thuận phải được hoàn thiện bằng một quy trình theo quy định do Ủy ban Kiểm tra Trung ương công bố.
Do đó, theo nguồn tin của báo chí trong nước (như Tiền Phong, Thanh Niên), kết luận kiểm tra của đoàn công tác kiến nghị Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Bí thư kỷ luật 14 cán bộ cấp cao của tỉnh Bình Thuận, trong đó có các nguyên lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo tỉnh đương nhiệm.
Vi phạm ‘gây bức xúc’
Như Sputnik thông tin trước đó, từ ngày 2-4/3, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp Kỳ thứ 12 do Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú chủ trì.
Tại Kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2015-2020.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và Quy chế làm việc.
Lãnh đạo tỉnh này đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để Ban cán sự đảng UBND tỉnh, UBND tỉnh và nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong quản lý, sử dụng đất, thực hiện một số dự án; một số cán bộ, đảng viên trong đó có cả lãnh đạo chủ chốt của tỉnh bị khởi tố, bắt tạm giam.
“Những vi phạm nêu trên đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, thiệt hại lớn tiền và tài sản của Nhà nước, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp ủy, chính quyền địa phương, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật”, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhấn mạnh.
Cũng theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, liên quan đến những vi phạm nêu trên có trách nhiệm của Ban cán sự đảng và một số cán bộ, lãnh đạo Bộ Xây dựng, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, cần được xem xét xử lý trách nhiệm.
Sai phạm dự án bất động sản
Hôm 10/2, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an đã ban hành quyết định khởi tố vụ án, quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với 5 bị can gồm loạt cựu lãnh đạo tỉnh Bình Thuận.
Trong đó có ông Nguyễn Ngọc Hai (sinh năm 1962 ở Phan Thiết, Bình Thuận), nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, Lương Văn Hải (sinh năm 1960) nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, Hồ Lâm (sinh năm 1960), nguyên Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận.
Ngoài ra còn có các bị can Lê Nguyễn Thanh Danh (sinh năm 1980), nguyên Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận; Ngô Hiếu Toàn (sinh năm 1977), nguyên Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bình Thuận.
Theo thông báo của Công an Bình Thuận, cả 5 bị can đều bị khởi tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, quy định tại khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015, xảy ra tại dự án Khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2 (3 lô đất số 18,19,20), thuộc quỹ đất hai bên đường 706B (nay là đường Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Thông) phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.