Công an Việt Nam ngăn chặn ‘fan chính nghĩa’ kêu gọi biểu tình vụ bà Nguyễn Phương Hằng

Lê Văn Phụng, TikToker có hành vi kêu gọi “fan chính nghĩa” tham gia biểu tình ở khu du lịch Đại Nam liên quan vụ bà Nguyễn Phương Hằng, đã bị Công an TP.HCM phối hợp Công an Bình Dương mời lên làm việc.
Sputnik
Sự việc bà Nguyễn Phương Hằng bị bắt giam là bài học đắt giá cho bất cứ ai “tự ảo tưởng sức mạnh của bản thân”, cố tình livestream, vu khống, xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác.

Kêu gọi 'fan chính nghĩa biểu tình' tại khu du lịch Đại Nam

Ngày 26/3, Công an TP.HCM đã phối hợp Công an tỉnh Bình Dương tiến hành mời Lê Văn Phụng (32 tuổi, ngụ phường Tân Hiệpm thị xã Tân Uyên, Bình Dương) lên làm việc.
Nguyên nhân là do hành vi kêu gọi "fan chính nghĩa" tụ tập biểu tình tại khu du lịch Đại Nam của vợ chồng bà Nguyễn Phương Hằng – ông Huỳnh Uy Dũng.
Phụng là người sở hữu tài khoản mạng xã hội TikTok “TikTok@phunguniexport”.
Trước đó, Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP.HCM đã phát hiện Phụng có hành vi sử dụng tài khoản mạng xã hội TikTok đăng video có nội dung kêu gọi 7h ngày 27/3 (Chủ nhật) biểu tình tại khu du lịch Đại Nam, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.
Tại buổi làm việc với Công an, đối tượng Lê Văn Phụng đã thừa nhận hành vi của bản thân là vi phạm pháp luật, mục đích đăng tải kêu gọi biểu tình là nhằm để “câu view”, tạo tương tác cho tài khoản mạng xã hội của mình tăng like, tăng theo dõi.

“Qua buổi làm việc, Lê Văn Phụng đã thấy được việc làm của mình là sai trái và đã gở bỏ video trên, cam kết không tái phạm”, - Công an tỉnh Bình Dương cho biết.

Hiện Công an TP.HCM tiếp tục phối hợp Công an tỉnh Bình Dương làm việc và xử lý Phụng theo quy định pháp luật.
Bà Nguyễn Phương Hằng bị bắt: những người đứng sau khó thoát tội?

Bài học đắt giá từ vụ bà Nguyễn Phương Hằng

Cùng với đó, Công an TP.HCM tiếp tục đưa ra khuyến cáo người dân không tin, làm theo các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng.
Công an cũng đề nghị người dân cần kịp thời trình báo cơ quan chức năng những cá nhân, tổ chức lợi dụng tình hình liên quan vụ án Nguyễn Phương Hằng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Pháp luật Việt Nam quy định quyền nhân thân rõ trong Bộ luật Dân sự, mọi hành vi vi phạm, tuỳ mức độ đều có các chế tài tương ứng.
Cơ quan chức năng đã không ít lần nhấn mạnh rằng, dù là bất cứ ai, đừng tự cho mình quyền tự do ngôn luận để xâm phạm, miệt thị người khác trước đông đảo cộng đồng mạng bởi làm việc gì cũng phải theo đúng chuẩn mực, tuân thủ pháp luật.
Vụ việc bà Nguyễn Phương Hằng cũng là bài học đắt giá cho bất cứ ai - đừng coi nhẹ yếu tố đạo đức bởi phải đặt mình vào hoàn cảnh người khác, phải tự hỏi rằng giả sử mình hay người thân bị người khác tố cáo như vậy trên mạng xã hội thì sẽ hậu quả, hệ lụy, ảnh hưởng sẽ như thế nào.
Như đã thông tin, trước cơn sốt livestream có nội dung tiêu cực trên mạng xã hội, năm 2021, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác quản lý, xử lý các vi phạm.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, thời gian gần đây xuất hiện hiện tượng một số người lợi dụng các tính năng của mạng xã hội như livestream, chia sẻ hình ảnh, video clip, trao đổi theo nhóm (group chat)... xúc phạm danh dự, nhân phẩm của các tổ chức, cá nhân khác; sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục; tung tin giả, tin sai sự thật; quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép… gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.
Tuy nhiên, tình hình vi phạm vẫn không giảm nhiệt. Do đó, cùng những vụ việc vi phạm đã xử lý hành chính thì việc củng cố hồ sơ để xử lý hình sự những hành vi coi thường luật pháp, gây nguy hiểm với xã hội đối với bà Nguyễn Phương Hằng là cần thiết.
Điều này cũng nhằm ngăn ngừa chung, góp phần chỉnh đốn xu hướng mạng lệch lạc, nhất là đối với giới trẻ. Việc khởi tố, điều tra của cơ quan Công an thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, xóa đi những dư luận xấu từng cho rằng, bà Hằng cố tình livestream, thách thức dư luận vì sẽ có thể qua mắt được chính quyền, cơ quan chức năng.
Bộ Công an lên tiếng vụ bắt bà Nguyễn Phương Hằng, di lý về Trại giam T30 Củ Chi

“Ảo tưởng sức mạnh”

Liên quan đến việc CEO Đại Nam Nguyễn Phương Hằng bị bắt, vừa qua Công an TP.HCM đã có kết luận ban đầu về vụ việc.
Theo đó, dù nhiều lần được cơ quan chức năng nhắc nhở nhưng bà Nguyễn Phương Hằng vẫn “ảo tưởng sức mạnh” khi cố ý né tránh không chấp hành mà tiếp tục sử dụng 12 kênh trên mạng xã hội để trực tiếp livestream có nội dung xuyên tạc đời tư của nhiều cá nhân khác.
Công an TP.HCM chỉ rõ, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam đã thông qua các tài khoản YouTube, Facebook, Tiktok phát ngôn trực tiếp qua mạng internet, đưa các thông tin chưa được kiểm chứng, xúc phạm đến uy tín, danh dự của nhiều tổ chức, cá nhân.
Công an TP.HCM xác định, từ tháng 3/2021 (kể từ khi trở thành hiện tượng mạng xã hội Việt Nam) cho đến trước khi bị bắt tạm giam vào ngày 24/3/2022, bị can Nguyễn Phương Hằng đã thông qua nhiều tài khoản YouTube, Facebook, TikTok để phát ngôn trực tiếp qua mạng internet, đưa các thông tin chưa được kiểm chứng, xúc phạm đến uy tín, danh dự của nhiều tổ chức, cá nhân.

“Bên cạnh đó, bị can Hằng liên tục sử dụng từ ngữ tục tĩu để phát ngôn, gây bất bình trong dư luận”, - Công an TP.HCM khẳng định.

Ngày 8/4/2021, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM đã xử phạt hành chính đối với bà Nguyễn Phương Hằng về hành vi cung cấp thông tin sai sự thật, xúc phạm uy tín của UBND tỉnh Bình Thuận.
Cùng với đó, cơ quan chức năng tại TP.HCM, Bình Dương cũng nhiều lần mời bà Nguyễn Phương Hằng làm việc, nhắc nhở, khuyến cáo không tiếp tục các hoạt động vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, cũng vì nghĩ “không ai có thể động đến mình” nên bà Nguyễn Phương Hằng vẫn không thực hiện, tỏ thái độ thách thức cơ quan chức năng, coi thường công luận.
Đáng chú ý, bà Nguyễn Phương Hằng còn tổ chức các hoạt động tụ tập đông người tại TP.HCM và tại một số tỉnh, thành khác gây phức tạp về an ninh trật tự, bức xúc dư luận địa phương.
Cũng trong thời gian này, Công an TP.HCM đã tiếp nhận được nhiều đơn của cá nhân tố cáo bà Nguyễn Phương Hằng có hành vi “vu khống”, “làm nhục người khác” thậm chí là “đe dọa giết người”… thông qua việc nhiều lần phát ngôn trực tiếp qua mạng internet.
Kể từ tháng 2/2022, Công an TP.HCM đã 4 lần mời bà Nguyễn Phương Hằng làm việc để cảnh báo, răn đe và yêu cầu bà Nguyễn Phương Hằng chấm dứt hành vi vi phạm. Mặc dù bị Công an triệu tập nhưng bà Nguyễn Phương Hằng cố tình né tránh, không chấp hành.
Phải đến tận chiều 26/3, vợ ông Huỳnh Uy Dũng mới bị bắt. Theo đó, Công an TP.HCM thực hiện các lệnh khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 3 tháng đối với bà Hằng.
Trong ngày 26/3, Công an TP.HCM, Công an Bình Dương khẳng định, các thông tin có nội dung như “Chị Hằng bị phạt 1,5 triệu đồng, được thả về”, “Bà Hằng được chồng bảo lãnh để tại ngoại”… được lan truyền trên mạng xã hội là không chính xác và chỉ là tin đồn nhảm.
Công an TP.HCM hiện đang phối hợp với cơ quan liên quan tiếp tục xác minh, xử lý cá nhân lan truyền thông tin không chính xác liên quan vụ án bà Nguyễn Phương.
Vụ bà Nguyễn Phương Hằng bị bắt: Phản ứng của các nạn nhân, ekip đứng sau bà Hằng liệu có liên lụy?
Thảo luận