Khảo sát trước đó của Viện Công nhân Công đoàn cho kết quả 21% người lao động phải ăn nhiều mì tôm hơn, 48% lao động phải giảm lượng thịt hàng ngày, nhiều người phải tìm đến tín dụng đen để vay tiền.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhấn mạnh, người lao động hiện nay rất cần được chia sẻ khó khăn sau thời gian kiệt quệ vì dịch bệnh và bão giá. Đồng thời, việc tăng lương có lợi cho cả đôi bên người lao động và chủ sử dụng lao động.
Họp thăm dò tăng lương
Ngày 28/3 diễn ra phiên họp kín về lương tối thiểu vùng của Hội đồng Tiền lương quốc gia dưới sự chủ trì của ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia.
Nói là “họp kín” vì như thông lệ, đây là cuộc thảo luận khép kín và không có sự tham dự của cơ quan báo chí bên ngoài.
Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đây là phiên họp đầu tiên của năm nay.
Kết thúc phiên họp, Tổng Liên đoàn cho biết, trong phiên họp này, đại diện người lao động là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và đại diện của chủ sử dụng lao động là Liên đoàn Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã thảo luận trên tinh thần xây dựng, đưa ra các luận điểm để làm căn cứ cho các phương án tăng lương tối thiểu.
Đề xuất tăng lương
Thông thường tại Việt Nam, lương tối thiểu vùng tăng từ 1/1 hàng năm, tuy nhiên đại diện của Tổng Liên đoàn Lao động cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, hai năm qua người lao động đã mòn mỏi chờ đợi được tăng lương.
Tính đến thời điểm này không nên tiếp tục trì hoãn, người lao động cần được chia sẻ khó khăn sau thời gian kiệt quệ vì dịch bệnh và bão giá.
“Việc tăng lương sẽ có lợi cho cả đôi bên, lao động có thêm tiền trang trải sinh hoạt, doanh nghiệp tăng chi phí song giữ được nguồn nhân lực”, Tổng Liên đoàn Lao động nhấn mạnh.
Kết thúc phiên họp về lương tối thiểu vùng của Hội đồng Tiền lương quốc gia, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xác nhận với báo giới rằng, phiên họp mang tính chất thăm dò, các bên chưa chốt phương án cụ thể. Tuy nhiên, cơ quan này tiếp tục đề xuất tăng từ ngày 1/7 tới đây.
Đại diện của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khẳng định, có nhiều lý do nên tăng lương cho người lao động từ 1/7/2022.
Thứ nhất, theo Nghị quyết Số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, từ năm 2021, Nhà nước định kỳ điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương quốc gia.
Các doanh nghiệp được thực hiện chính sách tiền lương trên cơ sở thương lượng, thoả thuận giữa người sử dụng lao động với người lao động và đại diện tập thể người lao động. Đồng thời, Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp.
Điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình người hưởng lương, đặt trong mối quan hệ với các yếu tố của thị trường lao động và phát triển kinh tế - xã hội (cung - cầu lao động, tốc độ tăng trưởng kinh tế, chỉ số giá tiêu dùng, năng suất lao động, việc làm, thất nghiệp, khả năng chi trả của doanh nghiệp...).
Bày tỏ sự chia sẻ khó khăn với người lao động, tuy nhiên, đại diện của VCCI đề nghị cần “phải tính toán kỹ” trong bối cảnh doanh nghiệp vẫn cần phục hồi sau đại dịch đầy khó khăn.
“Ăn nhiều mì tôm và vay tín dụng đen”
Trước đó, khảo sát của Viện Công nhân - Công đoàn (thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho thấy, trong năm 2021, vì dịch bệnh khó khăn, thiếu công ăn việc làm, 21% người lao động phải ăn nhiều mì tôm hơn.
Có 48% lao động phải giảm lượng thịt hàng ngày, 22% chuyển từ mua sắm mỗi ngày sang dùng thực phẩm do người thân cung cấp, 15% chọn việc ăn gộp bữa, giảm bữa, 60% tiết kiệm các khoản chi.
Đáng chú ý, có 11% phải vay mượn tiền của người thân và 0,3% lao động vay lãi suất cao, tín dụng đen hoặc bán sổ bảo hiểm xã hội.
Trong bối cảnh ấy, nhằm tăng cường tính đồng thuận trong việc xây dựng phương án điều chỉnh lương tối thiểu vùng trình Chính phủ, Hội đồng tiền lương quốc gia sẽ nhóm họp hàng năm có chức năng tư vấn, khuyến nghị với Chính phủ về mức lương tối thiểu vùng.
Đây là mức lương nhất làm cơ sở để doanh nghiệp thỏa thuận, trả lương cho người lao động. Mức lương này áp dụng trong các loại hình doanh nghiệp tại 4 vùng kinh tế.
Hiện mức lương tối thiểu vùng được áp dụng cho người lao động làm việc trong các loại hình doanh nghiệp từ 1/1/2020 đến nay theo 4 vùng.
Cụ thể, vùng 1 (khu vực thành phố, đô thị thuộc các quận, thị nội thành) là 4,42 triệu đồng.
Vùng 2 (khu vực huyện, thị thuộc các tỉnh, thành phố) là 3,92 triệu đồng.
Vùng 3 (các huyện, thị xã thuộc các tỉnh) là 3,42 triệu đồng.
Vùng 4 (vùng nông thôn, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn) là 3,07 triệu đồng.
Có thể tăng lương tối thiểu?
Để làm căn cứ xây dựng các nội dung về lương tối thiểu vùng năm 2023, từ 1/4, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng bắt đầu điều tra lao động, tiền lương và mức sống tối thiểu.
Đồng thời, dự kiến 18 địa phương đồng loạt điều tra đợt này. Trong đó có Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Long An, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ.
Theo Bộ này, sẽ có 2.000 doanh nghiệp được chọn điều tra lần này thuộc nhóm ngành nghề sản xuất kinh doanh như: nông - lâm - ngư nghiệp; công nghiệp, xây dựng; thương mại, dịch vụ.
Doanh nghiệp được điều tra có quy mô từ dưới 100 lao động đến trên 300 lao động. Các nội dung chính được tìm hiểu ở doanh nghiệp là quỹ tiền lương theo công việc hoặc chức danh, quỹ phụ cấp lương, quỹ tiền thưởng, chi phí tuyển dụng đào tạo...
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội nhấn mạnh, kết quả điều tra sẽ là căn cứ để xây dựng các nội dung về lương tối thiểu vùng năm 2023 và các chính sách liên quan.
Một lãnh đạo thuộc Tổng Liên đoàn bày tỏ, biết là doanh nghiệp hết sức khó khăn nhưng người lao động cũng hết sức khốn khó. Bên cạnh đó, sức chịu đựng của người lao động cũng đã đến ngưỡng để xem xét điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng trong bối cảnh chỉ số giá tiêu dùng tăng và trượt giá.
“Rất nhiều nền đời sống người lao động gặp rất nhiều khó khăn”, vị lãnh đạo thừa nhận.
Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nhờ vào việc chống dịch hiệu quả và khả năng phục hồi của nền kinh tế trong năm 2022, phía Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng việc tăng lương tối thiểu vùng từ 1/7/2022 là “có thể thực hiện được”.