Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, giá xăng dầu tăng cao do căng thẳng Nga – Ukraina đã ảnh hưởng trực tiếp đến ngành khai thác thuỷ sản. Trong bối cảnh nhiều ngư dân tạm ngừng vươn khơi đánh bắt, nguyên liệu đầu vào của ngành chế biến thuỷ hải sản gặp khó khăn.
Xuất khẩu thủy hải sản tăng trưởng tốt
Tính đến hết tháng 3/2022, tổng giá trị xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam vào khoảng 2,4 tỷ USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Mỹ tăng 42%, sang EU tăng 37%, Hàn Quốc tăng 23%. Cao nhất là xuất khẩu thủy sản sang thị trường Trung Quốc với mức tăng lên đến 77% so với cùng kỳ năm 2021.
Phó Giám đốc Trung tâm VASEP.PRO (VASEP - Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam) Lê Hằng cho biết, xuất khẩu thủy sản tăng trưởng tốt chủ yếu nhờ cá tra. Mặt hàng này đạt mức xuất khẩu 261 triệu USD, tăng 80% trong tháng 3, phần lớn là do Trung Quốc tăng cường thu mua.
Trong 3 tháng đầu năm, xuất khẩu cá tra đạt 646 triệu USD, tăng 88% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản phẩm này chiếm 27% tổng giá trị xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam. Ngoài ra, tôm vẫn là mặt hàng giữ tỷ trọng cao nhất với 37%, giá trị xuất khẩu đạt 345 triệu USD trong tháng 3, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong quý I/2022, tổng giá trị xuất khẩu tôm đạt trên 900 triệu USD, cao hơn 37% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu tôm ở các thị trường chính đều tăng cùng với giá xuất khẩu trung bình tăng.
VASEP nhận định, giá xăng dầu tăng cao do căng thẳng Nga – Ukraina đã ảnh hưởng trực tiếp đến ngành khai thác thuỷ sản. Trong bối cảnh nhiều ngư dân tạm ngừng vươn khơi đánh bắt, nguyên liệu đầu vào của ngành chế biến thuỷ hải sản gặp khó khăn.
Kim ngạch xuất khẩu giữa Việt Nam với Nga chỉ chiếm chưa tới 2% xuất khẩu thuỷ sản, trong khi với Ukraina chỉ chiếm 0,3%. Vì vậy, sụt giảm doanh thu ở 2 thị trường này là không đáng kể. Tuy nhiên, xung đột làm tăng giá xăng dầu, từ đó ảnh hưởng đến cả sản xuất, xuất khẩu của toàn ngành.
Theo dự báo của VASEP, xuất khẩu thuỷ sản trong tháng 4 sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng bởi căng thẳng Nga – Ukraina. Tuy nhiên, xuất khẩu sang các thị trường lớn như Mỹ, EU vẫn sẽ tiếp tục tăng khi hoạt động giao thương hồi phục về trạng thái bình thường. Hiện các doanh nghiệp thuỷ sản Việt Nam tham gia rất tích cực vào những hội chợ thuỷ sản quốc tế nhằm kết nối và mở rộng đối tượng khách hàng.
Theo VASEP, xuất khẩu thuỷ sản trong tháng 4 sẽ tiếp tục đà tăng trưởng 25%, đạt 934 triệu USD. Trong đó, các loại cá biển xuất khẩu có thể giảm 15%, nhưng xuất khẩu cá tra vẫn tăng 80%. Các mặt hàng khác như tôm dự kiến tăng 20%, cá ngừ tăng 18%, mực, bạch tuộc tăng 25%.
Thái Lan muốn cùng Việt Nam, Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu trái cây
Mới đây, Bộ Thương mại Thái Lan đã đề xuất tổ chức một cuộc họp chung giữa Thái Lan, Trung Quốc, Lào và Việt Nam nhằm đẩy mạnh xuất nhập khẩu trái cây giữa các nước. Băng Cốc cũng muốn mở một làn xanh dành cho trái cây Thái Lan tại mỗi cửa khẩu, qua đó nhanh chóng giải phóng nguồn hàng tồn đọng.
Theo Vụ Nội thương (Bộ Thương mại Thái Lan), dự kiến tổng sản lượng trái cây của nước này vụ mùa 2022 sẽ đạt 5,43 triệu tấn, tăng 13%. Trong đó, các mặt hàng tăng chủ yếu là sầu riêng (tăng 22%), măng cụt (tăng 43%), nhãn (tăng 7,8%), chôm chôm (tăng 6%) và xoài (tăng 5%).
Nước này đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu trái cây năm nay là 287,50 tỷ Bạt (8,53 tỷ USD), bao gồm trái cây tươi, đông lạnh, sấy khô và đóng hộp. Trong đó, 180 tỷ Bạt dự kiến đến từ thị trường Trung Quốc, tăng 65% so với năm ngoái.
Nhằm đạt được các mục tiêu về xuất khẩu trái cây, Bộ Thương mại Thái Lan đã xúc tiến bán trái cây thông qua những hợp đồng ứng trước lên tới 450.000 tấn, chủ yếu là với Trung Quốc.
Trong bối cảnh Trung Quốc vẫn tiếp tục chính sách "Zero-Covid" và các biện pháp kiểm tra nghiêm ngặt tại 4 cửa khẩu biên giới quan trọng là Mohan, Hữu Nghị Quan (Youyi Guan), Đông Hưng (Dongxing) và Bằng Tường (Pingxiang), Bộ Thương mại Thái Lan cam kết thúc đẩy đàm phán với Trung Quốc mở cửa khẩu Đông Hưng nhằm giải phóng trái cây Thái Lan.