“Việt Nam không thiếu điện và không để khủng hoảng năng lượng”

Việt Nam không thiếu điện, “nhưng có thể thiếu điện cục bộ ở một số thời điểm”. Việt Nam có đủ tiềm lực, điều kiện, nền tảng, giải pháp để bảo đảm cân đối lớn về điện, năng lượng.
Sputnik
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu khai thác hết công suất về dầu khí, than, dứt khoát không để khủng hoảng năng lượng, đẩy mạnh tiết kiệm, khuyến khích tăng sản xuất trong nước, giảm phụ thuộc bên ngoài, nhất là trong bối cảnh biến động thị trường thế giới do căng thẳng Nga – Ukraina.

Nói thẳng, không né tránh

Sáng 3/4, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp về tình hình cung ứng điện, cấp than, khí cho sản xuất điện, bảo đảm cân đối lớn về năng lượng năm 2022 và các năm tiếp theo.
Mở đầu cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị tất cả phải nói thẳng với tinh thần thẳng thắn, nghiêm túc, chân thành, xây dựng, cầu thị.
“Tất cả vì mục tiêu chung, nói thẳng, nói thật, nói hết - không né tránh, không đổ lỗi”, Thủ tướng nhấn mạnh, phải đánh giá khách quan, trung thực.
Việt Nam tính nhập than từ Úc cứu EVN khỏi nguy cơ thiếu điện
Lãnh đạo Chính phủ cho biết, điện năng là một trong 5 cân đối lớn phải bảo đảm để phục hồi nhanh và phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Thời gian qua, cùng với nhu cầu tăng theo tăng trưởng kinh tế - xã hội, sau khi chuyển hướng thích ứng an toàn với dịch COVID-19, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu năng lượng, cụ thể là nhu cầu điện ở Việt Nam đang tăng lên. Bên cạnh đó, tình hình cung ứng, giá cả năng lượng trên thế giới có những biến động.
Do đó, ngày 24/12/2021, Thủ tướng đã có công điện về việc dự báo nhu cầu điện, sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả; bảo đảm cung ứng điện năm 2022 và các năm tiếp theo.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thẳng thắn nhìn nhận, sau 3 tháng thực hiện công điện, những vấn đề mà Thủ tướng yêu cầu vẫn chưa được các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện quyết liệt để có hiệu quả cao.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan kiểm điểm trách nhiệm trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao, trách nhiệm đối với đất nước, đối với nhân dân, vì mục tiêu chung.

EVN: Nhu cầu điện miền Bắc tăng cao

Báo cáo tại cuộc họp, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, trong quý I/2022, EVN đã đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế xã hội đất nước với nhu cầu điện tăng trưởng cao hơn kế hoạch.
Về vận hành hệ thống điện và huy động các nguồn điện, do các nguồn nhiệt điện than huy động thấp hơn kế hoạch 1,36 tỷ kWh, đồng thời do nhu cầu điện tăng cao hơn kế hoạch, nên các nguồn thủy điện và điện khí được huy động cao hơn kế hoạch lần lượt là 2,17 / 1,01 tỷ kWh.
EVN tính toán cung cầu điện đến năm 2025, khu vực miền Nam và miền Trung cơ bản đảm bảo cung ứng điện. Đối với miền Bắc, nhu cầu điện chiếm gần 50% toàn quốc và dự báo tốc độ tăng trưởng cao hơn bình quân cả nước.
Việt Nam nhập lượng khổng lồ phân bón của Nga, Trung Quốc và bán mạnh sang Campuchia
Tuy nhiên các nguồn điện mới dự kiến hoàn thành hàng năm trong giai đoạn 2022-2025 luôn thấp hơn so với tăng trưởng phụ tải nên việc đảm bảo cung cấp điện ngày càng khó khăn và có thể xảy ra tình trạng thiếu hụt công suất đỉnh từ vào các tháng 5-7 là thời điểm nắng nóng, đồng thời là cuối mùa khô nên công suất khả dụng các nhà máy thủy điện bị suy giảm.
Tại cuộc họp, các Phó thủ tướng, đại diện các bộ, ngành, đơn vị đã thảo luận đưa ra các dự báo; đề xuất các giải pháp để xử lý, khắc phục khó khăn, thách thức; đề xuất công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị nhằm đảm bảo điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

“Việt Nam không thiếu điện”

Các ý kiến nêu tại cuộc họp cho thấy, Việt Nam có đủ tiềm lực, điều kiện, nền tảng, giải pháp để bảo đảm cân đối lớn về điện, năng lượng.
Vấn đề là công tác điều hành, phối hợp, điều chỉnh linh hoạt, hiệu quả, phù hợp trong từng giai đoạn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp về đảm bảo cung ứng điện cho sản xuất và sinh hoạt năm 2022
Đại diện các bộ, ngành cho biết, Việt Nam không thiếu điện nhưng có thể thiếu điện cục bộ ở một số thời điểm. Nếu khắc phục được các hạn chế, bất cập, tổ chức thực hiện công việc tốt hơn, chủ động hơn, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn giữa các chủ thể thì chúng ta không thể thiếu điện, kể cả thiếu điện cục bộ. Điều này đòi hỏi sự cố gắng, nỗ lực hơn nữa của các cơ quan, doanh nghiệp và Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực.
Thời gian qua, tình hình dịch bệnh, giá vật tư, nguyên liệu đầu vào và cước phí vận tải tăng cao, cũng như tác động từ cuộc xung đột Nga – Ukraina đã ít nhiều tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng, phân phối điện, việc cung ứng than, khí cho sản xuất điện, vấn đề cân đối lớn về năng lượng.
Về nguyên nhân chủ quan, các ý kiến thừa nhận công tác tổ chức thực hiện, điều hành, phối hợp giữa các chủ thể có liên quan (các bộ, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, các doanh nghiệp) còn chưa thực sự chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả.
Việc dự báo, xây dựng các kế hoạch về sản lượng, tiến độ, nhu cầu… năng lượng còn chưa sát tình hình và chưa kịp thời điều chỉnh khi tình hình thay đổi, nhất là sản lượng, giá điện, than, khí.
Khai thác dầu khí Việt Nam lãi kỷ lục nhờ giá năng lượng thế giới tăng cao
Cùng với đó, quan hệ giữa giá nguyên liệu đầu vào và giá điện đầu ra còn có những vướng mắc về quy định, chưa được kịp thời điều chỉnh để thực sự phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Các ý kiến tại cuộc họp đã thẳng thắn thắn chỉ ra điều này, vấn đề là cần khắc phục với quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, quyết liệt hơn, trách nhiệm hơn nữa của các bên liên quan.

Nhất quyết không để khủng hoảng năng lượng

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam phải chịu tác động từ tình hình phức tạp trên thế giới, việc bảo đảm cân đối lớn về năng lượng là hết sức quan trọng cho chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đạt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2022 từ 6 đến 6,5% mà Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra.
"Mục tiêu là phải bảo đảm cân đối lớn về điện và năng lượng một cách bền vững, không để khủng hoảng về năng lượng, đáp ứng yêu cầu sản xuất và tiêu dùng, đồng thời bảo đảm giá hợp lý, kiểm soát giá phù hợp, không gây tác động tiêu cực tới lạm phát và các cân đối lớn về xuất nhập khẩu, thu chi ngân sách", Thủ tướng chỉ rõ.
Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, quan điểm là phải thúc đẩy sản xuất trong nước, tăng cường khả năng tự chủ, tự lực tự cường của ngành điện, giảm phụ thuộc vào bên ngoài, giảm nhập khẩu.
Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tập trung khai thác hết công suất có thể về dầu, khí, than, tiếp tục điều chỉnh nguồn điện phù hợp với những nơi có thể thiếu.
“Phải cân đối việc nhập khẩu sao cho hợp lý, không để tác động xấu tới cân đối lớn về xuất nhập khẩu, hạn chế tối đa nhập siêu, tăng xuất siêu”, người đứng đầu Chính phủ nêu rõ.
Để hướng tới phát triển bền vững, phải tăng cường phát triển năng lượng tái tạo phù hợp tình hình, điều kiện và chủ trương chung của Đảng, Nhà nước về thích ứng biến đổi khí hậu.
Đàm phán Nga – Ukraina ‘có tiến triển’ tác động đến giá xăng dầu Việt Nam
“Đẩy mạnh tiết kiệm điện hơn nữa. Khuyến khích sản xuất trong nước, ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo, tăng năng suất lao động trong lĩnh vực năng lượng”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.
Tại cuộc họp hôm nay, Thủ tướng cũng nêu vấn đề cần giải quyết tốt mối quan hệ giữa giá nguyên liệu đầu vào và giá điện đầu ra theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của nhà nước.
Cần bám sát tình hình để điều tiết giá cả phù hợp, trên cơ sở kiểm soát lạm phát, tính toán kỹ tác động tới kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn, hoạt động của các doanh nghiệp, thu ngân sách…
Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện hợp đồng đã ký, trên cơ sở kế hoạch dài hơi, ổn định, hạn chế tối đa các cú sốc trong sản xuất, kinh doanh.

Chống tham nhũng ngành điện, than, khí

Lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu phối hợp nhuần nhuyễn, chặt chẽ, hiệu quả giữa các doanh nghiệp, các Bộ: Tài chính, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Các cơ quan chức năng phải bám sát tình hình, khi xuất hiện các vấn đề vướng mắc, biến động, tác động xấu thuộc phạm vi quản lý nhà nước thì phải có biện pháp, công cụ, đề xuất các giải pháp can thiệp, xử lý phù hợp.
“Tiếp tục rà soát, đề xuất, hoàn thiện các cơ chế, chính sách với sản xuất, kinh doanh, cung ứng điện, than, khí, các nguồn năng lượng tái tạo để bảo đảm an ninh năng lượng”, Thủ tướng lưu ý.
Việt Nam thiếu than sản xuất điện
Đối với các đề xuất cụ thể của các doanh nghiệp, Thủ tướng giao các bộ, ngành, cơ quan xử lý theo thẩm quyền, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực trực tiếp chỉ đạo, xử lý.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương chủ động thúc đẩy phong trào tiết kiệm điện mạnh mẽ, hiệu quả hơn, đồng thời thúc đẩy chuyển đổi năng lượng sạch, khai thác tối đa công suất các nguồn điện hiện có.
Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu các cơ quan, cá nhân liên quan phát huy tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo, tăng cường phối hợp, kiểm tra, đôn đốc, tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì nhân dân, vì sự phát triển chung, tránh lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm.

“Kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, "xin-cho", "giấy phép con" trong ngành điện, than, dầu, khí, hướng tới mục tiêu phục hồi nhanh và phát triển bền vững”, Thủ tướng Phạm Minh Chính quán triệt.

Thảo luận