Sự kiện Ukraina làm đảo lộn mọi kế hoạch
Theo cách giải thích của chính quyền Hoa Kỳ, việc hoãn hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN là bởi không phải tất cả lãnh đạo các nước ASEAN đều có thể đến họp đúng hẹn ấn định, trong đó nhắc đến tháng lễ trọng Ramadan của người Hồi giáo (dường như thời điểm này không phù hợp với các vị lãnh đạo của Indonesia, Malaysia và Brunei), mặc dù lễ bắt đầu từ ngày 1 tháng 4. Vì thế mọi sự giống như chỉ là cái cớ. Trong tình hình chính trị thế giới hiện đang rất phức tạp bởi những sự kiện ở Ukraina, ê-kip chính quyền Joe Biden bận tâm theo hướng châu Âu hơn là châu Á. Nhà Trắng đang phải đối mặt với nhiệm vụ thu hút các đồng minh trong NATO tham gia cung cấp vũ khí cho Lực lượng vũ trang Ukraina, hô hào các thành viên EU liên kết vào lệnh trừng phạt chống Nga. Để làm điều này, mặc dù sức khỏe không ổn, ông Joe Biden đã bay đến châu Âu để tham gia hội nghị thượng đỉnh NATO tại Brussels vào ngày 24 tháng 3, rồi ngày 25 tháng 3 công du Ba Lan là quốc gia giáp giới với Ukraina.
Nếu như hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN diễn ra trong những ngày này, chắc hẳn ông Biden sẽ xới lên vấn đề các nước Đông Nam Á ủng hộ lập trường của phương Tây với tình hình Ukraina. Nhưng ai trong ASEAN cần đến chuyện này? Ai trong ASEAN muốn phá hỏng quan hệ với Matxcơva? Có lẽ không nước nào như vậy cả.
Singapore chọn Hoa Kỳ
Tuy nhiên, vẫn có đấy. Trong ASEAN có một thành viên đứng về phía Hoa Kỳ một cách vô điều kiện. Đó là Singapore. Trước hết, ngay trong những ngày đầu quân đội Nga tiến hành chiến dịch đặc biệt tại Ukraina, Chính phủ Singapore đã công bố áp đặt các biện pháp trừng phạt chống hàng loạt cơ cấu tài chính của LB Nga.
Thứ hai, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã thăm chính thức Hoa Kỳ đúng vào những ngày dự kiến tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN. Kết quả là tăng cường quan hệ giữa hai quốc gia trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long
© AFP 2023 / Lillian Suwanrumpha
Người Mỹ công nhận Singapore là đối tác hợp tác an ninh cơ bản của Hoa Kỳ. Khi gặp vị thượng khách Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Austin tán dương:
«Chúng tôi đánh giá cao những tuyên bố và hành động quyết liệt của Singapore chống lại hành động của Nga xâm lược Ukraina».
Hội kiến với ông Lý Hiển Long, Tổng thống Joe Biden nhận định rằng mối quan hệ Mỹ-Singapore là «mật thiết và mạnh mẽ hơn bao giờ hết».
Về phần mình, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cũng đã có tuyên bố quan trọng:
«Chúng tôi chia sẻ niềm tin rằng hiện diện của Hoa Kỳ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương có ý nghĩa quyết định để duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực, và Singapore tiếp tục ủng hộ hiện diện quân sự của Hoa Kỳ ở châu Á», - ông Lý Hiển Long khẳng định.
Nhưng quan hệ giữa hai Nhà nước không chỉ giới hạn trong những phát ngôn và tuyên bố. Singapore quyết định mua máy bay F-35 của Mỹ, và trong chuyến thăm hiện tại, Washington đã xác nhận thương vụ này.
Máy bay chiến đấu F-35A Lightning II của Mỹ trong chuyến bay huấn luyện ở Utah, Mỹ
Động thái đó của nhà lãnh đạo Singapore thật đáng ngạc nhiên. Trong mấy năm qua, chí ít là kể từ năm 2017, các thành viên của Chính phủ Singapore trong đó có ông Lý Hiển Long đã luôn nói rằng trong bối cảnh cuộc đối đầu của Hoa Kỳ và CHND Trung Hoa, họ sẽ không thiên về phía cường quốc nào. Nhưng hoá ra là vẫn thực hiện sự lựa chọn. Singapore hoàn toàn «ngả vào vòng tay người Mỹ». Chuyên gia cao cấp về Đông Nam Á tại Viện Hòa bình Hoa Kỳ Brian Harding nhận xét rằng bằng việc thi hành các biện pháp trừng phạt chống Nga, Singapore muốn khẳng định vị thế đối tác quan trọng nhất của Hoa Kỳ.
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden có bài phát biểu với Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tại Phòng Đông của Nhà Trắng
© AFP 2023 / Doug Mills-Pool / Getty Images
Có phải toàn thể ASEAN đồng ý với ông Lý Hiển Long?
Như đang thấy, không phải mọi người trong ASEAN đều đồng tình với lập trường của Thủ tướng Singapore. Lãnh đạo đương nhiệm của các nước ASEAN dành quan tâm nhiều đến các chương trình hợp tác kinh tế của Hoa Kỳ, hơn là thảo luận về vấn đề an ninh, mà theo thông lệ thường kết thúc bằng đề xuất của Hoa Kỳ - mời chào bán vũ khí cho các nước trong khu vực. Mới đây Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi đã nói rất rõ ý này. Theo lời bà, Hoa Kỳ cần xây dựng chương trình nghị sự kinh tế mạnh mẽ hơn dành cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, khác với trọng tâm hiện tại là vấn đề an ninh.
«Khi quý vị nói chuyện với các nước Đông Nam Á, hãy biết những gì chúng tôi muốn, những gì nhân dân ở đây muốn, là phồn vinh thịnh vượng, chứ không chỉ là an ninh… người dân của chúng tôi sẽ hỏi ý tưởng hoạch định khái niệm là gì nếu không mang lại lợi ích kinh tế cho cư dân», - Ngoại trưởng Retno Marsudi tuyên bố.
Được biết, những ngày qua, các nước như Việt Nam và Malaysia đã tuyên bố chống áp dụng biện pháp trừng phạt.
Ngày 24 tháng 3 đại diện của Việt Nam và Lào không tán thành nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc lên án Nga.
Ngay trong cộng đồng xã hội Singapore, không phải ai ai cũng ủng hộ quan điểm của Chính phủ đảo quốc. Blogger nổi tiếng người Singapore Tay Kheng Soon cho rằng «việc Singapore ngả hẳn về bên nào đó là thiếu khôn ngoan». Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy chỉ 60% cư dân đảo quốc chấp thuận biện pháp trừng phạt mà Chính phủ áp đặt chống Nga. 13% người Singapore được hỏi ý kiến cho rằng EU, Hoa Kỳ và NATO có lỗi trong các sự kiện ở Ukraina.
Ukraina nằm cách xa Đông Nam Á. Và tình hình xung quanh nước này sẽ không kết thúc như Washington muốn. Trong khi đó nhân loại còn phải đương đầu với nhiều vấn đề cần giải quyết cùng nhau. Chẳng hạn như đại dịch Covid-19, ô nhiễm môi trường, phục hồi nền kinh tế.
Ý kiến trong bài viết là quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Sputnik.