Việt Nam: Tăng lương tối thiểu vùng là việc cần làm ngay

HÀ NỘI (Sputnik) - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng đây là thời điểm này tăng lương, cũng chính vừa để hỗ trợ giúp cho người lao động vượt qua khó khăn, đồng thời là động lực để tăng năng suất lao động, giúp cho doanh nghiệp phục hồi nhanh, phát triển mạnh.
Sputnik
Sáng nay 12/4, Hội đồng Tiền lương quốc gia họp phiên thứ 2 để tiếp tục thảo luận, thương lượng về việc tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động tại doanh nghiệp. Cùng ngày, Tổng cục Thống kê cũng công bố tình hình lao động việc làm quý I/2022.

Đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ 1/7/2022

Theo ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, hiện nay, phía đại diện người lao động đang đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng từ trên 7% đến trên 8%. Thời điểm tăng lương tối thiểu từ 1/7/2022.
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho biết thêm, tăng lương tối thiểu vùng sẽ mang lại quyền lợi cho cả người lao động và doanh nghiệp, việc tăng lương sớm từ 1/7 là cần thiết. Ông Ngọc Duy Hiểu cho biết:

“Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp cũng đã xác định, từ năm 2021, Nhà nước định kỳ điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương quốc gia. Điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình người hưởng lương, đặt trong mối quan hệ với các yếu tố của thị trường lao động và phát triển kinh tế - xã hội”.

Phục hồi và phát triển kinh tế xã hội: Làng nghề may Tam Hiệp tạo việc làm ổn định cho lao động nông thôn
Theo điều 91 Bộ luật Lao động 2019 quy định, mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
"2 năm qua, người lao động đã rất chia sẻ với doanh nghiệp, đồng hành, nỗ lực cùng với doanh nghiệp để vượt qua mọi khó khăn, dịch bệnh, ổn định tình hình sản xuất kinh doanh. Về phía doanh nghiệp cũng cần có trách nhiệm để bù đắp tiền lương, thu nhập đảm bảo đời sống cho người lao động”, ông Hiểu nhấn mạnh.
Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 của Quốc hội nêu rõ, GDP vẫn tăng khoảng 6,0 – 6,5%, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%, năng suất lao động xã hội tăng khoảng trên 5%.
“Do đó chúng tôi cho rằng, cần điều chỉnh mức lương tối thiểu để đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động trong bối cảnh gần 2 năm Chính phủ chưa điều chỉnh mức lương tối thiểu”, ông Hiểu cho biết thêm.
Sau hai phiên họp, thương lượng, sáng 12/4, với đa số phiếu tán thành, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã đồng thuận và chốt đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1-7-2022 ở mức 6% để trình Chính phủ xem xét quyết định. Đây cũng là phương án duy nhất được Hội đồng Tiền lương quốc gia đưa ra để bỏ phiếu kín.
Đề xuất tăng lương: “Người lao động đã phải ăn nhiều mì tôm và vay nặng lãi”

Thu nhập người lao động Việt Nam đồng loạt tăng 1 triệu đồng

Đây là số liệu của Tổng cục Thống kê về tình hình lao động việc làm quý I/2022 công bố sáng 12/4. Theo đó, thị trường lao động quý I năm 2022 đã dần phục hồi trở lại.
Cụ thể, thu nhập bình quân tháng của người lao động quý I là 6,4 triệu đồng, tăng 1 triệu đồng so với quý trước và tăng 110 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, số người có việc làm quý I năm 2022 tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt lao động trong ngành dịch vụ tăng đáng kể so với quý trước.
Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý I năm 2022 là 51,2 triệu người, tăng hơn 0,4 triệu người so với quý trước và tăng khoảng 0,2 triệu người so với cùng kỳ năm trước.
Làm nông dân tại Australia với mức lương ‘khủng’, cơ hội cho lao động Việt
Số người từ 15 tuổi trở lên có việc làm là 50,0 triệu người, tăng 962,6 nghìn người so với quý trước và tăng 132,2 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.
Tổng cục Thống kê đánh giá rằng, chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội theo Nghị quyết 11/NQ-CP với các giải pháp cụ thể đã mang lại những kết quả tích cực.
Đặc biệt, tình hình thất nghiệp ở quý I năm 2022 đã khả quan hơn, thay vì dịch bệnh diễn biến phức tạp như trước đây, người lao động khó có cơ hội tìm được việc làm thì nay họ đã có thể tham gia vào thị trường lao động thuận lợi hơn.
Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý I năm 2022 là khoảng 1,1 triệu người, giảm 489,5 nghìn người so với quý trước và tăng 16,7 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.
Thảo luận