Hà Nội liên tiếp được yêu cầu nêu lập trường về xung đột căng thẳng giữa Nga và Ukraina. Mỹ và các nước đồng minh phương Tây vẫn đặc biệt quan tâm đến quan điểm của chính quyền Việt Nam trước biến động chính trị đang nóng nhất thế giới ở thời điểm này.
Ngoại trưởng Canada thăm dò lập trường của Việt Nam về vấn đề Ukraina
Việt Nam – Canada vừa thảo luận gì về xung đột Nga – Ukraina?
Câu trả lời một phần nằm trong thông cáo báo chí phát đi của Bộ Ngoại giao Việt Nam về cuộc hội đàm cấp cao giữa người đứng đầu cơ quan đối ngoại hai nước.
Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, ngoài vấn đề Biển Đông, các khuôn khổ hợp tác đa phương, vấn đề Ukraina là một trong những nội dung quan trọng được Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn và Ngoại trưởng Mélanie Joly trao đổi.
Sputnik đưa tin trước đó rằng, Ngoại trưởng Canada Mélanie Joly có chuyến thăm chính thức Hà Nội trong khuôn khổ chuyến công du Indonesia và Việt Nam từ ngày 9-14/4 nhằm mở rộng quan hệ đối tác và tái khẳng định cam kết của Ottawa gắn kết với các quốc gia trong khu vực như một phần của chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tới đây của Chính phủ Thủ tướng ướng Justin Trudeau.
Sáng nay 13/4, tại Hà Nội, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã đón tiếp trọng thị đại diện chính quyền Ottawa.
Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam, hai Bộ trưởng đã cùng trao đổi về tình hình quốc tế và khu vực cùng quan tâm.
Trong đó, bà Joly tiếp tục thăm dò lập trường của Hà Nội về chiến dịch quân sự đặc biệt mà Nga tiến hành ở Ukraina.
Đáp lại, đối với vấn đề Ukraina, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn tái khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam.
Quang cảnh hội đàm
© Ảnh : Văn Điệp - TTXVN
Cụ thể, Việt Nam kiên trì ủng hộ giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế.
“Việt Nam kêu gọi chấm dứt ngay các hành động sử dụng vũ lực, gây thương vong và tổn thất đối với dân thường, các cơ sở hạ tầng thiết yếu, bảo đảm an toàn cho dân thường, trong đó có người Việt Nam ở Ukraina”, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh với Ngoại trưởng Joly.
Người đứng đầu Bộ Ngoại giao cũng khẳng định, Việt Nam sẵn sàng đóng góp tích cực cho các hoạt động hỗ trợ nhân đạo, tiến trình ngoại giao, đối thoại và đàm phán, cũng như trong tái thiết và phục hồi tại Ukraina.
“Quyết định của Đại hội đồng LHQ cần dựa trên thông tin được kiểm chứng”
Như chúng tôi đề cập, tại phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng LHQ về việc đình chỉ tư cách thành viên Hội đồng Nhân quyền của Nga, Việt Nam đã bỏ phiếu chống, phản đối nghị quyết vội vã và thiếu khách quan của Liên Hợp Quốc với nhiều mục đích chính trị hóa sự kiện ở Bucha.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam bỏ phiếu phản đối. Một động thái thu hút sự chú ý rất lớn từ giới quan sát quốc tế, thể hiện lựa chọn đứng về chính nghĩa, công lý, lẽ phải và luật pháp quốc tế của chính quyền Hà Nội.
Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ đã nêu lập trường nhất quán của Việt Nam về giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế, đặc biệt là nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ, không sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.
Đáng chú ý, Việt Nam đã yêu cầu điều tra sự việc một cách khách quan, cẩn trọng thay vì vội vã loại Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền như nỗ lực của Mỹ và đồng minh.
“Việt Nam phản đối mọi hành vi tấn công dân thường, vi phạm luật nhân đạo và nhân quyền quốc tế, đồng thời cho rằng cần xác minh, kiểm chứng các thông tin gần đây một cách công khai, minh bạch, khách quan, với sự hợp tác của các bên liên quan”, Đại sứ Đặng Hoàng Giang nhấn mạnh.
Chính quyền Việt Nam cũng kêu gọi các bên giảm căng thẳng, ngừng bắn, nối lại đối thoại, tìm giải pháp lâu dài cho các bất đồng trên cơ sở tính tới quyền và lợi ích chính đáng của các bên liên quan.
“Quan điểm của Việt Nam là các trao đổi, quyết định của các cơ quan, tổ chức quốc tế cần tuân thủ đúng quy trình, thủ tục hoạt động của mình, mọi trao đổi, quyết định của Đại hội đồng LHQ cần dựa trên thông tin được kiểm chứng, khách quan, minh bạch, với sự hợp tác của các bên liên quan và có sự tham vấn rộng rãi với các nước”, phía Hà Nội nêu rõ quan điểm.
Chia sẻ lập trường về Biển Đông
Tại cuộc hội đàm cấp cao giữa lãnh đạo hai Bộ Ngoại giao Việt Nam – Canada, hai bên cũng bàn thảo vấn đề Biển Đông.
Như Sputnik lưu ý, chính quyền Canada đã không còn né tránh vấn đề Biển Đông. Cùng với việc tần suất hiện diện của Hải quân Canada ở Biển Đông tăng lên, đại diện Ottawa đã nhiều lần đưa ra các tuyên bố với lập trường rõ ràng về tranh chấp biển đảo ở khu vực này.
Thực tế, Chính phủ của Thủ tướng Trudeau đã thay đổi thái độ rõ rệt khi trực tiếp đưa ra những chỉ trích nhắm vào Trung Quốc, đánh dấu việc từ bỏ giọng điệu chung chung kêu gọi tất cả các bên tuân thủ luật pháp quốc tế như xưa.
Đáng chú ý, kể cả khi Canada không tham gia các chiến dịch tự do hàng hải (FONOP) của Mỹ, thì việc tăng cường hiện diện Hải quân ở Biển Đông với tần suất cao hơn cũng cho thấy sự quan tâm của Ottawa với khu vực này.
Đồng thời, giới chuyên gia cho rằng, các hoạt động của Hải quân Hoàng gia Canada (RCN) ở Biển Đông cho thấy một Canada ngày càng quyết tâm hơn trong việc phản đối Trung Quốc.
Tại cuộc gặp cấp cao hôm nay ngày 13/4 ở Hà Nội, liên quan đến vấn đề Biển Đông, hai bên tiếp tục khẳng định đề cao việc tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.
Cũng tại sự kiện, hai Bộ trưởng nhất trí tiếp tục hợp tác chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương khu vực và quốc tế như Liên hợp quốc, APEC, ASEAN, Cộng đồng Pháp ngữ Francophonie.
Canada – Việt Nam sẽ tăng cường hợp tác kinh tế
Phát biểu tại cuộc hội đàm, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã hoan nghênh chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của bà Mélanie Joly trên cương vị Ngoại trưởng Canada, góp phần củng cố quan hệ hai nước Việt Nam - Canada nói chung và giữa hai Bộ Ngoại giao nói riêng.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cũng đồng thời nhấn mạnh chuyến thăm này còn mang ý nghĩa đặc biệt khi diễn ra đúng dịp hai nước kỷ niệm 5 năm thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện (2017-2022).
Về phần mình, Bộ trưởng Mélanie Joly khẳng định, Canada coi trọng quan hệ với Việt Nam.
“Canada mong muốn mở rộng quan hệ hợp tác với Việt Nam, đặc biệt là hợp tác kinh tế - thương mại”, theo Ngoại trưởng Joly.
Cùng với đó, chính quyền Ottawa cũng nhất trí các biện pháp thúc đẩy tăng cường hợp tác thương mại, đặc biệt là giữa các doanh nghiệp Việt Nam – Canada.
Bên cạnh đó, bà Joly cũng nêu rõ, Canada sẽ tăng cường hợp tác, hỗ trợ Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu và thực hiện các cam kết tại COP26.
Tại cuộc gặp, người đứng đầu Bộ Ngoại giao hai nước cũng nhất trí đánh giá quan hệ Việt Nam-Canada tiếp tục được củng cố và phát triển tích cực trên nhiều lĩnh vực.
Cụ thể, kim ngạch thương mại song phương đạt hơn 6 tỷ USD năm 2021, tăng gần 19% so với năm 2020, mặc dù gặp nhiều khó khăn và tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.
Hợp tác phát triển, giáo dục - đào tạo, ứng phó với biến đổi khí hậu và dịch bệnh tiếp tục được tăng cường.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Bộ trưởng Ngoại giao Canada Mélanie Joly
© Ảnh : Văn Điệp - TTXVN
Tại cuộc gặp hôm nay, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị hai bên tiếp tục thúc đẩy trao đổi đoàn các cấp, sớm nối lại các cơ chế đối thoại song phương, tận dụng tối đa cơ hội từ việc triển khai Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cũng đề nghị Canada tiếp tục mở cửa thị trường cho hàng hóa, nông sản Việt Nam cũng như tăng cường hỗ trợ Việt Nam sớm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19.
Đặc biệt, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cũng đề nghị Canada sớm công nhận hộ chiếu vaccine của Việt Nam, tạo điều kiện cho cộng đồng người Việt Nam tại Canada ổn định cuộc sống, học tập và làm việc.
Lãnh đạo cấp cao Việt Nam và Canada sẽ tiếp tục trao đổi các biện pháp làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hai nước, hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2023).