Sống ở Việt Nam đắt hay rẻ trong khu vực?
Được biết, chi phí sinh hoạt cho một gia đình gồm 4 người tại Việt Nam ước tính vào khoảng 1.693 USD. Bên cạnh đó, chi phí sinh hoạt ước tính hàng tháng cho 1 người khoảng 639 USD.
Ngoài ra, nếu xét mức lương trung bình sau thuế so với chi phí sinh hoạt hàng tháng, theo LivingCost, mức lương trung bình sau thuế của Việt Nam đủ trang trải chi phí sinh hoạt cho 0,7 tháng.
Trong khu vực Đông Nam Á, Singapore là nơi có chi phí sinh hoạt cao nhất. Cụ thể, chi phí sinh hoạt cho một gia đình gồm 4 người khoảng 4.967 USD, còn đối với 1 người khoảng 2.183 USD.
Nếu so sánh với Việt Nam, mức sống của Singapore đắt hơn 242%. Hiện nay, Singapore đang xếp thứ 7/197 trong danh sách các quốc gia đắt đỏ nhất thế giới.
Đứng ở vị trí thứ hai là Brunei. Theo LivingCost, chi phí ước tính hàng tháng cho 1 người là khoảng 1.151 USD, với một gia đình 4 người chi phí rơi vào khoảng 2.576 USD. So với Việt Nam, chi phí sinh hoạt cho một người thì Brunei đắt hơn 80%.
Trong khu vực, Indonesia là quốc gia có chi phí sinh hoạt thấp nhất. Cụ thể, chi phí cho một gia đình 4 người khoảng 1.444 USD và cho 1 người là 549 USD. Chi phí sinh hoạt trung bình ở Indonesia rẻ hơn 14% so với Việt Nam. Bên cạnh đó, Indonesia hiện là quốc gia xếp thứ 164/197 trong danh sách các quốc gia có chi phí đắt đỏ nhất thế giới.
Các quốc gia có chi phí sinh hoạt thấp hơn Việt Nam là Malaysia, Philippines cũng là các quốc gia có chi phí sinh hoạt thấp hơn Việt Nam trong Đông Nam Á.
LivingCost là một trong những trang xếp hạng các quốc gia và các thành phố trên toàn thế giới về nhiều khía cạnh trong cuộc sống. Điển hình như chi phí sinh hoạt, chất lượng cuộc sống, giao thông, chỉ số nhà ở,... Trong đó, chi phí sinh hoạt mà LivingCost tính đã bao gồm tất cả các tiện ích trong cuộc sống hàng ngày.
Địa phương có chi phí sinh hoạt rẻ nhất Việt Nam nằm ở đâu?
Câu trả lời là Trà Vinh, một tỉnh ven biển thuộc Đồng bằng sông Cửu Long. Theo Báo cáo Chỉ số giá sinh hoạt theo không gian năm 2021 của Tổng cục Thống kê (TCTK), Trà Vinh là địa phương có chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (SCOLI) năm 2021 thấp nhất cả nước, bằng 87,61% so với Hà Nội. Giá bình quân các nhóm hàng của Trà Vinh so với Hà Nội trong khoảng từ 76,58% - 99,63%.
Trà Vinh trước đây là một tỉnh nghèo của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nhưng trong nhiều năm qua tỉnh đã phấn đấu không ngừng nghỉ để cải thiện tình hình phát triển kinh tế-xã hội của toàn địa phương.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Trà Vinh cho biết, Trà Vinh có tiềm năng phát triển kinh tế và có thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh trong những năm qua. Giai đoạn 2016 - 2020, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân tăng 11,22%/năm. GRDP bình quân đầu người tăng từ 35,28 triệu đồng/người năm 2015 lên 65 triệu đồng/người năm 2020, gấp 1,84 lần.
Cùng với đó, trong giai đoạn 2016 - 2019, Trà Vinh liên tục đạt mức tăng trưởng 2 con số và duy trì thứ hạng tăng trưởng đứng đầu khu vực ĐBSCL với mức tăng bình quân cả giai đoạn đạt 12,3%/năm.
Trong năm 2021, mặc dù ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 nhưng nhờ sự quyết tâm và chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh cũng như đồng lòng của người dân và doanh nghiệp, kinh tế tỉnh Trà Vinh cũng có kết quả tích cực dù khiêm tốn.
Trong 3 tháng đầu năm 2022, thu ngân sách ước đạt 1.070 tỷ đồng, lũy kế quý 1 thu 2.864 tỷ đồng, đạt 27,7% dự toán, tăng 3,2% so với cùng kỳ. Chi ngân sách 450,54 tỷ đồng, lũy kế quý 1 chi 1.489,94 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ, chủ yếu do tăng giải ngân vốn đầu tư công.
Tính từ đầu năm đến nay, Trà Vinh đã thu hút đầu tư được 4 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư 13.617,08 tỷ đồng.