Bất ngờ lớn về FDI của Việt Nam

Việt Nam đón bất ngờ lớn về thu hút FDI. Theo đó, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam có sự đảo chiều ngoạn mục. FDI của Việt Nam năm 2021 không phải chỉ dừng ở mức 31,15 tỷ USD mà lên đén 38,85 tỷ USD. Điều gì dẫn tới cú xoay chiều này?
Sputnik
Cú xoáy chiều đặc biệt này cho thấy niềm tin về môi trường đầu tư, kinh doanh, sự kỳ vọng của nhà đầu tư nước ngoài vào khả năng phục hồi của nền kinh tế Việt Nam hậu Covid-19.

Bất ngờ lớn

Một trong những điểm đáng chú ý tại Dự thảo Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và tình hình triển khai Kế hoạch năm 2022 mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng để chuẩn bị cho kỳ họp Quốc hội tháng 5 tới, cho thấy con số bất ngờ về sự tăng trưởng vượt bậc của thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam.
Như Sputnik đã thông tin, hồi tháng 10/2021, khi báo cáo Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, thu hút FDI cả năm 2021 có thể giảm 0,2-3,4%.
Singapore dẫn đầu các quốc gia rót FDI vào Việt Nam
Tuy nhiên, kết quả cuối cùng, thu hút FDI của Việt Nam đã đạt con số ấn tượng, với mức tăng trưởng lên tới 25,2%.
Thời điểm cuối năm 2021, kết quả báo cáo nhanh của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, tính đến ngày 20/12/2021, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam, bao gồm vốn cấp mới, tăng thêm và vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, theo Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam năm 2021, ước đạt 19,74 tỷ USD, giảm 1,2% so với năm trước.
Vốn đăng ký cấp mới, có 1.738 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 15,25 tỷ USD, giảm 31,1% về số dự án và tăng 4,1% về số vốn đăng ký so với năm trước.
Vốn đăng ký điều chỉnh, có 985 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư tăng thêm 9,01 tỷ USD, tăng 40,5% so với năm trước.
Về đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, thống kê sơ bộ khi đó cho thấy, có 3.797 lượt với tổng giá trị góp vốn 6,89 tỷ USD, giảm 7,7% so năm trước.
Trong đó, có 1.535 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị góp vốn là 5,03 tỷ USD và 2.262 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 1,86 tỷ USD.
FDI Việt Nam 2022: Tiền đến, tiền đi đều có thể lạc quan
Ấy thế nhưng, con số cuối cùng được “chốt” của năm 2021 đã lên tới 38,85 tỷ USD, tăng 25,2% so với cùng kỳ năm 2020. Theo đó, bất ngờ nằm ở 2 dự án tỷ USD được cấp chứng nhận đầu tư vào ngày cuối cùng 31/12/2021 năm ngoái.

Hai dự án đảo chiều FDI Việt Nam

Đó là Dự án Trung tâm Điện khí LNG Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị - Giai đoạn I (1.500 MW), vốn đầu tư đăng ký 2,3 tỷ USD, là dự án liên doanh của Tập đoàn T&T với nhà đầu tư Hàn Quốc.
Nhà máy Điện khí LNG Hải Lăng được xây dựng nhằm hướng đến việc sản xuất điện từ khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) và truyền tải vận chuyển điện từ nơi sản xuất đến hệ thống phân phối.
Dự án thứ hai giúp xoay chiều kịch bản tăng trưởng FDI năm 2021 thuộc về một nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao. Đáng chú ý, theo thông tin trên báo Đầu tư, trong hai dự án này, nhà máy Điện khí LNG Hải Lăng được trao chứng nhận đăng ký đầu tư và khởi công hợp phần kỹ thuật vào giữa tháng 1/2022, nên trước đó bị nhầm là sẽ được tính vào tổng thu hút FDI của năm 2022.
FDI: Có lý do để nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục rót tiền vào Việt Nam
Như vậy, với việc “chốt sổ” thêm 2 dự án tỷ USD này, các số liệu về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài năm 2021 của Việt Nam đã có sự thay đổi lớn.
Cụ thể, ngoại trừ vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đạt 7,11 tỷ USD, giảm 16,7% so với cùng kỳ, thì vốn đầu tư mới đạt 18,9 tỷ USD, tăng 24,3%; còn vốn điều chỉnh đạt 12,84%, tăng 76% so với cùng kỳ năm 2020.
Đây là mức tăng trưởng ngoạn mục, cho thấy xu hướng hồi phục tích cực của dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cũng như niềm tin của giới đầu tư ngày càng được củng cố.
“Điều này đã thể hiện niềm tin về môi trường đầu tư, kinh doanh, sự kỳ vọng của nhà đầu tư nước ngoài về khả năng phục hồi của nền kinh tế Việt Nam”, theo Cục Đầu tư nước ngoài.

Cán cân thương mại đảo chiều

Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tháng 3/2022 đạt mức “cao kỷ lục” với trị giá là 67,37 tỷ USD, tăng 38,1% so với tháng 2/2022.
Trong đó, trị giá xuất khẩu là 34,71 tỷ USD, tăng 48,2% và trị giá nhập khẩu là 32,66 tỷ USD, tăng 28,7%.
Theo Tổng cục Hải quan, tính trong quý 1/2022, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam đạt 176,75 tỷ USD, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, trị giá xuất khẩu đạt 89,1 tỷ USD, tăng 13,4% và trị giá nhập khẩu đạt 87,64 tỷ USD, tăng 15,2%.
Trong tháng 3/2022, cán cân thương mại hàng hóa đảo chiều. Việt Nam xuất siêu 2,05 tỷ USD.
FDI đổ vào Việt Nam khởi sắc, người Việt tăng mạnh đầu tư ra nước ngoài
Tính trong quý 1/2022, cán cân thương mại hàng hóa của cả nước xuất siêu 1,46 tỷ USD.
Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan cũng ghi nhận tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong tháng là 46,89 tỷ USD, tăng 35,7% so với tháng trước, đưa tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong quý 1/2022 lên 123,05 tỷ USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, xuất khẩu hàng hóa của khối doanh nghiệp FDI trong tháng này là 25,84 tỷ USD, tăng 47,8% so với tháng trước, qua đó nâng trị giá xuất khẩu hàng hóa trong quý 1/2022 của doanh nghiệp FDI lên 65,36 tỷ USD, tăng 10,6% so với quý 1/2021 và chiếm 73,4% tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam.
Đặc biệt, cán cân thương mại hàng hóa của khối doanh nghiệp FDI trong tháng 3/2022 đạt thặng dư 4,79 tỷ USD, đưa cán cân thương mại trong quý 1/2022 lên mức thặng dư 7,68 tỷ USD.

Việt Nam lấy lại đà tăng trưởng ngoạn mục

Sputnik trước đó dẫn báo cáo cập nhật tình hình kinh tế của Việt Nam do Ngân hàng Standard Chartered công bố đánh giá, nền kinh tế Việt Nam đang lấy lại đà tăng trưởng ngoạn mục.
“Việt Nam vẫn tiếp tục là một trung tâm sản xuất và là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, mặc cho những thách thức liên quan đến căng thẳng địa chính trị và tình hình dịch bệnh”, Standard Chartered khẳng định.
Cũng tại báo cáo này, Standard Chartered nhấn mạnh quan điểm rằng, FDI đóng một vai trò lớn đối với kinh tế Việt Nam khi các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục là động lực chính giúp Việt Nam đóng góp vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Standard Chartered: GDP Việt Nam 2022 có thể tăng 6.7%, VND đang ổn định
Standard Chartered lưu ý, nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn trên thế giới đã chuyển hoặc có kế hoạch chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam trong những năm gần đây nhằm đa dạng chuỗi cung ứng.
“Việt Nam tiếp tục là một trung tâm sản xuất của khu vực trong các lĩnh vực như điện tử, dệt may và da giày”, ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế phụ trách Thái Lan và Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered nhận định.
Đầu tư nước ngoài tăng trưởng cao có tác động tích cực đến nền kinh tế Việt Nam. Khu vực này đang ngày càng trở thành động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế, đóng góp lớn cho tăng trưởng xuất nhập khẩu, giải quyết việc làm, cũng như tăng trưởng kinh tế...
Nhiều chuyên gia lưu ý, cũng một phần quan trọng nhờ những đóng góp của khu vực FDI, cả hai năm Covid-19 2020-2021, nền kinh tế Việt Nam đều duy trì được mức tăng trưởng dương đi ngược với xu hướng suy giảm chung của thế giới.
Mặc dù vậy, mức tăng trưởng GDP 2,58% của năm 2021 đã cho thấy, nền kinh tế Việt Nam gặp khó khăn hơn dự báo.
Tại kỳ họp Quốc hội tháng 10/2021, Chính phủ đã có báo cáo, tăng trưởng GDP cả năm ước đạt 3-3,5%.
Tuy nhiên, đến cuối năm, mức trưởng không đạt dự báo, trong khi ở thời điểm này, khi đánh giá bổ sung tình hình thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thậm chí nêu rõ, có 5/12, chứ không phải 4/12 chỉ tiêu không đạt kế hoạch đề ra như ban đầu.
Cụ thể, ngoài tăng trưởng GDP, GDP bình quân đầu người, tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp trong GDP, mức giảm hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều, đã có thêm chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội không đạt mục tiêu đề ra. Nguyên nhân xuất phát từ mức tăng trưởng thấp 2,58%.
Tuy nhiên, đà tăng trưởng đang dần trở lại quỹ đạo cũ, khi quý I/2022, vốn FDI đăng ký tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần tăng gần gấp 2 lần so với cùng kỳ; còn vốn FDI thực hiện tăng 7,8% so với cùng kỳ - mức tăng cao nhất kể từ năm 2016 đến nay.
Standard Chartered dự báo gì về kinh tế Việt Nam năm 2019?
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, điều này phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư nước ngoài vào môi trường đầu tư kinh doanh, triển vọng tăng trưởng trung và dài hạn của Việt Nam, ông Nguyễn Chí Dũng bày tỏ.
Trước đó, lãnh đạo của Tổng cục Thống kê cũng nhận định, vốn FDI vào Việt Nam trong năm 2022 sẽ “khởi sắc trở lại” nhờ những chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn và chủ trương mở cửa trở lại nền kinh tế sau 2 năm đóng cửa bởi dịch bệnh.
Đồng thời, không chỉ vốn FDI, nền kinh tế cũng đang lấy lại đà tăng trưởng, khi quý I/2022, tăng trưởng GDP đạt 5,03%.
Trong khi đó, Dragon Capital thì tin rằng kinh tế Việt Nam có thể đạt 7,0% tăng trưởng năm nay và nếu triển khai gói phục hồi kinh tế sớm và hiệu quả, tăng trưởng 8,6% là mục tiêu khả dĩ có thể đạt được
Theo Dragon Capital, sự ổn định vĩ mô của Việt Nam cũng được đánh giá rất cao bởi các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế uy tín, khi Fitch và Moody’s duy trì tín nhiệm ở mức BB và Ba3 với triển vọng tích cực.
Thảo luận