Để thế giới biết đến công nghệ AI “made in Vietnam”

Việt Nam đã tăng 14 bậc trên bảng xếp hạng về chỉ số sẵn sàng AI (trí thông minh nhân tạo) toàn cầu 2021 theo cập nhật mới nhất. Quốc gia Đông Nam Á này cũng đang đẩy mạnh phát triển trí thông minh nhân tạo.
Sputnik
Với tốc độ phát triển thần tốc, lĩnh vực AI tại Việt Nam được dự báo sẽ có thể vươn lên tầm cao mới để cùng thế giới giải quyết những vấn đề mang tính thế kỷ và toàn cầu.

Mở rộng ứng dụng AI ở Việt Nam

Trí tuệ, còn được gọi là trí thông minh (intelligence), được định nghĩa là khả năng học hỏi và thực hiện các kỹ thuật phù hợp để giải quyết vấn đề và đạt được mục tiêu, phù hợp với bối cảnh trong một thế giới không chắc chắn, luôn thay đổi. Trí tuệ nhân tạo (artificial intelligence - AI) được xem là “khoa học và kỹ thuật tạo ra những cỗ máy thông minh”.
Thời gian qua, AI đã được đưa vào nghiên cứu và ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như công nghiệp, nông nghiệp, y tế, giáo dục, giao thông hay thương mại điện tử tại Việt Nam.
Trí tuệ nhân tạo cũng đã chứng minh hiệu quả của công nghệ trong việc hỗ trợ đội ngũ tuyến đầu.
CEO Bkav Nguyễn Tử Quảng: “Trí tuệ nhân tạo Việt Nam có thể vươn lên số 1 thế giới”
Điển hình như trong khu vực y tế, một trong các phần mềm tham gia vào mặt trận hỗ trợ điều trị COVID-19 đầu tiên phải kể đến đó là DrAid™. DrAid™ là phần mềm AI đầu tiên tại Việt Nam do Công ty VinBrain thuộc Tập đoàn Vingroup phát triển từ năm 2019, giúp chẩn đoán các bệnh về phổi, tim và xương dựa trên X-quang. DrAid™ giúp phát hiện nhanh các dấu hiệu bất thường dựa trên ảnh X-quang ngực thẳng trong vòng chưa đầy 5 giây, kết hợp cùng xét nghiệm PCR, từ đó nâng cao độ chính xác, hỗ trợ tăng tính nhất quán và chuyển giao kiến thức của bác sĩ từ tuyến Trung ương tới cơ sở.
Như Sputnik đã thông tin, trong Báo cáo đánh giá chỉ số sẵn sàng Trí tuệ nhân tạo của Chính phủ năm 2021, do Oxford Insights (Vương quốc Anh) và Trung tâm nghiên cứu phát triển quốc tế của Canada thực hiện, Việt Nam hiện đứng ở vị trí thứ 62 trên toàn thế giới và xếp thứ 6/10 ở ASEAN.
Những năm gần đây, Chính phủ đã và đang ngày càng quan tâm hơn đến vấn đề hợp tác quốc tế, xây dựng cơ chế đầu tư, thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng để AI trở thành công nghệ chủ chốt trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Việc nghiên cứu không chỉ nhằm phát triển các sản phẩm công nghệ phục vụ mục đích thương mại mà còn giúp giải quyết nhiều vấn đề đặt ra từ cuộc sống.
Lấy ví dụ, một nhóm các nhà nghiên cứu trẻ đã sáng tạo ra bộ thiết bị có thể phân tích các tín hiệu âm thanh nhằm chẩn đoán sớm những tổn thương ở phổi.
Cấu tạo của bộ thiết bị này bao gồm một ống nghe điện tử kết nối với một ứng dụng mô phỏng được cài đặt trong điện thoại. Độ chính xác mà các cảnh báo đưa ra đạt khoảng 82 - 85%.
Được biết, bộ thiết bị điện tử sẽ có chức năng thu tín hiệu đầu vào, dữ liệu sau đó sẽ được đẩy lên server. Công nghệ AI để có thể phân loại ra đâu là tín hiệu bị bệnh và đâu là tín hiệu không bị bệnh và đưa ra kết quả cảnh báo đến cho người dùng.
“Khi số lượng của tập mẫu mình càng lớn thì công nghệ AI sẽ học tập được ngày càng tốt hơn, do đó có thể nâng cao được độ chính xác”, anh Trịnh Thanh Tùng, thành viên trong nhóm nghiên cứu, cho VTV biết.
Như đã biết, người ta có thể ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong rất nhiều vấn đề khác nhau. Công nghệ AI có thể nhận diện mức độ mệt mỏi của lái xe, từ đó tránh xảy ra tai nạn; lọc thông tin xấu độc trên Internet hoặc chẩn đoán sớm ung thư...

Để AI bùng nổ ở Việt Nam

Trong Chiến lược quốc gia về trí tuệ nhân tạo, Chính phủ đã đề ra mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam nằm trong nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN trong lĩnh vực này, đồng thời xây dựng thành công 10 thương hiệu trí tuệ nhân tạo có uy tín trong khu vực.
Tuy vậy, cần lưu ý rằng, trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, dữ liệu là yếu tố rất quan trọng hàng đầu. Dữ liệu cần phải đủ lớn, được gắn nhãn, đáng tin cậy và dễ dàng tiếp cận.
Ngập tràn bầu không khí tình yêu: trí tuệ nhân tạo dạy cách tán tỉnh
Theo PGS. TS. Nguyễn Long Giang, Phó Giám đốc Trung tâm Tiên tiến về trí tuệ nhân tạo, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, hạ tầng chia sẻ dữ liệu và hạ tầng mạng lưới tính toán đóng vai trò cốt lõi trong việc phát triển những ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Chúng có thể được xem là nền tảng cho các nhóm nghiên cứu cùng thiết kế những mô hình chia sẻ các công cụ về AI, từ đó xây dựng các giải pháp giải quyết các bài toán cụ thể khác nhau.
Để cho ra đời những sản phẩm tốt nhất, cần đảm bảo chất lượng, số lượng, đội ngũ nghiên cứu chuyên sâu, có liên kết giữa nghiên cứu và ứng dụng.
Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho biết, nguồn nhân lực cần được phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu cũng như đào tạo về kĩ năng trí tuệ nhân tạo cho cộng đồng.
Thứ hai là cần hình thành những hành lang pháp lý để thúc đẩy triển khai trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam, đặc biệt quan tâm những vấn đề về đạo đức, quy định để mà sử dụng những ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam.
“Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030" của Thủ tướng Chính phủ được kỳ vọng sẽ thúc đẩy xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo về AI, cũng như tạo dựng một số thương hiệu AI của Việt Nam sánh ngang tầm khu vực”, ông Duy nói.

Tăng cường đào tạo nhân tài AI

Vừa qua, Cộng đồng Trí tuệ nhân tạo Việt Nam (VietAI) đã thực hiện chương trình hợp tác với Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP.HCM.
Chương trình hướng đến mục tiêu đào tạo 100.000 tài năng AI tại Việt Nam đến năm 2030. Đại học Khoa học Tự nhiên sẽ là trường đầu tiên thí điểm chương trình, sau đó mở rộng ra toàn TP.HCM và khắp cả nước.
Camera trí tuệ nhân tạo của Bkav giúp Việt Nam bảo vệ biên giới?
TS. Lương Minh Thắng, sáng lập VietAI, cho biết các chương trình của cộng đồng này sẽ tạo môi trường cho các bạn trẻ trải nghiệm thông qua các sân chơi mang tính học thuật, sử dụng những công cụ hàng đầu của các doanh nghiệp công nghệ và nguồn dữ liệu lớn để các bạn phát triển các ý tưởng về AI.
“Sinh viên có cơ hội thực hành nhiều hơn, tương tác với những chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế về AI để có những định hướng phát triển bản thân và cơ hội làm việc tại các doanh nghiệp công nghệ trong và ngoài nước do chúng tôi giới thiệu”, VnExpress dẫn lời TS. Thắng chia sẻ.
PGS.TS Trần Lê Quan, Hiệu trưởng Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia TP HCM, cho biết công tác đào tạo và nghiên cứu và phát triển ứng dụng AI là một trong những định hướng chiến lược của nhà trường.
Trường hiện đang có chương trình đào tạo ngành AI ở cả 3 bậc học, bao gồm cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ. Nhiều giáo sư, tiến sĩ và giảng viên tại trường đã có công trình nghiên cứu đóng góp trong lĩnh vực AI, góp phần phát triển kinh tế xã hội. Nhà trường mong rằng chương trình sẽ tạo động lực để phát triển nguồn nhân lực về AI, cả số lượng và chất lượng, ở trong và ngoài trường.
Khi nào trí tuệ nhân tạo sẽ vượt qua con người?
VietAI là một tổ chức phi lợi nhuận, được thành lập từ năm 2018. Đến nay, cộng đồng này đã có hơn 20.000 thành viên, đào tạo được hơn 1.000 kỹ sư AI chất lượng cao. Trong số đó, có 3 người đã trở thành chuyên gia phát triển Google (Google Developer Experts) đầu tiên và duy nhất về máy học (machine learning) tại Việt Nam.
Kể từ năm 2022, VietAI mở rộng sứ mệnh thành lập hệ sinh thái AI vững chắc bao gồm đào tạo nhân tài, ứng dụng khởi nghiệp và phát triển nghiên cứu do Viện New Turing triển khai.
Thảo luận