Thời gian qua, Việt Nam đã phát hiện thêm các mỏ dầu khí mới tại giếng khoan Sói Vàng-1X Lô 16-1/15 (VSP), khai thác tốt tại các giếng khoan: R-62, R-63, BH-59. PVN cũng đưa ba mỏ/công trình vào khai thác gồm mỏ Sư Tử Trắng pha 2A, công trình BK-18A và công trình BK-19. Tuy nhiên, công nghệ mới là hướng đi quyết định và mang tính lâu dài.
Quan chức cấp cao Bộ Công Thương Việt Nam và đại diện chính quyền Azerbaijan vừa nhất trí tăng cường hơn nữa hợp tác song phương trong lĩnh vực khai thác dầu khí.
Cạn kiệt mỏ cũ, chưa phát hiện mỏ mới
Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch Covid-19 và cuộc xung đột tại Ukraina, giá dầu trên thế giới tăng cao, lên mức 100 USD/thùng, thậm chí có thời điểm vượt hơn ngưỡng 119 USD/thùng.
Xu hướng thế giới khiến giá xăng dầu trong nước cũng tăng theo, gây áp lực lớn lên hoạt động sản xuất của doanh nghiệp và đời sống nhân dân.
Vấn đề đặt ra, vì sao trong bối cảnh giá dầu tăng nhưng ngành dầu khí lại không thể gia tăng sản lượng khai thác, bù đắp nguồn thu cho ngân sách?
Điểm đáng chú, mặc dù giá dầu thế giới tăng cao, Việt Nam có thể đạt nguồn thu lớn từ xuất khẩu dầu thô, chưa kể, nhiều đơn vị trực thuộc PVN, được cho là sẽ sớm hoàn thành kế hoạch doanh thu nhờ lợi thế giá dầu, nhưng lại khó hoàn thành bài toán sản lượng dầu khai thác. Mấu chốt được cho là ở thực tế cạn kiệt nguồn tài nguyên dầu mỏ, khí đốt, cũng như chưa phát hiện được các mỏ mới.
Theo thống kê của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), từ năm 2015 đến nay, sản lượng dầu của Việt Nam liên tục sụt giảm, từ mức 16,9 triệu tấn năm 2015 xuống còn 15,2 triệu tấn năm 2016; 13,4 triệu tấn năm 2017; 12 triệu tấn năm 2018; 11 triệu tấn năm 2019 và xấp xỉ 10 triệu tấn trong hai năm 2020 và 2021.
Dự báo sản lượng khai thác sẽ tiếp tục giảm trong các năm tiếp theo. Riêng tại Liên doanh Việt-Nga Vietsovpetro, cánh chim đầu đàn của ngành dầu khí Việt Nam, theo thông tin được đề cập trên báo Nhân dân, sau khi đạt đỉnh khai thác vào năm 2002 với 13,5 triệu tấn, sản lượng khai thác giảm mỗi năm một triệu tấn. Các năm gần đây, sản lượng của Vietsovpetro chỉ quanh mốc hơn ba triệu tấn.
Phát biểu tại kỳ họp lần thứ 54, Hội đồng Liên doanh Việt-Nga Vietsovpetro thống nhất các chỉ tiêu năm 2022 thì sản lượng được đề ra chỉ ở mức 2,9 triệu tấn dầu/condensate; 65,4 triệu mét khối khí.
Theo Tổng Giám đốc Vietsovpetro Nguyễn Quỳnh Lâm, năm 2021, Vietsovpetro phải đối mặt với nhiều khó khăn do sản lượng khai thác tiếp tục suy giảm.
Tuy nhiên, với sự nỗ lực của hai phía, Vietsovpetro đã hoàn thành kế hoạch khai thác hơn 3 triệu tấn dầu, đạt 105,5% kế hoạch. Sản lượng khai thác khí thiên nhiên đạt 79,6 triệu mét khối, đạt 109,1% kế hoạch.
Doanh thu bán dầu, khí và condensate đạt hơn 1,6 tỷ USD. Sự sụt giảm sản lượng khai thác dầu khí qua từng năm là thực tế đã được dự báo từ lâu bởi ngành dầu khí đang phải đối mặt với thực trạng tài nguyên ngày càng cạn kiệt, trong khi việc phát triển các mỏ mới rất khó khăn, công tác thăm dò, tìm kiếm chưa đáp ứng yêu cầu thực tế.
Theo Tổng Giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng, việc khai thác mỏ phụ thuộc nhiều vào việc đầu tư, tuy nhiên các hợp đồng, mỏ đều đã đưa vào khai thác từ lâu, chưa có mỏ, hợp đồng mới.
Cùng với đó, PVN phải áp dụng công nghệ kỹ thuật để tăng sản lượng khai thác, nhưng cũng chỉ là “giải pháp hỗ trợ, không chắc thành công”.
Ông Hùng cũng lưu ý, nếu muốn hạn chế sự suy giảm sản lượng từ các giếng đang khi thác, hàng năm Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và các nhà thầu phải khoan bổ sung nhưng số lượng cũng rất hạn chế.
Ngoài ra, sản lượng của các giếng khoan này thường dưới 10% sản lượng chung của cả mỏ. Các phương án khác như tối ưu hệ số sử dụng thiết bị, can thiệp giếng cũng chỉ làm tăng thêm 1-2% sản lượng cho mỏ.
“Bên cạnh đó, hoạt động dầu khí ngoài biển tiềm ẩn nhiều rủi ro bao gồm rủi ro về địa chất, rủi ro về điều kiện thời tiết cũng như yếu tố địa chính trị... làm cho sản lượng khai thác thực tế khác với kế hoạch đề ra”, lãnh đạo PVN lưu ý.
Do công tác tìm kiếm, thăm dò có quá nhiều rủi ro, tỷ lệ thành công chỉ ở mức 20%. Trong khi chi phí tìm kiếm, thăm dò dao động trong khoảng từ 10 đến 15 triệu USD/giếng khoan là rất lớn trong bối cảnh giá dầu neo ở mức thấp nhiều năm qua, khiến hoạt động tìm kiếm, thăm dò không được quan tâm đúng mức.
Giai đoạn 2016-2020, vốn bố trí cho hoạt động thăm dò, tìm kiếm chỉ bằng 30% so với giai đoạn 2011-2015. Bên cạnh đó, quy trình thủ tục phê duyệt dự án tìm kiếm, thăm dò đang được triển khai như các dự án đầu tư phát triển khác, cho nên doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước như PVN và các công ty thành viên rất khó thực hiện.
“Phải đầu tư hàng chục năm mới có thể khai thác được mỏ dầu, trải qua các công đoạn từ thăm dò trữ lượng, tìm kiếm thăm dò đến phát triển khai thác mới có sản lượng”, ông Lê Mạnh Hùng khẳng định.
Theo Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP), thời điểm giá dầu thấp, PVEP tập trung tối ưu các hoạt động sửa chữa giếng, nâng cấp thiết bị.
Hoạt động tìm kiếm, thăm dò chủ yếu mở rộng tại các dự án khai thác đã có sẵn cơ sở hạ tầng.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia dầu khí, để gia tăng sản lượng, bảo đảm tính liên tục và ổn định của các công ty khai thác, giải pháp duy nhất vẫn là phát triển và đưa các mỏ mới vào hoạt động.
Công nghệ là chìa khóa thành công trong khai thác dầu khí
Theo PVN, phần lớn các mỏ dầu khí đang khai thác ở Việt Nam đều đã từ 15 đến 35 năm, được xếp vào giai đoạn khai thác cuối đời mỏ, có độ ngập nước cao, trung bình ở mức từ 50 đến 90%, dẫn đến sản lượng suy giảm tự nhiên khoảng 15-25%/năm.
Về vấn đề này, Tổng Giám đốc Vietsovpetro Nguyễn Quỳnh Lâm lưu ý, để chặn đà sụt giảm sản lượng đã được dự báo từ nhiều năm qua, Vietsovpetro đã xây dựng các giải pháp tối ưu về địa chất kỹ thuật, áp dụng khoa học-công nghệ mới để nâng cao hệ số thu hồi dầu, bảo đảm duy trì sản lượng khai thác.
Theo ông Nguyễn Quỳnh Lâm, Vietsovpetro đã thực hiện bơm ép nước để bảo tồn áp suất vỉa, tăng hệ số thu hồi dầu khí từ 18% lên hơn 40% đối với thân dầu trong tầng đá móng. Đây là hệ số thu hồi cao nhất trên thế giới hiện nay.
Đặc biệt, lãnh đạo Liên doanh Vietsovpetro cũng chú trọng việc đưa các giàn nhẹ đầu giếng không người vào khai thác các mỏ nhỏ, mỏ cận biên cũng mang lại hiệu quả cao.
“Điển hình như giàn nhẹ BK-20 hay giàn BK-21 tại mỏ Bạch Hổ thuộc thế hệ mới của Vietsovpetro đều là các giàn không người được điều khiển từ xa, ngay khi đi vào hoạt động đã đóng góp rất lớn vào việc duy trì sản lượng khai thác của toàn Liên doanh”, ông Lâm bày tỏ.
Gần nhất, tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Lê Văn Thành mới đây, Tổng Giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng lưu ý, thời gian qua, Tập đoàn đã phát hiện dầu khí mới tại giếng khoan Sói Vàng-1X Lô 16-1/15 (VSP) và biểu hiện dầu khí tốt tại các giếng khoan: R-62, R-63, BH-59.
PVN cũng đưa ba mỏ/công trình vào khai thác gồm: mỏ Sư Tử Trắng pha 2A, công trình BK-18A và công trình BK-19.
“Tập đoàn luôn xác định hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí gắn liền với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của đất nước”, ông Hùng nói.
Đồng thời, trong thời gian tới, tập đoàn sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác thăm dò, tìm kiếm, nhất là tại các khu vực đang khai thác nhằm tận dụng cơ sở hạ tầng, đồng thời đầu tư tìm kiếm, thăm dò ở khu vực nước sâu, xa bờ. Petrovietnam cũng nghiên cứu, thử nghiệm và đưa vào ứng dụng các công nghệ nâng cao hệ số thu hồi dầu.
Tuy nhiên, trong bối cảnh giá dầu dự báo sẽ neo ở mức cao, việc PVN nhanh chóng triển khai các giải pháp nhằm gia tăng sản lượng khai thác là hết sức cần thiết trong thời điểm hiện nay.
Theo lãnh đạo PVN, việc thay thế các nguồn năng lượng hóa thạch bằng các nguồn năng lượng tái tạo đã và đang là xu thế tất yếu tại hầu hết các quốc gia trên thế giới, chắc chắn giá trị của các nguồn năng lượng hóa thạch sẽ ngày càng suy giảm.
Việt Nam hợp tác với Azerbaijan trong lĩnh vực dầu khí
Theo thông tin từ Bộ Công Thương, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, nhằm mở rộng hợp tác, nâng cao hơn nữa năng lực khai thác dầu khí, vừa qua, phía Việt Nam và Azerbaijan đã đạt được sự nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác.
Đại sứ Anar Imanov cho biết, Azerbaija mong muốn được mở rộng hợp tác trong lĩnh vực dệt may
Cụ thể, ngày 14/4 vừa qua, Thứ trưởng Công Thương Đặng Hoàng An đã có buổi tiếp và làm việc với ông Anar Imanov, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Azerbaijan tại Việt Nam.
“Hai bên cũng nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác trong lĩnh vực dầu khí vì đây là hướng ưu tiên mang tính chiến lược lâu dài của hai nước”, thông cáo từ Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Cần nhắc lại rằng, trước đó, Việt Nam và Azerbaijan đã đạt được nhiều thỏa thuận song phương trong lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí, bao gồm cung cấp dịch vụ kỹ thuật dầu khí, cung ứng vật tư, nhân lực phục vụ ngành dầu khí.
Cũng tại cuộc gặp giữa Thứ trưởng Đặng Hoàng An và Đại sứ Anar Imanov, hai bên nhất trí thời gian tới cần tích cực hơn nữa trong công tác thông tin thị trường, nghiên cứu giới thiệu doanh nghiệp hai nước tham gia vào các hội chợ, triển lãm để tăng cường kết nối, giao thương, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại ngoài lĩnh vực dầu khí.
Việt Nam và Azerbaijan có quan hệ hữu nghị truyền thống, gắn bó từ nhiều thập kỷ qua. Tháng 9/2022 tới đây, hai nước sẽ kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Cơ chế hợp tác giữa hai bên cũng đang tích cực được mở rộng, điều này được thể hiện qua việc hai bên đã tổ chức thành công 2 Khóa họp Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học – kỹ thuật vào năm 2016 tại Hà Nội và năm 2018 tại Baku.
Đại sứ Anar Imanov cho biết, để thúc đẩy hơn nữa quan hệ thương mại giữa hai bên, phía Azerbaijan rất mong muốn được mở rộng hợp tác trong lĩnh vực dệt may giữa doanh nghiệp hai nước thông qua việc thành lập liên doanh và đặt cơ sở sản xuất tại Việt Nam hoặc tại Azerbaijan. Đối với vấn đề vận chuyển hàng hóa, phía Azerbaijan cũng thông báo về tuyến đường sắt nối 3 thành phố Baku (Azerbaijan) - Tbilisi (Gruzia) - Kars (Thổ Nhĩ Kỳ) hiện là giải pháp khả thi về chi phí và thời gian trong kết nối vận chuyển hàng hóa giữa châu Á và châu Âu.
Đại sứ Anar Imanov đề nghị phía Việt Nam xem xét giới thiệu cho các doanh nghiệp Việt Nam có quan tâm về phương thức vận tải này.
“Bộ Công Thương Việt Nam ủng hộ các sáng kiến và sẵn sàng đồng hành với các Bộ, ngành đối tác của Azerbaijan nhằm đưa quan hệ hợp tác song phương nói chung và giữa các doanh nghiệp hai bên nói riêng chặt chẽ và thực chất hơn trong thời gian tới”, Thứ trưởng Đặng Hoàng An nhấn mạnh.
Sau khi Việt Nam kháng chiến thắng lợi, Liên Xô nói chung và Azerbaijan nói riêng phải giúp đỡ Việt Nam khai thác và chế biến dầu khí, xây dựng được những khu công nghiệp dầu khí mạnh…
Đặc biệt, đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chuyến thăm khu công nghiệp dầu lửa Baku, Azerbaijan vào ngày 23/7/1959 đã đặt nền móng cho sự phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam, là niềm tin, là ước vọng của đất nước, là mục tiêu hành động, là kim chỉ nam trong suốt quá trình xây dựng và phát triển của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam.