Còn tồn đọng nhiều kẽ hở
Trong buổi tọa đàm "Phát triển bền vững thị trường trái phiếu doanh nghiệp" do Báo Người Lao Động tổ chức ngày 19-4, TS Lê Đạt Chí, Trường ĐH Kinh tế TP HCM cho rằng:
“Kể từ sau Nghị định 81/2020/NĐ-CP, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng mạnh mẽ. Đáng lưu ý, trái phiếu tài trợ cho doanh nghiệp bất động sản chiếm phần lớn trong tổng tài sản của các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam. Nhưng rủi ro xuất hiện khi doanh nghiệp sử dụng một số công ty con, công ty liên kết... để huy động vốn qua kênh trái phiếu.”
Do đó, nhà nước cần kiểm soát vốn khi triển khai các gói chính sách, gói hỗ trợ kinh tế, để hạn chế dòng tiền chảy vào trái phiếu doanh nghiệp giảm thiểu nợ xấu khi có tới 60% trái phiếu được mua bởi ngân hàng thương mại. Trên thực tế, văn bản hướng dẫn các tổ chức tín dụng trong việc nắm giữ trái phiếu cũng đã được Ngân hàng Nhà nước ban hành.
"Tại nhiều nước có thị trường tài chính phát triển phải nhắc đến là thị trường nợ. Tuy nhiên, để có một thị trường phát triển các nước cũng phải trải qua rất nhiều quá trình điều chỉnh quy định pháp luật. Do đó, việc điều chỉnh quy phạm pháp luật hiện nay là cần thiết nhằm sửa đổi những rủi ro, chưa hoàn chỉnh trên thị trường" - TS Lê Đạt Chí nói.
Để phát triển thị trường trái phiếu như kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế thì Chính phủ không chỉ cần lưu ý chủ thể là thị trường sơ cấp và người mua trái phiếu phát hành riêng lẻ, mà còn cần làm rõ khi công cụ này được giao dịch, mua bán trên thị trường thứ cấp sau đó, ai sẽ mua đi bán lại, rủi ro thế nào, khi sửa đổi Nghị định 153 (Nghị định 153/2020/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ - PV).
Bên cạnh đó cũng nhiều ý kiến cho thấy, rủi ro rất lớn cho thị trường này là những doanh nghiệp phát hành trái phiếu "3 không" - không tín nhiệm, không bảo lãnh thanh toán, không tài sản bảo đảm.
ThS Nguyễn Anh Vũ, Trường ĐH Ngân hàng TP HCM, nhấn mạnh về việc cần phải đánh giá được tình hình tài chính, hoạt động của doanh nghiệp khi đầu tư trái phiếu. Có nhiều cái "không" còn đáng lo ngại hơn "3 không" nói trên.
"Tôi lo ngại ngoài "3 không" thì còn có cái không thứ 4, thứ 5 khác, như không có năng lực tài chính tốt, dòng tiền, phương án kinh doanh không khả thi, dòng vốn không đúng mục đích... Những điều này đôi khi còn đáng lo hơn việc không có tài sản bảo đảm" - ThS Nguyễn Anh Vũ phát biểu.
Ông Vũ cho biết, lượng trái phiếu phát hành năm 2021 bằng cả giai đoạn 2011-2018, cụ thể có 95% là phát hành riêng lẻ, 5% phát hành ra công chúng
Nhà đầu tư cá nhân thực chất không quan tâm nhiều đến kênh trái phiếu mà quan tâm chủ yếu là cổ phiếu. Vậy tại sao lại có nhiều trái phiếu được phát hành như vậy trong khi nhà đầu tư cá nhân chỉ mua chưa đến 9% lượng trái phiếu phát hành?
Điều kiện phát hành trái phiếu cần được siết chặt
Theo ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán NH Đông Á, cơ chế phát hành riêng lẻ trái phiếu DN hiện nay là tự vay và tự trả nên không thể kiểm soát dòng vốn sau phát hành. Sau khi phát hành, các kênh như ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán tiếp tục phân phối trái phiếu thông qua kênh bán lẻ của họ, thậm chí chào mời cả những nhà đầu tư đã gửi tiết kiệm. Với mức lãi suất lên tới 12%/năm và tổng chi phí cho kênh này là khoảng 15%/năm với chi phí cho kênh phân phối, bảo lãnh phát hành, điều này dễ lôi kéo các nhà đầu tư tham gia thị trường trái phiếu.
Vì vậy, cần phải kiểm soát điều kiện phát hành trái phiếu, nếu không các tập đoàn đều không đứng ra phát hành mà chỉ sử dụng công ty con để phát hành cổ phiếu riêng lẻ, là hình thức mượn kẽ hở của pháp luật.
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, cho rằng việc không cần báo cáo tài chính, chứng minh tài sản là chưa phù hợp với thị trường Việt Nam. Ngoài ra, quy định vốn vay trên vốn chủ sở hữu cũng cần phải hợp lí để bảo đảm khả năng trả nợ.
Bên cạnh đó, tình trạng các ngân hàng đứng ra mua trái phiếu chiếm tỷ trọng lớn cũng đáng báo động, khi ngân hàng sử dụng trái phiếu giúp doanh nghiệp “đảo nợ”. Nhiều công ty con mới thành lập với vốn hoá bé cũng tham gia phát hành trái phiếu.
"Việc giám sát quá trình sử dụng vốn còn bỏ ngỏ. Vì vậy, có nhiều kẽ hở cần được bịt kín để làm sao tạo điều kiện cho thị trường trái phiếu trở thành kênh dẫn vốn quan trọng, an toàn của nền kinh tế" - PGS-TS Đinh Trọng Thịnh bày tỏ quan điểm.
Ông Phùng Xuân Minh, Tổng Giám đốc Công ty CP Sài Gòn Phát Thịnh Rating (Saigon Rating), cho rằng hiện thị trường trái phiếu cần sẵn sàng 3 yếu tố: định hướng quản lý của nhà nước; minh bạch thông tin của tổ chức xếp hạng tín nhiệm; sự tuân thủ của các chủ thể trên thị trường (nhà phát hành, tổ chức xếp hạng...). Chủ thể tham gia thị trường cần được tạo điều kiện để phát triển, nâng cao văn hóa xếp hạng tín nhiệm.
Hiện nay các quỹ BHYT và quỹ BHXH chủ yếu dùng nguồn vốn huy động được gửi tiết kiệm. Vì thế cần phải tạo ra các nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp chuyên nghiệp để tiến tới sự phát triển bền vững cho thị trường này.