1-1,6 tỷ đồng cho nhà ở xã hội: Người lao động mua nhà làm sao?

HÀ NỘI (Sputnik) - Lãnh đạo TP.HCM đưa ra giải pháp nhằm giải quyết tình trạng người lao động không thể mua nhà ở xã hội do giá đất tăng cao trong buổi tiếp xúc cử tri về chủ đề chính sách nhà ở cho công nhân, viên chức, lao động ngày 24/4.
Sputnik
Sáng hôm qua, 24.4, HĐND TP.HCM đã tổ chức buổi tiếp xúc cử tri về chủ đề chính sách nhà ở cho công nhân, viên chức, lao động. Hội nghị được kết nối trực tuyến 4 điểm cầu khác trên địa bàn TP.HCM với sự tham gia của hơn 400 công nhân, người lao động.

Người lao động không thể mua nhà xã hội

Với tình hình thực tế hiện nay 2 năm qua nhà nước không tăng lương, nhưng vật giá lại tăng 10%-20% mỗi năm nên với đồng lương của công nhân không thể mua được nhà ở, cử tri Hà Thị Trang, đại diện công nhân lao động, Công đoàn cơ sở Công ty TNHH MTV Daeyoung Electronics Vina, cho biết.
“Chưa kể ảnh hưởng của dịch Covid-19, đơn hàng tại các doanh nghiệp ít, thời gian tăng ca giảm, làm cho lương công nhân không đủ chi trả các khoản phí phát sinh như ăn uống, đi lại, nuôi con nhỏ. Nhiều công nhân về sống ở Bình Dương, Đồng Nai, chấp nhận đi xa cũng khó mua được nhà”, chị Trang phát biểu.
Chị Nguyễn Thị Thu Phương, tài xế xe ôm công nghệ, cho biết với thu nhập mỗi tháng khoảng 7 triệu đồng, chị chỉ đủ nuôi một con trai đang đi học, thuê nhà trọ giá 1,5 triệu đồng. Số tiền còn lại phải tiết kiệm mới đủ trang trải cuộc sống nên chuyện tích lũy mua nhà rất khó thực hiện. Từ đó chị Phương kiến nghị thành phố xây các chung cư với căn hộ có diện tích nhỏ, giá phù hợp thu nhập công nhân, bán trả góp hoặc cho thuê giá rẻ.
Thiếu nguồn cung, giá bất động sản hai đầu Nam Bắc tiếp tục tăng cao

Lãnh đạo thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế còn tồn đọng

Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó chủ tịch HĐND TP.HCM cho biết, sau hơn 15 năm TP.HCM đã đưa vào sử dụng 31 dự án nhà ở xã hội với 1,55 triệu m2 sàn, tương ứng 18.800 căn hộ. Có 19 dự án nhà ở xã hội hoàn thành và đưa vào sử dụng, tương ứng 14.900 căn hộ trong giai đoạn từ năm 2016 - 2020. Ngoài ra, TP.HCM cũng có 16 dự án nhà lưu trú công nhân đã hoàn thành và đưa vào sử dụng với khoảng 21.400 chỗ ở cho công nhân, người lao động tại 11/17 khu chế xuất, khu công nghiệp.
Bà Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM cho rằng:
“Các chính sách nhà ở cho công nhân phải tính đến giá, tính đến đối tượng và xây dựng nhà cho thuê cũng như có chính sách hỗ trợ cho chủ nhà trọ và cả người thuê trọ để nâng cao chất lượng tại nơi ở lên. Điều này là căn cơ, cốt lõi và dễ giải quyết hơn đối với việc mua nhà ở xã hội”.
Qua khảo sát của công đoàn phần lớn công nhân ở các tỉnh miền Tây, vùng lân cận TP HCM xác định chỉ ở thành phố làm việc một thời gian, sau đó về quê. Nguyên nhân là thu nhập của họ còn thấp, không tích lũy đủ số tiền ban đầu và trả hàng tháng. Hiện, giá mỗi m2 căn hộ nhà ở xã hội khoảng 25 triệu đồng, tương đương 1-1,6 tỷ đồng mỗi căn. Mỗi người được vay tối đa 900 triệu đồng, không quá 70% giá trị căn hộ, thời gian trả 15 năm. Tuy nhiên, do dự án nhà ở xã hội ở thành phố quá ít so với nhu cầu nên ngay cả những người đã để dành được 300-500 triệu đồng cũng khó mua được.
Đề xuất tăng lương: “Người lao động đã phải ăn nhiều mì tôm và vay nặng lãi”
Khoảng 1,3 triệu lao động, công nhân làm việc ở thành phố có nhu cầu nhà ở. Trong số này chỉ gần 40.000 công nhân (chiếm 3%) sống ở các khu lưu trú, ký túc xá được xây dựng tại các khu công nghiệp. Hầu hết lao động sống ở các phòng trọ diện tích trung bình 14 m2, mức thuê bình quân 1,6 triệu đồng mỗi tháng, khoảng 4 người cùng ở. Công nhân dành 10-15% thu nhập chi trả chỗ ở, theo kết quả khảo sát về nhu cầu nhà ở được công đoàn thực hiện.

"Phát triển nhà cho thuê sẽ giải quyết vấn đề chỗ ở đạt tiêu chuẩn dễ dàng hơn là xây bán và phù hợp với nhu cầu thực tế của lao động" - bà Thúy nói.

Theo ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, trước năm 2019, giá bán nhà ở xã hội không quá 16 triệu đồng/m2 thì hiện nay giá căn hộ ở mức từ 20 đến dưới 25 triệu đồng/m2. Tính ra mỗi căn hộ nhà ở xã hội có giá trên 1 - 1,6 tỉ đồng.
Ông cũng cho biết Sở Xây dựng TP.HCM đã kiến nghị UBND thành phố triển khai gói hỗ trợ cho người thuê trọ và chủ nhà trọ. Cụ thể, người đi thuê trọ được miễn giảm giá điện, nước; chủ trọ được tiếp cận gói vay hỗ trợ lãi suất khoảng 100 tỷ đồng sửa chữa, xây phòng trọ trong 3 năm. Chủ nhà trọ được miễn giảm thuế, hỗ trợ thủ tục xây dựng, cải tạo nhà.
Bên cạnh đó, để có thêm nhiều dự án được triển khai, sở sẽ đề xuất các vấn đề liên quan đến thủ tục như rút ngắn thời gian cấp phép xuống còn 6 tháng thay vì một năm như hiện nay; rà soát lại quỹ đất, các dự án treo, đất trong các khu công nghiệp. Về kinh phí, tài chính rất cần sự quan tâm của doanh nghiệp, ngân hàng chính sách xã hội.
Lãnh đạo Sở Xây dựng TP.HCM cũng thẳng thắn nhìn nhận và cho rằng các chính sách liên quan nhà ở xã hội còn nhiều bất cập khiến việc thu hút các nhà đầu tư tham gia còn hạn chế.
Việt Nam ‘khởi sắc’ thị trường xuất khẩu lao động

“Giai đoạn 2021 - 2025, TP.HCM đặt chỉ tiêu 47 dự án nhà ở, tập trung chủ yếu ở Q.7, Q.Bình Tân và TP.Thủ Đức; còn các quận nội thành chỉ có 2 dự án. Ngoài ra, TP.HCM cũng khuyến khích các địa phương ngoại thành đẩy mạnh dự án nhà ở xã hội, đáp ứng trên 35.000 căn hộ”, ông Khiết phát biểu.

Theo khảo sát của Ban Đô thị HĐND TP.HCM, Liên đoàn Lao động TP.HCM và Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM với khoảng 41.000 cử tri nữ công nhân, người lao động, thì có đến 41% người tham gia khảo sát hiện đang ở nhà thuê; 36% ở chung với gia đình; chỉ có 17% có nhà ở tại TP.HCM.
Trong đó, có tới 36% người được khảo sát lựa chọn mua nhà từ 500 triệu đồng đến dưới 1 tỉ đồng; hơn 33% lựa chọn mua nhà từ 1 tỉ đồng đến dưới 1,5 tỉ đồng; gần 20% mua từ 1,5 tỉ đồng đến dưới 2 tỉ đồng; hơn 10% mua nhà trên 2 tỉ đồng.
Thảo luận