Bà Lê Thị Băng Tâm, nguyên Chủ tịch SCIC, nguyên Thứ trưởng Tài chính đã từ nhiệm chức Chủ tịch HĐQT Vinamilk.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc làm Chủ tịch Vinamilk
Ngày 26/4, Đại hội cổ đông thường niên năm 2022 của Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk, HoSE: VNM) đã thông qua nhiều nội dung quan trọng.
Cụ thể, ông Nguyễn Hạnh Phúc, nguyên Tổng thư ký Quốc hội, được Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) bầu làm Chủ tịch.
Ông Phúc mới trúng cử làm thành viên độc lập của Hội đồng quản trị Vinamilk nhiệm kỳ 2022-2026 trong phiên họp đại hội đồng cổ đông thường niên sáng nay 26/4 thay cho bà Lê Thị Băng Tâm vừa từ nhiệm.
Được biết, ngoài chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị, ông Phúc còn kiêm nhiệm Chủ tịch Uỷ ban nhân sự và thành viên Uỷ ban lương thưởng của Vinamilk.
Trước đó như Sputnik đề cập, ông Nguyễn Hạnh Phúc được giới thiệu làm “ứng viên độc lập” tại Vinamilk.
Bà Mai Liều Liên được HĐQT bổ nhiệm tiếp tục giữ chức Tổng Giám đốc (CEO) Vinamilk nhiệm kỳ 5 năm tới.
Như vậy, bà Lê Thị Băng Tâm, nguyên Chủ tịch Vinamilk, đã chính thức rời “ghế nóng” sau nhiều năm nắm giữ vị trí này. Bà Tâm đã tham gia vào HĐQT của Vinamilk từ tháng 4/2013.
Bà Lê Thị Băng Tâm
Danh sách 9 thành viên khác được trúng cử vào HĐQT của Vinamilk là ông Alain Xavier Cany, bà Đặng Thị Thu Hà, ông Đỗ Lê Hùng, ông Lê Thành Liêm, bà Mai Kiều Liên, ông Lee Meng Tat, ông Michael Chye Hin Fah, ông Hoàng Ngọc Thạch và bà Tiêu Yến Trinh.
Vinamilk hướng đến đạt đỉnh doanh thu
Đại hội cổ đông thường niên năm 2022 của Vinamilk đã thông qua kế hoạch kinh doanh tiếp tục vượt đỉnh doanh thu với mục tiêu năm 2022 đạt 64.070 tỷ đồng, tăng gần 5% so với mức thực hiện năm 2021. Ngược lại, lợi nhuận sau thuế dự kiến giảm 8%, đạt 9.770 tỷ đồng.
Phương án chia cổ tức năm 2022 được phê duyệt là 3.850 đồng/cổ phiếu, tương đương tổng giá trị dự kiến là 8.046 tỷ đồng.
Cổ tức đợt 1/2022 theo kế hoạch sẽ được tạm ứng ở mức 15%, chốt quyền vào ngày 7/7/2022 và thanh toán vào ngày 19/8 sau đó.
Bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Vinamilk cho biết dự kiến trong năm 2022, doanh thu xuất khẩu của công ty sẽ đạt mức tăng trưởng từ 5-10%, tùy thuộc vào thị trường trong bối cảnh giá nguyên vật liệu leo thang tăng từ 37-40%.
Doanh số của thị trường sữa theo dự báo của ban lãnh đạo Vinamilk là 145.000 tỷ đồng vào năm 2025, trong đó riêng công ty này tính tới năm 2025 sẽ tăng trưởng theo GDP lên mức 86.000 tỷ đồng.
4 dự án chiến lược mà Vinamilk công bố tại đại hội là dự án chăn nuôi và chế biến thịt bò, dự án tổ hợp thiên đường sữa Mộc Châu, dự án tổ hợp nhà máy sữa phía bắc, dự án tổ hợp trang trại bò sữa Lao-Jargo.
Năm 2021, tổng doanh thu hợp nhất của Vinamilk lần đầu vượt mốc 60 nghìn tỷ đồng, đạt 61.012 tỷ đồng, tăng 2,2% so với cùng kỳ, trong đó doanh thu thuần xuất khẩu đạt 6.128 tỷ đồng, tăng 10,2% so với cùng kỳ và doanh thu thuần các công ty con ở nước ngoài đạt 3.589 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ.
Về ông Nguyễn Hạnh Phúc
Ông Nguyễn Hạnh Phúc sinh năm 1959, quê ở Thái Bình và là kỹ sư xây dựng.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc tốt nghiệp Kỹ sư xây dựng trường Đại học Kiến trúc Hà Nội và từng nhiều năm công tác ở Sở Xây dựng Thái Bình sau đó kinh qua nhiều vị trí chủ chốt ở tỉnh uỷ tỉnh Thái Bình như Thường vụ Tỉnh uỷ, Bí thư thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Thái Bình.
Từ 8/2011 tới 1/2016, ông Phúc là Uỷ viên Trung ương Đảng, Uỷ viên Đảng đoàn Quốc hội, Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội, Chánh văn phòng Đảng đoàn Quốc hội, Chánh văn phòng Hội đồng bầu cử Quốc gia. Thành viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Từ tháng 1/2016 – 11/2021, ông Phúc là Ủy viên Trung ương Đảng, Uỷ viên Đảng đoàn Quốc hội, Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội, Bí thư Đảng uỷ cơ quan văn phòng Quốc hội, Chánh văn phòng Đảng đoàn Quốc hội, Chánh văn phòng Hội đồng bầu cử Quốc gia. Chủ tịch nhóm Nghị sĩ Hữu nghị Việt Nam – Australia.
Từ tháng 11/2021, ông Phúc nghỉ hưu theo chế độ. Ngày 26/4/2022, ông được bầu vào HĐQT Vinamilk nhiệm kỳ 2017-2021 đựa lựa chọn làm Chủ tịch HĐQT quản trị nhiệm kỳ mới thay bà Lê Thị Băng Tâm.