Hai quan chức hàng đầu của Mỹ - Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin vừa có chuyến thăm bí mật Kiev, thủ đô Ukraina. Trong bối cảnh Nga đang tiến hành Chiến sự quân sự đặc biệt tại Ukraina chuyến đi này đã thu hút nhiều sự chú ý của dư luận thế giới và báo chí. Sputnik đã có cuộc phỏng vấn chuyên gia quan hệ quốc tế Hồng Long về sự kiện này.
Tất cả chỉ nhằm một mục đích cuối cùng: Kéo dài chiến tranh
Trả lời câu hỏi của phóng viên Sputnik, cùng một lúc 2 nhân vật quan trọng của chính quyền Hoa Kỳ, Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin tới Kiev ở thời điểm hiện tại chứng tỏ điều gì, phải chăng đó là thể hiện sự giúp đỡ mọi mặt của Hoa Kỳ cho Ukraina để kéo dài chiến tranh, chuyên gia quan hệ quốc tế Hồng Long đã có bình luận:
Việc lãnh đạo hai bộ quan trọng nhất của Nhà Trắng bí mật đến Kiev cho thấy trước mắt, Kiev đang rất bi quan và thất vọng nên cần có một sự nâng đỡ về tinh thần, sau đó mới đến sự trợ giúp về vật chất. Nhà Trắng cũng như Lầu Năm Góc đã nhận ra điều đó và tiến hành ngay một chuyến thăm bí mật, chóng vánh. Điều này thể hiện rất rõ trong phát biểu của tổng thống Zelensky khi ông ta đã “hăng hái” trở lại và tuyên bố rằng “người dân Ukraina đang đoàn kết” và quan hệ đối tác Ukraina-Mỹ đang “mạnh hơn bao giờ hết”.
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin, Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky và Ngoại trưởng Hoa Kỳ Anthony Blinken trong cuộc gặp ở Kyiv
© AFP 2023 / US Department of Defense
Bên cạnh đó, Mỹ cũng muốn “rửa mặt cho mình” để khỏi mang tiếng là “bỏ rơi bạn bè” như đã từng xảy ra ở nhiều nơi trong quá khứ mà miền Nam Việt Nam năm 1975 là một trong các ví dụ. Dĩ nhiên là khoản viện trợ 700 triệu USD kia hoàn toàn không đủ để Kiev có thể tái vũ trang cho các đơn vị đã bị đánh tan tác ở miền Đông. Điều đáng chủ ý nhất là chỉ có 300 triệu USD được viện trợ trực tiếp cho Ukraina. Số tiền còn lại, Mỹ phải “nhờ” đến các đồng minh NATO “thanh thải” các vũ khí cũ bằng cách chuyển chúng cho Ukraina và mua sắm vũ khí mới từ Mỹ.
Không khó để hiểu rằng chuyến đi cùng lúc của hai bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao Mỹ là tạo một “cú huých” nhằm “động viên” Kiev tiếp tục cuộc chiến, tiếp tục phá hoại hoặc kéo dài đàm phán nhằm “chống Nga đến người Ukraina cuối cùng. Điều đáng chú ý thứ hai là chuyến đi này diễn ra ngay trước khi Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đến Moskva và Kiev. Hẳn hai quan chức cao cấp Mỹ không chỉ “động viên” Kiev mà còn “mách nước, bày mưu” cho Kiev để đưa ra những điều kiện đơn phương đối với người đứng đầu Liên Hợp Quốc đồng thời, tiếp tục tỏ thái độ bất hợp tác với Moskva.
Và tất cả chỉ nhằm một mục đích cuối cùng: Kéo dài chiến tranh!
Những giúp đỡ cụ thể
Phân tích về những mục địch cụ thể của chuyến đi bí mật nói trên, chuyên gia Hồng Long nhấn mạnh:
Có một số nhiệm vụ cụ thể.
Một là về quân sự, Mỹ sẽ giúp Kiev bày mưu tính kế đối phó với các tình huống tác chiến mới ở mặt trận Donbass, tiếp tục ngoan cố phản kích. Mỹ cũng có thể tiết lộ một phần thông tin tình báo để trợ giúp quân đội Ukraina trong tác chiến ở địa bàn thảo nguyên trống trải đang ở vào mùa khô.
Hai là về ngoại giao, Mỹ sẽ trợ giúp Kiev, đứng sau lưng “bảo kê” cho Kiev để “vận động hành lang” đối với các quốc gia Châu Âu nhằm kiếm thêm tiền viện trợ và vũ khí.
Thứ ba là Mỹ sẽ bày cách cho Kiev để đối phó với chuyến đi con thoi nhằm vãn hồi hòa bình của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nhằm làm cho chuyến đi này không thu được kết quả rồi đổ lỗi cho phía Moskva.
Về phía Kiev, chắc chắn họ sẽ đòi hỏi những bảo đảm an ninh từ phía Mỹ và NATO đối với Ukraina cũng như yêu cầu Mỹ ủng hộ tuyệt đối lập trường của Kiev về lãnh thổ. Trước đây, Kiev cũng đã từng đưa ra các yêu sách bảo đảm an ninh cho Ukraina như đối với thành viên NATO. Tuy nhiên, theo quan điểm của nhiều thành viên chủ chốt của NATO, việc này là bất khả thi. Nhân cơ hội này, rất có thể Kiev sẽ nhắc lại yêu cầu đó một lần nữa.