Vì sao Việt Nam tạm dừng khai báo y tế Covid-19 với người nhập cảnh?

Theo văn bản hỏa tốc của Bộ Y tế, Việt Nam sẽ chính thức tạm dừng khai báo y tế Covid-19 với người nhập cảnh từ 0h ngày 27/4/2022 tại tất cả các cửa khẩu.
Sputnik
Bộ Y tế cho biết, đến nay, tại Việt Nam, dịch Covid-19 đã được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc với tỷ lệ bao phủ vaccine phòng Covid-19 “rất cao”.
Về bỏ khai báo y tế nội địa, trước đó, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, điều này là để từng bước đưa cuộc sống trở lại bình thường do không thực hiện việc truy vết nữa.

Việt Nam tạm dừng khai báo y tế với người nhập cảnh từ 0h ngày 27/4

Ngày 27/4, Bộ Y tế đã có văn bản hỏa tốc gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố về việc tạm dừng khai báo y tế Covid-19 tại tất cả các cửa khẩu của Việt Nam đối với người nhập cảnh kể từ 0h hôm nay.
“Tạm dừng việc áp dụng khai báo y tế với Covid-19 tại tất cả các cửa khẩu của Việt Nam đối với người nhập cảnh kể từ 00 giờ 00 phút ngày 27/4/2022”, Bộ Y tế thông báo.
Văn bản của Bộ Y tế gửi đến các Ủy Ban nhân dân tỉnh, thành phố có hoạt động kiểm dịch y tế gồm Hà Nội, Hải Phòng, Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Quảng Trị, Đà Nẵng, Kon Tum, Khánh hòa, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, An Giang, Tây Ninh, Bình Thuận, Thừa Thiên Huế, Điện Biên, Tiền Giang, Quảng Bình, Quảng Nam, Cần Thơ, Quảng Ngãi, Bình Định, Thanh Hóa, Long An, Đắc Nông, Lâm Đồng, Bà Rịa-Vũng tàu, Phú Yên, Kiên Giang, Lai Châu, Nghệ An, Đồng Tháp, Nam Định, Bình Phước, Sơn La, Cà Mau, Cao Bằng, Hà Giang, Thái Bình, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Gia Lai, Đắc Lắc, Bình Dương, Trà Vinh, Vĩnh Long.
Sở Y tế TP.HCM bỏ kiểm tra kết quả xét nghiệm Covid-19 đối với hành khách nhập cảnh Tân Sơn Nhất
Văn bản của Bộ Y tế nhấn mạnh, hiện nay, dịch Covid-19 đã ghi nhận tại hầu hết các nước trên thế giới, đã có vaccine phòng bệnh đặc hiệu và có hiệu quả với các chủng virus SARS-CoV-2 hiện đang lưu hành.
Thêm vào đó, trong thời gian gần đây, dịch đã có xu hướng giảm cả số mắc và tử vong trên phạm vi toàn cầu.
“Tại Việt Nam, Bộ Y tế cho biết dịch Covid-19 đã được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc với tỷ lệ bao phủ vaccine phòng Covid-19 cao”, Bộ Y tế cho biết.
Do đó, căn cứ tình hình dịch Covid-19 và Nghị định số 89/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm về kiểm dịch y tế biên giới, Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện một số nội dung.
Ngoài tạm dừng khai báo y tế Covid-19 tại các cửa khẩu với người nhập cảnh, Bộ Y tế yêu cầu các tỉnh/thành phố duy trì giám sát hành khách nhập cảnh tại các cửa khẩu theo quy định tại Nghị định số 89/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm về kiểm dịch y tế biên giới.
Đại dịch COVID-19
Việt Nam bắt đầu chiến dịch tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5-12 tuổi
Các địa phương cũng cần chủ động cập nhật các tài liệu truyền thông, khuyến cáo phòng, chống dịch Covid-19 phù hợp với tình hình hiện nay và chủ động đưa tin kịp thời.
Bộ Y tế cho biết sẽ tiếp tục cập nhật, cung cấp thông tin về hình hình dịch bệnh trên thế giới và trong nước để có các biện pháp phòng chống dịch phù hợp.

Việt Nam bỏ khai báo y tế nội địa vì không thực hiện truy vết

Trước đó, ngày 26/4, phát biểu tại Hội nghị trực tuyến quán triệt việc “làm sạch” dữ liệu tiêm chủng Covid-19 và hướng dẫn triển khai các nhiệm vụ của Tổ Công tác triển khai Đề án 06 do liên Bộ Y tế - Bộ Công an tổ chức, GS. TS Nguyễn Thanh Long cho hay, Việt Nam sẽ bỏ khai báo y tế nội địa. Với khai báo nhập cảnh cũng sẽ chỉ khai báo theo đúng thông lệ quốc tế.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long: 5 điểm trọng yếu giúp TP.HCM khống chế dịch Covid-19
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Bộ Y tế đã giao Cục Y tế Dự phòng có văn bản hướng dẫn các địa phương trong việc từng bước thực hiện bình thường hóa.
“Đây là điểm rất quan trọng. Tới đây, Việt Nam sẽ bỏ khai báo y tế nội địa. Việc này là từng bước để đưa cuộc sống trở lại bình thường vì chúng ta không thực hiện truy vết nữa”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.
Thông tin về khai báo khi nhập cảnh vào Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế đã yêu cầu “phải trở lại trạng thái bình thường”, tức là chỉ khai báo theo đúng điều lệ quốc tế, trong đó yêu cầu thông tin cơ bản, không phục vụ cho mục đích khác nữa.

“Không loại trừ xuất hiện các biến chủng mới”

Lãnh đạo Bộ Y tế nhấn mạnh, ở Việt Nam, dịch bệnh vẫn được kiểm soát trên phạm vi cả nước và có nhiều diễn biến tích cực khi có xu hướng giảm mạnh theo cả 4 tiêu chí trong 30 ngày qua gồm số ca cộng đồng cả nước giảm 56,5%, số ca tử vong giảm 60,5%, số ca đang điều trị tại bệnh viện giảm 44,9%, số ca nặng, nguy kịch giảm 38,6%.
Cụ thể, trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 10.936 ca/ngày, tương đương thời điểm tuần cuối tháng 11/2021 là lúc biến thể Omicron chưa xâm nhập và lây lan rộng ở Việt Nam (riêng TP. Hà Nội hiện đang ghi nhận khoảng gần 1.000 ca mỗi ngày, thấp nhất từ giữa tháng 12/2021 đến nay).
Du lịch Việt Nam: Giải pháp nào cho khủng hoảng nhân sự trầm trọng hậu COVID-19?
Cả nước, số ca tử vong chỉ còn trên dưới 10 ca tử vong ghi nhận mỗi ngày, thấp nhất từ tháng 7/2021 đến nay.
Tuy vậy, Bộ Y tế dự báo, thời gian tới dịch bệnh vẫn còn diễn biến khó lường trên thế giới, không loại trừ xuất hiện các biến chủng mới lây lan nhanh hơn, nguy hiểm hơn.
Do vậy, vaccine vẫn là biện pháp quan trọng trong phòng, chống dịch. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng, chủ động xây dựng và triển khai các kịch bản, phương án đáp ứng với mọi tình huống dịch bệnh.
“Tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác”, lãnh đạo Bộ Y tế quán triệt.
Thảo luận