Việt Nam: Xây dựng cơ chế, thể chế minh bạch để phát triển môi trường đầu tư

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, thể chế, cơ chế phải được xây dựng một cách minh bạch, công khai, ổn định, từ đó góp phần phát triển hệ sinh thái môi trường đầu tư.
Sputnik
Cũng theo người đứng đầu Chính phủ, cần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Tuy nhiên, độc lập tự chủ không có nghĩa là tự cung, tự cấp mà phải hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả, là bạn bè tốt, đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Xây dựng cơ chế, thể chế minh bạch

Sáng 28/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Sóc Trăng năm 2022 với chủ đề “Đồng hành – hợp tác – phát triển”.
Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có phát biểu chia sẻ về 13 vấn đề cần lưu ý trước sự có mặt của đại diện 600 doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Sóc Trăng
13 vấn đề được nói tới, theo Thủ tướng, là để nhằm xây dựng và phát triển môi trường đầu tư, hệ sinh thái đầu tư hướng đến mục tiêu 12 chữ: "Công khai, minh bạch, bình đẳng, an toàn, hiệu quả, bền vững".
Theo đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc trước hết cần làm là phải bám sát chủ trương, đường lối của Đảng trong Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Người đứng đầu Chính phủ lưu ý, thể chế, cơ chế phải được xây dựng một cách minh bạch, công khai, ổn định, góp phần phát triển hệ sinh thái môi trường đầu tư.
Tiếp đó, cần triển khai thực hiện các đột phá chiến lược về hạ tầng, nguồn nhân lực và thể chế. Các nhà lãnh đạo, các nhà quản lý, các nhà đầu tư đều có trách nhiệm thực hiện các đột phá này.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, nếu chỉ trung ương hay địa phương không thôi thì không thể thực hiện được các khâu đột phá này. Vì vậy, phải có sự vào cuộc, cố gắng của cả trung ương và địa phương, cả hệ thống chính trị, cũng như sự đồng lòng, ủng hộ của người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư…
Tại sao Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc PVN về ‘độc lập, tự chủ’ lúc này?
Đặc biệt, cần coi trọng vấn đề quy hoạch, phải đi trước một bước, có kế thừa, ổn định, đổi mới và phát triển, với tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược.
"Giải quyết tốt các vấn đề chiến lược có tính toàn cầu, toàn dân như ứng phó dịch bệnh Covid-19, biến đổi khí hậu với các vấn đề tại ĐBSCL như sụt lún, sạt lở, thay đổi dòng chảy, lưu lượng nước sông Mekong… Giải quyết được vấn đề của tỉnh thì sẽ góp phần giải quyết các vấn đề của cả nước, vấn đề toàn cầu. Phải xử lý được các vấn đề này thì các nhà đầu tư mới yên tâm tìm đến", Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ.
Theo Thủ tướng, phải chọn vấn đề ưu tiên, có tác động lan tỏa lớn, bền vững để làm trước. Khi đã bắt tay vào làm, phải làm từng bước chắc chắn, từ nhỏ đến lớn, thấp đến cao, đơn giản đến phức tạp, chọn vấn đề trọng tâm, trọng điểm, phải xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để thực hiện, vừa ổn định, vừa linh hoạt, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư, người dân…

Vấn đề độc lập, tự chủ kinh tế

Đối với kinh tế, cần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Tuy nhiên, độc lập tự chủ không có nghĩa là tự cung, tự cấp mà phải hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả, là bạn bè tốt, đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tinh thần dựa vào nội lực (con người, thiên nhiên và truyền thống lịch sử - văn hóa) là quyết định, chiến lược, cơ bản, lâu dài. Trong khi đó, nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá.
Khu kinh tế Vân Phong: Từ dấu ấn ông Nguyễn Tấn Dũng đến Thủ tướng Phạm Minh Chính
Thủ tướng cũng nêu cao sự phối hợp, giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương. Người đứng đầu Chính phủ đề nghị các bộ, ngành phải quan tâm, bám sát, “lao tâm, khổ tứ” để cùng làm với địa phương, chống xin – cho.
Tiếp theo là sự đồng hành, ủng hộ của doanh nghiệp. Thủ tướng mong muốn, các nhà đầu tư cần làm việc với các địa phương trên tinh thần “nói thật, nghĩ thật, làm thật, hiệu quả thật, người dân được thụ hưởng thật”,
Đặc biệt, sự ủng hộ của người dân cũng rất quan trọng. Thủ tướng mong rằng, nhân dân cần có ý thức chấp hành tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Trong khi đó, chính quyền, hệ thống chính trị phải làm tốt việc tuyên truyền, vận động người dân trên cơ sở hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro, bảo đảm nơi tái định cư mới phải tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ, năm sau tốt hơn năm trước. Có như vậy thì người dân mới đồng tình, ủng hộ các dự án, sẵn sàng nhường mặt bằng để thi công các dự án.
Vấn đề tiếp theo được Thủ tướng nêu ra là việc huy động nguồn lực. Thủ tướng đề nghị cần đa dạng hóa, huy động tối đa, hiệu quả các nguồn lực xã hội, tăng cường hợp tác công tư, triển khai huy động vốn qua các kênh như tín dụng ngân hàng, chứng khoán, trái phiếu, ODA…
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm gì ở Kiên Giang?
Sau đó là vấn đề truyền thông. Theo người đứng đầu Chính phủ, hiện có tình trạng một số nơi chưa coi trọng công tác truyền thông, chưa biết làm truyền thông chuyên nghiệp. Thủ tướng nhấn mạnh tuyệt đối không để xảy ra khủng hoảng truyền thông.
Cuối cùng, cần tổ chức thực hiện trên cơ sở lựa chọn trọng tâm, trọng điểm cho đúng, trúng, tuân thủ quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, tăng cường gặp gỡ, trao đổi để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, liên tục rà soát, đề xuất các cơ quan hoàn thiện, bổ sung, huy động sức mạnh của người dân và doanh nghiệp.
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cho biết, nhằm tận dụng thời cơ thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, Sóc Trăng định hướng thu hút đầu tư giai đoạn 2022 - 2025 theo 5 lĩnh vực, bao gồm: dịch vụ logistics; hạ tầng công nghiệp - đô thị; nông nghiệp công nghệ cao; du lịch và năng lượng tái tạo.
Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu báo cáo tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh
"Với những định hướng phát triển rõ ràng, cụ thể, cùng với quyết tâm mạnh mẽ, trong thời gian tới tỉnh Sóc Trăng mong muốn được tiếp đón nhiều hơn nữa các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến tỉnh cùng hợp tác và phát triển. Thành công của nhà đầu tư cũng chính là thành công của tỉnh Sóc Trăng", ông Trần Văn Lâu cho biết.
Trong sự kiện này, UBND tỉnh Sóc Trăng đã trao quyết định đầu tư cho 4 doanh nghiệp với tổng mức đầu tư đăng ký đạt hơn 12.000 tỷ đồng, đồng thời tiến hành ký kết 18 biên bản ghi nhớ nghiên cứu, khảo sát đầu tư với tổng số vốn 212.000 tỷ đồng trong nhiều mảng như: công nghiệp, thương mại, năng lượng, giao thông, xây dựng, đô thị, logistics, chuyển đổi số.
Thảo luận