Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), thực tế này khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ doanh nhân thế giới.
Bộ KH&ĐT cũng nhấn mạnh, đã xuất hiện nhiều doanh nghiệp tư nhân, tập đoàn tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, chiếm vị thế áp đảo trong danh sách doanh nghiệp đạt vốn hóa tỷ đô la trên thị trường chứng khoán.
Xuất hiện nhiều tỷ phú thế giới là doanh nhân người Việt
Việt Nam đang xây dựng nhiều chính sách cởi mở, mạnh mẽ thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của bộ phận kinh tế tư nhân vào nền kinh tế quốc dân.
Hôm 19/4 vừa qua, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã có tờ trình gửi các bộ ngành, địa phương và Hiệp hội doanh nghiệp lấy ý kiến về xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục thực hiện nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, nâng cao tính tự chủ, tự cường của nền kinh tế Việt Nam.
Theo cơ quan này, thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 99/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng dự thảo Tờ trình và Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Nêu trong Tờ trình, Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết, tốc độ tăng vốn sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân giai đoạn 2017-2019 đạt 20,85%/năm, cao hơn giai đoạn 2011-2016 (16,62%) và cao hơn mức tăng chung của khu vực doanh nghiệp (16,29%).
Theo Bộ này, kinh tế tư nhân hiện đóng góp khoảng 40% GDP của Việt Nam. Nhà chức trách đánh giá, kinh tế tư nhân đóng góp lớn vào vốn đầu tư toàn xã hội và tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, một số tập đoàn đã đầu tư ra thị trường khu vực và quốc tế.
Điểm đáng chú ý nữa về kinh tế tư nhân tại Việt Nam đó là sự xuất hiện nhiều doanh nghiệp tư nhân, tập đoàn tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, chiếm vị thế áp đảo trong danh sách doanh nghiệp đạt vốn hóa tỷ USD trên thị trường chứng khoán.
Sự xuất hiện nhiều tỷ phú thế giới là doanh nhân Việt, khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ doanh nhân thế giới.
Nêu trong Tờ trình này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, phấn đấu đến năm 2025 Việt Nam có khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp đang hoạt động, hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có tiềm lực, có sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Bên cạnh đó, khu vực kinh tế tư nhân cũng được kỳ vọng sẽ đóng góp 55% GDP năm 2025, năng suất lao động tăng 4-5%/ năm trong giai đoạn tới, có nhiều doanh nghiệp tham gia mạng sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Còn tình trạng phân biệt đối xử?
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Dự thảo Chương trình hành động đã cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thành các chương trình, nhiệm vụ cụ thể, gắn với chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ và phù hợp với đặc điểm tình hình, điều kiện thực tế, đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả, khả thi cao nhất.
Dự thảo này cũng kế thừa, phát huy những kết quả đạt được và khắc phục những hạn chế, yếu kém trong tổ chức thực hiện ở giai đoạn trước.
Đặc biệt, cơ quan chức năng của Việt Nam đã bổ sung đánh giá sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, trong đó chú trọng sự phát triển bền vững không chỉ số lượng mà cả chất lượng, trong xu hướng phát triển các ngành nghề mới liên quan đến kinh tế số, đổi mới sáng tạo.
Đánh giá về sự phát triển bộ phận kinh tế tư nhân hiện nay trong cơ cấu nền kinh tế quốc dân, bên cạnh mặt tích cực, Bộ KH&ĐT còn thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế còn tồn tại.
Điển hình như việc số lượng doanh nghiệp tăng chưa đạt được mục tiêu đề ra đến năm 2020 là có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp.
Hoạt động sản xuất kinh doanh của phần lớn doanh nghiệp còn thấp, công nghệ không cao, tham gia vào chuỗi kinh tế toàn cầu còn yếu khi chỉ có 15-17% là nhà cung ứng cho nước ngoài.
Cùng với đó, Bộ Kế hoạch và đầu tư thẳng thắn nhìn nhận rằng, môi trường đầu tư kinh doanh còn khá nhiều hạn chế, thiếu minh bạch, tiềm ẩn rủi ro, sự cải thiện không đồng đều.
Chính sách pháp luật thiếu ổn định, khó dự báo, tác động đến tâm lý không muốn đầu tư dài hạn của doanh nghiệp.
Hệ thống pháp luật chưa đồng bộ, đặc biệt là, tình trạng phân biệt đối xử vẫn còn khá phổ biến, theo nhà chức trách.
Tạo thuận lợi cho kinh tế tư nhân
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tờ trình dự thảo chương trình hành động đưa ra các giải pháp hỗ trợ tư nhân như hoàn thiện cơ chế, chính sách đồng bộ, nhất quán, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân.
Trong đó, dự kiến, Việt Nam có thể sẽ cho phép xây dựng chính sách để khu vực tư nhân được thuê quản lý, sử dụng khai thác hạ tầng giao thông do Nhà nước đầu tư.
Đồng thời, sửa đổi, bổ sung các quy định để bảo đảm quyền sử dụng đất thực sự là tài sản được chuyển nhượng, giao dịch, thế chấp cho các nghĩa vụ dân sự, kinh tế, để các tổ chức, cá nhân được thuê đất, giao đất lâu dài phù hợp với quy mô, phù hợp với nhu cầu sản xuất, kinh doanh.
Việt Nam cũng hướng đến việc phát triển an toàn, đồng bộ thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân huy động vốn, gắn với có chính sách tín dụng phù hợp để tăng cường kết nối trong mạng lưới sản xuất toàn cầu.
Trong đó, doanh nghiệp tư được tạo thuận lợi tham gia mua sắm công, tháo gỡ chính sách tiếp cận vốn.
5 nhiệm vụ chủ yếu phát triển kinh tế tư nhân
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Dự thảo Chương trình hành động đưa ra 5 nhiệm vụ chủ yếu.
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách đồng bộ, nhất quán, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục rà soát, kiến nghị bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật không còn phù hợp, chồng chéo, chưa đầy đủ hoặc vướng mắc liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, đất đai, tài chính để tháo gỡ điểm nghẽn phát triển kinh tế tư nhân, bảo đảm thực hiện nghiêm minh quyền tự do kinh doanh, quyền sở hữu tài sản của các chủ thể kinh tế tư nhân.
Thứ hai, tiếp tục mở rộng khả năng tham gia thị trường của kinh tế tư nhân và thúc đẩy “cạnh tranh bình đẳng”.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan theo dõi, đôn đốc thực hiện Kế hoạch sắp xếp, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2021-2025 nhằm tạo dư địa cho kinh tế tư nhân phát triển và thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng.
Thứ ba, tiếp tục phát triển kết cấu hạ tầng và tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn lực của kinh tế tư nhân.
“Các bộ, ngành, địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia thực hiện các hợp đồng mua sắm công theo quy định của pháp luật đấu thầu về ưu đãi cho các gói thầu quy mô nhỏ”, văn bản nêu.
Thứ tư, tiếp tục tập trung hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông, các bộ, cơ quan liên quan, các địa phương và hiệp hội đẩy mạnh triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Trong đó, tiếp tục vận hành hiệu quả hoạt động của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia; phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng chính sách và chương trình hỗ trợ nghiên cứu và phát triển, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp.
Thứ năm, tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, “thống nhất nhận thức, tư tưởng về phát triển kinh tế tư nhân”. Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng và phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung, thống nhất, tích hợp về khu vực kinh tế tư nhân.