Để Việt Nam có thêm “nhiều LEGO”, chuyên gia cho rằng, cam kết mạnh mẽ của Chính phủ làm giảm khí thải carbon, thái độ tích cực ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu, nền chính trị ổn định, môi trường đầu tư kinh doanh có nhiều cải thiện, sẽ giúp Việt Nam vượt lên phía trước.
Nhà máy của LEGO Việt Nam có gì đặc biệt?
Giới quan sát cho rằng, trong bối cảnh biến đổi khí hậu trở thành mối đe dọa toàn cầu, mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam được Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra tại COP26 sẽ sớm trở thành một trong những yếu tố cạnh tranh cho nền kinh tế khi Việt Nam dần chuyển đổi sang nền kinh tế chất lượng cao và bền vững.
Như Sputnik đã thông tin trước đó, LEGO, tập đoàn sản xuất đồ chơi trẻ em nổi tiếng thế giới có trụ sở tại Billund, Đan Mạch, đã chính thức nhận giấy chứng nhận đầu tư dự án nhà máy 1 tỷ USD tại tỉnh Bình Dương vào tháng 3 vừa qua.
Đây là nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của LEGO trên toàn cầu, đồng thời đánh dấu “mốc xanh” trong dòng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Đồng thời, nhà máy tại Việt Nam của LEGO dự kiến sẽ đóng góp vào hoạt động xuất khẩu của Việt Nam, do phần lớn sản phẩm tại đây sẽ nhằm mục đích xuất khẩu cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương cùng với nhà máy của Trung Quốc.
Tập đoàn LEGO được Ole Kirk Kristiansen thành lập tại Billund, Đan Mạch vào năm 1932. “Lego” là viết tắt hai chữ cái đầu của hai từ leg godt, có nghĩa là "chơi hay".
Sản phẩm chủ lực của công ty - hệ thống trò chơi của LEGO, với nền tảng là những viên gạch LEGO, cho phép người chơi thiết kế và xây dựng bất kỳ những gì mà họ có thể tưởng tượng. Những miếng ghép Lego có thể được lắp ráp và kết nối theo nhiều cách khác nhau để xây dựng nên nhiều đồ vật như: xe cộ, các tòa nhà cao tầng và con người - có thể hoạt động. Bất cứ thứ gì đều có thể tháo rời sau khi đã lắp ráp, và các mảnh ghép sẽ được dùng để tạo ra những đồ vật khác.
Hiện nay, sản phẩm của LEGO hiện được bán tại hơn 130 quốc gia trên toàn thế giới và vào năm 2015, Lego đã thay thế Ferrari trong danh hiệu "nhãn hiệu quyền lực nhất thế giới" của Brand Finance.
Sputnik xin nhắc lại, nhà máy LEGO tại Việt Nam là dự án đầu tư lớn nhất từ trước tới nay của LEGO và cũng là lớn nhất tại Việt Nam trong năm 2021.
Sau khi nhận giấy chứng nhận đầu tư vào tháng 3/2022, Tập đoàn LEGO dự kiến sẽ triển khai dự án vào nửa cuối năm nay và nhà máy sẽ bắt đầu hoạt động vào năm 2024, đóng góp “viên gạch” quan trọng trong hệ thống hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào giữa thế kỷ của Việt Nam.
LEGO dự kiến sẽ đầu tư hơn 1 tỷ USD trong vòng 15 năm tới vào máy móc, nhà xưởng, và sẽ tuyển dụng gần 4.000 nhân công với trình độ từ trung cấp tới cao cấp cho tới năm 2040 cho nhà máy tại Việt Nam.
Vì sao LEGO chọn Việt Nam?
Trong cuộc trao đổi với báo Tuổi Trẻ, ông Preben Elnef, Phó Chủ tịch Tập đoàn LEGO đã tiết lộ “điều bí mật” đặc biệt – lý do LEGO chọn Việt Nam.
“Chúng tôi đã xem xét một số quốc gia khác ở châu Á, nhưng (chọn Việt Nam) vì ấn tượng về môi trường kinh tế chính trị ổn định của Việt Nam và cam kết hỗ trợ đầu tư nước ngoài có chất lượng, tạo cơ hội đầu tư bền vững”, ông Preben Elnef cho hay.
Bên cạnh đó, theo ông Elnef, việc Chính phủ Việt Nam cam kết hỗ trợ đầu tư sản xuất chất lượng cao trên toàn cầu, tập trung vào năng lượng tái tạo cũng là điểm tạo sự thu hút đối với riêng lãnh đạo LEGO cũng như nhiều nhà đầu tư FDI khác.
Cần nhấn mạnh rằng, một trong những điểm đặc biệt của nhà máy mới của LEGO tại Việt Nam là nhà máy trung hòa carbon và quá trình xây dựng tuân thủ theo tiêu chuẩn vàng của LEED (Định hướng thiết kế về môi trường và năng lượng).
Để đạt được mục tiêu trung hòa carbon, doanh nghiệp phải đầu tư công nghệ cao để bảo đảm không bị ô nhiễm môi trường, khói bụi và chất thải.
Tiết lộ trước đó về dự án, lãnh đạo tập đoàn cho biết, nhà máy mới của LEGO sẽ được lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời trên mái và VSIP sẽ thay mặt LEGO xây dựng một dự án năng lượng mặt trời kế bên. Từ đó mạng lưới năng lượng mặt trời này sẽ sản xuất đủ năng lượng tái tạo để đáp ứng 100% yêu cầu hằng năm của nhà máy.
Bên cạnh đó, nhà máy cũng thiết kế để vận hành các loại xe điện và được trang bị các thiết bị sản xuất giúp nâng cao hiệu quả năng lượng.
Được biết, tập đoàn LEGO cùng với VSIP sẽ trồng 50.000 cây xanh tại Việt Nam để bù đắp cho những thảm thực vật bị chặt bỏ trong quá trình xây dựng nhà máy, đây cũng là một trong những đóng góp đáng chú ý của doanh nghiệp vào cam kết phát triển xanh của Bình Dương và Việt Nam.
Thời gian qua, Việt Nam thường được nhắc đến với các cam kết tham vọng để trở thành một quốc gia phát thải ròng bằng 0 và đón nhiều chuyến thăm gồm Chủ tịch COP26 Alok Sharma hay Đặc phái viên tổng thống Mỹ về biến đổi khí hậu John Kerry (như Sputnik đã cập nhật trước đó).
Cùng với đó, Việt Nam dường như đang trở nên ngày càng hấp dẫn về khía cạnh ứng phó với biến đổi khí hậu đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Đánh giá về điều này, các tổ chức quốc tế ở Việt Nam có chung nhận định rằng Việt Nam đã trở thành một địa điểm hấp dẫn cho các đối tác quốc tế, nhờ vào cam kết mạnh mẽ của Chính phủ nhằm làm giảm khí thải carbon và sự tích cực đối phó với biến đổi khí hậu.
Theo Đại sứ Đan Mạch Kim Højlund Christensen, cam kết của Việt Nam nhằm trở thành nước phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 đã gửi đi một thông điệp quan trọng và mạnh mẽ về định hướng của đất nước trong việc phát triển xanh và phát thải carbon thấp.
Theo Đại sứ, điều này có thể sớm trở thành động lực mới trong nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội bền vững, qua đó giúp thúc đẩy tính cạnh tranh và xuất khẩu.
Cũng theo nhà ngoại giao Đan Mạch, ở khía cạnh kinh doanh và đầu tư, các khoản thuế về carbon sẽ có thể sớm là một phần trong hoạt động thương mại toàn cầu, và việc thu hút FDI sẽ ngày càng phụ thuộc vào hệ thống sản xuất phát thải carbon thấp.
“Việc gia tăng nguồn cung năng lượng tái tạo cũng sẽ giúp Việt Nam thu hút thêm FDI từ các công ty toàn cầu, vốn ngày càng quan tâm tới các chuỗi cung ứng xanh, hay sản xuất các sản phẩm đáp ứng nhu cầu khách hàng, và cả cam kết của chính họ nhằm làm giảm phát thải carbon”, ông Christensen đánh giá việc hướng tới mục tiêu xanh là quyết định đúng đắn cho Việt Nam”.
Bà Carolyn Turk, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cũng bày tỏ sự tin tưởng rằng đây là cơ hội để Việt Nam có thể vượt lên phía trước.
“Cam kết mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 là một cam kết mạnh mẽ nhằm giải quyết vấn đề toàn cầu nhưng đây cũng là một bước đi thông minh của Việt Nam, bởi những thị trường xuất khẩu lớn đang ngày càng lo ngại về vấn đề xả thải carbon tại các nhà máy ở Việt Nam”, theo bà Turk dẫn chứng nhà máy LEGO là một ví dụ.
Đại diện WB cũng dự báo xu hướng tới đây, nhu cầu tiêu dùng ở các nước phát triển gắn liền với vấn đề về khí thải ở những nước sản xuất. Họ sẽ quan tâm về quần áo họ mặc, thiết bị điện tử sử dụng hay sản phẩm ăn uống có được sản xuất theo quy trình thân thiện với môi trường hay không.
“Những yếu tố này sẽ sớm trở thành một phần của sự cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam trong tương lai”, bà Turk nêu rõ.
“Việt Nam là ứng viên đáng tin cậy”
Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Kim Højlund Christensen kể lại rằng, quá trình chuẩn bị để đưa LEGO đến Bình Dương xây dựng nhà máy kéo dài từ khoảng 2 năm trước.
Để đưa dự án này đến Việt Nam, một loạt cuộc gặp giữa giới chức Đan Mạch với các cơ quan tại Việt Nam đã diễn ra ngay từ “rất sớm và rất thành công”, theo thông tin trên Tuổi Trẻ.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho biết, để dẫn đến ký kết nhà máy LEGO 1 tỷ USD tại Bình Dương, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam đã gặp tất cả các bộ ngành, gặp đại sứ Việt Nam tại Đan Mạch cũng như lãnh đạo Bộ Ngoại giao.
Theo ông Christensen, ban đầu LEGO đã xét đến nhiều quốc gia như Ấn Độ, Indonesia, Trung Quốc, Việt Nam để chọn lựa địa điểm phù hợp cho nhà máy.
Trong quá trình đánh giá kỹ lưỡng liên quan đến nhiều yếu tố như địa điểm, vị trí, lực lượng lao động, nguồn cung vật liệu, cơ sở hạ tầng, hay Luật bảo vệ trí tuệ…cuối cùng Việt Nam đã được chọn.
“Việt Nam đã nổi lên như một ứng viên đáng tin cậy”, theo lời Đại sứ.
Sản xuất các bộ phận tại nhà máy Lego ở Cộng hòa Séc
© AFP 2023 / Michal Cizek
Lý giải về quyết định đặt nhà máy thứ 2 của LEGO ở châu Á tại Việt Nam, ông Christensen cho rằng đây là quyết định đầu tư chiến lược mang tính rất quan trọng của tập đoàn Đan Mạch.
“Nhà máy LEGO đặt tại Việt Nam là một mảnh ghép quan trọng trong chiến lược của tập đoàn nhằm mở rộng hoạt động kinh doanh tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương”, ông Christensen nói.
Cũng theo nhà ngoại giao, dự án này đã nhận được sự ủng hộ chính trị rất lớn từ các lãnh đạo Chính phủ Việt Nam.
“Đây là một trong những yếu tố quyết định để LEGO chọn Việt Nam”, ông Christensen lưu ý.
Việt Nam rộng cửa thu hút thêm FDI
Không phải ngẫu nhiên Việt Nam được đánh giá là “thỏi nam châm” thu hút FDI toàn cầu, bất chấp ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam những năm gần đây đã có sự cải thiện tích cực. Bộ Công Thương cho biết, từ năm 2014 đến nay, Chính phủ đã liên tục ban hành Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia thông qua Nghị quyết số 19/NQ-CP (từ năm 2014 - 2018) và Nghị quyết 02/NQ-CP (từ năm 2019 - 2022).
Nhờ đó, vị trí xếp hạng năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên các bảng xếp hạng uy tín toàn cầu đã được nâng lên đáng kể so với năm 2018.
Chỉ số năng lực cạnh tranh 4.0 của Diễn đàn kinh tế thế giới xếp thứ 67/141, tăng 10 bậc; Chính phủ điện tử của Liên Hợp quốc xếp thứ 86/165, tăng 2 bậc; phát triển bền vững xếp thứ 51/165, tăng 37 bậc và an toàn an ninh mạng (của Liên minh Viễn thông quốc tế) xếp thứ 25/194, tăng 25 bậc
Báo cáo Chính phủ mới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay, một trong những điểm tích cực của nền kinh tế Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2022 chính là “thu hút đầu tư nước ngoài”.
Theo đó, vốn FDI đăng ký tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần trong 4 tháng tăng 1,9 lần so với cùng kỳ, chủ yếu trong lĩnh vực điện tử, công nghệ cao.
“Vốn FDI thực hiện tăng 7,6%, phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư nước ngoài vào sự phục hồi tăng trưởng của Việt Nam”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Như Sputnik thông tin, theo số liệu thống kê về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài của Cục Đầu tư nước ngoài, 4 tháng đầu năm, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt 10,8 tỷ USD, bằng 88,3% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong số này, vốn tăng thêm đạt 5,29 tỷ USD, tăng 92,5% so với cùng kỳ; vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đạt gần 1,83 tỷ USD, tăng 74,5% so với cùng kỳ.
Cục Đầu tư nước ngoài cũng cho biết, từ đầu năm tới nay, vốn đăng ký mới chỉ đạt 3,7 tỷ USD, giảm 56,3% so với cùng kỳ. Như vậy, nguồn vốn tăng thêm và vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần, trong đó đáng chú ý nhất là vốn tăng thêm là động lực chính tăng trưởng FDI vào Việt Nam.
Trong số các dự án quy mô lớn đầu tư vào Việt Nam, ngoài dự án cấp mới 1,32 tỷ USD của LEGO, các dự án tăng vốn đáng chú ý còn lại là Đầu tư xây dựng hạ tầng khu đô thị và dịch vụ VSIP Bắc Ninh (Singapore), tăng vốn đầu tư thêm gần 941 triệu USD; Dự án của Công ty TNHH Samsung Electro-mechanics Việt Nam (Hàn Quốc), tăng vốn đầu tư thêm 920 triệu USD; hay Dự án của Goertek (Hongkong), tăng vốn thêm 306 triệu USD.
“Điều này đã cho thấy nhà đầu tư nước ngoài vẫn đặt niềm tin vào nền kinh tế, vào môi trường đầu tư của Việt Nam”, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng khẳng định.
Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đều tin tưởng rằng, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng tốc và rằng, khu vực FDI sẽ tiếp tục đóng vai trò động lực cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.