Bất chấp sự chỉ trích từ các chính trị gia, bức thư ngỏ với kiến nghị đăng trên Internet đã nhanh chóng thu hút hơn 100.000 người ký tên.
Như tạp chí nhắc nhở, hôm thứ Năm, nghị viện Đức với tỷ lệ áp đảo đã chấp thuận việc cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraina. Không giống như nhiều người chỉ trích cáo buộc ông Scholz không hành động, các nhân vật ký tên trong lá thư bày tỏ sự hoan nghênh rằng cho đến nay Thủ tướng đã làm mọi điều có thể để tránh khả năng các sự kiện ở Ukraina leo thang thành cuộc Thế chiến mới.
«Vì vậy, chúng tôi hy vọng rằng quý vị sẽ trở lại lập trường ban đầu và không cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraina, dù là trực tiếp hay gián tiếp. Chúng tôi khẩn thiết kêu gọi các vị hãy làm tất cả những gì có thể để đảm bảo sớm ngừng bắn và đạt nhân nhượng mà cả hai bên đều có thể chấp nhận», - 28 nhân vật nổi tiếng của nước Đức và hàng chục nghìn người đã ký vào tâm thư gửi Thủ tướng Scholz.
Theo ý kiến của họ, sẽ là không thể biện minh và hệ quả không tiên liệu được nếu xảy ra rủi ro nguy hiểm là «cuộc chiến leo thang thành xung đột hạt nhân». Việc cung cấp số lượng lớn vũ khí hạng nặng có thể khiến bản thân CHLB Đức trở thành một bên tham chiến.
«Động thái trả đũa của Nga sẽ làm phát sinh tình huống phải tương trợ lẫn nhau theo hiệp ước về NATO và như vậy lập tức dẫn đến nguy cơ Thế chiến», - bức thư nhấn mạnh.
Các tác giả của bức thư ngỏ hứng gạch đá chỉ trích từ nhiều phía khác nhau, - tạp chí Đức cho biết. Ví dụ, nhà văn châm biếm kiêm MC Jan Böhmermann lưu ý rằng trong trường hợp xảy ra cuộc tấn công hạt nhân, «thiệt hại trí tuệ chí ít cũng ở mức giới hạn».
Đại sứ Ukraina tại Đức Andrei Melnik đã phê phán những người ký tên, ông ta gọi kiến nghị trong bức thư của họ là «ngu ngốc và phi đạo đức». Ngược lại, chính trị gia đảng «Cánh tả» ở Đức là TSKH Sahra Wagenknecht lên tiếng ca ngợi bức thư. Theo quan điểm của bà, sau cuộc bỏ phiếu ở nghị viện Đức thì yêu cầu chặn đứng cuộc Thế chiến III là «cấp thiết hơn cả», tạp chí Der Spiegel kết luận.