Việt Nam ở top đầu ASEAN về startup khởi nghiệp và ‘mỏ vàng’ giới đầu tư mạo hiểm

Bất chấp các biến động thị trường, vốn đầu tư mạo hiểm vào Việt Nam năm 2021 vẫn tăng kỷ lục và đầu tư khởi nghiệp Việt Nam thuộc top sôi động nhất Đông Nam Á.
Sputnik
Thị trường đầu tư mạo hiểm của Việt Nam hiện đứng thứ ba ASEAN sau Singapore và Indonesia. Nhiều kỳ lân công nghệ mới xuất hiện như Sky Mavis, Momo khẳng định vị thế của Việt Nam như một trung tâm công nghệ mới nổi ở khu vực.

Top đầu Đông Nam Á

Hôm 21/4 vừa qua tại Hà Nội, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) và Quỹ Đầu tư mạo hiểm Do Ventures đã phát hành Báo cáo Đổi mới sáng tạo và Đầu tư công nghệ Việt Nam.
Kết quả khảo sát nghiên cứu từ Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC, Bộ Kế hoạch Đầu tư) và Quỹ đầu tư mạo hiểm Do Ventures cho thấy, Việt Nam là một trong những thị trường đầu tư mạo hiểm triển vọng nhất khu vực ASEAN.
Xin nhắc lại, đầu tư mạo hiểm (Venture capital) là việc cung cấp vốn tài chính cho các công ty ở giai đoạn khởi động tăng trưởng ban đầu. Quỹ đầu tư mạo hiểm làm ra tiền bằng cách sở hữu cổ phần trong các công ty, các công ty này thường có một công nghệ mới hoặc mô hình kinh doanh trong ngành công nghiệp công nghệ cao, chẳng hạn như công nghệ sinh học, CNTT, phần mềm, games, ứng dụng…
Căn cứ để NIC và Do Ventures đưa ra nhận định này dựa trên việc Việt Nam hiện dẫn đầu Đông Nam Á về tốc độ tăng trưởng số lượng các giao dịch đầu tư mạo hiểm. Cụ thể, so với năm 2020, lượng giao dịch đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam trong năm 2021 vừa qua đã tăng 57%.
Đồng thời, mức độ tăng trưởng về số lượng thương vụ đầu tư vào các startup Việt Nam cao hơn Singapore (53%), Philippines (42%), Indonesia (27%), Thái Lan (9%) và Malaysia (1%).
Xét về số vốn đầu tư, Việt Nam hiện đứng thứ 3 tại khu vực Đông Nam Á về tốc độ tăng trưởng nguồn vốn cho đầu tư khởi nghiệp.
Số tiền mà các nhà đầu tư mạo hiểm rót vốn cho các startup Việt đã tăng 220% so với năm 2020.
Mức nàychỉ thua Singapore (379%) và Philippines (559%), trong khi đó bỏ xa Malaysia (119%), Indonesia (22%) và Thái Lan (1%).
Việt Nam dẫn đầu số dự án mà Nhật Bản hỗ trợ tại ASEAN

‘Mỏ vàng’ của giới đầu tư

Theo đánh giá của NIC và Do Ventures, hệ sinh thái mạo hiểm của khu vực Đông Nam Á thời gian qua đã chứng kiến sự tăng trưởng một cách toàn diện.
Đồng thời, khu vực Đông Nam Á hiện được xem là ‘mỏ vàng” của giới đầu tư mạo hiểm toàn cầu.
Đặc biệt, nếu chỉ xét nhóm 6 nền kinh tế đứng đầu ASEAN gồm Indonesia, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Phiippines và Việt Nam thì đất nước hơn 97 triệu dân hiện chiếm khoảng 13% nguồn vốn đầu tư mạo hiểm được rót vào khu vực trong năm qua.
Bên cạnh đó, Việt Nam hiện cũng chiếm tới 19% tổng lượng giao dịch rót vốn vào các startup thuộc 6 nền kinh tế hàng đầu ASEAN năm 2021.
Tính chung ở cả nguồn vốn và lượng giao dịch, Việt Nam đều xếp vị trí thứ 3, sau Indonesia và Singapore.
Theo thống kê, các lĩnh vực được nhà đầu tư quan tâm nhất khi tìm đến các startup Việt là game, giải trí, thanh toán, bán lẻ và giáo dục.
Trong khi đó, các xu hướng đầu tư nổi bật được giới chuyên gia nhận định trong thời gian tới bao gồm công nghệ tài chính và web 3.0 với sự phổ biến ngày càng tăng của tiền mã hóa cũng như công nghệ blockchain (chuỗi khối).

Fintech ở Việt Nam đứng thứ 3 ASEAN

Báo cáo Đổi mới Sáng tạo và Đầu tư Công nghệ Việt Nam cho thấy, tỷ trọng đầu tư vào lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech) của Việt Nam hiện đứng thứ 3 Đông Nam Á, sau Philippines và Thái Lan.
Thêm nữa, trong mắt các nhà đầu tư, sự phổ biến của người dùng smartphone tại Việt Nam đang tạo cơ hội cho các startup thanh toán kỹ thuật số và các giao dịch trực tuyến tiện lợi hơn.
Thời gian tới, các chuyên gia đánh giá, triển vọng kinh tế Việt nam sẽ sáng sủa hơn trong năm 2022 với những chiến lược hợp lý nhằm phục hồi kinh tế sau đại dịch, đặc biệt là gói kinh tế gần 350.000 tỷ đồng.
Cùng với đó, môi trường chính trị - xã hội ổn định và việc duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế như hiện nay sẽ củng cố niềm tin của các nhà đầu tư ngoại khi gia nhập thị trường đầu tư mạo hiểm Việt Nam.
Tính đến nay, khu vực Đông Nam Á chứng kiến sự hội tụ của 79 quỹ đầu tư mạo hiểm, trong đó có 37 quỹ mới xuất hiện hồi năm ngoái.
Tổng số tiền đầu tư được những quỹ này bỏ vào startup khu vực hiện đạt 7,6 tỷ USD. Nguồn vốn cho đầu tư khởi nghiệp tại Đông Nam Á được dự báo sẽ tiếp tục tăng lên trong những tháng tới.
Thực tế cho thấy, kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát cách đây 2 năm, các công ty khởi nghiệp đã đi đầu trong việc giúp giải quyết hàng loạt những vấn đề do đại dịch gây ra.
Điển hình như vai trò quan trọng của các nền tảng thương mại điện tử, giáo dục trực tuyến, làm việc từ xa, thanh toán kỹ thuật số, giao hàng...
Nhờ vào đổi mới và áp dụng công nghệ cao, nhiều doanh nghiệp đã vượt qua khủng hoảng và thậm chí phát triển mạnh mẽ thời gian qua.
Ở ASEAN cũng như Việt Nam, các công ty khởi nghiệp được nhận định sẽ tiếp tục trở thành “mạch máu” của nền kinh tế cạnh tranh, cung cấp các cơ hội việc làm mới, mang tới cho người tiêu dùng nhiều sự lựa chọn hơn, đồng thời thách thức khả năng đổi mới của các doanh nghiệp truyền thống trong thời đại công nghiệp 4.0.
Cách mạng công nghiệp 4.0 liệu có "bóp chết dân số vàng” của Việt Nam?

Vốn tăng kỷ lục, nhiều kỳ lân mới xuất hiện

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông, đại dịch Covid-19 kéo dài với diễn biến phức tạp đã và đang làm thay đổi sâu sắc trật tự, cấu trúc kinh tế, phương thức quản trị toàn cầu, cách thức hoạt động kinh tế và tổ chức đời sống xã hội của tất cả các quốc gia trên thế giới.
Theo ông Đông, tuy đặt ra nhiều thử thách cho nền kinh tế, Covid-19 lại trở thành một chất xúc tác thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tại Việt Nam. Công nghệ số đã giúp nhiều doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng, nhiều công ty đạt tăng trưởng vượt bậc.
Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, sau một năm 2022 đầy khó khăn, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong nước đã hồi phục trở lại và vươn lên một tầm cao mới.

“Vốn đầu tư mạo hiểm cho các startup đạt mức cao kỷ lục trong năm 2021 với tổng số tiền đầu tư 1,4 tỷ USD, tăng gấp 1,5 lần so với con số 874 triệu USD kỷ lục năm 2019”, - Thứ trưởng Trần Duy Đông thông tin.

Đặc biệt, sự xuất hiện của các kỳ lân mới là điểm sáng trên thị trường. Bà Lê Hoàng Uyên Vy, Giám đốc Điều hành Quỹ đầu tư Do Ventures, cho biết, trong năm 2021, Việt Nam đã đón chào sự xuất hiện của 2 kỳ lân công nghệ mới (Momo được định giá 2 tỷ USD và Sky Mavis là 3 tỷ USD) nhờ vào tần suất sử dụng các sản phẩm số ngày một tăng cao của người dùng trong thời gian dịch bệnh.
Đại diện Do Ventures đánh giá, thành công của hai công ty này càng khẳng định vị thế của Việt Nam như một trung tâm công nghệ mới nổi của khu vực.

“Đổi mới sáng tạo tại Việt Nam sẽ có một tương lai đầy hứa hẹn khi hiện có hàng chục công ty với định giá vài trăm triệu USD đang phát triển mạnh mẽ và sẽ sớm trở thành những kỳ lân mới trong những năm tiếp theo”, - bà Uyên Vy khẳng định.

Với vai trò là cơ quan hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) nhấn mạnh, NIC sẽ tiếp tục nghiên cứu và đề xuất các cơ chế, chính sách vượt trội, khung pháp lý thử nghiệm (sandbox) nhằm khuyến khích hoạt động đổi mới sáng tạo trên phạm vi cả nước, bảo đảm sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế.
Với những thành quả đã đạt được trong năm 2021, năm 2022 sẽ là năm bản lề để hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam có bước phát triển đột phá, mở ra nhiều cơ hội cho giai đoạn phát triển tiếp theo của doanh nghiệp đổi mới sáng tạo cũng như nền kinh tế số Việt Nam.
Việt Nam: Xây dựng cơ chế, thể chế minh bạch để phát triển môi trường đầu tư
Thảo luận