Yếu tố không ngờ từ Trung Quốc ảnh hưởng đến Việt Nam lớn hơn cả xung đột Nga-Ukraina

Chuyên gia đánh giá, yếu tố không ngờ từ Trung Quốc có thể ảnh hưởng rất lớn đến tình hình lạm phát ở Việt Nam. Đặc biệt, có ý kiến còn nhận định, tác động chính sách Zero Covid của Bắc Kinh còn lớn hơn cả hệ lụy xung đột Nga – Ukraina.
Sputnik
Việt Nam cần tránh nguy cơ nhập khẩu lạm phát từ bên ngoài khi xu hướng tăng giá hàng hóa cơ bản và giá xăng dầu, căng thẳng Nga – Ukraina leo thang, lệnh phong tỏa cực đoan của Trung Quốc khiến giá năng lượng tăng cao kỷ lục. Từ đó ảnh hưởng lớn đến chi phí sản xuất trong nước, gây sức ép lớn đến lạm phát Việt Nam.

Ảnh hưởng chính sách Zero Covid của Trung Quốc lớn hơn xung đột Nga-Ukraina

Đây là quan điểm được PGS.TS Vũ Sỹ Cường, Phó trưởng bộ môn Phân tích chính sách tài chính, Học viện Tài chính nêu tại tọa đàm “Quan điểm chính sách VEPR - Hỗ trợ và phục hồi kinh tế Việt Nam trong điều kiện bình thường mới” vừa qua.
Theo đó, PGS.TS Vũ Sỹ Cường nhận định việc Trung Quốc tiếp tục chính sách Zero Covid có ảnh hưởng ‘cực lớn’ đến lạm phát của Việt Nam.
Cho rằng, gần như Việt Nam rất khó giữ được mức lạm phát mục tiêu dưới 4%, ông Cường lý giải, lý do chính là mới đầu năm, chỉ số giá sản xuất của Việt Nam đã tăng rất mạnh. Ngoài ra, Trung Quốc tiếp tục duy trì chính sách Zero Covid.

“Rất nhiều hàng hóa nhập khẩu đầu vào và hàng hóa tiêu dùng của Việt Nam liên quan đến Trung Quốc và thế giới cũng như vậy. Một số báo cáo mới đây còn nhận định tác động của việc Trung Quốc duy trì chính sách Zero Covid còn lớn hơn cả tác động xung đột Nga-Ukraina”, - chuyên gia Việt lưu ý.

Phó trưởng bộ môn Phân tích chính sách tài chính, Học viện Tài chính nhắc lại, Trung Quốc là công xưởng của thế giới, chiếm 12,6% tổng thương mại toàn cầu, do đó, nếu Trung Quốc cứ duy trì chính sách Covid-19 nghiêm ngặt thêm nửa năm nữa sẽ là điều đáng lo.

“Nếu chính sách Zero Covid kéo dài vài ba tháng thì tác động đến thế giới vô cùng lớn, đặc biệt là tạo áp lực lên lạm phát”, - ông Cường bày tỏ.

Trước đó, hôm 27/4, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN và Viện Konrad-Adenauer - Stiftung phối hợp tổ chức tọa đàm “Quan điểm chính sách VEPR - Hỗ trợ và phục hồi kinh tế Việt Nam trong điều kiện bình thường mới”.
Tại buổi tọa đàm này, các chuyên gia kinh tế đã đưa ra cái nhìn khái quát về những thách thức mà nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt trong phần còn lại của năm 2022, đồng thời nêu lên những khuyến nghị chính sách hỗ trợ nền kinh tế.
Việt Nam khó lòng kiểm soát lạm phát dưới 4% theo mục tiêu của Quốc hội đã đặt ra, theo PGSTS Vũ Sỹ Cường. Chuyên gia nhấn mạnh, nguyên do không phải nằm trong việc điều hành của Chính phủ và các bộ, ngành, mà do yếu tố khách quan bên ngoài. Một phần là do giá xăng dầu và nguyên, nhiên liệu đầu vào của sản xuất tăng, nhưng phần khác lớn hơn rất nhiều xuất hiện ngoài dự tính là Covid-19 mới quay trở lại Trung Quốc.
Đức đối mặt với cú sốc lạm phát
Ông Cường nhấn mạnh thêm, chính phủ Trung Quốc vẫn quyết tâm theo đuổi chính sách Zero Covid bằng các biện pháp giãn cách xã hội khiến rất nhiều hàng hoá nguyên liệu nhập khẩu là đầu vào của sản xuất và cả hàng tiêu dùng thiết yếu ‘Made in China’ bị gián đoạn.
Bên cạnh đó, lạm phát còn bị đe dọa bởi tổng cầu nhiều khả năng tăng đột biến, nhất là nhu cầu sử dụng dịch vụ. Suốt 2 năm vừa qua, hoạt động tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng bị đóng băng, kể từ ngày 15/3 năm nay đã mở cửa hoàn toàn, nên như chiếc lò xo bị nén quá sâu, quá lâu, giờ bung ra sẽ rất mạnh mẽ.

“Du lịch, vui chơi, tham quan tăng kéo theo các dịch vụ khác tăng theo, cầu tăng đột ngột tác động ngay đến lạm phát”, - chuyên gia phân tích.

Đặc biệt, PGS. TS Vũ Sỹ Cường cũng lưu ý, tổng cầu của Việt Nam phục hồi khá chậm. Chẳng hạn, ngay ở Hà Nội, rất nhiều mặt bằng thuê cửa hàng đến thời điểm hiện tại vẫn trống, nhiều hãng đồ hiệu vẫn đóng cửa. Đây là một thách thức không hề nhỏ và để đạt mức tăng trưởng cao trong năm nay là rất khó.

Việt Nam chịu áp lực lạm phát rất lớn

Cùng quan điểm, TS. Nguyễn Đình Cung, Chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đánh giá, so với thời điểm Quốc hội giao mức GDP năm 2022 vào khoảng 6-6,5% thì hiện tại, nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với những điều kiện mới.
Về điều kiện bên ngoài, theo ông Cung, rủi ro đầu tiên đến từ xung đột Nga – Ukraina. Mặc dù các tác động trực tiếp không quá lớn do quan hệ thương mại và đầu tư song phương giữa hai quốc gia này với Việt Nam khá nhỏ, nhưng các tác động gián tiếp là tương đối lớn và rõ ràng. Rủi ro tiếp theo đến từ chính sách Zero Covid của Trung Quốc.

“Chính sách này có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng xuất khẩu và quá trình phục hồi kinh tế của Việt Nam”, - TS. Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.

Về điều kiện bên trong, theo TS. Cung, 2 rủi ro chính là lạm phát và chính sách tiền tệ thắt chặt. Bên cạnh đó, tổng cầu của Việt Nam khó có thể phục hồi nhanh như các nước khác.

“Tôi cho rằng, giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP 6 – 6,5% là không hợp lý, rất khó để đạt được”, - TS. Nguyễn Đình Cung lưu ý cần quyết liệt với đầu tư công.

Đánh giá về áp lực lạm phát của Việt Nam, nhiều tổ chức đều cho rằng lạm phát năm nay nhiều khả năng vượt mức 4%.
Điển hình như báo cáo hồi tháng 4 của công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cũng nêu dự báo lạm phát năm 2022 thể tăng vượt mục tiêu 4% trong bối cảnh giá hàng hóa nguyên vật liệu thế giới leo thang.
Theo VCBS, lạm phát dự kiến còn tiếp tục tăng trong các tháng tiếp theo khi giá cả hàng hoá nguyên nhiên vật liệu trên thế giới vẫn ở mức cao và dần có mức phản ánh nhiều hơn vào chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm. Cùng với đó là áp lực lạm phát vòng hai do giá xăng dầu tăng cao.
Nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng cho rằng, mục tiêu lạm phát dưới 4% khó có khả năng đạt được. Xu hướng tăng giá hàng hóa cơ bản và giá xăng dầu, căng thẳng Nga – Ukraina leo thang đã khiến giá năng lượng tăng cao kỷ lục. Từ đó ảnh hưởng lớn đến chi phí sản xuất trong nước, gây sức ép lớn đến lạm phát trong năm nay.

“Lạm phát toàn cầu đang gia tăng ảnh hưởng đến áp lực lạm phát trong nước. Trong khi đó, tỷ lệ cung tiền M2/GDP và tín dụng/GDP của Việt Nam đang ở mức rất cao so với các nước trong khu vực, trong khi tăng trưởng kinh tế đang dưới sâu so với mức sản lượng tiềm năng. Những yếu tố này làm gia tăng rủi ro lạm phát”, - theo các chuyên gia.

TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu ra một số vấn đề cần quan tâm trong bức tranh kinh tế năm 2022.
Một là, nguy cơ bùng phát trở lại của Covid-19 với các biến chủng mới vẫn hiện hữu, đe dọa tiến trình phục hồi của nền kinh tế. Hai là, áp lực gia tăng lạm phát đang tăng mạnh. Một số chỉ số quan trọng như chỉ số giá sản xuất (PPI), chỉ số giá nguyên liệu cho sản xuất có thể thấy xu hướng tăng giá khá rõ. Ba là, xuất khẩu, nhất là nông sản bị ảnh hưởng bởi sự không chắc chắn từ thị trường truyền thống (Trung Quốc). Bốn là, sự gia tăng về giá của các loại tài sản (vàng, bất động sản…) cho thấy dòng tiền trong nền kinh tế vẫn chưa thực sự đi vào sản xuất.

Rủi ro từ nhiều phía

Trước đó, Giám đốc phụ trách Trung Quốc và Đông Bắc Á tại công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group – ông Michael Hirson cũng nêu quan điểm, ảnh hưởng từ chính sách Zero Covid, nhất là lệnh phong tỏa nghiêm ngặt đối với kinh tế Trung Quốc là rất lớn và có xu hướng lan rộng ra nền kinh tế toàn cầu.
Đề cập tại báo cáo công bố chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam tháng 4, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Andrew Harker cho rằng vẫn có những yếu tố cản trở tốc độ tăng trưởng ngành sản xuất Việt Nam, đáng kể nhất là những khó khăn do đại dịch tiếp tục tồn tại ở Trung Quốc và giá cả đang tăng mạnh.
Nhận định về việc Trung Quốc duy trì chính sách Zero Covid trong báo cáo hồi tháng 3/2022, CTCP Chứng khoán BIDV (BSC) cũng nhận định, điều này đe dọa làm gián đoạn sản xuất và thương mại tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng như đối với toàn cầu.
Chiến lược chống Covid đến cùng đã giúp nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng trong khi các nền kinh tế khác trên thế giới bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là nền kinh tế công nghiệp phần lớn không bị ảnh hưởng bên cạnh con số tăng trưởng kỷ lục về xuất khẩu. Tuy nhiên, trong thời gian tới nếu các biện pháp mới áp dụng không hiệu quả khiến tốc độ bùng phát dịch mạnh mẽ hơn, các nhà máy, cơ sở sản xuất phải đóng cửa thì không chỉ nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng chậm lại mà còn tác động không nhỏ đến toàn bộ nền kinh tế thế giới vốn đang trong giai đoạn nhạy cảm khi chiến sự giữa Nga và Ukraina vẫn chưa kết thúc.
Đại dịch COVID-19
Việt Nam là nước chiến thắng trong chính sách Zero Covid của Trung Quốc
Trung Quốc hiện tại là thị trường nhập khẩu lớn nhất, đồng thời là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam với kim ngạch xuất nhập khẩu trong năm 2021 đạt 166 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 24.81% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam. Vậy nên, BSC đánh giá việc Trung Quốc thực hiện phong tỏa các thành phố lớn sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc, hay cụ thể hơn là các ngành xuất nhập khẩu của Hà Nội.
Chuyên trang Doanh nghiệp niêm yết nhắc lại báo cáo thị trường tháng 5, CTCP Chứng khoán VNDirect nhận thấy rủi ro lạm phát gia tăng từ giờ cho đến cuối năm do tác động của cuộc khủng hoảng Nga-Ukraina. Giá xăng dầu tăng mạnh làm gia tăng áp lực lạm phát đối với Việt Nam, đặc biệt là chỉ số giá giao thông. Công ty dự báo CPI bình quân quý II của Việt Nam ở mức 3,1% so với cùng kỳ (so với 1,9% trong quý I). Báo cáo của VNDirect cũng nêu, lạm phát trong nước cao hơn dự kiến có thể cản trở đà phục hồi kinh tế và khiến chính sách tiền tệ trở nên thắt chặt hơn.

“Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có ít dư địa hơn để duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Bên cạnh đó, đồng USD mạnh lên cũng gây áp lực lên tỷ giá hối đoái của Việt Nam, dẫn đến nguy cơ rút vốn đầu tư gián tiếp khỏi Việt Nam, đồng thời gia tăng áp lực lên nợ công”, -VNDirect phân tích.

Việt Nam cần làm gì?

Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã đưa ra một số khuyến nghị chính sách hỗ trợ và phục hồi trong điều kiện bình thường mới của Việt Nam.
Thứ nhất, theo các nhà nghiên cứu của VEPR, Việt Nam cần đặc biệt chú ý về nguy cơ nhập khẩu lạm phát từ bên ngoài. Chính phủ cần đánh giá khả năng lạm phát trong các quý tiếp trong năm 2022. Đặc biệt, cần nghiên cứu kịch bản tiếp tục giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối phó trường hợp giá xăng dầu khi giá thế giới biến động lớn, cũng như hoãn/giãn việc tăng các sắc thuế/phí nhằm bình ổn giá các mặt hàng tiêu dùng khác.
Thứ hai, nhìn chung, áp lực lạm phát thời gian tới chủ yếu đến từ phía cung, lạm phát chi phí đẩy, do 2 yếu tố thiếu hụt nguồn cung trong khi nhu cầu tăng mạnh cùng với sự phục hồi của nền kinh tế và đứt gãy chuỗi cung ứng khiến chi phí đầu vào tăng cao. Do đó, cần kiểm soát tốt nguồn cung, chuỗi cung ứng vật tư, nhiên liệu sản xuất kể cả hàng hóa tiêu dùng giữa các vùng, giữa các địa phương với nhau, không để đứt gãy, đặc biệt, không để đứt gãy chuỗi cung ứng của thế giới với Việt Nam. Đây là một trong những thách thức rất lớn với Việt Nam khi cước vận tải biển tăng đột biến từ năm 2021, giá container tăng cao, thậm chí không có hãng tàu biển để thuê, khiến doanh nghiệp khốn khổ.
Thứ ba, dự kiến, trong thời gian tới, nhập khẩu đầu vào sẽ khó khăn hơn, do giá nhập khẩu và chi phí thương mại vẫn đang tăng. Do vậy, cần hỗ trợ doanh nghiệp trong khơi thông nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu. Tháo gỡ những vướng mắc về logistics, giảm thiểu tình trạng ách tắc ở biên giới do công tác phòng dịch.
Thứ tư, tập trung vào xây dựng các thể chế và chính sách hỗ trợ thúc đẩy đầu tư và liên kết đầu tư giữa các thành phần kinh tế, giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Không giống như năm 2020, dòng vốn FDI vào Việt Nam đã sụt giảm và quy mô dự án cũng nhỏ hơn cho thấy một ngụ ý khá quan trọng, đó là trong bối cảnh COVID-19 hiện nay, Việt Nam khó tận dụng được xu hướng dịch chuyển chuỗi. Vấn đề không nằm ở cơ hội bên ngoài, mà là nội lực bên trong. Cải thiện năng lực nội tại, nhất là mặt bằng và lao động kỹ năng cần được đặc biệt chú ý trong thời gian tới.
Thứ năm, cần quyết liệt và nhanh hơn trong triển khai các gói kích thích kinh tế đã được thông qua trong Nghị quyết 11/NQ-CP, bên canh gói đầu tư cơ sở hạ tầng thì các gói cho vay hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ xây nhà ở xã hội cho người lao động, các biện pháp miễn giảm thuế/phí cho nhóm đối tượng cụ thể, cần được đẩy mạnh hơn nữa.
Cuối cùng, theo các chuyên gia của VEPR, Việt Nam cần tiếp tục có những cải cách đột phá về thể chế nhằm thúc đẩy hoàn thiện hơn nữa môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh bình đẳng, tiến tới nền kinh tế thị trường đầy đủ và tự do.

“Cần cải cách thể chế và hoàn thiện chính sách hỗ trợ phục hồi tăng trưởng của thành phần kinh tế tư nhân trong nước, nhất là các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và đặc biệt là quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển mô hình kinh doanh mới, sáng tạo, dựa trên ứng dụng nền tảng số và không gian số”, - VEPR nhấn mạnh.

Thảo luận