Đối với xuất khẩu lao động, Việt Nam ưu tiên tuyển chọn người lao động thuộc đối tượng chính sách là người dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, thân nhân của người có công với cách mạng.
Thí điểm đưa lao động sang Hàn Quốc làm việc thời vụ
Ngày 7/5, theo ông Tống Hải Nam, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), Chính phủ đã đồng ý thí điểm đưa lao động sang Hàn Quốc làm thời vụ theo hình thức hợp tác giữa các địa phương của hai nước.
Ông Tống Hải Nam thông tin thêm rằng, từ năm 2018, Chính phủ cho phép các địa phương thí điểm chương trình lao động thời vụ tại Hàn Quốc.
“Ngày 27/4, Chính phủ đã đồng ý tiếp tục thí điểm thực hiện người lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc theo hình thức hợp tác giữa các địa phương của hai nước trong thời hạn 5 năm, từ 1/1/2022”, ông Nam xác nhận.
Thống kê thực tế cho thấy, chương trình chỉ triển khai tại 8 địa phương, gồm: Đà Nẵng, Đồng Tháp, Hà Tĩnh, Hậu Giang, Thái Bình, Thừa Thiên - Huế, Hà Nam và Cà Mau. Phạm vi hiện chưa được mở rộng.
Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước bày tỏ, do chương trình mới thực hiện trong thời gian ngắn tại một số địa phương, chưa đủ cơ sở để đưa vào luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Do đó, căn cứ vào nhu cầu thực tiễn từ phía Hàn Quốc, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã báo cáo Chính phủ đề nghị cho phép tiếp tục triển khai thí điểm chương trình này trong thời gian tới.
Cơ hội cho người lao động Việt Nam
Theo đại diện Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, sau khi Chính phủ cho phép, trong tháng 5, phía Hàn Quốc bắt đầu tiếp nhận lại lao động Việt Nam làm việc tại các trang trại nông nghiệp.
“Đây là cơ hội để người lao động Việt Nam tiếp cận các kỹ thuật nông nghiệp tiên tiến và hiện đại tại Hàn Quốc”, nhà chức trách lưu ý.
Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho hay, trên cơ sở quan hệ hợp tác sẵn có giữa địa phương Việt Nam và địa phương Hàn Quốc, các cơ quan cấp tỉnh trao đổi và ký kết thỏa thuận hợp tác về đưa người lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc.
Tuy nhiên, trước khi ký kết, các địa phương báo cáo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng như sau đó là Chính phủ để xem xét, chấp thuận hợp tác.
Trước đó, để tổ chức tốt hoạt động thí điểm đưa người lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã đề nghị cơ quan cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương tuyển chọn lao động đúng đối tượng đáp ứng các yêu cầu đối với người lao động trong thỏa thuận ký kết.
Đặc biệt, nhà chức trách Việt Nam ưu tiên tuyển chọn người lao động thuộc đối tượng chính sách là người dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, thân nhân của người có công với cách mạng tại địa phương.
Tránh bị lừa đảo sang lao động tại Hàn Quốc
Thêm một khía cạnh nhạy cảm nữa cần được tính đến, từ cuối tháng 2, Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng đã đưa ra cảnh báo lừa đảo đưa người lao động sang Hàn Quốc làm thời vụ.
Trong đó, Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết đã nhận được nhiều thông tin phản ánh của người lao động về việc bị môi giới lừa đảo đưa sang Hàn Quốc làm lao động thời vụ với visa C4 và E8 theo thỏa thuận ký kết giữa địa phương của Việt Nam với địa phương của Hàn Quốc.
Từ đầu năm 2022, Bộ Tư pháp Hàn Quốc cũng đã thông báo dự kiến áp dụng một số quy định liên quan đến lao động thời vụ (E8) như: mở rộng phạm vi đối với người nước ngoài được tham gia lao động thời vụ tạm thời, mở rộng các chế độ ưu tiên đối với lao động thời vụ trung thành như đảm bảo cơ hội tái nhập cảnh, trong đó có áp dụng với lao động đến từ Việt Nam.
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, các đối tượng môi giới cam kết sẽ đảm bảo các thủ tục đưa người lao động sang Hàn Quốc theo chương trình lao động thời vụ với visa C4 và E8 để thu tiền bất chính nhằm kiếm lời.
Tuy nhiên, Cục Quản lý lao động ngoài nước nêu rõ, tính đến hiện nay, mới chỉ có người lao động tại 8 địa phương (Đà Nẵng, Đồng Tháp, Hà Tĩnh, Hậu Giang, Thái Bình, Thừa Thiên - Huế, Hà Nam và Cà Mau) đã ký kết thỏa thuận với các địa phương của Hàn Quốc mới được đi theo chương trình.
“Mọi cơ quan, tổ chức hay cá nhân khác đều không được thực hiện hành vi tuyển chọn và phái cử lao động thời vụ”, Cục này nhấn mạnh.
Để tránh bị lừa đảo, Cục Quản lý lao động ngoài nước khuyến cáo người lao động cần tìm hiểu rõ thông tin và chỉ đăng ký tham gia chương trình này thông qua các cơ quan chức năng tại địa phương là sở Lao động Thương binh và Xã hội cùng trung tâm dịch vụ việc làm.
Bên cạnh đó, người lao động cũng có thể tìm hiểu thêm thông tin có liên quan tại Cục Quản lý lao động ngoài nước theo số điện thoại 02438249517, hoặc thông tin trên webite.
Lao động đi nước ngoài giảm mạnh
Tháng trước, báo cáo từ Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, theo số liệu báo cáo từ các doanh nghiệp, tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài trong tháng 3 năm 2022 là 1.096 lao động, giảm mạnh, chỉ bằng 32,01% so với cùng kỳ năm ngoái (tháng 3/2021 là 3.423 lao động).
Trong đó, tập trung chủ yếu ở các thị trường truyền thống như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore...
Tính chung 3 tháng đầu năm 2022, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 2.455 lao động (408 lao động nữ), chỉ đạt 2,72% kế hoạch năm 2022 (năm 2022, kế hoạch đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 90.000 lao động), và cũng chỉ bằng 8,31% so với cùng kỳ năm ngoái (3 tháng đầu năm 2021, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 29.541 lao động).
Theo cơ quan chức năng, xét về thị trường, Nhật Bản 612 lao động (239 lao động nữ); Đài Loan 439 lao động (100 lao động nữ), Hàn Quốc 336 lao động (1 lao động nữ); Singapore 331 lao động nam; Trung Quốc 1.245 lao động nam; Hungary 99 lao động (46 lao động nữ); Liên bang Nga 71 lao động (2 lao động nữ); Ba Lan 68 lao động (4 lao động nữ); Rumania 65 lao động (1 lao động nữ) và các thị trường khác.
Lý giải về xu hướng sụt giảm, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết, thời gian qua do đại dịch Covid-19, các thị trường lao động ngoài nước có những quy định khác nhau trong việc tiếp nhận lao động.
Cùng với đó, hiện nay, tại Việt Nam cũng như hầu hết các nước đều có sự thay đổi chính sách thích ứng với dịch bệnh Covid-19 nhằm phục hồi nền kinh tế, nhiều nước đã mở cửa tiếp nhận trở lại lao động nước ngoài, trong đó có lao động Việt Nam.
Trong đó, thị trường lao động ở các nước châu Âu vẫn tiếp nhận lao động từ năm 2021. Hàn Quốc vẫn tiếp nhận lao động làm việc trên tàu biển và tàu đánh cá xa bờ và ven bờ, riêng chương trình EPS mới tiếp nhận trở lại từ tháng 5. Đài Loan (Trung Quốc) cũng mở lại từ ngày 15/2/2022.
Xuất khẩu lao động sang Nhật Bản bắt đầu mở lại từ tháng 3/2022 và một số thị trường lao động khác cũng đã có chính sách tiếp nhận lao động với các điều kiện và quy định thích ứng với tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước.
Do đó, để chuẩn bị cho việc phái cử người lao động đi làm việc ở nước ngoài khi mở cửa trở lại, Bộ đã thường xuyên trao đổi và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan tại các quốc gia, vùng lãnh thổ tiếp nhận lao động để có những chỉ đạo và hướng dẫn phù hợp.
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng đã làm việc với cơ quan liên quan trong nước, các địa phương và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai công tác chuẩn bị nguồn lao động, các thủ tục cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài, nhằm đáp ứng được các điều kiện, quy định tiếp nhận lao động nước ngoài tại các quốc gia/vùng lãnh thổ.