Ở ấn phẩm vừa ra mắt bạn đọc này, KTS. TS Trần Trọng Chi đưa công chúng khám phá và trải nghiệm “xứ sở diệu kỳ” trong "Ngôi nhà điên” của KTS.TS Đặng Việt Nga (con gái của cố Tổng bí thư Trường Chinh) bằng ngôn ngữ Việt, Anh, Nga và Trung.
Từ ý tưởng đến quyết tâm
Ý tưởng về cuốn sách đến với KTS.TS Trần Trọng Chi khá tình cờ trong một lần ghé Bảo tàng Guggenheim tại New York, Mỹ. Theo lời ông, ban đầu chỉ là ý tưởng rồi dần dần trở thành quyết tâm phải xuất bản tác phẩm bằng 4 thứ tiếng về "Ngôi nhà điên” để đáp ứng nhu cầu của du khách phương xa cũng như bạn đọc ở nước ngoài.
KTS. TS Trần Trọng Chi tại lễ ra mắt cuốn sách "Ngôi nhà điên"
© Sputnik / Lena Chu
Chia sẻ với Sputnik về lý do viết nên cuốn sách này, KTS.TS Trần Trọng Chi cho biết:
“Thứ nhất, KTS. TS Đặng Việt Nga (chủ ngôi nhà) với tôi là một người bạn thân hơn 60 năm, cùng học tại Đại học Kiến trúc Moskva. Thứ hai, qua quá trình dài tôi nhận thức được tác giả của ngôi nhà là tài năng đích thực của kiến trúc. Vì vậy, tôi muốn quảng bá thành quả này ra các nước trên thế giới”.
Hơn 350 trang sách của “Ngôi nhà điên” được thể hiện bằng 4 ngôn ngữ (Việt, Anh, Trung, Nga) cùng với tư liệu ảnh phong phú đưa bạn đọc đến với cái dịu dàng của Đà Lạt, những hốc cây rừng nguyên sinh. Những căn phòng mang tên kiến ong, gấu hổ, chuột túi, đại bàng nằm gọn trong gốc cây cổ thụ; thủy cung lộng lẫy sắc màu khiến bao du khách ngạc nhiên.
Lễ ra mắt cuốn sách "Ngôi nhà điên" của KTS. TS Trần Trọng Chi
© Sputnik / Lena Chu
Ấn tượng với cuốn sách về công trình "Ngôi nhà điên", bà Vera Golikova, đại diện Trung tâm Khoa học và Văn hoá Nga tại Hà Nội, chia sẻ tại buổi lễ:
“Chúng tôi chắc chắn sẽ giới thiệu cuốn sách này tới các học viên, sinh viên Việt Nam hiện đang theo học tiếng Nga tại Trung tâm văn hoá Nga. Đồng thời, chúng tôi cũng rất tự hào vì cuốn sách còn là thành quả của lưu học sinh Việt Nam tại Liên Xô trước đây, và Liên bang Nga ngày nay".
Như một hướng dẫn viên du lịch thực thụ, KTS.TS Trần Trọng Chi dẫn dắt và lý giải cho công chúng từng chi tiết của công trình cùng những thông điệp trong ngôn ngữ nghệ thuật mà nữ chủ nhân của ngôi nhà muốn chuyển tải.
“Tôi chuyên tâm viết cuốn sách này trong vòng 5-6 năm. Trong thời gian đó, chúng tôi có rất nhiều chuyến đi đến 'Ngôi nhà Điên' tại Đà Lạt, chứng kiến sự phát triển theo thời gian của công trình. 'Ngôi nhà Điên' càng phát triển bao nhiêu, tôi càng thấy chất lượng nghệ thuật của công trình này được mở rộng và nâng cao rất nhiều".
Lễ ra mắt cuốn sách "Ngôi nhà điên" của KTS. TS Trần Trọng Chi
© Sputnik / Lena Chu
Theo KTS Trần Trọng Chi, để tạo được văn bản xứng tầm với giá trị nghệ thuật của "Ngôi nhà điên” đòi hỏi rất nhiều nỗ lực cá nhân.
“Phải hiểu, yêu quý và trân trọng tác phẩm để truyền đạt đến người đọc. Là tác giả của cuốn sách, tôi phải trao đổi với tác giả công trình rất chặt chẽ, thường xuyên và rất nhiều lần”, KTS.TS Trần Trọng Chi cho biết.
Trước khi ra mắt ấn phẩm này, KTS.TS Trần Trọng Chi từng góp mặt trong 2 công trình bề thế là “10 năm kiến trúc Việt Nam 1975 - 1985” và “Nửa thế kỷ kiến trúc Việt Nam” trên cương vị chủ biên. Ngoài ra, ông còn là tác giả của giáo trình “Lược sử Kiến trúc thế giới” (2 tập) và cuốn sách “Những chân dung bạn tôi” (2015).
“Chủ nhân ngôi nhà và bản thân tôi cũng đã lớn tuổi. Tôi chỉ có một ước vọng, kể cả khi tác giả công trình và tác giả cuốn sách còn tồn tại trên đời hay rời xa thế giới thì công trình vẫn được phát triển theo hướng tốt đẹp", KTS. TS Trần Trọng Chi bày tỏ mong muốn với Sputnik.
'Ngôi nhà điên' tại Đà Lạt 'kỳ dị' như thế nào?
"Ngôi nhà điên” có tên ban đầu là "Biệt thự Hằng Nga” được xây dựng dường như từ cảm hứng từ sự tích cây đa trên cung trăng bởi KTS. TS Đặng Việt Nga, con gái của cố Tổng bí thư Trường Chinh. Biệt thự Hằng Nga này được xây dựng từ 1983 theo kiểu quái dị, kỳ quặc, giống như mọi thứ vừa mới tan chảy và đóng băng trở lại.
Khu nhà không phải hình khối chữ nhật vươn cao mà là mang hình một cây cổ thụ khổng lồ, cong queo, cụt ngọn, đen đúa giữa bầu trời sương mù. Mỗi năm, "Ngôi nhà điên" đón hơn 100.000 lượt khách tham quan, trong đó đa số là người nước ngoài.
Tên gọi của tòa nhà do vậy bắt đầu thay đổi. Người ta gọi nó là “Nhà cây”, “Ngôi nhà điên”. Thậm chí, do trong khuôn viên có phòng thờ tổ tiên và thờ cụ Trường Chinh nên có người nước ngoài nói quần thể kiến trúc của Đặng Việt Nga là khu lăng mộ.
Rất nhiều tờ báo tạp chí kiến trúc và du lịch danh tiếng xếp Biệt thự Hằng Nga - Crazy House là một trong số các công trình kiến trúc kỳ lạ nhất thế giới. Điển hình là tạp chí People’s Daily của Pháp đã bình chọn Biệt thự Hằng Nga là một trong 10 ngôi nhà kỳ dị nhất thế giới.