Bkav lập công ty con, muốn trở thành “Foxconn của Việt Nam”

Bkav Hardware Solution là công ty con của Bkav, chuyên cung cấp dịch vụ nghiên cứu, phát triển và sản xuất sản phẩm điện tử. Công ty định hướng hoạt động như một nhà sản xuất ODM, giống với mô hình của Foxconn (Đài Loan).
Sputnik
Theo đại diện Bkav, nếu có thêm 10 công ty sản xuất phần cứng lớn mạnh, Việt Nam có thể sớm thực hiện được khát vọng trở thành cường quốc công nghệ của thế giới.

Bkav ra mắt Bkav Hardware Solution

Hôm nay 10/5, Tập đoàn công nghệ Bkav chính thức tuyên bố ra mắt công ty thành viên Bkav Hardware Solution (BHS). Công ty sẽ hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ nghiên cứu, phát triển và sản xuất sản phẩm điện tử.
Theo Bkav, các sản phẩm của BHS là những giải pháp công nghệ đa lĩnh vực, bao gồm thiết bị di động, sản phẩm AIoT, Automotive, thiết bị mạng...
Ngoài ra, BHS còn nghiên cứu phát triển module SOM (System on Module) được đóng gói thành bộ giải pháp, giúp đẩy nhanh tiến độ phát triển bằng cách loại bỏ sự phức tạp của thiết kế, giúp khách hàng tập trung vào sáng tạo giải pháp.
BHS cung cấp các dịch vụ bao gồm: ODM, OEM, tư vấn trọn gói từ ý tưởng, thiết kế kiểu dáng, cơ khí, điện tử đến sản xuất sản phẩm.

“Chúng tôi định hướng hoạt động như một nhà sản xuất ODM, một Foxconn của Việt Nam”, - Tổng giám đốc Bkav Hardware Solution Nguyễn Quốc Đăng cho biết.

Được biết, ODM – Original Design Manufacturing (sản xuất thiết kế gốc) là khái niệm để chỉ các công ty đảm nhiệm việc thiết kế, xây dựng các sản phẩm theo yêu cầu. Số lượng công ty ODM đang tăng mạnh trên toàn cầu những năm gần đây. Một công ty ODM thường có nhiều đối tác khác nhau, đảm nhận một phần trong quá trình sản xuất.
PwC: Vì sao Foxconn, Luxshare, Pegatron chọn Việt Nam thay vì các nước khác?

Khát vọng đưa Việt Nam thành cường quốc công nghệ

Chiến lược mà BHS đặt ra là hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tham gia vào ngành công nghiệp điện tử, thúc đẩy thiết lập các công ty sản xuất phần cứng lớn mạnh, tạo ra nhiều sản phẩm sáng tạo “Make in Vietnam”.
Đại diện Bkav cũng cho biết, BHS đã giành được chứng nhận tiêu chuẩn thiết kế Golden Design Partner của Qualcomm, một trong số các nhà sản xuất chipset hàng đầu thế giới.
Theo Bkav, Việt Nam hiện đang trong giai đoạn vàng để trở thành cường quốc công nghệ. Những năm qua, ngành công nghiệp điện tử Việt Nam đã có những bước tiến lớn, nhưng vẫn cần nhiều nguồn lực hơn nữa để tự chủ hoàn toàn.
Bkav cho biết, công ty đã trải qua thời gian 20 năm đầu tư, nghiên cứu, phát triển các sản phẩm điện tử, tạo dựng hệ sinh thái bao gồm đầy đủ các thành tố nhân lực, công nghệ, hệ thống quy trình thiết kế, sản xuất cũng như mạng lưới chuỗi cung ứng.

“Đặc biệt, thông qua chứng nhận Golden Design Partner, Bkav có thể sử dụng các nguồn lực công nghệ trong hệ sinh thái Qualcomm. Vì vậy, Bkav muốn chia sẻ các nguồn lực đang có, đồng hành cùng doanh nghiệp tạo ra nhiều sản phẩm công nghệ chất lượng cao, cùng xây dựng ngành công nghiệp điện tử do người Việt Nam làm chủ”, - đại diện Bkav nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Quốc Đăng cho rằng, làm sản phẩm điện tử ở Việt Nam không hề dễ dàng, cần đầu tư mạnh về vốn, sở hữu nhân lực tốt, văn hóa sáng tạo, mạng lưới cung ứng rộng... Trên thực tế, không có nhiều những doanh nghiệp có đủ các đặc điểm này.
Chính từ thực trạng trên, BHS mong muốn chia sẻ nguồn lực, tham gia cùng các doanh nghiệp trong việc ứng dụng công nghệ cao, rút ngắn thời gian phát triển sản phẩm, qua đó kéo giảm chi phí đầu tư.

“Nếu có thêm 10 công ty sản xuất phần cứng lớn mạnh, Việt Nam sẽ sớm hiện thực hóa khát vọng cường quốc công nghệ”, - ông Đăng nhận định.

Sàn thương mại điện tử “mở đường” cho doanh nghiệp “Made in Vietnam” chiến thắng xuyên biên giới
Thảo luận