Với tài năng lớn lao và một nhân cách mẫu mực, cuộc đời GS. Tôn Thất Tùng là một bài học, một tấm gương sáng đối với những người đang sống, nhất là đối với những người làm công tác khoa học và đối với thanh niên
Sự nghiệp khoa học của GS. Tôn Thất Tùng
GS. Tôn Thất Tùng sinh ngày 10/5/1912, quê quán tại tỉnh Thanh Hóa. Năm lên 9 tuổi, ông đến Hà Nội, sống trong nhà GS. Hồ Đắc Di (sau là Hiệu trưởng đầu tiên của trường Đại học Y Hà Nội) để theo học Trường Bưởi.
Năm 1932, ông học tại trường Y Dược Hà Nội, trường thành viên của Đại học Đông Dương, vì cho rằng bác sĩ là nghề “tự do”, không phụ thuộc vào quan lại hay chính quyền thực dân.
Chính thức vào sự nghiệp khoa học của mình, Tôn Thất Tùng đã công bố 63 công trình trên các tạp chí y học của Pháp ở Paris và Viễn Đông chỉ trong vòng 10 năm, từ năm 1936 đến năm 1945. Thành tích xuất sắc này đã gây ấn tượng nhà cầm quyền Pháp, và đến năm 1940, ông được bổ nhiệm làm Trưởng khoa Ngoại của trường Y – Dược khi mới 28 tuổi.
Sau khi Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, ông được giao nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong thời gian này, ông đã viết cuốn sách tóm tắt kinh nghiệm nghiên cứu về giun với vấn đề "Viêm tụy cấp tính và phẫu thuật". Đây là cuốn sách khoa học Y khoa được xuất bản đầu tiên tại nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Một thời gian sau, ông được cử làm Giám đốc Bệnh viện Phủ Doãn. Cùng với thầy mình là GS. Hồ Đắc Di, ông đã bắt tay vào xây dựng Trường Đại học Y Dược Hà Nội.
Sau khi Pháp tái xâm lược Đông Dương, ông tham gia cứu chữa thương binh, xây dựng các tuyến quân y ở mặt trận Tây Nam Hà Nội cùng các bác sĩ Nguyễn Hữu Trí, Hoàng Đình Cầu,...
Trong thời kỳ chiến tranh ác liệt, ông vẫn tham gia điều trị, phát triển ngành y tế, nghiên cứu khoa học, đào tạo sinh viên, xây dựng nền tảng trường Y khoa Việt Nam.
Do tình hình chiến sự, GS. Tôn Thất Tùng phải di chuyển nhiều lần, đến nhiều địa bàn như Vân Đình, Hà Đông (1946), Lăng Quán, Tuyên Quang (1947), Phù Ninh, Phú Thọ (1948), Đại Lục, Phú Thọ (1949), Chiêm Hóa, Tuyên Quang (1950),...
Ông từng làm cố vấn phẫu thuật ngành quân y ở Bộ Quốc phòng. Cùng với Giáo sư Đặng Văn Ngữ, ông đã góp phần nghiên cứu sản xuất thuốc kháng sinh penicillin phục vụ cứu chữa thương binh trong điều kiện dã chiến.
Năm 1947, Chính phủ cử ông giữ chức Thứ trưởng Bộ Y tế. GS. Tôn Thất Tùng đảm nhiệm chức vụ này cho tới năm 1961.
Từ năm 1954, ông làm Giám đốc bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, đồng thời làm Chủ nhiệm Bộ môn Ngoại Đại học Y Dược Hà Nội. Ông đề cao việc tiếp thu nền y học phương Tây để xây dựng và phát triển y học của Việt Nam, nghiên cứu và chữa trị cho người Việt Nam, tiên phong trong việc áp dụng các kỹ thuật phát triển ngoại khoa Việt Nam.
GS. Tôn Thất Tùng cũng là người đặt nền móng cho việc nghiên cứu tác hại của chất độc dioxin đến con người và môi trường tại Việt Nam. Ông còn tìm hiểu các phương pháp điều trị vết thương do bom bi để cứu chữa cho bội đội và người dân, phương pháp điều trị ung thư gan bằng phẫu thuật kết hợp dùng miễn dịch và nhiều công trình khoa học khác.
GS. Tôn Thất Tùng từ trần ngày 7 tháng 5 năm 1982 tại Hà Nội, được an táng tại Nghĩa trang Mai Dịch – Hà Nội.
Cha đẻ phương pháp mổ gan khô
Trong thời gian còn là sinh viên học tại Trường Y Dược Hà Nội, trong một lần ông phát hiện trong gan của một người bệnh có giun chui ở các đường mật. Từ đây, ông nảy ra ý tưởng dùng những lá gan bị nhiễm giun để phẫu tích cơ cấu của lá gan.
Trong suốt thời gian từ năm 1935 đến năm 1939, chỉ bằng một con dao nạo thô sơ, ông đã phẫu tích trên 200 lá gan từ các tử thi để nghiên cứu hệ thống mạch máu và vẽ lại thành các sơ đồ đối chiếu.
Trên cơ sở đó, Tôn Thất Tùng đã viết và bảo vệ thành công luận án tốt nghiệp bác sĩ y khoa với nhan đề "Cách phân chia mạch máu của gan". Với bản luận án này, ông đã được tặng Huy chương Bạc của Trường Đại học Tổng hợp Paris (mà trường Y Dược Hà Nội là một bộ phận lúc bấy giới). Bản luận án được đánh giá rất cao, trở thành tiền đề cho những công trình khoa học nổi tiếng của ông.
Năm 1939, Tôn Thất Tùng lần đầu tiên thực hiện thành công kỹ thuật cắt gan có kế hoạch: thắt các mạch máu trong gan trước khi cắt. Với phương pháp này, ca phẫu thuật sẽ rất đơn giản và an toàn khi người thầy thuốc nắm vững hệ thống các mạch máu trong gan. Trước đó, toàn thế giới đã có 87 trường hợp cắt gan, nhưng đều là “cắt liều”, gặp mạch máu nào thì buộc lại, khiến người bệnh phải chịu rủi ro cao.
Điều đáng tiếc là, khi báo cáo của ông được gửi tới Viện Hàn lâm Phẫu thuật Paris, phương pháp này bị từ chối do quá mới mẻ. Mãi hơn 20 năm sau, ông mới quyết định quay trở lại công trình còn dang dở lúc 27 tuổi.
Ngày 7/1/1961, GS. Tôn Thất Tùng tiến hành cắt thuỳ gan phải của một ca ung thư sơ phát chỉ trong vòng 6 phút ngắn ngủi. Nếu làm theo phương pháp cắt gan của giáo sư người Pháp Lortat-Jacob, được giới thiệu năm 1952, quá trình này phải mất từ 3 đến 4 giờ. Công trình của GS. Tôn Thất Tùng đã làm chấn động giới nghiên cứu y khoa khi được đăng tải trên tờ “The Lancet” ở London.
Tính đến năm 1979, GS. Tôn Thất Tùng đã thực hiện khoảng trên 700 ca cắt gan lớn nhỏ. Hiện phương pháp mổ gan khô đã trở thành một trong hai phương pháp cắt gan chính trên toàn thế giới.
Vinh danh một người thầy thuốc mẫu mực
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Phẫu thuật viên quốc tế Daniel Jaeck, GS. Tôn Thất Tùng là một thầy thuốc sở hữu một nhân cách lớn lao, trí tuệ uyên bác và kỹ thuật phẫu thuật tuyệt vời.
“Đối với chúng tôi, giáo sư vẫn là một trong những ông tổ nổi tiếng nhất, tiêu biểu nhất trong phẫu thuật hiện đại về gan; các công trình của giáo sư là nguồn gốc của những tiến bộ lớn lao trong chuyên ngành phẫu thuật trên thế giới”, - bác sĩ Daniel Jaeck chia sẻ.
Trong bài tưởng niệm “GS. Tôn Thất Tùng - một nhà phẫu thuật lớn đã ra đi” in trên tờ Témoignage của Pháp, bác sĩ J.-M. Krivine viết:
"Không ai có thể thay thế được GS Tôn Thất Tùng! Không một nhà phẫu thuật nào có tầm cỡ như ông trong thế hệ hiện nay ... Nhưng chúng ta tin rằng ngành phẫu thuật Việt Nam sẽ tiếp tục nuôi dưỡng và phát huy nhiệt tình, tính nghiêm túc và trí tuệ cởi mở của bậc thầy khai sáng ấy".
Với thành tựu đặc biệt xuất sắc, năm 1977, Viện Hàn lâm Phẫu thuật Paris đã trao tặng GS. Tôn Thất Tùng Huy chương vàng phẫu thuật quốc tế Lannelongue, giải thưởng cao quý nhất trong ngành phẫu thuật thế giới.
Ông cũng được Đảng và Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, 2 lần nhận Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương chiến sĩ hạng Nhất, Huân chương kháng chiến hạng Ba và Huân chương Hồ Chí Minh.
Từ năm 2000, Nhà nước Việt Nam đặt ra một giải thưởng về Y học mang tên ông: Giải thưởng Tôn Thất Tùng.
Ông là đại biểu Quốc hội liên tục từ khóa II đến khóa VII, từng là Ủy viên Đoàn Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Hiện ở Việt Nam có nhiều đường phố tại các tỉnh thành được đặt theo tên của GS. Tôn Thất Tùng. Đặc biệt, tên ông còn được đặt cho con đường đi qua Trường Đại học Y Hà Nội (số 1 phố Tôn Thất Tùng, phường Trung Tự, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội), nơi ông từng theo học và đào tạo ra những bác sĩ ngoại khoa tài năng.