Quan hệ Việt Nam – Israel có sự tương đồng rất lớn, mang tính bổ trợ lẫn nhau và không có mâu thuẫn, xung đột. Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Israel ở Đông Nam Á, trong khi Hà Nội cũng coi trọng Israel để phát triển sâu rộng hơn nữa quan hệ với các nước Trung Đông.
Xóa tin đồn về mua bán vũ khí Việt Nam – Israel sau vụ bắt bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn
Đầu tháng 5, truyền thông Israel phát đi tin đồn rằng, việc Bộ Công an Việt Nam ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc (CEO) CTCP Tiến bộ Quốc tế (AIC), liên quan đến sai phạm trong đấu thầu mua sắm thiết bị y tế ở Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cùng với ông Phan Huy Anh Vũ, có thể ảnh hưởng đến các thương vụ thỏa thuận hợp tác quốc phòng quân sự - mua bán vũ khí giữa Việt Nam và Israel.
Theo tờ Haaretz của Israel, Việt Nam đã trở thành một thị trường quan trọng cho các ngành công nghiệp an ninh của Israel. Riêng bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, từng được Forbes Việt Nam xếp hạng trong danh sách 50 người phụ nữ có ảnh hưởng lớn nhất đất nước, đóng vai trò quan trọng trong các thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực trong đó có thỏa thuận mua bán vũ khí.
Tuy nhiên, chuyến thăm của ông Nguyễn Xuân Thắng và đoàn Đại biểu Việt Nam đến Israel lần này đã đập tan mọi tin đồn thất thiệt liên quan đến vấn đề này. Quan hệ Việt Nam – Israel vẫn đặc biệt tốt đẹp, gắn kết, không chịu tác động bởi yếu tố “ngoại nhân” như sự việc của nữ doanh nhân Nguyễn Thị Thanh Nhàn.
Như đã biết, ngày 29/4/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Công ty AIC và các đơn vị liên quan.
Đồng thời, ra các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với 9 cá nhân về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" quy định tại Khoản 3, Điều 222, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 gồm ông Phan Huy Anh Vũ (nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, hiện là Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai), bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế AIC); Hoàng Thị Thúy Nga (nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế AIC); Nguyễn Quang Minh, Nguyễn Tiến Thu và Hoàng Thế Quỳnh đều là nguyên nhân viên Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế AIC).
Cơ quan điều tra cũng khởi tố các bị can thuộc Công ty CP thẩm định giá và tư vấn đầu tư xây dựng Thế hệ Mới gồm Nguyễn Công Tiến (Tổng Giám đốc Công ty Thẩm định giá Thế hệ mới); Ninh Văn Sinh (nguyên Chuyên viên thẩm định giá Công ty Thẩm định giá Thế hệ mới); Vũ Quang Ngọc (Phó Giám đốc Công ty liên doanh Trách nhiệm hữu hạn tư vấn y tế Medicosult Việt Nam).
Việt Nam-Israel nhất trí thúc đẩy hợp tác trên mọi lĩnh vực
Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, ngày 11/5, Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam do ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương làm trưởng đoàn, bắt đầu chuyến thăm và làm việc tại Israel.
Ngày làm việc chính thức đầu tiên, ông Nguyễn Xuân Thắng đã có các cuộc gặp và làm việc với Chủ tịch Quốc hội Israel Mickey Levy, Bộ trưởng Kinh tế và Công nghiệp Orna Barbivai, Chủ tịch nhóm nghị sĩ hữu nghị Việt Nam-Israel Michal Shir Segman, Bộ trưởng Tôn giáo Matan Kahana, làm việc với Đại sứ quán Việt Nam và gặp gỡ đại diện cộng đồng Việt Nam tại Israel.
Đáng chú ý, tại cuộc hội kiến với Chủ tịch Quốc hội Israel Mickey Levy, ông Nguyễn Xuân Thắng đã trân trọng chuyển lời thăm hỏi và lời chào hữu nghị của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đến nhà lãnh đạo Israel.
Ông Nguyễn Xuân Thắng đã thông báo đến Chủ tịch Levy những nét lớn về tình hình phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, đồng thời chúc mừng những kết quả mà Israel đạt được trong kiểm soát dịch bệnh Covid-19 và phục hồi kinh tế thời gian qua.
Bày tỏ vui mừng trước việc quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước đã phát triển tốt đẹp trong thời gian qua, ông Nguyễn Xuân Thắng đề xuất những biện pháp thúc đẩy quan hệ trong thời gian tới.
Đại diện chính quyền Việt Nam đề nghị tăng cường các hoạt động trao đổi đoàn các cấp, xúc tiến hợp tác trong các lĩnh vực mà hai nước có nhiều tiềm năng và thế mạnh, tăng cường hiệu quả hoạt động của Ủy ban liên chính phủ, hợp tác giữa các Bộ, ngành, tổ chức các khóa đào tạo, học tập, trao đổi kinh nghiệm, đẩy mạnh hơn nữa công tác trao đổi, giao lưu học thuật, tạo điều kiện cho hợp tác nghiên cứu và phát triển các công nghệ tiềm năng giữa giới khoa học Việt Nam và Israel.
Cùng với đó, ông Nguyễn Xuân Thắng cũng đề nghị Israel ủng hộ các chính sách, chương trình chuyển giao công nghệ cho Việt Nam trong những lĩnh vực thế mạnh như quốc gia khởi nghiệp, chuyển đổi số, năng lượng tái tạo, công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, tích cực thúc đẩy sớm ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) và Hiệp định Hợp tác Lao động giữa hai nước.
Việt Nam hướng đến những thành công như Israel
Trong buổi làm việc với Bộ trưởng Kinh tế và Công nghiệp Barbivai, ông Nguyễn Xuân Thắng đánh giá cao vị trí, vai trò của Israel.
Theo ông Thắng, Israel là một quốc gia với nguồn tài nguyên thiên nhiên khiêm tốn nhưng có nhiều chính sách hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, đã vươn lên trở thành một quốc gia có nền khoa học-công nghệ hiện đại, tiên tiến hàng đầu thế giới hiện nay.
Ông Nguyễn Xuân Thắng bày tỏ vui mừng trong năm 2021, bất chấp những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, kim ngạch trao đổi thương mại song phương vẫn tăng trưởng, đạt gần 1,9 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Israel tại Đông Nam Á.
Trong khuôn khổ thảo luận, 2 bên trao đổi các biện pháp thúc đẩy quan hệ giữa hai nước trong thời gian tới, đặc biệt là thúc đẩy sớm ký kết FTA cân bằng về lợi ích giữa hai bên, nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại-đầu tư đi vào chiều sâu, tạo bước đột phá mới trong quan hệ hai nước.
Tại buổi làm việc với Đại sứ quán Việt Nam và gặp gỡ đại diện cộng đồng Việt Nam tại Israel, ông Nguyễn Xuân Thắng cũng đã thông tin về những thành tựu phát triển kinh tế xã hội, các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước trong công tác đối ngoại và công tác đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Ông Nguyễn Xuân Thắng cũng động viên cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và các cơ quan bên cạnh nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao, đồng thời, thăm hỏi, động viên cộng đồng Việt kiều, sinh viên, tu nghiệp sinh đang sinh sống, làm việc và học tập tại Israel, tiếp tục phát huy trong thời gian tới.
Quan hệ Việt Nam và Israel rất tốt đẹp
Việt Nam và Israel thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức kể từ năm 1993. Trải qua 28 năm, mối quan hệ song phương ngày càng phát triển trên nhiều lĩnh vực, nhất là hợp tác khoa học công nghệ và thương mại. Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Israel ở khu vực Đông Nam Á. Đồng thời, Việt Nam cũng coi Israel là một đối tác quan trọng trong chính sách của mình để tăng cường hợp tác nhiều mặt với các nước ở Trung Đông. Bất chấp khó khăn do đại dịch COVID-19 gây nên, quan hệ giữa hai nước nói chung và quan hệ kinh tế thương mại nói riêng vẫn phát triển rất mạnh mẽ, tốt đẹp.
Trong đó, kim ngạch thương mại song phương năm 2021 vẫn đạt 1,8 tỷ USD, so với 1,6 tỷ USD của năm 2020 và 1,2 tỷ USD của năm 2019.
Việt Nam và Israel có sự tương đồng rất lớn, là hai dân tộc đã vượt qua nhiều khó khăn và thách thức để phát triển thành hai quốc gia hiện đại.
Quan hệ Việt Nam – Israel không có mâu thuẫn mà mang tính bổ trợ lẫn nhau, đặc biệt là về kinh tế - thương mại. Cơ cấu mặt hàng giữa hai nước bổ trợ cho nhau, không cạnh tranh trực tiếp.
Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng thế giới còn Israel là quốc gia hàng đầu về các sản phẩm công nghệ cao.
Do đó, lãnh đạo Việt Nam và Israel đều tin tưởng, triển vọng quan hệ giữa hai nước là rất tốt đẹp, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh chuyển đổi số và Israel có nhiều thế mạnh về giải pháp công nghệ cao.