Tuy nhiên, Nguyễn Lê Xuân Khang hiện đang trốn truy nã. Do đó, khi nào bắt được đối tượng này, Bộ Công an sẽ tiếp tục điều tra làm rõ theo đúng quy định của pháp luật.
Diễn biến mới nhất tại phiên tỏa xử cựu Cục trưởng Cục Quản lý Dược Trương Quốc Cường cho thấy, luật sư cáo buộc cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang đã “o ép” bị can Trương Quốc Cường. Cáo buộc của Viện Kiểm sát, theo người bào chữa quyền lợi cho ông Cường, cũng là không thuyết phục.
“Quả bóng trách nhiệm” của 2 ông Trương Quốc Cường và Cao Minh Quang
Ngày 16/5, phiên tòa xét xử cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường vụ buôn bán thuốc giả mang nhãn mác Health 2000 Canada liên quan VN Pharma tiếp tục phần tranh luận.
Bào chữa cho thân chủ - cựu Thứ trưởng Trương Quốc Cường, người từng ngồi ghế Cục trưởng Cục Quản lý Dược, luật sư nêu quan điểm rằng, nội dung truy tố của Viện Kiểm sát (VKS) mâu thuẫn với Kết luận điều tra của Cơ quan An điều tra trong việc quy kết trách nhiệm hình sự đối với sai phạm của Cục Quản lý Dược trong việc thực hiện xét duyệt thuốc và mâu thuẫn với Kết luận giám định của Hội đồng giám định Bộ Y tế.
Phía luật sư “cảm nhận” rằng cáo trạng chưa làm chủ được hệ thống chứng cứ nên chưa đánh giá đúng hành vi cũng như đánh giá đúng phạm vi trách nhiệm hành chính của Cục Trưởng Cục Quản lý Dược với nhiệm vụ được phân công…
Đặc biệt, luật sư của ông Cường có ý kiến cho rằng, VKS đã dùng chứng cứ buộc tội ông Cao Minh Quang, cựu Thứ trưởng Bộ Y tế để buộc tội đối với ông Trương Quốc Cường và điều này là “không đúng bản chất sự thật”.
Như Sputnik đưa tin trước đó, bị can Trương Quốc Cường bị Viện Kiểm sát cáo buộc với vai trò Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Phó Chủ tịch thường trực, được Chủ tịch ủy quyền điều hành Hội đồng xét duyệt thuốc, đã thực hiện không đúng, không đầy đủ trách nhiệm được giao.
VKS cũng cho rằng, ông Cường thiếu giám sát, kiểm tra, kiểm soát hoạt động của nhóm chuyên gia thẩm định và bộ phận thường trực đăng ký thuốc, đồng ý xét duyệt cấp số đăng ký thuốc trong khi hồ sơ không đủ điều kiện cấp, dẫn đến hậu quả 6/7 loại thuốc giả nhãn mác Health 2000 được nhập khẩu và tiêu thụ tại Việt Nam với trị giá hơn 148 tỷ đồng.
Ngoài ra, dù biết thuốc Health 2000 Canada là không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhưng ông Trương Quốc Cường vẫn không chỉ đạo đình chỉ lưu hành, thu hồi, tiêu hủy thuốc, dẫn đến hậu quả các cơ sở y tế trong nước tiếp tục sử dụng các loại thuốc giả nhãn mác Health 2000 Canada này để điều trị cho người bệnh, tổng trị giá hơn 3,7 tỷ đồng.
Tại phần tranh luận, luật sư cho rằng cáo trạng quy buộc cựu Thứ trưởng Trương Quốc Cường về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng trong việc thành lập, quản lý hoạt động của nhóm chuyên gia thẩm định là “chưa có căn cứ”.
Luật sư của ông Cường nhấn mạnh, Cục trưởng Cục Quản lý Dược (tức ở đây là ông Trương Quốc Cường) là người đứng đầu trong một đơn vị hành chính nhà nước, thực hiện chức năng quản lý nhà nước và thực thi pháp luật, điều hành các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ về lĩnh vực Dược phẩm.
“Cục Trưởng Cục Quản lý Dược không thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với nhóm chuyên gia thẩm định thuốc, luật sư bảo vệ quyền lợi cho ông Trương Quốc Cường tuyên bố.
Dựa trên các phân tích, lập luận, luật sư đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) xem xét cho bị cáo Cường trong bối cảnh nhiều khó khăn, dưới quyền điều hành của cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang.
Đáng chú ý, theo luật sư, ông Cường đã chịu sự “o ép” từ ông Quang và khẳng định, trong bối cảnh o ép như thế nhưng bị cáo Cường vẫn cố gắng ra được thông tư, rồi xây dựng các văn bản khác.
“Tôi cho rằng thành công nhất của Trương Quốc Cường là xây dựng ra Thông tư 22 mà phải trình 19 lần Cao Minh Quang mới phê duyệt”, luật sư nhắc.
Ông Trương Quốc Cường bị cựu Thứ trưởng Cao Minh Quang o ép?
Về cáo buộc dù đã được cảnh báo nhưng ông Trương Quốc Cường không cho thu hồi thuốc ngay, luật sư lý giải tại thời điểm năm 2014, bản thân bị cáo Cường chưa thấy đủ căn cứ pháp lý để đình chỉ lưu hành thuốc.
Luật sư nhấn mạnh, nhận định khi đó của bị cáo Cường phù hợp với 4 bản Kết luận giám định của hội đồng y tế và cũng phù hợp với 3 bản Kết luận của cơ quan An ninh điều tra.
Luật sư cho rằng trong quá trình điều tra và tại tòa, bị cáo Cường luôn hợp tác, thành khẩn khai báo; bị cáo cũng bày tỏ sự đau lòng về những sự việc xảy ra tại Cục Quản lý Dược…
“Thế nên khi biết thuốc giả về nhãn mác, bị cáo rất áy náy và đã tự nguyện nộp số tiền hơn 1,8 tỷ đồng để vơi đi sự áy náy của mình đối với những người đã sử dụng thuốc đó”, luật sư nói.
Ngoài ra, Kết luận điều tra số 02, 05 không khởi tố Trương Quốc Cường; Kết luận điều tra số 08 chỉ kết luận Trương Quốc Cường phải chịu trách nhiệm người đứng đầu.
“Đặc biệt, trong Kết luận điều tra bổ sung lần cuối cùng dành riêng hẳn 1 trang kết luận hành vi phạm tội của Cao Minh Quang nhưng không hề đả động gì đến Cao Minh Quang mà cuối cùng cáo trạng chỉ nêu Cao Minh Quang có hành vi phạm tội nhưng vì thời gian điều tra đã hết rồi nên điều tra xử lý sau”, luật sư bày tỏ và cho rằng nếu như tại phiên tòa này mà có mặt ông Quang thì sẽ rất sáng tỏ, rất rõ hành vi của bị cáo Cường, bị cáo Châu trong vụ án.
Luật sư bào chữa cho cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường đề nghị VKS nghiên cứu, xem xét lại vai trò trách nhiệm, hành vi của ông Cường, và rằng, liệu VKS đánh giá như thế đúng không, có cơ sở luận tội hay không.
Theo luật sư, có đủ căn cứ khẳng định nội dung bản cáo trạng “không hội đủ yếu tố cấu thành tội phạm” đối với bị cáo Trương Quốc Cường và đề nghị HĐXX xem xét cho bị cáo Cường được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.
Nhân vật bí ẩn trong vụ án ông Trương Quốc Cường là ai?
Liên quan đến vụ án "Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh", "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" và "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố khác, cơ quan tố tụng xác định có vai trò quan trọng của Nguyễn Lê Xuân Khang.
Nhân nhân vật “bí ẩn” này là ai? Theo cơ quan điều tra, Nguyễn Lê Xuân Khang là người Việt Nam định cư tại Canada và có quốc tịch Canada.
Khoảng giữa năm 2010, Khang đặt vấn đề nhờ cháu họ là Võ Mạnh Cường (Giám đốc Công ty Thương mại hàng hải Quốc tế H&C), là bị cáo trong vụ án này làm đại diện để phát triển thị trường, quan hệ khách hàng trong lĩnh vực kinh doanh dược phẩm tại Việt Nam.
Cuối năm 2010, Nguyễn Lê Xuân Khang giao cho Cường một con dấu "HEALTH 2000 VIET NAM BRANCH" và một con dấu "HEALTH 2000 INC. H2K" để Võ Mạnh Cường quản lý, sử dụng tại Việt Nam.
Ngoài ra, trong quá trình hợp tác kinh doanh, Khang còn giới thiệu Cường gặp đối tượng Raymundo Y. Mararac (quốc tịch Philippines), là Giám đốc sản xuất của Health 2000 Canada tại Philippines, đồng thời là Giám đốc điều hành của Công ty Helix Canada (viết tắt là Helix Canada). Theo thông tin trên Công an nhân dân, Võ Mạnh Cường đã cùng Raymundo đến trụ sở Công ty VN Pharma gặp Nguyễn Minh Hùng (cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Công ty VN Pharma, là bị cáo trong vụ án này) và nhân viên Công ty VN Pharma để họp bàn về việc mua bán thuốc của Helix Canada đưa về Việt Nam.
Nguyễn Minh Hùng khai nhận cuộc gặp với Raymundo để bàn bạc việc mua bán sản phẩm. Các bên đã thống nhất việc Raymundo sẽ cung cấp FSC và GMP (các loại giấy chứng nhận) của Helix Canada để Công ty VN Pharma làm thủ tục xin cấp “Visa nhập khẩu” đối với các thuốc mà thị trường Việt Nam đang có nhu cầu sử dụng.
Ngoài ra, trong thời gian chờ cấp Visa, phía Helix Canada sẽ sản xuất các thuốc có cùng hoạt chất, công dụng và đặt tên thương mại giống như các thuốc do Health 2000 Canada đã bán cho Công ty VN Pharma trước đó.
Đồng thời, Raymundo cũn giới thiệu Cường sẽ đại diện cho Helix Canada, thay mặt Raymundo giải quyết việc bán hàng, phát triển thị trường tại Việt Nam và giao cho Võ Mạnh Cường con dấu "HELIX PHARMA CEUTICALS INC HPI-ONTARIO CANADA" để Cường quản lý, sử dụng tại Việt Nam. Võ Mạnh Cường sau đó trực tiếp thỏa thuận bán 4/7 thuốc cho Công ty VNPharma, thông qua 15 hợp đồng, với tổng số lượng là 838.100 hộp, trị giá hơn 54 tỷ đồng.
Nguyễn Lê Xuân Khang đang bỏ trốn
Như đã thông tin thời gian qua, kết quả điều tra đã làm rõ hành vi buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh tại Công ty VN Pharma.
Việc thỏa thuận mua bán, nhập khẩu các thuốc nhãn mác Health 2000 Canada tại 20/36 hợp đồng liên quan trực tiếp đến Nguyễn Lê Xuân Khang. Tuy nhiên, hiện nay Khang đang trốn truy nã.
Do hết thời hạn điều tra nên cơ quan điều tra đã tạm đình chỉ điều tra, khi nào bắt được Nguyễn Lê Xuân Khang sẽ tiếp tục điều tra làm rõ hành vi phạm tội và xử lý theo pháp luật.
Bên cạnh đó, kết quả tương trợ tư pháp từ Canada xác định, Health 2000 không có nhà máy sản xuất thuốc tại Canada và không sản xuất bất kỳ loại dược phẩm nào.
Health 2000 cũng không có Văn phòng đại diện tại Việt Nam, chỉ sử dụng duy nhất một con dấu từ khi thành lập đến nay và con dấu này chưa từng mang ra khỏi Canada.
Các cơ quan chức năng của Canada khẳng định, không cấp FSC cho các thuốc nhãn mác Health 2000 Canada, không cấp bất kỳ Giấy phép sản xuất thuốc và GMP nào cho nhà máy của Health 2000.
Riêng đối với Raymundo Y. Mararac, tài liệu điều tra xác định, từ ngày 29/1/2009 đến 15/6/2012, Raymundo được thuê làm việc cho Health 2000 Canada, giữ chức vụ Giám đốc điều hành tại Philippines.
Từ ngày 28/10/2012 đến ngày 3/8/2014, Raymundo đã 13 lần nhập cảnh vào Việt Nam để tham gia vào các hoạt động kinh doanh thuốc.
Cơ quan điều tra Việt Nam đã thực hiện tương trợ tư pháp nhưng đến nay chưa có kết quả trả lời nên chưa đủ căn cứ xử lý, khi nào làm rõ sẽ xem xét xử lý sau.
Hiện nay, vụ án cựu Thứ trưởng Bộ y tế Trương Quốc Cường đang trong quá trình xét xử.