Công nhân Việt Nam không dám chữa bệnh vì không có tiền

HÀ NỘI (Sputnik) - Từ nay đến ngày 21-5, theo văn bản số 4130/TLĐ-TG, các cấp công đoàn sẽ lấy ý kiến công nhân, người lao động về các vấn đề quan tâm nhất, nhằm đề xuất chương trình đối thoại, gặp gỡ giữa công nhân với Thủ tướng Chính phủ.
Sputnik
Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đưa ra một số nhóm vấn đề tập trung đề xuất, kiến nghị gồm: Công tác chăm lo bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động; quan tâm giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách của công nhân lao động ( nhà ở , nhà trẻ, nơi sinh hoạt văn hóa, nơi khám chữa bệnh, tín dụng cho công nhân…); việc học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp cho công nhân; hoàn thiện các cơ chế, chính sách tạo điều kiện để công nhân nỗ lực trong lao động sản xuất, cống hiến, xây dựng, phát triển đất nước; các sáng kiến, đề xuất, hiến kế của cán bộ Công đoàn, đoàn viên, người lao động phát triển đất nước, thực hiện khát vọng dân tộc.
Việt Nam thu hút nhân tài vào lĩnh vực công thế nào?
Ngoài ra, người lao động có thể góp ý trực tiếp với công đoàn cơ sở, liên đoàn lao động địa phương hoặc gửi ý kiến về email bantuyengiaotongliendoan@gmail.com.
Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam mong muốn cuộc đối thoại giữa Thủ tướng và công nhân lao động sẽ diễn ra vào cuối tháng 5 này. Đây là thời điểm phù hợp để công nhân lao động đối thoại với lãnh đạo Chính phủ, Nhà nước, từ đó giải quyết những vấn đề việc làm, an sinh xã hội và động viên công nhân vượt khó, lao động tốt.
Trước đó, theo số liệu của Viện Công nhân và công đoàn, công nhân Việt Nam chiếm khoảng 15% dân số, 27% lực lượng lao động nhưng đóng góp 70% ngân sách và 65% GDP. Tuy vậy nhưng công nhân chưa được hưởng thành quả tương xứng. Họ có đời sống còn bấp bênh, nhiều vấn đề cấp bách về tiền lương, nhà ở, nuôi con... chưa được giải quyết thỏa đáng.
Vingroup làm nhà ở xã hội từ 300 triệu đến 950 triệu đồng
Điều tra năm 2021 chỉ rõ 5% người lao động được hỏi cho biết bữa ăn có thịt cá chỉ khoảng 1 - 2 lần/tuần; 41% không đủ tiền mua thuốc cơ bản và không dám chữa bệnh vì không có tiền…
Theo khảo sát mới nhất của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức với 2.000 công nhân, trên 50% cho biết tiền lương và thu nhập chỉ đủ sống; khoảng 1/4 số người được hỏi phải chi tiêu tằn tiện, kham khổ; khoảng 20% từng rút bảo hiểm xã hội một lần sau đó tiếp tục tham gia lại…
"Nếu không làm thêm giờ, tiền lương cơ bản của công nhân lao động chỉ ở mức trung bình 4,92 triệu đồng/tháng. Hầu hết những gia đình công nhân sẽ rơi vào khó khăn, túng quẫn ngay cả khi họ không làm thêm giờ", ông Vũ Minh Tiến - viện trưởng Viện Công nhân và công đoàn - cho biết trong một cuộc họp tại Công đoàn Việt Nam.
Thảo luận