Chủ đề nhà ở xã hội hiện đang nhận được sự quan tâm của dư luận sau khi hàng loạt các “ông lớn” thay phiên nhau công bố kế hoạch xây dựng hàng trăm nghìn căn nhà ở xã hội trong các năm tới.
Cụ thể, Vinhomes đặt mục tiêu hoàn thành 500.000 căn trong 5 năm tới. Giá bán dự kiến cho các căn hộ khoảng 300-950 triệu đồng/căn. Hoà Bình Group muốn xây 10.000 căn, Becamex đặt mục tiêu xây dựng 20.000 căn… Vậy người mua nhà ở xã hội cần những điều kiện gì?
10 đối tượng được mua nhà ở xã hội
Theo trao đổi của Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng văn phòng luật sư Trung Hòa (Đoàn luật sư TP Hà Nội) với Zing, khoản 7 Điều 3 Luật Nhà ở 2014 quy định “Nhà ở xã hội” là nhà ở có sự hỗ trợ của Nhà nước cho các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở theo quy định của Luật này.
"Nhà ở xã hội là loại hình nhà ở thuộc sở hữu của cơ quan nhà nước hoặc được sở hữu và quản lý bởi nhà nước, các tổ chức phi lợi nhuận. Nhà ở xã hội có ý nghĩa về mặt tinh thần lẫn vật chất vì đã cung cấp và tạo điều kiện cho nhóm đối tượng được ưu tiên trong xã hội, những người có thu nhập thấp... có nhà ở ổn định, an cư lạc nghiệp", luật sư cho biết.
Luật sư cho biết pháp luật về nhà ở chia đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội thành 10 nhóm đối tượng sau:
1.
Người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng;2.
Hộ gia đình nghèo và cận nghèo tại khu vực nông thôn;3.
Hộ gia đình tại khu vực nông thôn thuộc vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu;4.
Người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị;5.
Người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp;6.
Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc công an nhân dân và quân đội nhân dân;7.
Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức;8.
Các đối tượng đã trả lại nhà ở công vụ theo quy định tại khoản 5 Điều 81 của Luật Nhà ở;9.
Học sinh, sinh viên các học viện, trường đại học, cao đẳng, dạy nghề; học sinh trường dân tộc nội trú công lập được sử dụng nhà ở trong thời gian học tập;10.
Hộ gia đình, cá nhân thuộc diện bị thu hồi đất và phải giải tỏa, phá dỡ nhà ở theo quy định của pháp luật mà chưa được Nhà nước bồi thường bằng nhà ở, đất ở.Những điều kiện cần phải đáp ứng
Bên cạnh đó, các nhóm đối tượng này cũng phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện về: Nhà ở, cư trú, thu nhập theo quy định tại khoản 1 Điều 51 Luật Nhà ở 2014 thì mới hoàn toàn có quyền mua nhà ở xã hội.
Với điều kiện về nhà ở, người có nhu cầu cần đáp ứng các tiêu chí: Chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình; chưa được mua, thuê hoặc thuê mua nhà ở xã hội; chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở dưới mọi hình thức tại nơi sinh sống, học tập hoặc có nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng diện tích nhà ở bình quân đầu người trong hộ gia đình thấp hơn mức diện tích nhà ở tối thiểu do Chính phủ quy định theo từng thời kỳ và từng khu vực.
Đối với điều kiện về cư trú, người có nhu cầu mua nhà ở xã hội phải có đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có nhà ở xã hội. Nếu không thì phải có đăng ký tạm trú từ một năm trở lên tại tỉnh, thành phố, trừ trường hợp quy định tại khoản 9 Điều 49 Luật Nhà ở 2014.
Đối với điều kiện về thu nhập, người có nhu cầu mua nhà ở xã hội phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập thường xuyên (người có thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị, người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp, sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, công chức, viên chức...).
Tuy nhiên, pháp luật về nhà ở lại không bắt buộc đáp ứng điều kiện về thu nhập đối với các đối tượng như: Người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật, hộ gia đình, cá nhân thuộc diện bị thu hồi đất và phải giải tỏa, phá dỡ nhà ở theo quy định của pháp luật mà chưa được Nhà nước bồi thường bằng nhà ở, đất ở...