Trong bối cảnh hiện tại, Quốc hội Mỹ và nhiều cơ quan của quốc gia này đã đặt ra câu hỏi, liệu sự kiểm soát của Trung Quốc với đất hiếm có gây ra mối đe dọa chiến lược đối với Mỹ hay không, bởi đây là nguyên liệu cần thiết để chế tạo nhiều thành phần chính trong các ứng dụng liên quan đến quốc phòng.
Phá thế độc quyền đất hiếm của Trung Quốc
Nghiên cứu của Trung tâm Thông tin Kỹ thuật Quốc phòng Mỹ (DTIC) ghi nhận, Việt Nam có những thế mạnh tiềm tàng to lớn về các nguồn tài nguyên thiên nhiên, trong đó có đất hiếm.
Nghiên cứu này cũng chỉ ra những lợi thế cũng như cách thức để Việt Nam và Mỹ có thể tận dụng những tài nguyên này.
Theo DTIC, Việt Nam sở hữu nguồn tài nguyên khoáng sản khổng lồ chưa được khai thác, đặc biệt là các loại nguyên tố đất hiếm. Những nguyên tố được tìm thấy ở Việt Nam cùng các vật liệu phóng xạ tự nhiên (NORM), trong đó có uranium.
Việt Nam đặt ra mục tiêu chiến lược quốc gia là tăng cường thăm dò và khai thác tài nguyên khoáng sản, "nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững về kinh tế - xã hội, quốc phòng và an ninh".
Việt Nam cũng có kế hoạch tăng cường khả năng sản xuất điện hạt nhân trong nước. Sự độc quyền của Trung Quốc đối với nguồn cung đất hiếm hiện nay đã khiến giá đất hiếm được neo ở mức giá cao "ảo".
Nhiều cơ quan, trong đó có Quốc hội Mỹ, đã đặt ra câu hỏi liệu sự kiểm soát của Trung Quốc đối với đất hiếm có gây ra mối đe dọa chiến lược đối với Mỹ hay không.
Nguyên do là bởi đất hiếm là nguyên liệu cần thiết để chế tạo nhiều thành phần chính trong các ứng dụng liên quan đến quốc phòng, ví dụ như hệ thống hướng dẫn và điều khiển cho máy bay không người lái Predator và động cơ điện trong máy bay tiêm kích F-35. Chính vì vậy, việc tìm kiếm các nguồn cung đất hiếm bổ sung sẽ giảm bớt những lo ngại này.
Trong bối cảnh Trung Quốc gần như độc quyền sản lượng đất hiếm toàn cầu, giá thành cao và nguồn cung giảm mạnh, việc các quốc gia mới tham gia thị trường đất hiếm sẽ giúp đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng đối với nguồn tài nguyên chiến lược này.
Với tiềm năng khoáng sản của mình, Việt Nam có thể trở thành quốc gia đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp lượng lớn đất hiếm trong tương lai.
Theo DTIC, Việt Nam hoàn toàn có thể tham gia cung cấp đất hiếm ra thế giới. Quá trình xử lý quặng chứa các nguyên tố này, qua tái chế, cũng có thể cho ra các ôxít uranium thích hợp nhằm chế biến tiếp thành nhiên liệu.
Từ đó, nó có thể góp phần giúp Việt Nam phát triển điện hạt nhân. Mỹ và Việt Nam sẽ nỗ lực hợp tác phát triển, khai thác mỏ đất hiếm của Việt Nam và các loại quặng NORM, vì lợi ích chung của cả 2 quốc gia.
Tiềm năng đất hiếm của Việt Nam
Việt Nam đã phát hiện các mỏ đất hiếm từ năm 1958. Trong số đó, có 2 thân quặng lớn ở tỉnh Lai Châu, và các sa khoáng có giá trị thấp hơn ở một số vùng ven biển. Các cuộc khảo sát và đánh giá địa chất trong giai đoạn 1958-1969 được thực hiện tại hai thân quặng Nậm Xe và Đông Pao.
Thời điểm đó, các loại oxit đất hiếm chỉ có giá trị kinh tế hạn chế. Vì vậy, Việt Nam chưa phát triển các mỏ mà chỉ chiết xuất 100 tấn oxit đất hiếm giai đoạn trước năm 1990 trong một liên doanh hợp tác với Ba Lan, Tiệp Khắc và Đông Đức. Việc này chủ yếu chỉ để khảo nghiệm và sử dụng cho thí nghiệm.
Các mỏ đất hiếm chính khác sau đó được đặt tại Mường Hum thuộc tỉnh Lào Cai và tại Yên Phú thuộc tỉnh Yên Bái, theo thông tin đăng tải trên báo Tổ quốc.
Dù chưa có báo cáo khảo nghiệm đầy đủ cho các phát hiện sau, nhưng dữ liệu có sẵn cho thấy các thân quặng này chứa trữ lượng đã được chứng minh, với lượng tối thiểu là 11 triệu tấn oxit đất hiếm. Trong đó, Nậm Xe có khoảng 7,7 triệu tấn; Đông Pao khoảng 3,17 triệu tấn; Mường Hum khoảng 400.000 tấn và Yên Phụ khoảng 5.000 tấn.
Các nghiên cứu lấy mẫu và đánh giá cho thấy, các mỏ ở Nậm Xe có trữ lượng quặng oxit đất hiếm trên thực tế nhiều hơn 10 triệu tấn so với con số trên.
Như vậy, Việt Nam hiện là nước trữ lượng đất hiếm rất lớn, và những nguồn lợi kinh tế mà nó mang lại vẫn chưa thể ước tính được.