Cũng theo ông Trần Đình Long, mua cổ phiếu Hòa Phát thì thì không thể lỗ được. vì thực tế chứng minh người theo lâu dài thì không lỗ, mà lời thì lời rất nhiều.
Cổ phiếu Hòa Phát là tờ “giấy lộn”
Không khí tại Đại hội cổ đông thường niên Tập đoàn Hòa Phát ngày 24/5 bỗng trở nên căng thẳng khi có người đặt câu hỏi, vì sao cổ phiếu Hòa Phát lại bị nói chỉ như tờ “giấy lộn”.
Trước đó, ở phiên giao dịch sáng nay, cổ phiếu HPG tiếp tục đà giảm, nhiều yếu tố thị trường ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của doanh nghiệp thép nổi tiếng của Việt Nam.
Đáng chú ý, xuất hiện một số luồng thông tin thảo luận trên một số diễn đàn gần đây coi cổ phiếu HPG của Hòa Phát chỉ như tờ “giấy lộ” khi lãnh đạo tập đoàn đề xuất trả cổ tức phần lớn bằng cổ phiếu thay vì tiền.
Cụ thể, một số cổ đông, nhà đầu tư của Hòa Phát cho rằng việc giữ lượng tiền mặt lớn là không cần thiết, thay vì thế Hòa Phát nên chia cổ tức bằng tiền cho cổ đông. Do đó, trong đại hội cổ đông hôm nay, hai vấn đề lớn được nhiều cổ đông quan tâm và đặt câu hỏi là tỷ lệ chia cổ tức, giá cổ phiếu và kế hoạch sử dụng khoản tiền mặt hơn 46.000 tỷ mà doanh nghiệp đang nắm giữ.
Nói về vấn đề này, đáp lại đòi hỏi của cổ đông, tỷ phú Trần Đình Long tỏ ra rất bức xúc và nhấn mạnh Hòa Phát buộc phải có 20-30 nghìn tỷ 'tiền lỏng' để đảm bảo an toàn.
“Tôi là cổ đông lớn nhất, tâm huyết nhất, nên nếu nói về tâm huyết trước sau như một thì trên thị trường chứng khoán tôi là người làm ăn nghiêm túc nhất, sống chết vì Hòa Phát”, ông Trần Đình Long tuyên bố.
Chủ tịch Hòa Phát cho biết, sáng nay, ông đến dự đại hội cổ đông với tâm trạng “rất buồn”.
Lãnh đạo Hòa Phát chia sẻ, sau khi ban truyền thông gửi cho ông các ý kiến của nhà đầu tư, đòi hỏi phải chia hết lợi nhuận, rằng việc phát hành cổ tức bằng cổ phiếu là "giấy lộn".
Tỷ phú Trần Đình Long nhiều lần bày tỏ bức xúc với cụm từ "giấy lộn", cho rằng đây là một sự xúc phạm đối với ban lãnh đạo.
“Tôi cảm ơn sự góp ý của các cổ đông ở đây ngày hôm nay mang tính chất xây dựng, còn nếu góp ý như trên diễn đàn thì khó cho tôi quá”, ông Long nói.
Ông Trần Đình Long cũng nhấn mạnh, Hòa Phát có 161.000 cổ đông, lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Đây là minh chứng về uy tín của tập đoàn với hơn 30.000 nhân viên.
Chủ tịch Hòa Phát bày tỏ, trong nhiều lần họp HĐQT, ông từng phát biểu nếu dừng lại thì chúng ta sẽ chết, đối thủ cạnh tranh sẽ vượt qua. Ý nghĩa của từ "không dừng lại" còn được hiểu là ngoài những gì chúng ta đã có, chúng ta sẽ vươn tầm khu vực, sẽ làm dự án Dung Quất 2 đạt 14,5 triệu tấn thép. Hiện nay, ban nghiên cứu phát triển tập đoàn đang nghiên cứu các dự án thép nữa.
“Đắk Nông là một trong những dự án chúng tôi nghiên cứu. Hòa Phát sẽ không dừng lại. Để vươn lên một tầm mới, chúng ta cần rất nhiều vốn. Dự án thép Dung Quất 2 có vốn cố định là 70.000 tỷ đồng, vay ngân hàng 35.000 tỷ đồng”, “vua thép” cho biết.
Theo lãnh đạo tập đoàn, với quy mô như hiện tại đang tương đương 4.000-5.000 công ty thuờng, một ngày doanh thu 500 tỷ đồng, điều kiện cần là phải có vốn, “không có vốn thì làm sao được”.
“Riêng vốn cố định khoảng 70.000-80.000 tỷ đồng, vay ngân hàng 35.000 tỷ đã là giỏi lắm rồi. Báo cáo với cổ đông, lần đầu tiên trong lịch sử, một ngân hàng cho doanh nghiệp trong nước vay 35.000 tỷ, vậy còn 35.000-40.000 tỷ. Tôi biết rất nhiều người chê Hoà Phát. Muốn nói rằng là, chúng tôi là người cẩn thận”, - ông Trần Đình Long tái khẳng định.
Theo ông, rất nhiều các tổ chức tín dụng, ngân hàng, tổ chức tài chính góp ý bảo sao để tiền nhiều làm gì.
“Tôi làm cho ông một năm thêm được 400-500 tỷ, nhưng chúng tôi thà không gửi tiền để đảm bảo an toàn, vận mệnh, đảm bảo vốn phát triển Quất 2, phát triển Tập đoàn”, vị tỷ phú nói.
Chủ tịch Trần Đình Long nêu rõ, 46.000 tỷ đồng là không nhiều, với quy mô của Hoà Phát, bắt buộc phải có 20.000-30.000 tỷ đồng là tiền lỏng - tức tiền không được hoạt động, để đảm bảo khả năng thanh toán, lúc nào cũng phải có, không được kinh doanh, không được dùng vào việc khác.
Ngoài ra, Hoà Phát xem xét công bố dự án Dung Quất 3, nên nhu cầu vốn rất cao. Đó là lý do Hoà Phát chỉ chia cổ tức bằng tiền mặt chỉ 5%, không thể chia 10% được.
Thị trường thép năm nay nhiều khó khăn
Báo cáo tại Đại hội cổ đông, ông Trần Đình Long cho biết, hoạt động ngành thép năm 2022 có nhiều khó khăn, dự kiến lợi nhuận năm 2022 đạt mức 25.000 - 30.000 tỷ đồng, thấp hơn mức lợi nhuận 34.521 tỷ đồng của năm ngoái.
Cụ thể, theo ông Trần Đình Long, nguyên nhân đưa ra mức lợi nhuận thấp hơn là do giá nguyên vật liệu trên thế giới tăng mạnh, xung đột Nga - Ukraina diễn biến phức tạp khiến cho giá than luyện coke tăng 100-200 USD/tấn. Thứ hai là chính sách “Zero COVID-19” của Trung Quốc khiến cho nhu cầu thép và sản xuất thép giảm.
Đáng chú ý, theo ông Long những dự tính về việc Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ việc nguồn cung thiếu hụt do xung đột Nga - Ukraina lệch hoàn toàn so với thực tế.
Ông Long phân tích, khi cuộc xung đột Nga - Ukraina nổ ra, nhiều người nghĩ rằng ngành thép Việt Nam sẽ hưởng lợi từ việc bớt đi 2 đối thủ cạnh tranh là Nga và Ukraina, đây là hai nhà sản xuất thép lớn thế giới. Nhưng thực tế lại không như vậy.
“Chúng ta cứ đợi kết quả kinh doanh quý II, quý III và quý IV năm nay sẽ thấy, ngành thép đang ở trong tình trạng không thuận lợi. Những tháng tới, dự báo kết quả kinh doanh sẽ không tốt”, Chủ tịch HPG nêu.
Tuy nhiên, ông Long cũng cho rằng, dù trong hoàn cảnh, thị trường thế nào, Hòa Phát cũng sẽ luôn có kết quả tốt nhất ngành, hơn tất cả doanh nghiệp khác.
Cũng theo lãnh đạo từ Hòa Phát, xung đột vũ trang giữa Nga - Ukraina xảy ra từ cuối tháng 2/2022 đẩy quan hệ Mỹ, EU liên tục đưa những biện pháp trừng phạt mạnh mẽ với Nga làm giá cả các mặt hàng năng lượng, lương thực, thiết yếu lên cao, lạm phát gia tăng, gián đoạn chuỗi cung ứng...; chi phí tài chính tăng do chính sách tiền tệ thắt chặt gia tăng trên toàn cầu.
Theo ông Nguyễn Việt Thắng, Tổng Giám đốc Hòa Phát, dù tiêu thụ thép giảm năm nay, nhưng Hòa Phát chưa có ý định giảm công suất vì doanh nghiệp đang có lợi thế về quy mô.
“Mặc dù giá thép đang trong xu hướng đi xuống nhưng chúng tôi sẽ vẫn vận hành hết công suất để tận dụng lợi thế về quy mô. Bên cạnh đó, Hoà Phát sẽ đẩy mạnh việc bán hàng”, ông Thắng cho biết.
Tập đoàn Hòa Phát dự kiến doanh thu đạt 160.000 tỷ đồng, tăng hơn 9.000 tỷ đồng so với năm 2021 nhờ sản lượng của Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát Dung Quất, sản phẩm container và mảng điện máy gia dụng.
Tuy nhiên, thị trường đang có những khó khăn về giá nguyên nhiên liệu xu hướng tăng, giá bán biến động không tương xứng, chi phí tài chính tăng do dự báo lãi suất tăng bởi xu hướng chính sách tiền tệ thắt chặt.
Trong năm nay, Hòa Phát tiến tới hoàn thành các giấy tờ pháp lý và đầu tư xây dựng một phần cho Dự án Khu liên hợp sản xuất Gang thép Hòa Phát Dung Quất 2; hoàn thành và đưa vào chạy thử Nhà máy sản xuất container vào thời điểm cuối năm...
Cũng tại đại hội, cổ đông Hòa Phát đã thông qua phương án chia cổ tức năm 2021 tỷ lệ 35% trong đó 5% tiền mặt và 30% bằng cổ phiếu. Thời gian thực hiện quý II, III/2022.
Hòa Phát đang có 4,47 tỷ cổ phiếu lưu hành, với phương án chia cổ tức dự kiến năm 2021, HPG sẽ chi hơn 2.200 tỷ đồng để trả cổ tức bằng tiền và phát hành thêm 1,34 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức bằng cổ phiếu nâng vốn điều lệ sau phát hành dự kiến lên hơn 58.148 tỷ đồng, tương đương hơn 2,5 tỷ USD quy đổi.
Hiện tại, vốn điều lệ của tập đoàn này là 44.729 tỷ đồng, tuy nhiên, có phần lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến cuối quý I/2022 lên tới gần 50.000 tỷ đồng. Với kế hoạch tăng vốn này cùng mục tiêu lợi nhuận sau thuế 25.000-30.000 tỷ đồng, cổ đông Hòa Phát đã đồng ý với đề xuất của HĐQT về mức chi trả cổ tức năm 2022 là 25%.
Hòa Phát đang làm ăn ra sao?
Theo báo cáo của Tập đoàn Hòa Phát, doanh thu hợp nhất toàn tập đoàn đạt 150.865 tỷ đồng và 34.521 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng trưởng lần lượt 65% và 55,6% so với cùng kỳ 2020, vượt 26% và 92% kế hoạch kinh doanh.
Lĩnh vực thép vẫn là lĩnh vực cốt lõi và chủ đạo của tập đoàn chiếm hơn 80% doanh thu, lợi nhuận sau thuế của tập đoàn.
Năm 2021, tổng sản lượng bán hàng các loại phôi thép, thép xây dựng, ống thép và tôn mạ là 8,87 triệu tấn, tăng 35% so với năm 2020. Trong tổng sản lượng trên, thép xây dựng chiếm 3,89 triệu tấn, phôi thép hơn 1,3 triệu tấn, thép cuộn cán nóng 2,57 triệu tấn, ống thép 675.000 tấn và 429.000 tấn tôn mạ màu.
Tập đoàn Hòa Phát cho biết, thép xây dựng và ống thép Hòa Phát tiếp tục duy trì thị phần số 1 trên thị trường lần lượt là 32,6% và 24,8%.
Năm 2021, hoạt động xuất khẩu có sự tăng trưởng lớn, đóng góp 1 phần quan trọng trong tổng sản lượng. Doanh thu từ xuất khẩu đạt hơn 49.000 tỷ đồng, chiếm 33% tổng doanh thu năm 2021 toàn tập đoàn.
Các sản phẩm phôi thép, thép xây dựng, ống thép, tôn mạ đều có 1 năm xuất khẩu rực rỡ. Việc đẩy mạnh xuất khẩu giúp Hòa Phát đa dạng hóa thị trường tiêu thụ trong khi thị trường trong nước bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, đồng thời góp phần thu ngoại tệ và cân bằng cán cân thương mại của Việt Nam.
Lĩnh vực nông nghiệp đem lại 2% doanh thu và lợi nhuận 5% toàn tập đoàn. Các sản phẩm như bò Úc, trứng gà sạch luôn nằm top đầu của thị trường. Mảng chăn nuôi heo xuất chuồng gần 480.000 đầu heo, tăng 16% so với 2020; năm 2021 vừa qua, Hòa Phát đã cũng cung cấp 270 triệu quả trứng, trung bình 800.000 quả/ngày.
Hòa Phát muốn vào nhóm 3 công ty bất động sản lớn nhất Việt Nam
Lĩnh vực bất động sản hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế so với kế hoạch được giao.
Trong năm, các khu công nghiệp Hòa Phát đã bàn giao được 42 ha đất, tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2021. Doanh thu lĩnh vực bất động sản tăng 126% so với năm 2020. Kế hoạch trong 10 năm tới, tập đoàn sẽ phát triển 10 khu công nghiệp bao gồm các khu công nghiệp hiện nay đang có.
Đối với mảng dự án nhà ở - khu đô thị, tập đoàn sẽ tập trung phát triển các đại đô thị diện tích từ 300-500 ha. Tại Đại hội cổ đông, tỷ phú Trần Đình Long nhấn mạnh công ty đặt mục tiêu là vào nhóm 3 công ty bất động sản lớn nhất trên thị trường và đang tích cực triển khai các dự án để tiến tới mục tiêu này. Tuy nhiên, Hòa Phát không vội vàng để đạt mục tiêu đó.
Cách làm của Hòa Phát trước kia là đi theo trao lưu chung: Mua đất, mua dự án để triển khai.
“Chúng tôi chưa mua dự án nào lại là may mắn. Bởi như mọi người biết, nhiều công ty phát hành trái phiếu quá dễ dàng, nguồn tiền sẵn nên đổ xô mua dự án, khiến giá bất động sản lên rất cao”, tỷ phú Trần Đình Long lưu ý.
Chủ tịch Trần Đình Long cho biết chiến lược của doanh nghiệp là tích cực đi các địa phương xin tham gia đấu thầu các chương trình phát triển đô thị, sau đó phát triển dự án. Ông cũng đánh giá triển vọng của lĩnh vực bất động sản là tốt đẹp vì Hòa Phát làm từ gốc, không phải bỏ tiền mua dự án, không bị áp lực giá vốn.
Liên quan đến dự án khu đô thị Hòa Phát ở Phố Nối (huyện Mỹ Hào, Hưng Yên), tỷ phú Trần Đình Long cho biết doanh nghiệp đang rất nóng lòng - mong ngày mong đêm để ra sản phẩm, nhưng do thủ tục pháp lý chưa xong, chính sách thay đổi nên chưa thể làm theo kỳ vọng.
Dự án vốn làm trên lô đất được đối ứng trong một dự án BT (đổi đất lấy hạ tầng). Tuy nhiên, khi chính sách thay đổi, thủ tục pháp lý của dự án đang cần thêm thời gian để hoàn thành.
Quan điểm “chốt” tại đại hội cổ đông được Chủ tịch Hòa Phát đưa ra đó là đầu tư cổ phiếu Hòa Phát thì phải nhìn xa, không thể đòi hỏi sáng mua chiều gặt.
Tỷ phú thép Việt Nam cũng củng cố niềm tin nhà đầu tư và tin rằng, chặng đường dài phía trước mua cổ phiếu doanh nghiệp này thì thì không thể lỗ được.
“Thực tế chứng minh người theo lâu dài thì không lỗ, mà lời thì lời rất nhiều”, theo ông Trần Đình Long.