Biển Đông

Gạc Ma, Hải chiến Trường Sa 1988 hay cuộc xâm lược của Trung Quốc?

Theo báo Mỹ, lễ tưởng niệm hiếm hoi của Việt Nam về trận chiến khốc liệt mang đúng nghĩa “chết chóc bi hùng” tang thương ở Biển Đông là một thông điệp “thầm lặng” nhưng đầy kiên định “trực tiếp” tới Bắc Kinh.
Sputnik
Cả Việt Nam và Trung Quốc đều nỗ lực để không lặp lại sự kiện xung đột Trường Sa 1988, hải chiến Gạc Ma, vết cắt lịch sử trong quan hệ láng giềng giữa Hà Nội với Bắc Kinh.

Sự kiện hiếm hoi

Động thái thầm lặng của Việt Nam là thông điệp cứng rắn với Trung Quốc, theo báo Mỹ.
Vào tháng 3 vừa qua, chính phủ Việt Nam đã tiến hành lễ tưởng niệm trận chiến Gạc Ma, nơi các liệt sĩ Gạc Ma nằm xuống năm 1988 với Trung Quốc ở Biển Đông.

“Lễ tưởng niệm là một sự kiện hiếm hoi, vì dường như Hà Nội từ lâu đã tránh thảo luận công khai về hải chiến Gạc Ma với quốc gia láng giềng khổng lồ phía Bắc”, - theo Benjamin Brimelow của Business Insider.

Theo tờ báo Mỹ, buổi lễ được đánh giá như một thông điệp “trong cứng ngoài mềm” gửi đến Bắc Kinh.

“Vào tháng 3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dâng hương, bày tỏ lòng kính trọng đối với hàng chục liệt sĩ là thủy thủ và lính thủy đánh bộ Việt Nam, những người đã hy sinh trong trận chiến với lực lượng Hải quân Trung Quốc tại Trường Sa năm 1988”, - báo Mỹ đề cập về cuộc viếng thăm đặc biệt tại khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma của lãnh đạo Chính phủ.

Khu tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma nằm tại xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa trên khu đất rộng hơn 25.000m2.
Như đã biết, xung đột giành quyền kiểm soát tại Quần đảo Trường Sa 1988, hay còn gọi là Hải chiến Trường Sa là sự kiện xung đột tại khu vực quần đảo Trường Sa khi Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc tấn công vũ trang hòng chiếm đóng bãi đá Cô Lin, bãi đá Len Đao và bãi đá Gạc Ma, bấy giờ đang được Hải quân Nhân dân Việt Nam cho người bảo vệ và đang xây dựng công trình trên các đảo này năm 1988.
Trong buổi lễ tưởng niệm trận chiến Gạc Ma ở tỉnh Khánh Hòa, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cùng các thành viên trong đoàn công tác Chính phủ, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa đã dâng hương tại khu mộ gió của 64 anh hùng, liệt sĩ hy sinh trong trận chiến bảo vệ chủ quyền tại Gạc Ma - Cô Lin - Len Đao năm 1988, thuộc huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa.
Đáng chú ý, người đứng đầu Chính phủ còn ghi sổ vàng lưu niệm. Trong đó, ông Phạm Minh Chính khẳng định, 64 chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã anh dũng, quên mình để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Các anh là những tấm gương chói sáng minh chứng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tô thắm thêm truyền thống hào hùng của dân tộc Việt Nam.
“Lễ tưởng niệm – động thái dường như không có gì hào nhoáng, phô trương, đáng kể, nhưng đây là điều chưa từng có”, nhà nghiên cứu Brimelow lưu ý.
Tờ báo Mỹ cho rằng, Việt Nam từ lâu đã tránh thảo luận chính thức hoặc kỷ niệm lớn, trọng thể liên quan đến trận hải chiến, khơi gợi lại nỗi đau mất đi một phần biển đảo của Tổ quốc và xưa giờ vẫn là nguồn cội của thái độ tình cảm chống Trung Quốc trong một bộ phận người dân.
Các năm trước, những sự kiện tưởng niệm như thế này chủ yếu do lãnh đạo địa phương, các ban ngành đoàn thể phối hợp cùng người dân tổ chức.
“Thái độ thận trọng, khéo léo trong ứng xử này là dễ hiểu và phần lớn xuất phát từ mong muốn giữ cho tình cảm láng giềng hữu nghị với Trung Quốc không bị ảnh hưởng cũng như tránh gây bất lợi cho Bắc Kinh, quan hệ song phương vì người láng giềng phía Bắc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam”, báo Mỹ khẳng định.
Tuy nhiên, lễ kỷ niệm đặc biệt năm 2022 này, một số động thái gần đây của Việt Nam ở Biển Đông, cùng với những kế hoạch đầu tư ưu tiên phát triển nền quân đội tiên tiến, tinh nhuệ, đưa một số binh chủng tiến thẳng lên hiện đại, có thể là một thông điệp từ Hà Nội tới nước láng giềng phía Bắc.

Lịch sử phức tạp và tranh chấp lâu dài

Đá Gạc Ma (Johnson South Reef) là rạn san hô thuộc cụm Sinh Tồn, một phần thuộc quần đảo Trường Sa, nhóm hơn 100 đảo, đá, bãi đá ngầm và các đặc điểm khác trên Biển Đông cách bờ biển phía nam của Việt Nam khoảng 500 dặm về phía tây.
Với tổng diện tích khoảng 7,2 km2, đa phần bãi đá này ngập chìm dưới nước, chỉ có vài hòn đá nổi lên. Gạc Ma chỉ có một số đoạn nổi tự nhiên trên mặt nước trong vài giờ một ngày khi thủy triều xuống.
Biển Đông
Hải chiến Hoàng Sa 1974: Phải cho thế giới biết chủ quyền lịch sử của Việt Nam
Quần đảo Trường Sa, cũng như các đảo khác trên Biển Đông, từ lâu đã trở thành mục tiêu của các tranh chấp lãnh thổ gay gắt. Trong đó, Bắc Kinh đã đưa ra những yêu sách chủ quyền rộng lớn đối với khu vực mà các nước láng giềng như Việt Nam, Philippines cũng có tuyên bố chủ quyền của riêng mình.
Như đã đề cập, phán quyết được Tòa trọng tài thường trực (PCA) ở The Hague, Hà Lan công bố đã bác bỏ yêu sách đường lưỡi bò (đường chín đoạn) của Trung Quốc ở Biển Đông.

Trận Gạc Ma không phải “hải chiến” mà là một “cuộc xâm lược”?

Theo TS. Trần Công Trục, nguyên trưởng Ban Biên giới Chính phủ, nên gọi sự kiện Gạc Ma là: "Trận chiến bảo vệ Trường Sa 1988”. Đây không phải cuộc hải chiến mà là một cuộc xâm lược của Trung Quốc về bản chất.
Theo nhà nghiên cứu Trần Công Trục, cho đến nay, dù đã hơn 30 năm trôi qua kể từ ngày 14/3/1988, sự kiện lịch sử Gạc Ma vẫn được gọi bằng những tên khác nhau: “Hải chiến Gạc Ma 1988”, “Hải chiến Trường Sa 1988”, “cuộc thảm sát Trường Sa 1988”, “cuộc chiến xâm lược Gạc Ma 1988”, “Trận chiến bảo vệ Trường Sa 1988”.
Tất cả đều tùy theo nhìn nhận, đánh giá và thậm chí, cả cảm xúc riêng của mỗi người, theo ông Trục. Tuy nhiên, trong lịch sử quân sự thế giới, tên gọi của mỗi cuộc chiến, trận đánh thường phản ánh đúng quy mô, tính chất, hình thức tác chiến…
Do đó, theo TS Trần Công Trục, sự kiện lịch sử này không hội đủ các điều kiện về tương quan lực lượng, mục tiêu, đối tượng tác chiến cũng như thủ tục tuyên chiến theo thông lệ chiến tranh.
“Vì vậy, không thể gọi là “Hải chiến” mặc dù đụng độ xảy ra trên biển”, chuyên gia nhận định.
TS Trần Công Trục cho rằng, chúng ta nên gọi là “Cuộc xâm lăng của Trung Quốc đối với quần Trường Sa năm 1988” hoặc “Cuộc chiến đấu tự vệ và bảo vệ Trường Sa của Hải quân Nhân dân Việt Nam năm 1988”.
Diễn biến của “Sự kiện lịch sử” này gần đây đã được đăng tải trên một số phương tiện truyền thông, tuy chưa thật sự thể hiện đầy đủ trong các bộ sử, sách giáo khoa và tài liệu nghiên cứu chính thống…, nhưng cũng đủ để có thể xác định được tính chất, quy mô cũng như mục đích của cuộc chiến bi hùng này.
“Chúng ta có thể khẳng định rằng đây là một cuộc chiến tranh xâm lược, chứ không phải là một “Hải chiến” như cách gọi của nhiều người. Bởi vì đội hình, lực lượng và kế hoạch tác chiến của Trung Quốc hoàn toàn là một chiến dịch tấn công quân sự có chủ đích, tính toán, nghiên cứu và chuẩn bị rất kỹ càng về thời gian, địa điểm nhằm mục đích chiếm một số bãi cạn ở Trường Sa”, TS.
Trần Công Trục nhấn mạnh, Trung Quốc cưỡng chiếm có chủ đích để phục vụ âm mưu lâu dài.

Tóm tắt diễn biến trận Gạc Ma

Theo tư liệu lịch sử, hai tháng đầu năm 1988, sau khi chiếm giữ trái phép 5 bãi đá gồm: Chữ Thập, Châu Viên, Huy Gơ, Ga Ven, Xu Bi, quân Trung Quốc tiếp tục chuẩn bị thực hiện ý đồ thôn tính 3 đảo gồm Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao.
Đầu tháng 3/1988, Hải quân Trung Quốc huy động lực lượng của hai hạm đội xuống khu vực quần đảo Trường Sa, tăng số tàu hoạt động ở đây thường xuyên có từ 9 đến 12 tàu chiến, gồm: tàu khu trục tên lửa, 7 tàu hộ vệ tên lửa, 2 tàu pháo, 2 tàu đổ bộ; tàu hỗ trợ gồm 3 tàu vận tải LSM, tàu đo đạc, tàu kéo và một pông-tông lớn.
Trước sự bành trướng ngang ngược của quân Trung Quốc, Quân chủng Hải quân Việt Nam xác định, Gạc Ma giữ vị trí quan trọng, nếu để Trung Quốc chiếm giữ sẽ khống chế đường tiếp tế của Việt Nam cho các căn cứ tại quần đảo Trường Sa. Vì vậy, Thường vụ Đảng uỷ Quân chủng Hải quân Việt Nam hạ quyết tâm đóng giữ Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao.
Quân chủng Hải quân Việt Nam điều 3 tàu vận tải mang khí tài, vật liệu xây dựng đóng giữ các bãi đá Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao.
Ngày 12/3/1988, tàu HQ. 605 (thuộc Lữ đoàn 125), do ông Lê Lệnh Sơn làm thuyền trưởng, xuất phát từ Đá Đông đến đóng giữ đảo Len Đao. Sau 29 giờ vượt sóng to, gió lớn, Tàu HQ. 605 đến Len Đao và cắm cờ Tổ quốc lên đảo (lúc 5h ngày 14/3/1988), khẳng định chủ quyền và quyết tâm bảo vệ đảo.
Tiếp đó, 9h ngày 13/3/1988, tàu HQ. 604 do ông Vũ Phi Trừ làm thuyền trưởng và tàu HQ. 505 do ông Vũ Huy Lễ làm thuyền trưởng, xuất phát từ đảo Đá Lớn tiến về Gạc Ma, Cô Lin.
Phối hợp với hai tàu HQ. 604 và HQ. 505 có hai phân đội công binh (70 người) thuộc Trung đoàn 83, 4 tổ chiến đấu (22 người) thuộc Lữ đoàn 146, do ông Trần Đức Thông, Phó Lữ đoàn trưởng chỉ huy và 4 chiến sĩ đo đạc của Đoàn đo đạc và biên vẽ bản đồ (Bộ Tổng Tham mưu).
Khoảng 6 giờ sáng 14/3/1988, ba tàu chiến Trung Quốc đồng loạt nã pháo sang tàu các tàu HQ 604, HQ 605, HQ 505 của Hải Quân Việt nam. Lính Trung Quốc được cho là đã nổ súng bắn chết Thiếu úy Trần Văn Phương, dùng lê đâm và nổ súng bắn bị thương Hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh. Riêng tàu HQ 604 bị cháy ca bin ngay quả pháo đầu tiên, lập tức mất liên lạc.
Trận đánh diễn ra ác liệt. Theo tư liệu lịch sử phía Việt Nam, tàu Trung Quốc tiếp tục nã pháo dồn dập làm tàu Hải quân Việt Nam bị thủng nhiều lỗ và chìm dần xuống biển.
Thuyền trưởng Vũ Phi Trừ, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 Trần Đức Thông và cùng một số cán bộ, chiến sỹ tàu đã anh dũng hy sinh cùng tàu HQ 604 ở khu vực đảo Gạc Ma. Gạc Ma bị Trung Quốc chiếm đóng và xây dựng bất hợp pháp từ đó đến nay, 64 liệt sĩ đã nằm xuống.
BNG Trung Quốc: Tình bạn nguy hiểm với Mỹ, Kissinger và chiến tranh Việt Nam

Tránh lặp lại xung đột 1988

Theo báo Mỹ, việc Việt Nam chính thức kỷ niệm trận đánh Gạc Ma năm nay được coi là sự khẳng định chủ quyền mạnh mẽ.
Đây cũng như một lời nhắc nhở về cách Hà Nội đã kiên quyết bảo vệ tấc đất, rạn san hô của mình trước người láng giềng Trung Quốc “to và mạnh” hơn trong quá khứ.
Nhiều năm sau kể từ trận chiến, Trung Quốc nỗ lực biến các bãi đá ngầm và đảo mà họ kiểm soát ở Biển Đông thành những pháo đài đáng gờm. Thông qua cải tạo các thực thể, Trung Quốc đã mở rộng các địa hình hiện có và xây dựng các đảo nhân tạo để triển khai trang bị khí tài vũ khí và huấn luyện quân đội.
Ngày nay, Gạc Ma có một đảo nhân tạo rộng đến 27 mẫu Anh với cảng, sân bay phục vụ đỗ trực thăng, trạm radar và các hệ thống vũ khí tầm gần phòng không và tên lửa.
“Việt Nam vẫn tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa và cố gắng tăng cường khả năng phòng thủ trên các đảo mà Hà Nội hiện đang kiểm soát”, báo Mỹ nhận định.
Hà Nội cũng đang tập trung hiện đại hóa quân đội, bao gồm cả việc mua sáu tàu ngầm lớp Kilo và tên lửa hành trình tấn công Kalibr của Nga.
Cùng với đó, Việt Nam cũng đã cải thiện quan hệ với các nước láng giềng trong những năm gần đây, với phương châm là bạn bè đối tác tin cậy và có trách nhiệm.
Việt Nam cũng đã tham gia các đợt tập trận hải quân với Ấn Độ và Nhật Bản, đón tiếp các tàu hải quân của Mỹ, EU, Úc và hoan nghênh chính sách an ninh hàng hải cởi mở, tôn trọng pháp luật quốc tế.
Trong quan hệ Việt Nam và Trung Quốc đều còn những bất đồng khó có thể giải quyết chỉ trong một sáng một chiều. Tuy nhiên, cả Hà Nội và Bắc Kinh đều nhất trí nỗ lực tìm cách đối thoại, đạt được tiếng nói chung, vì hòa bình, ổn định trong khu vực và tránh lặp lại sự kiện năm 1988.
Thảo luận