Nhà chức trách Việt Nam lên tiếng về giá xăng và vụ Việt Á
Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an đã thông tin về kết quả điều tra một số vụ án nghiêm trọng như Việt Á, FLC, Tân Hoàng Minh, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao cũng như tình trạng tội phạm trên không gian mạng.
SputnikTrong khi đó, Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Đức Chi và Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải lý giải nhiều vấn đề xung quanh thuế và phí giá xăng dầu Việt Nam.
Thuế, phí, giá xăng dầu Việt Nam được tính như thế nào?
Giá xăng dầu là một trong những vấn đề nóng được người dân Việt Nam quan tâm nhất hiện nay.
Tại họp báo thường kỳ Chính phủ chiều 4/6, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đã cung cấp một số thông tin đáng chú ý xoay quanh nguyên do
vì sao giá xăng Việt Nam tăng cao kỷ lục, cách tính thuế phí xăng dầu trong nước.
Theo ông Chi, hiện nay các chính sách thuế áp dụng đối với xăng dầu ở Việt Nam gồm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, bảo vệ môi trường, giá trị gia tăng đảm bảo phù hợp thông lệ chung trên thế giới.
Đại diện Bộ Tài chính nêu rõ, trung bình các nước trên thế giới có tỷ trọng thuế trong xăng dầu chiếm 40-60% trừ các nước có trữ lượng dầu mỏ lớn.
“Hiện, tại Việt Nam tỷ trọng thuế trong xăng hơn 29-31%, dầu diesel 13,3%”, - Thứ trưởng Chi nói và cho biết giá thuế trong tỷ trọng giá xăng dầu của Việt Nam vẫn là mức “trung bình thấp” của thế giới.
Đại diện Bộ Tài chính cho biết, trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cao do các nước phục hồi sau Covid-19, xung đột ở Ukraina, Chính phủ, các bộ ngành lo lắng giá xăng dầu ảnh hưởng CPI, thách thức lớn trong 2022.
“Với thuế bảo vệ môi trường, trong 2021-2022 đã hỗ trợ 50% đối với nhiên liệu bay. Bộ đã báo cáo thông qua Nghị quyết giảm 50-70% hỗ trợ giảm giá xăng dầu”, - ông Chi nhấn mạnh.
Thứ trưởng nêu, trong bối cảnh giá xăng tăng cao,
Bộ Tài chính ngày 21/4 đã xin ý kiến các bộ ngành báo cáo Chính phủ sửa đổi nghị định biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi từ 20% xuống 12%. Qua đó, sẽ giúp đa dạng hóa nguồn cung xăng dầu.
Về thuế tiêu thụ đặc biệt và giá trị gia tăng, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh, “không có quy định miễn thuế với mặt hàng tiêu thụ đặc biệt và đánh giá mức thuế này đối với xăng trong nước cũng thấp hơn so với thế giới”.
Có kìm được giá xăng dầu hay không?
Tại cuộc họp báo, đại diện Bộ Công Thương – Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải thừa nhận rằng, giá xăng dầu Việt Nam thời gian qua đã “tăng liên tục và ở mức cao”.
“Bộ Công Thương rất chia sẻ với khó khăn của người dân, doanh nghiệp sử dụng mặt hàng này làm đầu vào sản xuất, kinh doanh”, - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải bày tỏ.
Liên quan đến công tác điều hành giá xăng dầu, Thứ trưởng Hải cho biết Bộ Công Thương đã phối hợp thực hiện nhất quán theo Nghị định 83, 95 sửa đổi phù hợp diễn biến giá xăng dầu thế giới, “mang lại thuận lợi nhất” trong điều kiện có thể cho người dân doanh nghiệp.
Trả lời về vấn đề giải pháp kìm giá xăng dầu, đại diện Bộ Công Thương nhấn mạnh, có ba giải pháp trong thời gian tới để bình ổn, kìm mức tăng giá xăng dầu.
Thứ nhất là sử dụng công cụ quỹ bình ổn một cách hiệu quả và linh hoạt để hạn chế mức biến động mạnh của giá trong nước, gây sức ép lớn CPI. Đại diện Bộ Công Thương cho hay, giá bình quân thành phẩm xăng dầu thế giới tại Singapore từ đầu năm đến ngày 1/6 tăng 45,86-63,68%, tuy nhiên nhờ sử dụng linh hoạt quỹ bình ổn giá nên giá trong nước chỉ tăng 27,29-47,89%.
Biện pháp thứ 2 là sử dụng điều chỉnh thuế phí trong cơ cấu xăng dầu. Vừa qua, Bộ đã kiến nghị và Bộ Tài chính đã báo cáo được Ủy ban thường vụ Quốc hội đồng ý giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu từ 1/4 đến 31/12.
“Trong thời gian tới, Bộ sẽ phối hợp đề xuất rà soát trong phạm vi cho phép giảm thuế liên quan đến cơ cấu giá liên quan đến xăng dầu”, - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.
Biện pháp thứ ba, theo ông Hải, để giảm mức tăng không chỉ liên bộ Công Thương Tài chính mà còn có trách nhiệm của Chính phủ, các bộ ngành khác hướng tới đề xuất giải pháp an sinh, hỗ trợ người dân, người nghèo, hộ chính sách, hỗ trợ doanh nghiệp...
“Ở Việt Nam, giá xăng dầu vẫn ở mức thấp hơn so với các nước có chung biên giới với Việt Nam như Lào, Campuchia, Trung Quốc”, - Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định.
Để cả 10 tỷ đồng trong két
Cũng tại buổi họp báo, phóng viên nêu câu hỏi về các vụ án điểm được Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng tiêu cực Trung ương chỉ đạo, người phát ngôn Bộ Công an đã cung cấp thêm một số thông tin mới liên quan Chủ tịch tập đoàn FLC, Công ty Việt Á, Tân Hoàng Minh, vụ án đưa nhận hối lộ ở Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao…
Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an nhắc lại, thứ nhất phải khẳng định rằng tất cả các bị can trong những vụ án Việt Á, Tân Hoàng Minh, FLC… đều vi phạm pháp luật hiện hành và chắc chắn họ sẽ bị xử lý bằng pháp luật.
“Thứ hai các bị can những vụ án này có đặc điểm là rất nhiều người trong số họ là cán bộ, đảng viên và lãnh đạo”, - tướng Xô nêu rõ.
Người phát ngôn Bộ Công an tái khẳng định, những bị can này phạm tội là do lợi dụng chính sách để trục lợi, lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ và vi phạm những quy định của người đứng đầu như hối lộ và nhận hối lộ.
“Các bị can là cán bộ, đảng viên trước tiên sẽ bị xử lý theo các quy định của đảng, sau đó sẽ bị xử lý theo các quy định của pháp luật”, - tướng Tô Ân Xô nói.
Về dòng tiền mà phóng viên nêu, đại diện Bộ Công an khẳng định đây là yếu tố rất quan trọng với cơ quan điều tra, từ đó tìm ra bản chất của vụ việc trong những vụ án này.
Đặc biệt, theo tướng Tô Ân Xô, trong một số vụ án, khi khám xét thì có những bị can trong ngăn kéo có đến hơn 10 tỷ.
“Ví dụ, vụ Việt Á rất nhiều tiền. Như các bạn biết, trong lời khai là kiếm lãi khoảng 4.000 tỷ và bôi trơn khoảng 800 tỷ, đó là kênh để các nhà điều tra tìm ra”, - người phát ngôn Bộ Công an dẫn chứng.
Tướng Xô khẳng định, theo sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lực lượng Công an cũng đang tập trung hết sức để sớm có những kết quả.
“Còn ví dụ để chứng minh cho vấn đề trục lợi chính sách, theo cán bộ điều tra chẳng hạn một chuyến bay "combo" (có trả phí) giải cứu, trừ các chi phí đi có thể số tiền lợi nhuận lên đến vài tỷ đồng một chuyến, mà có gần 2.000 chuyến bay”, - tướng Xô dẫn chứng.
Hay như vụ FLC, kết quả điều tra ban đầu xác định từ ngày 1/9-10/1/2019, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo Trịnh Thị Minh Huế mượn chứng minh thư nhân dân của 26 cá nhân lập 20 doanh nghiệp, mở 450 tài khoản tại 41 công ty chứng khoán để thực hiện các hành vi thao túng giá cổ phiếu nhằm tạo ra cung cầu giả với 6 mã chứng khoán FLC và thu lợi bất chính, theo dự tính ban đầu là 975 tỷ đồng.
“Điều này đã gây thiệt hại đặc biệt lớn cho các nhà đầu tư. Hiện nay Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tiếp nhận 557 đơn của các nhà đầu tư tố cáo hành vi thao túng thị trường chứng khoán của Trịnh Văn Quyết và đồng phạm”, - tướng Xô thông tin.
Tướng Xô nói tiếp, vụ Việt Á cũng là do lợi dụng chính sách của Đảng và Chính phủ về các sản phẩm, chế phẩm y tế để cứu người bệnh, ngăn chặn dịch bệnh.
“Hay như giải cứu công dân Việt Nam ở nước ngoài và một số cán bộ lợi dụng chính sách để trục lợi”, - Trung tướng Tô Ân Xô nhắc lại.
Cảnh giác hacker tấn công hệ thống ngân hàng
Bộ Công an vừa qua cũng thông tin, gần đây, một nhóm tội phạm nước ngoài, chủ yếu là người Đài Loan đã tấn công, xâm nhập vào
hệ thống ngân hàng BIDV và Vietcombank để đánh cắp hàng trăm tỷ đồng của khách hàng.
Thủ đoạn của nhóm này là rà soát các lỗ hổng bảo mật, tấn công leo thang đặc quyền truy cập trái phép vào hệ thống quản trị máy chủ ngân hàng.
“Bộ Công an đang phối hợp với ngân hàng để ngăn chặn nhóm tin tặc và tội phạm trên không gian mạng này”, - tướng Xô nhấn mạnh.
Về phương án ngăn chặn, người phát ngôn Bộ Công an Tô Ân Xô cho hay cơ quan này và các ngân hàng đã thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực trong đó có đấu tranh phòng chống tội phạm trên không gian mạng.
Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phối hợp bộ phận chức năng của ngân hàng để rà soát các lỗ hổng, ngăn chặn các cuộc tấn công từ đó tìm ra các lỗ hổng để tìm ra các biện pháp bảo vệ an toàn hệ thống ngân hàng.
“Trong đời sống thực như thế nào, trên không gian mạng cũng như thế thậm chí còn phức tạp hơn”, - ông Xô lưu ý.
Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2022 Bộ Công an đã xử lý 840 chuyên án, vụ việc (tăng 42% so với cùng kỳ), đồng thời, khởi tố 225 vụ án và 185 bị can.
Một số phương thức thủ đoạn được người phát ngôn Bộ Công an nêu ra là: Lợi dụng nhu cầu tìm việc làm tăng cao sau dịch sau đó nhắn tin, gọi hỏi để trả tiền, sử dụng danh nghĩa cơ quan bảo vệ pháp luật như công an tòa án để lừa đảo, chiếm quyền truy cập tài khoản mạng xã hội sau đó
nhắn tin cho bạn bè của chủ tài khoản, chiếm đoạt tài khoản thông qua sàn thương mại điện tử, lừa đảo qua hình thức kinh doanh đa cấp, thực hiện tấn công mạng…do đó, người dân phải đặc biệt đề phòng, cảnh giác.