Theo báo cáo từ Kiểm toán Nhà nước, Việt Á của Phan Quốc Việt đã bán lô kit test Covid-19 trị giá hơn 2.160 tỷ đồng. Đặc biệt, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế và ít nhất 30 địa phương đã mua hàng tỷ đồng kit test Việt Á.
Đã mua bao nhiêu từ Việt Á?
Kiểm toán Nhà nước Việt Nam vừa hoàn thành báo cáo chuyên đề gửi Quốc hội về kết quả kiểm toán huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ phòng chống dịch COVID-19 và các chính sách hỗ trợ.
Đợt kiểm toán được triển khai trên phạm vi toàn ngành với quy mô lớn, thực hiện kiểm toán tại 9 Bộ, cơ quan trung ương và 32 tỉnh, thành (dù trong thông báo của Bộ Công an trước đó đề cập việc có đến 62/63 tỉnh/thành phố mua kit test của Việt Á – PV).
Theo kết quả kiểm toán được nhà chức trách công bố, tổng nguồn lực đã huy động cho phòng, chống dịch tại các đơn vị, địa phương kiểm toán là hơn 376.200 tỷ đồng.
Đối với việc quản lý và sử dụng kit test SARS-CoV-2, Kiểm toán Nhà nước lưu ý một số đơn vị thuộc các bộ, ngành, địa phương được kiểm toán đã mua hơn 58,7 triệu kit và sinh phẩm xét nghiệm PCR với tổng giá trị là 7.973 tỷ đồng.
“Mức giá sản phẩm khác nhau tùy chủng loại, xuất xứ, hãng sản xuất”, - cơ quan kiểm toán nhấn mạnh.
Bộ Công an, Quốc phòng, Y tế: Ai bị điểm danh?
Theo báo cáo, có 30 địa phương, bộ ngành được kiểm toán đã mua gần 2.162 tỉ đồng kit xét nghiệm từ Công ty cổ phần công nghệ Việt Á, trực tiếp với công ty này hoặc qua đơn vị trung gian phân phối.
Điển hình, những nơi được Kiểm toán Nhà nước “điểm danh” đã mua kit xét nghiệm từ Việt Á, như một số đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng; Bộ Công an; Bộ Y tế, Hà Nội, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc; Hà Tĩnh, Đà Nẵng; Quảng Nam, TP.HCM, Hải Dương, Đồng Tháp, Tiền Giang...
Đáng chú ý, có hai địa phương trong diện kiểm toán không mua kit xét nghiệm từ doanh nghiệp này là Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Thuận.
Theo báo cáo, Bộ Y tế và các đơn vị trực thuộc mua sắm sinh phẩm, kit xét nghiệm nhanh, PCR trị giá hơn 617 tỷ đồng, gồm khoảng 1,27 triệu kit xét nghiệm nhanh, 237.452 bộ kit xét nghiệm PCR với nhiều mức giá khác nhau.
Về giá mua kit xét nghiệm nhanh dao động 47.000 - 220.500 đồng/sản phẩm. Giá bộ kit xét nghiệm PCR 126.042 - 653.571 đồng.
Còn tại các địa phương, giá mua kit xét nghiệm nhanh dao động 48.000 - 200.000 đồng; PCR bình quân 200.000 - 300.000 đồng/bộ. Điển hình như ở Hà Nội mua test nhanh từ 48.500 đồng đến 242.000 đồng/test; giá kit test RT-PCR từ 48.500 đồng đến 210.000 đồng/test.
Trong khi đó, Quảng Nam mua giá kit test PCR từ 200.000 đồng/test đến 300.000 đồng/test. Hải Dương mua kit xét nghiệm nhanh từ 63.000 đồng đến 198.000đ/kit; kit xét nghiệm RT-PCR từ 84.000 đồng đến 181.000 đồng/kit tách chiết, từ 305.000 đồng đến 509.000 đồng/bộ kit định tính.
Cơ quan chức năng lưu ý, với số lượng test COVID-19 đã mua, các đơn vị xây dựng, thực hiện kế hoạch xét nghiệm đột xuất, định kỳ, xét nghiệm cộng đồng, xét nghiệm tại khu cách ly, phong tỏa... và tổ chức dịch vụ xét nghiệm theo nhu cầu của người dân.
Hàng loạt vấn đề
Tuy nhiên, nêu thẳng hạn chế trong quản lý, sử dụng sinh phẩm, kit xét nghiệm, cơ quan kiểm toán cho rằng việc lập kế hoạch xét nghiệm, phê duyệt, phân bổ kit xét nghiệm chưa kịp thời phục vụ cho xét nghiệm.
Theo Kiểm toán Nhà nước, chẳng hạn, tại Bình Thuận, khâu lập kế hoạch xét nghiệm, mua sắm, phân phối vật tư chưa chuẩn xác, chưa dựa trên nguồn lực, vật lực và kinh phí hiện có của đơn vị, dẫn đến các cơ sở y tế tuyến dưới phải đi mượn (ứng trước) hàng hóa, vật tư sinh phẩm.
Có lô kit xét nghiệm PCR tài trợ qua lấy mẫu thử nghiệm chưa bảo đảm chất lượng sử dụng.
Điển hình như ở Đà Nẵng, lô 4.000 kit xét nghiệm chưa được Bộ Y tế thử nghiệm chất lượng, song kết quả thử nghiệm của Viện Pasteur Nha Trang cho thấy, độ nhạy bộ kit xét nghiệm bằng 0 – “không có giá trị sử dụng”.
Các đơn vị, địa phương cũng quản lý, giám sát chưa chặt chẽ, chưa theo dõi số lượng test thực dùng.
Đáng chú ý, theo cơ quan kiểm toán, việc hạch toán, lập, quản lý, lưu giữ hồ sơ, tài liệu liên quan như chứng từ phân bổ, kế hoạch xét nghiệm, phiếu nhập, xuất, danh sách cấp phát... chưa đầy đủ.
Thậm chí có bộ kit xét nghiệm viện trợ hết hạn sử dụng phải tiêu hủy, như Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM hủy 12.016 kit; Bệnh viện Nhi trung ương hủy 1.920 kit do hạn sử dụng ngắn.
Bên cạnh đó, tại các đơn vị được kiểm toán phát sinh tình trạng mượn, mua vật tư, kit xét nghiệm, sinh phẩm xét nghiệm từ các nhà cung cấp có hoặc không có trong thỏa thuận/hợp đồng, thiếu thông tin chi tiết về bàn giao... Tổng giá trị hàng mượn dạng này gần 1.062 tỷ đồng, theo báo cáo.
Kiểm toán Nhà nước lưu ý rằng, đã chuyển danh sách các đơn vị, địa phương vay, mượn kit xét nghiệm có dấu hiệu bất thường sang Thanh tra Chính phủ để lưu ý khi thực hiện thanh tra chuyên đề tại các bộ, ngành và địa phương.
Đề nghị thanh tra việc mua kit xét nghiệm của Việt Á
Để chấn chỉnh công tác quản lý, sử dụng kit xét nghiệm, trang thiết bị, vật tư, thuốc, Kiểm toán Nhà nước cũng đã đề nghị Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và 32 tỉnh, thành được kiểm toán chỉ đạo thanh tra rà soát và kiểm tra việc mua sắm kit xét nghiệm của Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á tại các đơn vị trực thuộc.
Cơ quan kiểm toán cũng đồng thời đề nghị UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, UBND các quận, huyện và các cơ sở y tế thực hiện kiểm tra, rà soát, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật (nếu có sai phạm) đối với các trường hợp vay mượn sinh phẩm, kit xét nghiệm; thực hiện xét nghiệm cộng đồng bằng kit xét nghiệm nhanh kháng nguyên, RT-PCR không tuân thủ hướng dẫn của Bộ Y tế, kế hoạch của UBND tỉnh.
Bên cạnh những bất cập trong quản lý, mua và sử dụng kit xét nghiệm, kết quả kiểm toán còn cho thấy tồn tại trong chi phí cách ly y tế tại Việt Nam, chẳng hạn như không đúng hoặc trùng đối tượng; chi không đúng hoặc vượt định mức, hay chứng từ thanh toán chưa đầy đủ... tổng số tiền hơn 36 tỷ đồng.
Đặc biệt, theo Kiểm toán, trong số này, một số đơn vị có khoản chi tại địa điểm cách ly y tế nhưng hồ sơ thanh toán không đảm bảo quy định, gần 27 tỷ đồng.
Thực tế kiểm toán chi tiết tại một số bệnh viện thuộc địa phương và Bộ Y tế, cơ quan kiểm toán cho rằng có tình trạng chi trùng, chi không đúng quy định, quyết toán ngân sách hoặc đề nghị hoàn chi chưa phù hợp.
“Số tiền chưa quyết toán lên tới gần 1.576 tỷ đồng do vướng mắc trong chính sách”, - báo cáo nêu.
Trên cơ sở này, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý hơn 6.789 tỷ đồng, trong đó kiến nghị xử lý tài chính trên 3.431 tỷ đồng và xử lý khác hơn 3.358 tỷ đồng. Tổng số tiền cơ quan kiểm toán kiến nghị xử lý chiếm 4,8% so với số kinh phí của các đơn vị được kiểm toán.
Trước đó, như Sputnik thông tin, hồi tháng 1, Tổng cục Hải quan từng công bố thông tin về số liệu nhập khẩu sản phẩm của Việt Á.
Theo đó, từ tháng 9 đến tháng 12/2021, doanh nghiệp này nhập khẩu từ Trung Quốc 3 triệu que thử test nhanh xét nghiệm định tính kháng nguyên SARS-CoV-2. Giá khai báo khoảng hơn 21.000 đồng/test. Tổng giá trị lô hàng là trên 64 tỷ đồng. Giai đoạn 2017-2021, doanh nghiệp này nhập khẩu 74 tỷ đồng hóa chất, chất thử; 23 tỷ đồng dụng cụ dùng trong phòng thí nghiệm; 123 tỷ đồng máy móc, thiết bị khác.
Tính đến nay, liên quan đến scandal Việt Á, Việt Nam đã bắt hơn 60 bị can trong đó có hàng loạt lãnh đạo cấp cao các Bộ, ban, ngành, địa phương, nhất là trong lĩnh vực y tế.
Gần nhất, tối 7/6, Bộ Công an khởi tố, bắt giam các ông Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Y tế), ông Chu Ngọc Anh (cựu Chủ tịch Hà Nội, cựu Bộ trưởng Bộ Kh&CN) và Phạm Công Tạc (cựu Thứ trưởng Bộ KH&CN) sau khi xác định 3 bị can có nhiều sai phạm trong vụ án Việt Á.
Về dòng tiền trong vụ án, Trung tướng Tô Ân Xô (Chánh văn phòng Bộ Công an) cho biết bị can Phan Quốc Việt (Tổng giám đốc Công ty Việt Á) khai đã thu lãi 4.000 tỷ đồng và chi “bôi trơn”, hoa hồng khoảng 800 tỷ đồng.