Vì sao là Việt Nam chứ không phải Trung Quốc?

HÀ NỘI (Sputnik) - Báo Đức giải thích lý giải việc nhiều doanh nghiệp châu Âu chọn Việt Nam thay vì Trung Quốc do chính sách cởi mở và chi phí sản xuất thấp.
Sputnik
Ngày 8/6, Đài DW đăng bài viết có nhan đề "Why more European firms are choosing Vietnam over China?" (Tạm dịch: Vì sao ngày càng nhiều doanh nghiệp châu Âu chọn Việt Nam thay vì Trung Quốc?) đã được báo Tuổi Trẻ thông tin lại.
Theo bài viết, Việt Nam là một trong số ít quốc gia châu Á không bị suy thoái kinh tế trong giai đoạn đại dịch từ năm 2020 đến 2021. Năm nay, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng khoảng 5,5%.
Chính vì vậy mà điều này thu hút được sự chú ý của nhiều doanh nghiệp châu Âu. Điển hình như nhà cung cấp thiết bị xe ôtô Brose của Đức đang xem xét mở cơ sở sản xuất mới tại Thái Lan hoặc Việt Nam, trong khi doanh nghiệp này đã có 11 nhà máy ở Trung Quốc.
Trước đó, hồi tháng 12/2021, Tập đoàn đồ chơi Lego của Đan Mạch đã công bố đầu tư nhà máy trị giá 1 tỉ USD gần khu trung tâm kinh tế phía nam TP.HCM (tỉnh Bình Dương). Được biết, đây là một trong những dự án đầu tư lớn nhất của châu Âu vào Việt Nam cho tới nay.
Nắm bắt xu hướng để đưa nông sản Việt Nam tiến vào châu Âu

Ông Daniel Müller, giám đốc Hiệp hội Doanh nghiệp châu Á - Thái Bình Dương của Đức, cho biết: “Hiện có vẻ như các công ty quy mô vừa đang ngày càng nỗ lực gia nhập thị trường Việt Nam hoặc đang đưa các hoạt động của họ ra khỏi Trung Quốc trên phạm vi rộng hơn”.

Có nhiều lý do khiến các doanh nghiệp châu Âu tìm kiếm các điểm đến khác ngoài Trung Quốc. Một trong số đó là việc chi phí lương thưởng tại Trung Quốc đã tăng lên, khiến quốc gia này trở nên kém hấp dẫn hơn với các nhà sản xuất muốn chi phí thấp.
Về mặt địa chính trị, quan hệ giữa Trung Quốc và các chính phủ châu Âu bắt đầu rạn nứt từ năm 2021, sau khi Liên minh châu Âu (EU) áp các lệnh trừng phạt lên nước này.
Bên cạnh đó, chính sách Zero-Covid của Trung Quốc đã làm chuỗi cung ứng toàn cầu “trật bánh”, khi hàng hóa bị dồn ứ tại các trung tâm kinh tế lớn của nước này.
“Ngay từ trước đại dịch, chúng ta đã thấy rằng doanh nghiệp, cụ thể là những công ty trong phân khúc sản xuất sử dụng nhiều lao động, bắt đầu chuyển ra khỏi Trung Quốc đại lục đến các quốc gia có chi phí thấp hơn khác trong khu vực, bao gồm cả Việt Nam" - ông Raphael Mok, người đứng đầu phòng quản lý rủi ro tại châu Á của Hãng nghiên cứu vĩ mô Fitch Solutions, đánh giá.
Ông Mok cho rằng Việt Nam cũng thu hút hơn đối với giới đầu tư bởi mức lương thấp hơn so với Trung Quốc, cũng như tầng lớp trung lưu đang ngày một mở rộng của mình. Đồng thời, Chính phủ Việt Nam cũng rất tập trung đầu tư cho cơ sở hạ tầng.
Thêm một "ông lớn" ngành công nghệ sản xuất smartphone tại Việt Nam
Bên cạnh đó, thương mại song phương EU và Việt Nam đã tăng từ 20,8 tỉ euro (2012) lên 49 tỉ euro (2021). Hai bên đã ký kết Hiệp định Thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) vào năm 2019 và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) vào tháng 2/2020.
Hai hiệp định trên giúp các doanh nghiệp châu Âu tiếp cận dễ dàng hơn với các hoạt động mua sắm công tại Việt Nam. Mua sắm công bao gồm các dự án hợp tác công tư - mảng được chính quyền địa phương yêu thích.
Với EVIPA, tỉ lệ sở hữu tối đa của nước ngoài trong các ngân hàng thương mại cũng tăng từ 30% lên 49%.
Ông Matthijs van den Broek, thuộc Hiệp hội Thương mại Hà Lan Việt Nam (DBAV), nhận định, dù Trung Quốc vẫn là một trung tâm công nghiệp lớn khó thể bỏ qua, Việt Nam đang trở thành điểm đến hứa hẹn để doanh nghiệp mở rộng chuỗi sản xuất hoặc đầu tư thêm.
* Đài Deutsche Welle (DW) là một đài truyền hình quốc tế thuộc sở hữu của Nhà nước Đức và được tài trợ bởi ngân sách thuế liên bang của Đức.
Thảo luận