Đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức cho rằng, Việt Nam có môi trường ổn định và chất lượng giáo dục khá. Tuy vậy, chất lượng nhân lực và năng lực của ngành công nghiệp hỗ trợ vẫn thấp so với một số
nước ASEAN khác, nhất là so với Thái Lan.
Đáng chú ý, các doanh nghiệp Đức cũng thừa nhận, xung đột Nga – Ukraina và các lệnh trừng phạt nhắm vào Nga cũng như tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu đã gián tiếp ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp Đức
tại Việt Nam.
Mới đây, Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam đã công bố kết quả khảo sát đánh giá niềm tin doanh nghiệp Đức tại Việt Nam.
Theo đó, gần 93% doanh nghiệp Đức cho biết sẽ tiếp tục
đầu tư vào Việt Nam. Có hơn 64% doanh nghiệp kỳ vọng hoạt động kinh doanh sẽ phát triển tốt hơn trong 12 tháng tới, trong khi 46% doanh nghiệp cho biết có kế hoạch tuyển dụng thêm lao động trong năm tới.
Cũng theo khảo sát này, tình hình chính trị ổn định, có nguồn nhân lực chất lượng cao trong các ngành kỹ thuật và các nhóm ngành khác như vận tải và logistics chính là những
yếu tố quan trọng nhất giúp doanh nghiệp Đức quyết định đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Ngoài ra, Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức cũng cho rằng,
Việt Nam có điều kiện thuận lợi để thu hút FDI khi tham gia các Hiệp định Thương mại Tự do.
Theo đó, hơn 73% doanh nghiệp Đức nhận định, việc triển khai Hiệp định Thương mại tự do giữa EU và Việt Nam (EVFTA) giúp nâng cao
khả năng cạnh tranh của họ tại Việt Nam.
Các doanh nghiệp này cũng thường xuyên tận dụng Hiệp định Thương mại Tự do giữa ASEAN và
Trung Quốc (ACFTA) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Ông Robin Hoenig, một chuyên gia tư vấn cấp cao về
chính sách thương mại (châu Á/ASEAN) thì lưu ý, cùng với Singapore, Việt Nam là một trong 2 nước ở ASEAN có Hiệp định Thương mại tự do với châu Âu.
Đây là Hiệp định có chất lượng cao, bên cạnh việc giảm thuế quan còn có yếu tố phi thuế quan như mở cửa các thị trường hàng hóa đầu vào, yêu cầu quy định với doanh nghiệp nhà nước hay các hoạt động thương mại điện tử,
phát triển bền vững…
Theo đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức, môi trường đầu tư tại Việt Nam có lợi thế về sự ổn định và chất lượng giáo dục khá.
Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại hạn chế về năng lực của ngành công nghiệp hỗ trợ so với một số nước
ASEAN khác, đặc biệt là so với Thái Lan. Ngoài ra, chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam còn chưa cao.
Do đó, Việt Nam cần tăng cường năng lực, công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần tăng cường đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, trên cơ sở đó đưa ra các chính sách phù hợp, tăng tính hấp dẫn môi trường đầu tư.
Cùng với những bất ổn trên toàn cầu,
xung đột Nga - Ukraina đã làm gia tăng chi phí năng lượng, nguyên liệu đầu vào và đe dọa đứt gãy chuỗi cung ứng.
Hoạt động đầu tư quốc tế của các doanh nghiệp ngoại có thể theo đó mà xảy ra nhiều thay đổi.
Dù vậy, Việt Nam có thể tận dụng sự chuyển dịch này trong bối cảnh các
doanh nghiệp nước ngoài điều chỉnh lại chuỗi cung ứng. Những hiệp định thương mại tự do sẽ làm tăng khả năng cạnh tranh của Việt Nam với vị thế là thị trường cung ứng.
Rủi ro lớn nhất là giá nguyên liệu thô gia tăng, sau đó là giá năng lượng và sự thiếu hụt lao động tay nghề cao.
Những lý do trên đã dẫn đến một loạt thay đổi trong hoạt động đầu tư quốc tế của các doanh nghiệp Đức, có thể kể đến như việc điều chỉnh đánh giá rủi ro về địa điểm và tách rời về mặt kinh tế (decoupling) giữa
các khu vực trên thế giới.
Theo khảo sát, có 74,1% doanh nghiệp Đức tại Việt Nam cho rằng xung đột Nga – Ukraina sẽ khiến chi phí năng lượng, nguyên liệu thô đầu vào tăng cao hơn. Bên cạnh đó, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng (55,6%) và thiếu nguyên vật liệu cho sản xuất (25,9%) là 2 mối lo ngại lớn tiếp theo.
Những rủi ro này đã gây ra lo khiến các doanh nghiệp Đức tại Việt Nam lo ngại về sự phát triển kinh doanh trong năm tới.
Theo ông Marko Walde - Trưởng đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam, xung đột Nga – Ukraina và
các lệnh trừng phạt nhắm vào Nga cũng như tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu đã gián tiếp ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp Đức tại Việt Nam
Dù vậy, ông Walde cho rằng, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều biện pháp vĩ mô khác nhau nhằm điều chỉnh lạm phát, và ngay trong
môi trường bất ổn hiện tại vẫn xuất hiện những cơ hội mới.
Về phần mình, ông Robin Hoenig thì cho rằng, các doanh nghiệp Đức thường có chút e ngại rủi ro khi đầu tư. Thêm nữa, đa phần họ chưa có nhiều kinh nghiệm ở những quốc gia châu Á.
Với nguồn lực tài chính và nhân sự hạn chế, các doanh nghiệp này mới chỉ đầu tư vào một số ít quốc gia có vị trí địa lý gần, sau đó mới dần tiến sang những quốc gia khác như Việt Nam. Tuy nhiên, EVFTA đã gia tăng sức hút của Việt Nam đối với
các doanh nghiệp Đức.
Trước hết, EVFTA giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của
các nhà xuất khẩu Đức tại thị trường Việt Nam. Hơn 99% thuế quan được xóa bỏ. Dù chưa có nghiên cứu nào về tỷ lệ sử dụng EVFTA của cộng đồng doanh nghiệp Đức, nhưng phản hồi nhận được là khá tích cực.
Sau khi EVFTA có hiệu lực, sản lượng xuất khẩu của Đức đã tăng 25%, từ 3 tỷ EUR lên 3,7 tỷ EUR.
Ở chiều ngược lại, EVFTA tăng khả năng cạnh tranh của Việt Nam trong vai trò là thị trường cung ứng. Các
sản phẩm Việt Nam khi sang châu Âu đã có lợi thế cạnh tranh được tăng lên một cách đáng kể.
Sản lượng xuất khẩu của Việt Nam đã tăng 3,7%, từ 10,3 tỷ EUR lên 10,7 tỷ EUR sau khi EVFTA có hiệu lực.
Và thêm nữa, EVFTA đã làm giảm rào cản kỹ thuật đối với thương mại, thứ vốn có thể tạo ra gánh nặng đáng kể đối với thương mại hàng hóa.
Số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 5/2022,
Việt Nam thu hút được 422 dự án đầu tư của doanh nghiệp Đức còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký 2,31 tỷ USD, đứng thứ 18/139 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.