Cuộc chiến giành lao động Việt Nam giữa các đối tác của Apple

Trong bối cảnh Apple tiếp tục chuyển chuỗi sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, cuộc cạnh tranh nhằm giành lấy các lao động tay nghề cao tại Việt Nam giữa các đối tác gia công cho Apple đang trở nên nóng hơn bao giờ hết.
Sputnik
Mới đây, ông Young Liu, Chủ tịch Hon Hai Precision Industry, đơn vị sản xuất hàng đầu của Foxconn, đã lên tiếng cáo buộc các đối thủ đến từ Trung Quốc đang xây dựng cơ sở sản xuất gần đại bản doanh của họ nhằm “câu kéo” lao động lành nghề từ công ty.

Lao động lành nghề Việt Nam được săn đón

Được biết, Foxconn và nhiều công ty khác đang trong quá trình mở rộng hoặc bắt đầu triển khai các hoạt động mới tại Việt Nam, như một phần trong nỗ lực của Apple nhằm đưa hoạt động sản xuất của mình ra bên ngoài Trung Quốc. Tuy nhiên, Foxconn dường như đang trở thành “nạn nhân” của sự gia tăng hoạt động.
Phát biểu với giới truyền thông hôm thứ Bảy, Chủ tịch Hon Hai Young Liu đã chia sẻ về sự cạnh tranh ở Việt Nam khi các công ty đối thủ đang thiết lập hoạt động tại Việt Nam, Bloomberg đưa tin.
Các đối thủ cạnh tranh trong chuỗi cung ứng được cho là đang mở các cơ sở gần các cơ sở của Foxconn trong nước, nhằm “câu kéo” công nhân và hưởng lợi từ nguồn kiến ​​thức và kỹ năng hiện có.
Liu từ chối nêu tên các công ty cụ thể, nhưng khẳng định "Động thái này không thể chấp nhận được".
Hiện ở Việt Nam có 3 đối thủ Trung Quốc lớn của Foxconn đang hoạt động là Luxshare Precision Industry Co., GoerTek Inc. (chuyên sản xuất AirPods) và BYD. Riêng BYD đang chuẩn bị sản xuất iPad tại đây.
Chủ tịch Foxconn cho biết hiện đang sử dụng khoảng 60.000 nhân viên tại Việt Nam và công ty có kế hoạch tăng "đáng kể" con số trên trong một hoặc hai năm tới.
Apple đã nói chuyện với các nhà cung cấp nhằm tăng số lượng sản xuất bên ngoài Trung Quốc, một động thái có thể ảnh hưởng đến sản xuất ở các quốc gia khác như Việt Nam vốn nằm trong chuỗi cung ứng.
Vào tháng 6, có thông tin cho rằng Apple đã chuyển hoạt động sản xuất iPad sang Việt Nam, nhằm tránh gián đoạn chuỗi cung ứng tiếp theo do các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt mà Bắc Kinh áp dụng để ứng phó với Covid-19.
“Thoát ly khỏi Trung Quốc”, Apple có thể sản xuất AirPods Pro 2 ở Việt Nam

Chuyển dịch chuỗi sản xuất sang Việt Nam

Dưới thời Tổng thống Donald Trump, chính phủ Mỹ đã áp dụng nhiều biện pháp bao gồm các hàng rào thuế quan đối với hàng hoá được nhập khẩu từ Trung Quốc nhằm cố gắng thay đổi hình thái của chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo Bloomberg, chính quyền của người kế nhiệm Joe Biden hiện nay có thể sẽ thay đổi các thuế quan áp dụng đối với Trung Quốc. Dù vậy, phía Mỹ hiện chưa thực hiện bất kỳ thay đổi lớn nào.
Mặc dù Foxconn vẫn đang phụ thuộc vào Trung Quốc trong phần lớn hoạt động sản xuất, nhà sản xuất các thiết bị điện tử theo hợp đồng lớn nhất thế giới này đang triển khai nhiều sự điều chỉnh để giảm thiểu rủi ro có thể xảy đến từ chiến tranh thương mại.
Trước đó, Foxconn đã có kế hoạch chuyển một số hoạt động sản xuất iPad và MacBook đến Bắc Giang, Bloomberg News cho biết. Ban đầu, khu vực sản xuất dự kiến sẽ đi vào sản xuất vào năm 2021 với khoản đầu tư lên tới 700 triệu USD. Tuy vậy, hiện chưa rõ nhà máy này đã đi vào hoạt động hay chưa.
Tại Việt Nam, Apple không có nhà máy sản xuất trực tiếp. Tuy vậy, gã khổng lồ công nghệ này đang có 31 nhà máy của các đối tác sản xuất thiết bị gốc tại 14 tỉnh, thành với khoảng 160.000 lao động.
Những nhà cung ứng này chuyên sản xuất các cấu phần điện tử (bao gồm bảng điện, camera, màn hình,...) cho sản phẩm Apple, cũng như thực hiện khâu lắp ráp hoàn thiện sản phẩm.
Thảo luận