Đặc biệt, nếu chứng minh được động cơ, mục đích của người vi phạm là nhằm “chống chính quyền nhân dân" thì người vi phạm còn có thể bị xử lý về tội Phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Tàu metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên bị vẽ bậy
Thời gian qua, trong lúc đang chờ thử nghiệm, đã có 2 trong số 51 toa tàu của tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên được phát hiện có nhiều vết sơn, vẽ Graffiti trên thân và đầu tàu.
Được biết, đây là lần đầu tiên tàu metro số 1 bị vẽ bẩn, kể từ khi toa đầu tiên đưa về TP.HCM vào tháng 10/2020.
Hiện tất cả 17 đoàn tàu của tuyến metro số 1 đã được đưa về Depot Long Bình.
Đại diện Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR - chủ đầu tư) cho biết, tại khu vực depot Long Bình có bảo vệ túc trực mỗi ngày.
Đối với các vị trí đang thi công, việc quản lý, bảo vệ tài sản thuộc trách nhiệm nhà thầu phụ trách.
Hiện nhà thầu Hitachi và MAUR đang khẩn trương tiến hành rà soát, xác minh người đã có hành vi sơn vẽ lên các toa tàu này. Khi có thông tin đầy đủ, Ban quản lý sẽ thông tin chính thức.
Có thể bị phạt tù đến 20 năm
Liên quan đến vấn đề trên, luật sư Lê Văn Hoan (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng, việc dùng sơn vẽ lên tàu đã gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ của những tòa tàu metro nói trên.
Nếu thiệt hại do hành vi sơn, vẽ này gây ra từ 2 triệu đồng trở lên, người vi phạm có thể bị xử lý hình sự về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo quy định tại điều 178 Bộ luật hình sự. Hiện tội danh này có mức hình phạt lên đến cao nhất là 20 năm tù.
Bên cạnh đó, người vi phạm còn có thể bị phạt tiền đến 100 triệu đồng. Thậm chí, thiệt hại về tài sản cho dù dưới 2 triệu đồng vẫn có thể bị xử lý nếu hành vi gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Trong quá trình điều tra, nếu cơ quan chức năng chứng minh được động cơ, mục đích của người vi phạm là nhằm “chống chính quyền nhân dân" thì người vi phạm còn có thể bị xử lý về tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo điều 114, hoặc tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia theo điều 303 Bộ luật hình sự.
Trong trường hợp chưa đến mức xử lý hình sự, người vi phạm vẫn có thể bị xử lý hành chính theo điều 15 nghị định 144/2021, với mức phạt tiền đến 5 triệu đồng
Tương tự, luật sư Hà Hải (Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng, nếu xác định được người vẽ bậy đến từ bên ngoài, tự ý lẻn vào công trường, có thể xem đây là hành vi gây tác động xấu trong dư luận và gây hậu quả nghiêm trọng.
"Việc xử phạt hành chính là chưa đủ răn đe", luật sư Hải đưa ra quan điểm.
Theo ông, nói chung, hành vi vẽ bậy lên tài sản kinh doanh của người khác có thể bị phạt tiền 1-2 triệu đồng, theo Nghị định 167 của Chính phủ. Ngoài ra, người vi phạm còn bị buộc phải khôi phục lại hiện trạng ban đầu cho tài sản đó.
Tuy nhiên, đối với trường hợp này, luật sư cho rằng cần xem xét khả năng cấu thành tội Cố ý hủy hoại tài sản.
"Đây là công trình lớn của thành phố được người dân chờ đợi, quy trình bảo quản rất nghiêm ngặt. Nhưng việc xuất hiện một ai đó xâm nhập vào công trường để vẽ, bôi bẩn các toa tàu như vậy cho thấy vấn đề an ninh trật tự rất đáng quan ngại", luật sư Hải đánh giá.
Do vậy, luật sư Hải lưu ý, trường hợp này có thể xử lý hình sự tội Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo điểm c, Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Về phần mình, luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng, việc vẽ lên tàu hay những công trình công cộng có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự, tùy theo tính chất, mức độ của hành vi.
Tuy nhiên, luật sư Hùng cũng cho biết, việc có người vẽ lên tàu tại nơi công cộng cần xem xét kỹ lưỡng về tính chất hành vi, ý chí chủ quan của người vẽ. Bởi lẽ, có thể họ không nhận thức được hành vi hủy hoại tài sản. Ý thức ban đầu của họ có thể chỉ với mục đích “làm cho đẹp”, không có mục đích tư lợi, gây thù hay cố ý hủy hoại tài sản của cá nhân hay tổ chức nào.
Trừ khi tại các tàu, tường, nơi công cộng đã có biển cấm vẽ lên nhưng vẫn cố tình vi phạm thì mới cân nhắc xử lý hình sự.
Đặc biệt, cơ quan bị thiệt hại có quyền yêu cầu người vi phạm bồi thường theo điều 584 Bộ luật dân sự 2015.
Không phải lần đầu tiên
Được biết, sự việc tương tự cũng từng xảy ra đối với tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông tại khu vực ga Cát Linh hồi 5 năm trước.
Theo đó, một toa tàu của tuyến đường sắt này cũng rơi vào tình trạng bị vẽ Graffiti nguệch ngoạc, chằng chịt trên thành và đầu tàu. Công an quận Đống Đa (TP.Hà Nội) sau đó đã vào cuộc điều tra, xác minh người có hành vi vẽ bậy.
Tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên là dự án đường sắt đô thị đầu tiên của TP.HCM.
Theo Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, thời gian tới, dự án sẽ tập trung toàn lực thi công lắp đặt cơ điện của nhà thầu Hitachi, đẩy nhanh tiến độ để chuẩn bị tích hợp hệ thống, thử nghiệm và vận hành trước khi đưa vào khai thác chính thức.