Y tế Việt Nam: Vì đâu người thầy thuốc phải chấp nhận “buông tay đứng nhìn”?
Đại biểu Nguyễn Anh Trí đã chỉ ra những bất cập, thiếu sót lớn trong pháp luật hiện nay về y tế, mà theo ông, đã khiến người thầy thuốc, dù rất đau lòng, phải “buông tay đứng nhìn”, để rồi người thiệt thòi cuối cùng lại là người bệnh, là nhân dân.
SputnikTrong khi đó, báo cáo tại Quốc hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý, hiện chỉ có duy nhất Việt Nam áp dụng mô hình liên doanh, liên kết trong bệnh viện công, do đó rất khó nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để áp dụng.
Thiếu hành lang pháp lý cho ngành y tế
Sáng 13/6, thảo luận tại hội trường Quốc hội về dự thảo luật Khám, chữa bệnh sửa đổi, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đã có bài phát biểu chia sẻ về những khó khăn, bất cập của ngành y tế trong giai đoạn hiện nay.
Vị đại biểu đoàn Hà Nội cho biết, đã tròn 40 năm ông làm nghề y nhưng chưa bao giờ thấy luật pháp về y tế lại bị khủng hoảng, thiếu hụt và không cập nhật như bây giờ.
Theo ông, nguyên nhân là vì yêu cầu khám, chữa bệnh của xã hội tăng cao, y học phát triển quá nhanh, trong khi áp lực khám, chữa bệnh thì vẫn luôn là cứu người bệnh như cứu hỏa.
Trong hơn 2 năm qua,
đại dịch Covid-19 bùng nổ đã khiến sức khỏe nhân dân bị ảnh hương nặng nề, yêu cầu chống dịch như chống giặc đã bộc lộ thêm nhiều điểm bất cập của hệ thống pháp luật y tế hiện hành.
“Cán bộ y tế đã và đang gồng mình chống dịch, họ đã làm ngày, làm đêm bất chấp nguy hiểm khó khăn. Mặc dù thù lao đêm trực chống dịch của cán bộ y tế cơ sở chỉ có 18.600 đồng một đêm. Xin được nhắc lại để Quốc hội rõ, khi đi giám sát với Ủy ban Xã hội, chúng tôi được biết tại tỉnh Quảng Ninh, một đêm trực trong thời kỳ dịch của cán bộ y tế cơ sở chỉ được thù lao là 18.600 đồng”, - đại biểu Trí chia sẻ.
Ông Trí nhấn mạnh, những quy định của luật pháp hiện nay đã không còn phù hợp để chống dịch, đã làm “bó tay” ngành y, đã không thỏa đáng với những gì cán bộ y tế đang đóng góp.
“Hàng ngàn cán bộ y tế, đặc biệt là y tế cơ sở đã xin thôi việc cũng có nguyên nhân từ đó và cũng do luật bị thiếu, bị sơ hở, còn lỏng lẻo nên lòng tham của một số ít người là cán bộ y tế có cơ hội vươn lên, họ trục lợi, họ xà xẻo, họ chấm mút, họ chia chác, cơn bão Việt Á đã nổi, người xấu đã và đang bị lôi ra ánh sáng và bị xử lý”, - đại biểu Nguyễn Anh Trí trăn trở.
Hãy cứu lấy ngành Y!
Theo ông Trí, những y bác sĩ từng kiên cường trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, trong hoạt động bảo vệ sức khỏe nhân dân nay đành phải buông tay đứng nhìn. Hoạt động mua sắm thuốc men, vật tư sinh phẩm bị đứt gãy nghiêm trọng vì các nhà thầu rất dè dặt cung cấp, vì các công ty tư vấn thẩm định hoặc tan vỡ hoặc tạm nghỉ.
Và đặc biệt,
nguyên nhân rất lớn là do việc phê duyệt của các cơ quan quản lý như Sở y tế, Bộ Y tế đang bị đình đốn vì những cơ quan này đang còn phải bận làm những việc quan trọng hơn, sinh tử với chính họ như giải trình phục vụ cho công tác thanh tra, điều tra, từ đó ảnh hưởng lớn đến hoạt động khám, chữa bệnh.
Cuối cùng, người chịu thiệt thòi lớn nhất chính là người bệnh, là người dân Việt Nam. Lực lượng y tế rất đau lòng nhưng không làm gì được vì vẫn thiếu một hành lang pháp lý đầy đủ và phù hợp.
“Và tôi tin Quốc hội cũng đã thấy điều đó, nhân dân đã thấy rất rõ điều đó và báo chí đã và đang lên tiếng rất nhiều về điều đó. Bởi vậy, nhân diễn đàn này, tôi xin kêu gọi Quốc hội, Chính phủ tập trung mọi sức lực giải quyết những vấn đề cấp bách của y tế”, - đại biểu Nguyễn Anh Trí trải lòng.
Theo ông, vấn đề cấp bách trước mắt cần triển khai cho được những nội dung của Nghị quyết 30, Nghị quyết 43 của Quốc hội; Nghị quyết 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để mua sắm, để chống dịch, để khám bệnh, chữa bệnh và cũng để soi xét những vấn đề sai phạm cho thấu lý đạt tình.
Cùng với đó, phải ưu tiên sửa đổi các văn bản pháp lý bao gồm
luật Khám bệnh, chữa bệnh, luật Bảo hiểm y tế, luật Phòng, chống dịch và cả những luật khác có liên quan như về giá, luật Đấu thầu, mua sắm, luật Tài sản công.
Cũng phải xem xét, điều chỉnh cả những nghị định, thông tư có liên quan, đặc biệt những vấn đề như xã hội hóa, tự chủ bệnh viện.
“Cuối cùng, cho tôi xin nói, hiện tại ngành y Việt Nam cần lắm sự thấu hiểu, sự chia sẻ, sự động viên, sự tin yêu từ chính nhân dân và trong toàn xã hội, từ Chính phủ, từ Trung ương. Vâng, hơn bao giờ hết, lúc này đây, toàn ngành y tế Việt Nam đang cần những phương thuốc đó”, - đại biểu Nguyễn Anh Trí chia sẻ.
Vấn đề ‘liên doanh, liên kết’ trong bệnh viện công
Cũng trong 13/6, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã thay mặt Chính phủ báo cáo trước Quốc hội về dự thảo luật Khám bệnh, chữa bệnh (KCB) sửa đổi.
Phó thủ tướng cho rằng, là hội hóa và liên doanh, liên kết trong bệnh viện công là vấn đề đang được nhiều đại biểu quan tâm. Dù luật KCB năm 2009 đã có tiến bộ nhất định, nhưng đến nay cả nước mới chỉ có 318 bệnh viện tư thục, 38.000 phòng khám của tư nhân.
“Tôi dùng từ là "mới có" bởi vì thực tế số này mới đáp ứng được 5,16% tổng số giường bệnh, đây là một tỷ lệ rất thấp. Chúng ta cần phải có các giải pháp để phát triển mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, nó không chỉ liên quan đến luật này mà còn liên quan đến nhiều luật khác, như về đầu tư, về đất đai, về ngân sách nhà nước”, - Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Theo ông, cần hết sức lưu ý đến giá dịch vụ của các bệnh viện tư. Hiện nhiều ý kiến băn khoăn là nên quy định theo hướng có khung giá hay để các cơ sở tư nhân tự quyết.
“Báo cáo với Quốc hội, chúng ta chắc chắn phải quản lý giá dịch vụ y tế dù đó là bệnh viện công hay bệnh viện tư nhưng chúng ta quản lý bằng rất nhiều công cụ, trong đó trước hết phải phát huy mạnh mẽ hơn tất cả các công cụ đã được luật định trong pháp luật về giá. Chúng ta không buông lỏng nhưng cũng phải để quyền tự chủ cho y tế tư nhân được phát triển tốt hơn”, - Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ.
Ông Đam cho biết, mục tiêu đến năm nay lẽ ra phải là 10% số giường bệnh nhưng chỉ mới đạt được một nửa.
Theo các chuyên gia nước ngoài, trong khoảng 10 - 20 năm, Việt Nam phải phấn đấu đạt trên 25% số giường bệnh từ y tế tư nhân.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý, vấn đề liên doanh, liên kết trong bệnh viện công là đặc thù với Việt Nam, khó nghiên cứu áp dụng kinh nghiệm quốc tế. Hiện chỉ có duy nhất Việt Nam áp dụng mô hình này.
“Ở các nước thì công là công, tư là tư. Khi anh đã liên doanh, liên kết với tư nhân nghĩa là anh hạch toán theo tư nhân. Mô hình liên doanh, liên kết này và khám, chữa bệnh theo yêu cầu của các bệnh viện công thực sự giải quyết bài toán thực tế của Việt Nam trong thời gian vừa qua, nhưng tới đây luật pháp cũng cần quy định rõ hơn”, - Phó Thủ tướng cho biết.
Liên quan đến vấn đề này, các tổ chức quốc tế đều cho rằng, chỉ có một cách là công khai, minh bạch tất cả các khoản thu từ các hoạt động khám, chữa bệnh theo yêu cầu, thu bao nhiêu và chi bao nhiêu.