Tập đoàn Dầu khí Việt Nam công lớn nhưng tai tiếng cũng nhiều

Theo Đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắng (Đoàn Quảng Trị), Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) có công lớn cho sự nghiệp phát triển ngành dầu khí đất nước, nhưng cũng nhiều tai tiếng về sai phạm, tiêu cực, tiêu tốn nhiều tiền của và để mất nhiều cán bộ.
Sputnik
Các ĐBQH lưu ý, dầu khí, tài nguyên quốc gia quan trọng chỉ đứng sau đất đai, do đó, Luật Dầu khí sửa đổi phải đảm bảo phát huy tốt vai trò, trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng như đảm bảo an ninh năng lượng và còn góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh, chủ quyền biển đảo ở Biển Đông.

PVN công lớn, tai tiếng nhiều

Ngày 15/6, Quốc hội tiến hành thảo luận về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi). Thảo luận liên quan đến vai trò của PVN trong luật Dầu khí (sửa đổi), đại biểu Hoàng Đức Thắng (Đoàn Quảng Trị) nhận định, PVN là doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực dầu khí có tính đặc thù cao.
Theo ông Thắng, trong nhiều năm qua, PVN đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp phát triển ngành dầu khí Việt Nam và nền kinh tế của đất nước rất đáng trân trọng và ghi nhận. Tuy vậy, vị ĐBQH thẳng thắn, PVN cũng để lại nhiều tai tiếng về những sai phạm, tiêu cực, gây ra nhiều hệ lụy cho đất nước và “phải mất nhiều năm, tiêu tốn nhiều tiền của và phải mất nhiều cán bộ để khắc phục”.
Do đó, ông Hoàng Đức Thắng nhấn mạnh, việc bổ sung, sửa đổi những quy định mới về tổ chức, hoạt động trong khuôn khổ hành lang pháp lý nhằm đào tạo điều kiện cho PVN tiếp tục phát triển xứng tầm và xứng đáng với vị trí, chức năng, nhiệm vụ và truyền thống tốt đẹp của doanh nghiệp, đồng thời khắc phục hạn chế và kiểm soát chặt chẽ hoạt động, những hạn chế, sơ hở pháp luật là nguyên nhân cho những tiêu cực là đặc biệt cần thiết.
Ông Thắng cũng đề nghị luật Dầu khí sửa đổi theo hướng trước hết, PVN là một doanh nghiệp nhà nước, nhất thiết phải hoạt động theo quy định pháp luật về doanh nghiệp, bảo đảm công bằng và bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ.
“Điều này cũng sẽ tạo ra môi trường tốt cho PVN vươn lên trong thế cạnh tranh lành mạnh để đổi mới, sáng tạo và hiệu quả, không dựa dẫm, ỷ lại vào thế độc quyền”, vị ĐBQH đoàn Quảng Trị lưu ý.
Tiếp đó, ông Thắng phân tích, ở vị trí là một doanh nghiệp được nhà nước giao thực hiện một số nhiệm vụ theo ủy quyền của Chính phủ, PVN được hưởng những cơ chế đặc thù là phù hợp, là công bằng về nghĩa vụ và quyền lợi. Tuy nhiên, cả hai đặc điểm cơ bản này trong dự thảo luật chưa làm rõ, chưa tách bạch để thiết kế hành lang pháp lý cho phù hợp. Ông cho rằng, đây chính là hạn chế căn bản cần khắc phục theo hướng chuyển hóa đặc điểm và yêu cầu này vào nội dung ở Chương 9 về Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ngay từ xây dựng vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đến thiết kế chính sách đặc thù, có như vậy mới đảm bảo giải quyết hài hòa giữa quyền lợi và nghĩa vụ, công bằng và bình đẳng trong hoạt động của PVN mà không xung đột với các quy định của các đạo luật khác.
Ông Hoàng Đức Thắng cũng đề xuất dành riêng một chương trong dự thảo Luật quy định việc thu hút đầu tư và hợp tác quốc tế về lĩnh vực dầu khí theo hướng quy định đầy đủ về chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, liên doanh, liên kết, hợp tác quốc tế về lĩnh vực dầu khí.

Góp phần bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông

Nhiều ý kiến thảo luận tại nghị trường nhất trí với các mục tiêu đặc thù, bên cạnh việc tạo điều kiện cho sự phát triển của ngành dầu khí, sự đóng góp lớn vào ngân sách nhà nước của ngành dầu khí, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia thì “mục tiêu quan trọng hơn là góp phần bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông”.
Điều này cũng lý giải khi trong luật có những quy định khác biệt hơn so với các nguồn tài nguyên khác như năng lượng, tài nguyên nước, năng lượng mặt trời, gió. Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP.HCM) nêu những con số “khá ấn tượng” về ngành dầu khí như Việt Nam còn 51 hợp đồng đang tiếp tục khai thác, ngành dầu khí Việt Nam đã khai thác trên 420 triệu tấn dầu và trên 160 tỷ m3 khí.
Bộ trưởng Diên nói ‘sự thật’ về PVN và ngành dầu khí Việt Nam
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - doanh nghiệp nòng cốt của ngành dầu khí đã có những đóng góp quan trọng cho tổng thu ngân sách nhà nước và tổng sản phẩm quốc nội; giai đoạn 2006-2015 đóng góp khoảng 20- 25% tổng thu ngân sách và GDP. Hiện nay, Việt Nam đang đứng thứ 33 trên 98 quốc gia có sản lượng dầu khai thác trong năm 2021. ĐBQH Trần Hoàng Ngân cho rằng, đây là một thành tựu rất đáng khích lệ nhưng hiện nay hầu hết các mỏ dầu khí chủ đạo, điều đang khai thác với mức độ suy giảm sâu về sản lượng. Trong khi đó các thể chế, chính sách hiện hành chưa có cơ chế khuyến khích phù hợp cho hoạt động đầu tư để phát triển các mỏ nhỏ và cận biên, khuyến khích thu hút thêm nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
Đóng góp ý kiến về Dự Luật, đại biểu Trần Hoàng Ngân bày tỏ, còn một số tồn tại, đó là khó khăn trong xây dựng Luật là làm sao để tách bạch được chức năng quản lý nhà nước và chức năng kinh doanh của Tập đoàn Dầu khí quốc gia; làm sao khuyến khích được xã hội hóa, thu hút được nhà đầu tư nước ngoài, thu hút được tư nhân nhưng vẫn đảm bảo được vai trò chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước, đảm bảo được an ninh, quốc phòng. Ngoài ra, trong Dự Luật, việc phân cấp, phân quyền, ủy quyền giữa Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương và Tập đoàn dầu khí Việt Nam, theo ông Ngân, cũng chưa rõ ràng.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân băn khoăn, trong Dự Luật dành một chương đề cập đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, nghĩa vụ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và có tới 86 cụm từ Tập đoàn dầu khí Việt Nam xuất hiện trong Dự Luật. Như vậy là quá nhiều và dễ dẫn đến sự hiểu lầm là “luật này dành cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam”. Ngoài ra, đại biểu đề nghị thêm một chương về công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm về dầu khí, bởi dầu khí là tài nguyên quốc gia có ý nghĩa quan trọng đến việc đảm bảo an ninh năng lượng và góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Dầu khí chỉ đứng sau đất đai

Nhấn mạnh dầu khí là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá và nếu xét về vai trò trong phát triển kinh tế, tài nguyên dầu khí chỉ đứng thứ hai sau đất đai, đại biểu Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai (đoàn TP. Hà Nội) cho rằng, những đóng góp của ngành dầu khí thời gian qua là rất đáng trân trọng. Tuy nhiên, việc khai thác dầu khí là quá trình vô cùng khó khăn. Về định hướng sửa đổi Dự Luật này, đại biểu Mai cho rằng, một trong những định hướng sửa đổi quan trọng là cần hình thành cơ chế đặc thù để thu hút đầu tư nước ngoài.
“Đây là định hướng hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, cũng cần đề cao tính thận trọng bởi trên thực tế dầu khí là nguồn tài nguyên không tái tạo và trong những năm qua giá dầu khí luôn tăng cao”, ĐBQH nêu rõ.
Cũng theo nữ đại biểu, trên thực tế thời gian qua Việt Nam không có trường hợp đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí, nếu có cũng phải trả giá rất cao. Vì vậy, trên cơ sở cân nhắc lợi ích quốc gia, đề nghị xem xét kỹ và không đầu tư lĩnh vực này bằng mọi giá. Cùng đề nghị bổ sung cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút sự tham gia của các tổ chức, cá nhân vào công tác điều tra cơ bản dầu khí, đại biểu Tạ Đình Thi (đoàn TP Hà Nội) góp ý, quản lý các hoạt động dầu khí theo thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế và tuân thủ các quy định của Nhà nước nhưng phải đảm bảo tính hấp dẫn cho môi trường đầu tư.
“Điều cần quan tâm đặc biệt là hoạt động dầu khí cần gắn liền với khẳng định chủ quyền biển, đảo và bảo đảm quốc phòng, an ninh đất nước. Đó là những nội dung cốt lõi cần được nghiên cứu, rà soát và bổ sung vào các điều, khoản có liên quan của Dự Luật”, ông Tạ Đình Thi nhấn mạnh.
Ông Thi cũng lưu ý, công tác điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí phải được phát triển trên cơ sở nguồn nhân lực chất lượng cao, công nghệ tiên tiến, hiện đại và huy động nguồn lực từ bên ngoài và nội tại của đất nước. Khai thác tài nguyên dầu khí một cách hiệu quả, tận thu và không bỏ phí tài nguyên dầu khí, bảo đảm an toàn môi trường. Trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng đang diễn ra nhanh chóng, cần hỗ trợ để tài nguyên dầu khí được khai thác kịp thời và đưa vào sử dụng, bảo đảm giá trị vốn có, làm nguyên liệu và nhiên liệu.
Dầu khí Việt Nam: “Có người vào tù rồi!”
Về vấn đề này, ông Hoàng Đức Thắng (Đoàn Quảng Trị) cho rằng, Việt Nam cần có một chiến lược về dầu khí như là một công cụ hữu hiệu để bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước, tránh những cú sốc lớn về dầu khí thế giới khi mà năng lượng tái tạo chưa đủ năng lực để thay thế.
Do đó, việc bổ sung, sửa đổi Luật Dầu khí phải tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tạo hành lang pháp lý thuận lợi, hấp dẫn môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí, đồng thời đáp ứng yêu cầu bảo vệ lợi ích quốc gia, bảo vệ chủ quyền dân tộc, đặc biệt là chủ quyền trên biển.
“Phát triển công nghiệp dầu khí là phát triển đồng bộ tất cả các lĩnh vực từ tìm kiếm, thăm dò, khai thác đến thu gom, vận chuyển, chế biến, dự trữ, phân phối, xuất nhập khẩu dầu khí và các sản phẩm chế biến từ dầu khí”, vị ĐBQH nêu ý kiến.

Bộ Công Thương nói gì về Luật Dầu khí sửa đổi?

Sau khi lắng nghe các ý kiến thảo luận, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, Bộ Công Thương trân trọng tiếp thu nghiêm túc tối đa các ý kiến của vị đại biểu Quốc hội và sẽ phối hợp với cơ quan chủ trì thẩm tra để hoàn thiện tốt nhất dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi).
Giải trình về phạm vi điều chỉnh của dự án Luật, Thứ trưởng Bộ Công Thương nói, lý do dự án Luật không điều chỉnh hoạt động dầu khí trung và hạ nguồn, bởi chỉ các hoạt động dầu khí thượng nguồn mới có những đặc thù cần thiết phải quy định trong luật chuyên ngành. Các hoạt động dầu khí trung và hạ nguồn bao gồm vận chuyển và xử lý chế biến dầu khí hiện nay đang được điều chỉnh hệ thống pháp luật có liên quan như Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đất đai trong quá trình triển khai cơ bản không gặp vướng mắc, không cần quy định trong luật chuyên ngành.
Theo ông An, riêng đối với trường hợp triển khai các dự án dầu khí theo chuỗi là trường hợp rất đặc thù phải xây dựng một chuỗi công trình đường bộ để phát triển mỏ khai thác sản phẩm dầu khí thượng nguồn, vận chuyển, xử lý chất lượng sản phẩm trước khi thương mại thì được thực hiện theo trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Dầu khí. Đối với quy định tại khoản 4, Điều 34, để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ về thời gian và tiến độ, nâng cao hiệu quả kinh tế, khuyến khích các nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư lớn để thực hiện dự án đầu tư thành phần liên quan mật thiết với nhau, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ phối hợp với cơ quan thẩm tra rà soát và bảo đảm phạm vi của dự thảo Luật.
Về điều tra cơ bản và dầu khí, đại diện Bộ Công Thương cho rằng, đây là hoạt động rất quan trọng do Nhà nước thống nhất quản lý. Trước đây, EVN sử dụng quỹ thăm dò dầu khí phục vụ điều tra cơ bản về dầu khí và tìm kiếm thăm dò dầu khí. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành không cho phép lập quỹ tìm kiếm thăm dò dầu khí. Do đó, việc bố trí kinh phí phục vụ điều tra cơ bản dầu khí từ nguồn lực của Nhà nước bao gồm kinh sách ngân sách nhà nước và nguồn lợi sau thuế và nguồn các tổ chức, cá nhân khác là cần thiết và đồng bộ với quy định của pháp luật về khoáng sản.
Về hợp đồng dầu khí, ông An nêu, đây là một chương rất quan trọng trong dự thảo Luật. Dự thảo Luật đã tiếp thu đầy đủ các ý kiến các bộ, ngành liên quan. Dự thảo Luật quy định Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hợp đồng dầu khí và giao cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ký kết. Tuy nhiên, một số đại biểu Quốc hội đề nghị sửa đổi theo hướng Thủ tướng Chính phủ chỉ phê duyệt nội dung cơ bản của hợp đồng dầu khí, còn lại giao EVN phê duyệt và chịu trách nhiệm về nội dung chi tiết hoạt động dầu khí.
Theo Thứ trưởng Đặng Hoàng An, hợp đồng dầu khí là thỏa thuận ràng buộc pháp lý giữa Nhà nước và nhà thầu dầu khí có nhiều nội dung đặc thù có liên quan đến quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển. Việc quy định thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt toàn bộ nội dung hợp đồng dầu khí là có cơ sở, tuy nhiên, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu và xin ý kiến Chính phủ về vấn đề quan trọng này.
Đại diện Bộ Công thương cam kết sẽ tiếp thu vấn đề đại biểu nêu về ưu đãi trong hoạt động dầu khí, hoàn thiện thêm những quy định về quản lý nhà nước, quy định về bảo vệ môi trường, cơ chế kiểm tra, giám sát, cơ chế thanh tra, vấn đề về chuyển giao công nghệ, về đào tạo nhân lực phục vụ cho ngành Dầu khí Việt Nam.
Thảo luận