Nguyên nhân nào khiến Kiev không hài lòng? Những chi tiết - trong tài liệu của Sputnik.
Sự “thèm ăn” của Kiev
Trong gần 4 tháng qua, các nước NATO đã chuyển giao cho Ukraina thiết bị quân sự và vũ khí trị giá hàng tỷ USD. Phương Tây đa dạng hóa và mở rộng phạm vi khả năng mà họ cung cấp cho Ukraina: từ bộ dụng cụ sơ cứu cá nhân, khẩu phần ăn khô và ống ngắm đêm cho đến pháo tự hành, xe bọc thép và máy bay trực thăng. Tuy nhiên, các lô hàng viện trợ này vẫn không thay đổi tiến trình quân sự ở Ukraina.
Giới lãnh đạo Ukraina đổ lỗi cho phương Tây về những thất bại ở mặt trận. Theo Kiev, sự giúp đỡ của Hoa Kỳ và các đồng minh vẫn là không đủ. Do đó, các nhà chức trách Ukraina thường xuyên kêu gọi mở rộng phạm vi và khối lượng giao hàng và thậm chí đe dọa Mỹ bằng một "cơn giận dữ" về việc không cung cấp hệ thống pháo tên lửa tầm xa. “Sự thèm ăn” của chính quyền Kiev đang tăng lên rất nhanh chóng. Ví dụ, theo cố vấn hàng đầu của Tổng thống Ukraina Mikhail Podolyak, Mỹ nên chuyển giao cho Kiev một nghìn khẩu lựu pháo M777 cỡ nòng 155mm, 500 xe tăng, 2.000 đơn vị thiết giáp khác, 300 hệ thống MLRS và một nghìn máy bay không người lái.
Lầu Năm Góc đáp trả: đây là gần một nửa số hệ thống tên lửa phóng nhiều lần đang phục vụ cho quân đội Hoa Kỳ. Còn các loại xe bọc thép hạng nặng hiện đại, chủ yếu là xe tăng, thì Lầu Năm Góc không nhắc đến chúng.
Thực tế là các quân nhân Ukraina không biết cách sử dụng những xe tăng hiện đại. Còn đối với những chiếc xe tăng Liên Xô, các kho chứa xe tăng gần như cạn kiệt ở cả Hoa Kỳ và các nước châu Âu.
Sự giúp đỡ mang tính tượng trưng
Mấy tuần gần đây, các nhà phân tích phương Tây ngày càng thường xuyên chỉ ra lợi thế của Nga và các nước cộng hòa Donbass về pháo binh, đạn dược, máy bay và xe bọc thép. Các quan chức quân sự của NATO lại một lần na tổ chức cuộc gặp tại Brussels để thảo luận về cách tăng cường sức mạnh cho Kiev.
Theo kết quả của cuộc họp, được gọi là "Ramstein-3" (hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của những người đứng đầu các cơ quan quân sự các quốc gia NATO diễn ra tại căn cứ không quân cùng tên của Đức), Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã công bố gói viện trợ quân sự 1 tỷ USD cho Ukraina.
Gói viện trợ sẽ bao gồm gần hai chục pháo 155mm với phương tiện kéo, hai hệ thống phòng thủ bờ biển với tên lửa Harpoon, đạn pháo cho HIMARS MLRS, hàng nghìn thiết bị liên lạc được mã hóa, hàng nghìn thiết bị quang học, bao gồm cả máy ảnh nhiệt và kính ngắm ban đêm. Về phần mình, Đức hứa sẽ cung cấp hệ thống phóng đa tên lửa Mars, Slovakia - trực thăng Mi-17, Canada, Ba Lan và Hà Lan - các hệ thống pháo binh khác nhau.
Tuy nhiên, Ukraina vẫn không hài lòng và yêu cầu cung cấp nhiều hơn thế. Họ cũng không hài lòng với thời hạn giao hàng: những lô hàng đầu tiên sẽ đến không sớm hơn tháng Tám.
Lại những lời đe dọa trống rỗng
Kiev bắt đầu công khai nói về những mất mát to lớn. Trong cuộc phỏng vấn của hãng thông tấn Mỹ Axios, người đứng đầu phe "Đầy tớ của Nhân dân" David Arakhamia cho biết, có tới 1.000 binh sĩ Ukraina thiệt mạng hoặc bị thương mỗi ngày ở Donbass, trong đó trung bình có từ 200 đến 500 người thiệt mạng. Mà nếu không có bộ binh, thiết bị quân sự của nước ngoài là vô dụng.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraina nói rằng, viện trợ của NATO sẽ giúp "giải phóng tất cả các vùng lãnh thổ, bao gồm cả Crưm". Cấp dưới của ông là Tướng Dmitry Marchenko, thậm chí còn đe dọa sẽ phá hủy cây cầu Crưm.
Nhà phân tích quân sự Alexei Leonkov nhận xét: “Tôi không nghĩ rằng vị tướng này lại nghiêm túc nói điều này. Nếu quân đội Ukraina thực sự có kế hoạch như vậy, họ sẽ không nói công khai về điều đó. Để phá sập cây cầu Crưm, họ phải có một thứ gì đó tầm xa và độ chính xác cao. Ví dụ, tên lửa chiến thuật ATACMS dùng cho MLRS HIMARS và tên lửa chống hạm Harpoon. Tuy nhiên, không ai có ý định chuyển giao cho Kiev tên lửa chiến thuật tầm xa. Và hiệu quả của tên lửa Harpoon trong việc tấn công các mục tiêu mặt đất vẫn chưa được ai chứng minh".
Chuyên gia Alexei Leonkov lưu ý, nói chung, các lô hàng mà phương Tây đã hứa gửi cho Ukraina chỉ như “hạt muối bỏ biển”.
Ông giải thích: “Hàng viện trợ này là không đủ cho cả phản công và phòng thủ lâu dài. Nhiều quốc gia NATO đang thiếu hụt các phương tiện chiến đấu”.
Hơn nữa, họ có thể gửi đến Ukraina ít hơn những gì họ đã hứa. Một số quốc gia, chẳng hạn như Đức, rõ ràng là cố ý chậm gửi vũ khí cho Ukraina. Sẽ không có ai gửi cho Kiev những món quà như “hàng nghìn phương tiện quân sự”.