Samsung giảm sản lượng ảnh hưởng xuất khẩu của Việt Nam

Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam thâm hụt 1,7 tỷ USD. Cụ thể, theo Tổng cục Hải quan, Việt Nam nhập siêu 1,7 tỷ USD trong tháng 5, xuất siêu 435 triệu USD sau 5 tháng, nhập về chủ yếu là từ hai nền kinh tế Trung Quốc và Hàn Quốc.
Sputnik
Báo cáo của Bộ Công Thương vừa qua cũng lưu ý, xuất khẩu một số nhóm hàng FDI giảm, điển hình như việc tập đoàn Samsung cắt giảm sản lượng sản xuất có tác động đến tốc độ tăng của cả sản xuất công nghiệp và xuất khẩu tháng 5 của Việt Nam.

Việt Nam xuất siêu

Số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan vừa công bố, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tháng 5 đạt 63,53 tỷ USD, giảm 3,4% tương ứng giảm 2,25 tỷ USD so với tháng trước.
Theo Tổng cục Hải quan, tháng 5, xuất khẩu đạt 30,92 tỷ USD, giảm 7,2% (tương ứng giảm gần 2,4 tỷ USD) và nhập khẩu là 32,61 tỷ USD, tăng nhẹ 0,5% (tương ứng tăng 148 triệu USD) so với tháng trước.
Động thái lạ của Samsung ở Việt Nam
Lũy kế tháng 5 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước đạt 306,14 tỷ USD, tăng 16% tương ứng tăng 42,19 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, xuất khẩu đạt 153,29 tỷ USD, tăng 16,7% (tương ứng tăng 21,93 tỷ USD) và nhập khẩu đạt 152,86 tỷ USD, tăng 15,3% (tương ứng tăng 20,26 tỷ USD).
Một số mặt hàng có giá trị xuất khẩu tăng, đóng góp lớn cho hoạt động xuất khẩu 5 tháng lần lượt là điện thoại các loại & linh kiện tăng 3,02 tỷ USD; hàng dệt may (tăng 2,73 tỷ USD); máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện (tăng 2,71 tỷ USD); máy móc, thiết bị, dụng cụ & phụ tùng khác (tăng 2,52 tỷ USD).
Đặc biệt, trong tháng 5, cán cân thương mại hàng hóa cho thấy, Việt Nam nhập siêu gần 1,7 tỷ USD. Tuy nhiên tính chung 5 tháng Việt Nam vẫn xuất siêu 434 triệu USD.

Nhập siêu mạnh từ Trung Quốc và Hàn Quốc

Về thị trường xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan cho biết, 5 tháng đầu năm, trao đổi thương mại hàng hóa của Việt Nam với châu Á đạt 198,63 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm 2021, tiếp tục chiếm tỷ trọng cao nhất (64,9%) trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước.
Các đối tác thương mại lớn ở châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, các thành viên ASEAN.
Số liệu sơ bộ cho thấy, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các châu lục khác lần lượt là: châu Mỹ đạt 64,78 tỷ USD, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm ngoái; châu Âu đạt 32,39 tỷ USD, tăng 9,8%; châu Đại Dương đạt 7,03 tỷ USD, tăng 29,9% và châu Phi đạt 3,3 tỷ USD, tăng nhẹ 0,4%.
Thực hư thông tin Malaysia muốn xuất khẩu xăng sang Việt Nam với giá 13.000 đồng/lít
Riêng khu vực châu Á, Việt Nam nhập siêu gần 56 tỷ USD. Những số liệu mà Tổng cục Hải quan vừa công bố cho thấy, xuất nhập khẩu Việt Nam - châu Á chiếm đến 83,3% tổng giá trị kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của cả nước.
Cụ thể, giá trị xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang khu vực châu Á đạt 71,37 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi ở chiều ngược lại cả nước nhập khẩu từ khu vực này đạt 127,27 tỷ USD, tăng 17,6% so với cùng kỳ.
Các mặt hàng như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là nhóm hàng Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất từ thị trường Hàn Quốc với kim ngạch 10,53 tỷ USD, tăng đến 44% so cùng kỳ.
Tiếp đó là nhập từ Trung Quốc với 10,36 tỷ USD, tăng 29,2%; nhập từ Đài Loan với 4,98 tỷ USD, tăng 35,5%; từ Nhật Bản với 2,89 tỷ USD, tăng 39,8% so với cùng kỳ năm 2021.
Thứ 2 là nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác, trong tháng 5, cả nước chi gần 4 tỷ USD để nhập khẩu.
Lũy kế 5 tháng, Việt Nam chi 18,35 tỷ USD để nhập khẩu nhóm hàng này. Trong đó, Trung Quốc tiếp tục là thị trường lớn nhất cung cấp hàng máy móc thiết bị… cho Việt Nam trong 5 tháng với trị giá là 9,56 tỷ USD, Hàn Quốc với 2,87 tỷ USD, Nhật Bản với 1,72 tỷ USD…
Thứ 3 là nhóm hàng nguyên phụ liệu phục vụ cho ngành dệt may da giày nhập khẩu vào Việt Nam trong 5 tháng cũng chủ yếu nhập từ Trung Quốc, chiếm tỷ trọng tới 52%, với 6,43 tỷ USD.
Thứ tư là nhập khẩu điện thoại và linh kiện, Trung Quốc và Hàn Quốc vẫn là thị trường cung cấp chính cho Việt Nam với tổng trị giá hơn 8 tỉ USD, chiếm 91% tổng trị giá nhập khẩu của nhóm hàng này. Điển hình, nhập khẩu từ Hàn Quốc đạt 4,36 tỷ USD, tăng mạnh 35,7%; nhập khẩu từ Trung Quốc là gần 3,7 tỷ USD, tăng nhẹ 0,9%… so với cùng kỳ năm trước.
Việt Nam thể hiện mong muốn xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang Trung Quốc
Riêng đối với hoạt động nhập khẩu xăng dầu các loại, Tổng cục Hải quan cho biết 5 tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ thị trường Hàn Quốc, với sản lượng 1,74 triệu tấn, tăng hơn 107% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Brunei với sản lượng 329.000 tấn, tăng 201% so với cùng kỳ 2021. Trong khi đó, sản lượng nhập khẩu từ thị trường Malaysia và Singapore lại giảm ở mức gần 46% và gần 10% so với cùng kỳ 2021.
Tại họp báo thường kỳ hôm 16/6 vừa qua, Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam có nhiều tín hiệu khởi sắc.
Cụ thể, theo đại diện Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu tháng 5 tăng 18,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá tăng 16,7%. 5 tháng năm 2022. Đặc biệt, có 27 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, cao hơn 4 mặt hàng so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu khu vực kinh tế trong nước tăng cao hơn khu vực có vốn FDI, tăng 21,3% (khu vực FDI kể cả dầu thô tăng 15,1%) cho thấy sự phục hồi trở lại nhanh chóng của khu vực các doanh nghiệp trong nước và nối lại được các chuỗi cung ứng trên toàn cầu.
Xuất nhập khẩu “thăng hoa”, Nga tăng mua gạo và cao su của Việt Nam
Kim ngạch nhập khẩu 5 tháng tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó tăng cao ở nhóm hàng cần nhập khẩu là nguyên, vật liệu phục vụ sản xuất và xuất khẩu (tăng 16,5%), nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu tăng 4,4%. Cán cân thương mại hàng hóa 5 tháng tiếp tục xuất siêu, ước tính xuất siêu 434 triệu USD (cùng kỳ nhập siêu 1,24 tỷ USD – tương đồng với số liệu từ Tổng cục Hải quan).
Đối với thị trường trong nước, theo đại diện Bộ Công Thương, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 5/2022 tăng 22,6% là tháng thứ hai liên tiếp có tốc độ tăng trưởng ở mức trên hai con số. Tính chung 5 tháng, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 6,3% (cùng kỳ giảm 1%).
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 5 tháng đầu năm 2022 có quy mô cao hơn và đang dần bắt kịp tốc độ tăng của cùng kỳ các năm trước khi xảy ra dịch bệnh.

“Nhu cầu tiêu dùng đang dần trở lại khi nước ta mở cửa du lịch, thực hiện các biện pháp kích cầu, việc làm tăng trở lại, thu nhập gia tăng… Cân đối cung cầu các hàng hóa cơ bản, thiết yếu như: xăng dầu, phân bón, điện… cơ bản được đảm bảo”, - Thứ trưởng nhấn mạnh.

Samsung giảm sản lượng ảnh hưởng đến xuất khẩu Việt Nam

Mặc dù vậy, thời gian qua, các doanh nghiệp sản xuất gặp nhiều khó khăn do chi phí sản xuất tăng (giá vận tải, kho bãi, giá nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất vẫn ở mức cao khiến chi phí sản xuất của doanh nghiệp tăng).

“Một số nhóm hàng do các doanh nghiệp FDI sản xuất (Tập đoàn Samsung và Tập đoàn Electronic) giảm sản lượng sản xuất do nhu cầu thị trường suy giảm, đã ảnh hưởng đến tốc độ tăng của cả sản xuất công nghiệp và xuất khẩu trong tháng 5”, - Bộ Công Thương cho biết.

Hơn nữa, các biện pháp phong tỏa ở Trung Quốc để phòng chống dịch đã ảnh hưởng đến sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam như: làm giảm nhu cầu nhập khẩu hàng hóa; chậm trễ trong giao nhận hàng hóa; tình hình xuất khẩu hàng hóa qua biên giới đã được cải thiện hơn nhưng chưa ổn định, tình trạng hàng hóa nằm chờ tại khu vực cửa khẩu vẫn diễn ra do lượng xe đổ về nhiều và quá đông so với năng lực thông quan.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng thừa nhận, giá xăng dầu và các loại hàng hóa đầu vào vẫn ở mức cao cùng mức tăng với chi phí vận chuyển tiếp tục tạo thêm áp lực cho lạm phát.
Do đó, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, trong những tháng cuối năm, ngành Công Thương sẽ tiếp tục nỗ lực thực hiện các nghị quyết về phục hồi kinh tế, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bám sát tiến độ để sớm đưa vào vận hành các công trình dự án trọng điểm, có vai trò quan trọng trong lĩnh vực điện, dầu khí, công nghiệp chế biến, chế tạo... tạo giá trị gia tăng trong sản xuất công nghiệp; tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động kích cầu tiêu dùng nội địa, kết nối tiêu thụ hàng hóa, nông sản trên môi trường số, thương mại điện tử.
“Cất nóc nhà” Trung tâm R&D lớn nhất Đông Nam Á, Samsung giữ lời hứa với Việt Nam
Ngành Công Thương cũng tập trung hỗ trợ doanh nghiệp khai thác tốt các FTA đã ký kết để tăng tốc xuất khẩu và đẩy mạnh tiêu thụ trong nước; Rà soát, kiến nghị các giải pháp nhằm giảm các loại thuế, phí hoặc đề xuất các giải pháp nhằm hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng lớn trong trường hợp giá đầu vào của một số mặt hàng (xăng dầu, phân bón, thức ăn chăn nuôi…) tiếp tục tăng cao.
Bộ Công Thương cũng sẽ theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong điều hành giá để kiểm soát giá cả hàng hoá đầu vào, tăng cường kiểm tra, kiểm soát để ngăn chặn các hoả động găm hàng, đầu cơ, thao túng giá.
Bộ Công Thương cũng nêu rõ, các ngành sản xuất đã có sự phục hồi nhanh hơn trong tháng 5, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam tăng 3 điểm phần trăm (từ mức 51,7 điểm trong tháng 4 lên mức 54,7 điểm của tháng 5), cả sản lượng và số lượng đơn hàng mới đều tăng, tồn kho thành phẩm giảm.
Điều này cũng đã được phản ánh qua số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tăng tháng thứ hai liên tiếp tại thời điểm 1/5/2022 tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 4,4% so với năm trước. Còn lại, kinh tế vĩ mô ổn định, dịch COVID -19 cơ bản được kiểm soát, sự phục hồi kinh tế toàn cầu và triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách các thủ tục hành chính, quá trình chuyển đổi số đều có tác động tích cực đến Việt Nam.
Thảo luận