Chuyên gia dịch tễ học nêu 4 lý do tái xuất những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm
MOSKVA (Sputnik) - Tất cả mọi nguyên nhân khiến các căn bệnh nguy hiểm như bệnh đậu mùa khỉ, tả, than, bại liệt v.v. tái xuất đều liên quan đến các hoạt động của con người, các chuyên gia virus học và bệnh truyền nhiễm được Izvestia phỏng vấn cho biết.
SputnikĐây là bình luận của họ về tin tức liên quan đến những ca bệnh tả mới xuất hiện ở tỉnh Toledo của Tây Ban Nha và bệnh than ở vùng Stavropol của Nga trong những ngày gần đây.
“Tất cả các bệnh truyền nhiễm này đều thuộc diện có khả năng tái phát, lý do khiến chúng tái phát định kỳ là sự phát triển không ngừng của các tác nhân gây bệnh”, - bà Tatyana Kogut, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại cơ quan cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh từ xa Doctis cho biết.
“Các loại virus mới hiện nay xuất hiện thường xuyên hơn. Đặc tính của các mầm bệnh khoa học đã biết luôn biến đổi. Khả năng đối phó với thuốc kháng virus và kháng khuẩn của chúng cũng khác trước. Chủ yếu là biến đổi kiểu gen và đặc tính của vi khuẩn. Chính vì vậy mà những căn bệnh do chúng gây ra cũng ngày càng thay đổi đa dạng hơn”, - bác sĩ giải thích.
Nguyên nhân thứ hai là tình trạng dân di cư gia tăng đáng kể trong thập niên gần đây. Đó cũng là một phần nguyên nhân khiến nhiều căn bệnh truyền nhiễm từ châu Phi du nhập sang châu Âu, chuyên gia miễn dịch học Vladislav Zhemchugov cho biết.
Nguyên nhân thứ ba là sự biến đổi cơ cấu các bệnh truyền nhiễm và sự tiến hóa của nhân loại.
“Số người bị suy giảm khả năng miễn dịch không ngừng tăng lên - cả do bệnh nhân nhiễm HIV, do người phải ghép tạng và do ảnh hưởng của các yếu tố môi trường”, - bà Tatyana Kogut giải thích.
Yếu tố quan trọng thứ tư được các chuyên gia liêt kê là những thay đổi về môi trường. Ví dụ, việc ngày càng có nhiều các cơn bão nhiệt đới cũng có tác động khiến
những căn bệnh do muỗi lây truyền bùng phát thành những đợt dịch mới, bà Tatyana Kogut cho biết.
“Hay những trường hợp bệnh than. Thời tiết nóng bất thường ở Yamal vào năm 2016 đã khiến một phần lớp băng vĩnh cửu tan chảy, từ đó kích hoạt mầm bệnh bị đóng băng lâu năm trong các khu chôn thải gia súc”, - chuyên gia lưu ý.
Những xáo động về điều kiện sinh thái - biến đổi khí hậu, nạn phá rừng ồ ạt và cháy rừng nghiêm trọng ở các khu rừng tự nhiên - khiến vi sinh vật biến đổi nhanh hơn để thích nghi với môi trường, ông Vladislav Zhemchugov nhấn mạnh.