Chính phủ Nepal đã từ chối đối tác với Hoa Kỳ trong lĩnh vực an ninh. Kathmandu đã thông qua quyết định không thúc đẩy chương trình đối tác nhà nước của chính phủ Hoa Kỳ trước thềm chuyến thăm tới Washington của Thủ tướng Sher Bahadur Deuba vào giữa tháng Bảy. Ông sẽ được tháp tùng bởi các quan chức quân đội cấp cao, bao gồm Tham mưu trưởng quân đội Nepal, Tướng Prabhu Ram Sharma.
Tờ The Kathmandu Post ghi nhận rằng, chính quyền của ông Deuba đã phải chịu áp lực lớn do những bất đồng với Mỹ liên quan đến việc Nepal tham gia chương trình của Hoa Kỳ. Các nhà phê bình đã kêu gọi chấm dứt quan hệ đối tác của Nepal với chương trình này vì nó đe dọa chủ quyền của đất nước. Đồng thời, không chỉ Đảng Cộng sản – đảng đối lập chính của Nepal, mà cả Đảng Quốc đại Nepal do chính Thủ tướng đứng đầu, đều lên tiếng phản đối việc nhận "món quà" từ Hoa Kỳ.
Nepal đã hai lần nộp đơn đăng ký tham gia chương trình do Vệ binh Quốc gia Hoa Kỳ điều hành - vào năm 2015 và năm 2017. Mỹ đã ủng hộ yêu cầu của Nepal vào năm 2019. Như đã dự kiến, Mỹ sẽ chính thức khởi động chương trình này trong thời gian chuyến thăm Washington của Thủ tướng Nepal. Cơ sở cho việc này được chuẩn bị bởi Tư lệnh Lục quân Mỹ tại Thái Bình Dương, Tướng Charles Flynn. Vào đầu tháng Sáu, Tướng Charles Flynn đã có chuyến thăm 4 ngày tới Nepal.
Phe đối lập cảnh giác cao độ
Trong khi đó, sự xuất hiện của một tướng Mỹ đã khiến phe đối lập cảnh giác cao độ trước sự phát triển của mối quan hệ quân sự giữa Nepal và Hoa Kỳ. Khi đó, ông Giriraj Mani Pokhrel, cựu Bộ trưởng Giáo dục và là nghị sĩ Quốc hội Nepal đại diện Đảng Cộng sản Nepal, đã yêu cầu chính phủ thông báo cho Quốc hội về mục tiêu và chương trình nghị sự của các cuộc tiếp xúc quân sự với Hoa Kỳ. Ngay sau đó, Bộ trưởng Nội vụ Bal Krishna Khand cho biết rằng, chính phủ không có ý định ký kết thỏa thuận về chương trình đối tác trong thời gian chuyến thăm sắp tới của Thủ tướng tới Hoa Kỳ. Về mặt chính thức, chương trình đối tác quy định việc trao đổi thông qua Vệ binh Quốc gia Hoa Kỳ trong quá trình Hoa Kỳ ứng phó với thiên tai - động đất, lũ lụt và cháy rừng ở các nước đối tác.
Tuy nhiên, các nhà phê bình ở Nepal lo ngại rằng, Mỹ có thể can thiệp vào công việc nội bộ dưới chiêu bài của chương trình này, họ cho rằng, việc tham gia chương trình này tương đương với việc Nepal ký kết kế hoạch Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ.
Trong cuộc phỏng vấn của Sputnik, Giáo sư Boris Volkhonsky tại Viện nghiên cứu Á - Phi thuộc Đại học Tổng hợp Quốc gia Moskva, bình luận về vụ bê bối trong quan hệ Nepal-Mỹ:
“Hoa Kỳ lại gặp thất bại trong chính sách đối ngoại nhằm mở rộng sự hiện diện chiến lược của mình ở Nam Á. Quyết định của Nepal phần lớn là do các yếu tố chính sách đối ngoại. Kathmandu không muốn làm hỏng quan hệ với Trung Quốc, quốc gia có quan hệ chính trị khá bền chặt với Nepal. Trung Quốc có ảnh hưởng khá lớn đến nền chính trị của Nepal. Đương nhiên, Trung Quốc hoan nghênh quyết định của Nepal và ủng hộ chính sách ngoại giao độc lập và không liên kết của nước này. Trung Quốc cũng đã tuyên bố sẵn sàng làm việc với Nepal để duy trì an ninh và ổn định trong khu vực”.
Hôm thứ Năm, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân (Wang Wenbin) đã lên tiếng hoan nghênh quyết định của Nepal. Ông đảm bảo rằng, Trung Quốc sẽ luôn ủng hộ Nepal trong việc bảo vệ chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của nước này.
Nepal đã từ chối các dịch vụ của Mỹ trong lĩnh vực an ninh. Quốc gia này sẽ xây dựng hệ thống an ninh trong điều kiện mới mà không có sự can thiệp từ bên ngoài, vẫn xuất phát từ lợi ích quốc gia. Trên thực tế, Nepal thoát khỏi cái bẫy mà Hoa Kỳ có thể giăng ra. Họ đã ngăn ngừa nguy cơ bị đẩy vào cuộc đối đầu với Trung Quốc, đã ngăn chặn khả năng sử dụng lãnh thổ Nepal cho các hoạt động chống Trung Quốc. Điều này sẽ củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống với Trung Quốc và rõ ràng sẽ góp phần đảm bảo sự ổn định ở Nam Á.