Việt Nam: Căn cước công dân gắn chip sẽ có cả dữ liệu ADN, giọng nói?

Bộ Công an Việt Nam muốn thu thập dữ liệu sinh trắc học, ADN, giọng nói vào căn cước công dân gắn chip.
Sputnik
Theo đó, Bộ Công an vừa có dự thảo báo cáo tổng kết và đánh giá tác động của chính sách về căn cước công dân (CCCD). Trong đó đề xuất nhiều quy định mới liên quan đến làm thẻ căn cước công dân (CCCD).

CCCD còn bất cập, vì sao?

Trong dự thảo, Bộ Công an thông tin về những kết quả thi hành Luật Căn cước công dân, đồng thời chỉ ra những bất cập và đề xuất nhiều quy định mới.
Báo cáo Tổng kết Luật Căn cước công dân cho biết, hiện nay công dân có nhiều loại giấy tờ tùy thân khác nhau như thẻ Căn cước công dân, thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy khai sinh, giấy phép lái xe, thẻ học sinh, sinh viên, thẻ hội viên, thẻ hành nghề...
Do đó, nhằm đáp ứng các mục tiêu phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, phục vụ công dân số, phát triển kinh tế, xã hội và hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư, Bộ Công an đã hoàn thành Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Căn cước công dân (sửa đổi) để lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Theo Bộ Công an đánh giá, việc có quá nhiều loại giấy tờ khác nhau được cơ quan có thẩm quyền cấp gây ra khó khăn nhất định cho công dân trong lưu trữ, sử dụng, nhất là trong thực hiện các thủ tục hành chính, các tiện ích, dịch vụ công. Điều này cũng không phù hợp với xu hướng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý nhà nước, hoạt động xã hội đang ngày càng phát triển ở nước ta.
Các quy định của Luật Căn cước công dân về việc quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu Căn cước công dân còn chưa được đầy đủ, bao quát, chủ yếu được quy định ở các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành luật.

“Đây là vấn đề lớn, tác động rộng rãi đến nhiều chủ thể khác nhau bao gồm các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức, doanh nghiệp được giao thực hiện một số dịch vụ công và tổ chức, cá nhân khác, nên cần được luật hóa”, - Bộ Công an lý giải.

Theo cơ quan soạn thảo, Luật Căn cước công dân là văn bản quan trọng quy định về quản lý, định danh một công dân cụ thể nhưng hiện nay mới chỉ tập trung vào việc quản lý công dân qua Cơ sở dữ liệu căn cước công dân... chưa bảo đảm, bảo vệ được quyền, lợi ích chính đáng của công dân trên môi trường điện tử.
Vì vậy, trên cơ sở rà soát Luật Căn cước công dân, Bộ Công an đề xuất hướng sửa đổi, bổ sung Luật Căn cước công dân với nhiều nội dung đáng chú ý.
Tổng đài Bộ Công an ‘cháy máy’ giải đáp về CCCD gắn chip

Cấp căn cước cho cả người không quốc tịch

Thứ nhất, Bộ Công an đề xuất bổ sung quy định về việc tích hợp một số thông tin khác của công dân (ngoài thông tin về căn cước công dân) vào thẻ Căn cước công dân và thay thế việc sử dụng một số loại giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp chứa thông tin đã được tích hợp.
Bộ Công an cũng đề xuất bổ sung quy định về nguyên tắc, trình tự, thủ tục để thu thập, tích hợp thông tin; bổ sung quy định về hình thức tích hợp, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến việc thực hiện tích hợp thông tin; bổ sung quy định về loại thông tin được tích hợp...
Thứ hai, chỉnh lý quy định về Cơ sở dữ liệu căn cước công dân và bổ sung các nhóm thông tin vào trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân, theo đó bổ sung một số nhóm thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư gồm: thông tin về số chứng minh nhân dân của công dân, ngày cấp, nơi cấp; người giám hộ, người được giám hộ; thông tin về diện chính sách.

“Đặc biệt, thông tin về người không quốc tịch nhưng đã sinh sống ổn định, lâu dài tại Việt Nam (người gốc Việt Nam được sinh ra tại Việt Nam hoặc người gốc Việt Nam được sinh ra tại nước ngoài nhưng đã trở về Việt Nam sinh sống liên tục từ 5 năm trở lên)”, - Bộ Công an nhấn mạnh.

Việt Nam cấp cả CCCD cho trẻ dưới 14 tuổi?

Đề xuất thứ ba, theo Bộ Công an là bổ sung quy định cấp thẻ Căn cước công dân cho công dân là trẻ em dưới 14 tuổi (hiện có khoảng 20 triệu người).
Bộ đề nghị bổ sung quy định giải quyết vướng mắc trong cấp thẻ Căn cước công dân cho người không có nơi thường trú, không đầy đủ một số thông tin cá nhân khác như ngày, tháng sinh, quê quán (theo 3 cấp hành chính), có thông tin kê khai về dân tộc, tôn giáo khác không nằm trong danh mục quy định của cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành.
Bộ Công an nhấn mạnh, việc cấp CCCD cho công dân dưới 14 tuổi là phù hợp với quy định pháp luật về xuất nhập cảnh và các quy định pháp luật khác có liên quan. Thực tế nhiều nước trên thế giới cũng quy định tương tự về vấn đề này như Thái Lan, Malaysia, Đức, Argentina, Bỉ, Bồ Đào Nha.
Nếu đề xuất trên được áp dụng, theo Bộ Công an, quy định mới sẽ giúp giảm thiểu được giấy tờ, thủ tục hành chính đối với công dân dưới 14 tuổi được cấp CCCD và có cơ sở để cung cấp, giải quyết một số thủ tục hành chính liên quan đến người không quốc tịch nhưng đã sinh sống ổn định, lâu dài tại Việt Nam.
Như đã đề cập, Bộ Công an cũng hướng đến việc bổ sung quy định về cấp giấy chứng nhận căn cước cho người không quốc tịch nhưng đã sinh sống ổn định, lâu dài tại Việt Nam.
Thứ tư, Bộ Công an muốn hoàn thiện quy định về quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân; định danh điện tử; cấp, hủy số định danh của cá nhân; quy định về việc sử dụng thống nhất thẻ Căn cước công dân và việc hạn chế phát sinh thủ tục hành chính có liên quan...
Quy định mới nhất của Bộ Công an về cấp căn cước công dân (CCCD) và thu hồi CMND cũ

Bổ sung thông tin ADN, giọng nói vào căn cước công dân?

Đặc biệt, Bộ Công an đề xuất chỉnh lý tên gọi cơ sở dữ liệu CCCD thành cơ sở dữ liệu căn cước.
Đáng chú ý, Bộ Công an cũng đề xuất thêm thông tin sinh trắc học gồm mống mắt, ADN, giọng nói của công dân để bổ sung vào chip điện tử gắn trên Căn cước công dân (CCCD).

“Đồng thời bổ sung một số nhóm thông tin vào cơ sở dữ liệu căn cước gồm: Thông tin sinh trắc học (mống mắt, ADN, giọng nói), thông tin về người không quốc tịch nhưng đã sinh sống ổn định tại Việt Nam, tài khoản định danh điện tử”, - Bộ Công an nhấn mạnh.

Theo lập luận của Bộ Công an, nếu thực hiện những đề xuất trên, cơ quan quản lý nhà nước không phải thực hiện các hoạt động điều tra, thu thập thông tin của công dân và người không quốc tịch nhưng sinh sống ổn định, lâu dài tại Việt Nam một cách đơn lẻ, giảm nhân lực và đầu mối cần bố trí để quản lý thông tin cá nhân.
Ngoài ra, thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu CCCD sẽ được làm giàu thêm, phát huy giá trị trong việc xác thực thông tin cá nhân; thực hiện công tác thống kê, phân tích, dự báo, thiết lập bản đồ số dân cư…
Đối với cá nhân, công dân và người không quốc tịch nhưng sinh sống ổn định, lâu dài tại Việt Nam sẽ không phải kê khai nhiều lần, làm việc với nhiều cơ quan khác nhau để cung cấp thông tin, theo Bộ Công an, điều này, thuận lợi trong việc khai thác, sử dụng thông tin mình đã cung cấp vì dữ liệu này đã có tập trung ở Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước.
Bộ Công an Việt Nam cũng đặt mục tiêu chip trên CCCD sẽ tích hợp các trường dữ liệu gồm: Thông tin tiêm chủng, xét nghiệm, giấy phép lái xe, đăng ký xe; từng bước thay thế giấy tờ khi giao dịch hành chính về dịch vụ cư trú, CCCD, thương mại điện tử, thanh toán điện tử, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, hộ chiếu..
TP.HCM đặt mục tiêu cấp khoảng 3,5 triệu thẻ CCCD gắn chip điện tử
Cơ quan soạn thảo cho biết, toàn văn dự thảo được đăng trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an để lấy ý kiến đóng góp từ 23/6 đến 23/7.
Thảo luận